Vàng "nhiếp chính" trong nền kinh tế đương đại?
Trong những năm gần đây, giá vàng tăng chóng mặt, với mức khoảng 20 - 25%/năm. Sự tăng giá nhanh và bền vững của vàng thế giới là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước của Việt Nam tăng theo.
![]() |
(Nguồn: http://www.kitco.com/) |
Sự tăng giá mạnh mẽ và liên tục của vàng trong thời gian dài vừa qua cho thấy, hình như vàng đang quay lại “chấp chính” với tư cách là tiền. Rõ ràng, sự tăng giá của vàng trên thế giới cũng như trong nước về cơ bản không phải do sự tăng lên từ cầu tiêu dùng thực của vàng phục vụ cho một số ngành công nghiệp chế tạo hay làm đồ trang sức, trang trí, mà vàng chủ yếu được mua để cất trữ và đầu cơ hưởng chênh lệch giá. Nói cách khác, tư duy “vàng là ông hoàng của mọi loại tiền” lại trỗi dậy. Tư duy này đã tạo ra một lượng cầu vô tận về vàng, trong khi nguồn cung lại không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm. Vì thế, sự tăng giá nhanh và liên tục của vàng là điều thật dễ hiểu.
Những hệ lụy của vàng tăng giá
Khi vàng tăng giá mạnh và liên tục sẽ gây ra hệ lụy cho nhiều phía.
- Thị trường vàng kém sôi động hoặc thậm chí đóng băng khi giá vàng tăng mạnh và liên tục: Lúc này, trên thị trường vàng thực chất có hai loại: “vàng – hàng” và “vàng - tiền”. “Vàng - hàng” chủ yếu là những đồ trang sức, mỹ nghệ… bằng vàng hoặc vàng nguyên liệu cho một số ngành sản xuất. Giá vàng tăng sẽ làm cho cầu thực của loại hàng này giảm, dẫn tới không có nhiều giao dịch mua bán, sức tiêu thụ các sản phẩm vàng bạc đá quý sẽ bị suy giảm, không thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vàng và các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vàng bạc đá quý. Còn “vàng - tiền” (vàng “cây”, “chỉ”…) sức mua sẽ biến động theo sự phân tích của những nhà đầu tư, mà thực chất là đầu cơ, chờ hưởng chênh lệch giá.
- Ngân hàng khó cho vay vàng: Theo số liệu thống kê, vốn huy động tiết kiệm bằng vàng của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đạt mức trên dưới 95.000 tỉ đồng (khoảng 115 tấn vàng hoặc 4,8 tỉ USD). Nếu giá vàng tăng, người dân và doanh nghiệp sẽ không dám vay vàng, vì lo ngại bị “thiệt hại kép” khi đến ngày đáo hạn trả nợ vay (vừa trả lãi suất vay vàng, vừa bù lỗ mức chênh lệch giá vàng). Nếu các ngân hàng huy động vàng mà không cho vay được, kênh tín dụng bằng vàng sẽ bị tắc nghẽn, gây lãng phí cho nguồn vốn vàng không sử dụng được.
- Xuất hiện tâm lý đầu cơ, tích trữ vàng: Giá vàng tăng mạnh, người dân sẽ rút tiền đồng mua vàng tích trữ để kỳ vọng kiếm lời chênh lệch giá hay cất trữ tiền cho an toàn, thay vì gửi tiền đồng vào các ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích sức tăng trưởng kinh tế. Mặc dù chưa có một điều tra chính thức, song theo ghi nhận của các hiệu kinh doanh vàng, khi vàng tăng giá mạnh thì lượng người mua vàng miếng (vàng - tiền) là chủ yếu. Theo “Diễn đàn kinh tế Việt Nam” ngày 3-11-2010, dự báo của một số nhà kinh tế cho biết, lượng vàng cất trữ trong dân ở Việt Nam hiện nay có thể lên tới 800 tấn.
- Rủi ro tín dụng bằng vàng: Với các hợp đồng tín dụng bằng vàng đã được giải ngân, nếu giá vàng biến động mạnh theo xu hướng tăng, rủi ro đối với các ngân hàng là tài sản đảm bảo của người đi vay sẽ không đủ bù đắp, còn rủi ro đối với người đi vay là tổng chi phí vay tăng lên do bù lỗ giá vàng.
- Ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Theo phương pháp tính chỉ số CPI của Tổng cục thống kê cho giai đoạn 5 năm 2009 - 2014 trên toàn quốc, hiện tại vàng không được tính trong 572 nhóm hàng và dịch vụ (hay còn gọi là “rổ hàng hóa”) để tính CPI. Tuy vậy, vàng tăng giá cũng sẽ tác động gián tiếp đến chỉ số CPI. Ví dụ, khi giá vàng tăng, các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất, chế tác các dòng sản phẩm có liên quan đến vàng hoặc ngành vàng bạc đá quý sẽ tăng theo, dẫn đến giá bán tăng đối với nhóm hàng hóa này. Khi giá bán các sản phẩm kim loại quý tăng, các sản phẩm này sẽ tác động gián tiếp đến rổ 572 nhóm hàng và dịch vụ chính thức nói trên.
- Ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Khi giá vàng tăng gây ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ số CPI tăng, những dấu hiệu về lạm phát sẽ xuất hiện. Nếu tỷ lệ lạm phát không dao động trong vùng kiểm soát theo kỳ vọng chung của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xem xét thực thi một số giải pháp như điều chỉnh lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, và điều tiết tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.
- Ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi giá vàng tăng với mức sinh lợi kỳ vọng hấp dẫn, các công ty chứng khoán một mặt vừa chú tâm theo dõi diễn biến của thị trường vàng, mặt khác vừa lo ngại một số nhà đầu tư chứng khoán sẽ dịch chuyển danh mục đầu tư sang vàng. Nếu nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang vàng, thị trường chứng khoán sẽ thiếu tính thanh khoản, ảnh hưởng đến sự phục hồi và sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
- Ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Theo tập quán truyền thống từ lâu đời, người dân Việt Nam có thói quen sử dụng vàng để định giá nhà đất hoặc bất động sản. Giá vàng tăng, dẫn đến giá trị nhà đất, bất động sản tăng theo, khiến các nhà đầu tư ngại mua bán nhà đất/bất động sản do sợ rủi ro giá vàng đảo chiều. Điều này có thể sẽ làm cho thị trường bất động sản kém sôi động hoặc thậm chí tắc nghẽn.
Giải pháp ổn định giá vàng
Xuất phát từ những phân tích nguyên nhân của tăng giá vàng như trên, giải pháp ổn định giá vàng được đưa ra như sau:
Một là, giải pháp cơ bản và lâu dài là phải giữ được sự ổn định của đồng tiền các quốc gia, nhất là các đồng tiền mạnh, có khả năng chuyển đổi lớn.
Hầu hết đồng tiền của các quốc gia trên thế giới hiện nay là tiền dấu hiệu, về mặt pháp lý là được đảm bảo bằng pháp luật. Tuy vậy, niềm tin của xã hội, của dân chúng vào những đồng tiền này nếu chỉ mới dừng lại ở cơ sở pháp lý là chưa đủ, mà quan trọng hơn là ở chính sức mua của chúng. Đồng tiền ổn định tức là sức mua của chúng được giữ ổn định (cố định hoặc biến động trong một biên độ dao động nhỏ) trong một thời gian dài. Khi đồng tiền có sức mua ổn định, lâu dài, lòng tin đối với chúng sẽ nhanh chóng được thiết lập. Từ đó, người ta không cần phải tìm kiếm hay nghĩ tới một cái gì khác để thay thế những đồng tiền, kể cả đó là vàng, vì suy cho cùng, người ta cần tiền chủ yếu nhất là để thực hiện hai chức năng, thước đo giá trị và phương tiện trao đổi, thì chính các đồng tiền dấu hiệu lại là những phương tiện luôn thực hiện tốt nhất hai chức năng này.
Hai là, trước mắt và kể cả trong dài hạn, đã đến lúc cần đưa vàng ra khỏi thế giới tiền tệ, trả lại vị trí vốn có của nó.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Rô-bớt Dô-e-lich (Robert Zoellick) phát biểu trên “Thời báo Tài chính” (Financial Times) (Anh) ra ngày 8-11 cho rằng: nên kết thúc việc lấy USD làm mỏ neo cho tiền tệ của các nước. Theo ông Rô-bớt Dô-e-lich, việc áp dụng chế độ bản vị vàng sẽ góp phần trang bị lại nền kinh tế thế giới trong thời điểm căng thẳng tỷ giá và chính sách tiền tệ của Mỹ. Phát biểu của ông Rô-bớt Dô-e-lich được đưa ra trước dư luận lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ do các nước đua nhau giữ đồng nội tệ yếu để tìm kiếm lợi thế xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm.
Về phạm vi quốc tế: Thực tế mấy chục năm qua cho thấy, các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ của nhiều quốc gia chủ yếu phát huy vai trò tiền tệ của vàng với chức năng chính là để cất trữ. Trên toàn cầu, hàng trăm ngàn tấn vàng dưới dạng vàng thoi đã phải thực hiện giấc ngủ dài tại các kho dự trữ kiên cố, được bảo vệ cẩn mật và có lẽ suốt đời sẽ nằm yên tại đó. Vậy, việc tiếp tục nạp thêm vàng vào các kho dự trữ như thế để cho giá vàng cứ tăng lên chóng mặt và góp phần không nhỏ làm rối loạn kinh tế thế giới thì liệu có xứng đáng? Phải chăng, đã đến lúc, các nhà khoa học và các nhà quản lý, các chính phủ và các tổ chức quốc tế cần có cái nhìn đúng hơn về vị thế của vàng trong nền kinh tế đương đại, trả lại đúng nghĩa tư cách cho vàng là một loại hàng hóa với những công dụng vốn có, thu về cái áo “tiền tệ” mà nhân loại đã nhờ nó mang trong suốt nhiều ngàn năm qua. Từ những tư duy đó, những cam kết quốc tế mới được ra đời để làm lành mạnh hệ thống tiền tế quốc tế trong nền kinh tế hiện đại không có sự hiện diện của vàng.
Ý tưởng đưa vàng ra khỏi thế giới tiền tệ trong nền kinh tế đương đại đã được đưa ra tại một vài diễn đàn trong thời gian gần đây. Các ý kiến phản hồi khá nhiều chiều, có ý kiến cho là hợp lý, ý kiến khác lại nói rằng không thể được, hoặc phải tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu thêm.
Có một vĩ nhân đã từng nói: “Người đi nhiều thành lối mòn”. Trong khoa học kinh tế, rất nhiều vấn đề khá linh ứng với quy luật này. Ý tưởng trên chưa nhận được sự đồng tình cao là điều khá dễ hiểu. Tuy thế, giá vàng thế giới và trong nước đang tăng lên từng ngày, từng giờ… một cách vô lý và kỳ cục, chúng ta phải làm gì đó nhiều hơn nữa trước động thái không bình thường này./.
Vàng “nhiếp chính” trong nền kinh tế đương đại? (12/11/2010)
Cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu (12/11/2010)
- Kiên định đường lối đổi mới, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hướng tới xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững
- Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững
- Bộ đội Biên phòng với các giải pháp đột phá để xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Đổi mới tư duy pháp lý về an ninh mạng trong kỷ nguyên mới
- Thành phố Đà Nẵng phát huy tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiên phong, đột phá, phát huy vai trò trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
-
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay