TCCSĐT - Mặc dù từ năm 1996, Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười không còn được tổ chức ở Nga theo nghi thức nhà nước, nhưng một ngày lễ khác trùng hợp với ngày 7-11 vẫn được coi là một trong những “Ngày vinh quang chiến đấu của nước Nga” dưới tên gọi là “Ngày kỷ niệm cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ 7-11-1941”.

Từ năm 1917 đến năm 1995, ở Liên Xô và sau này là Nga, vào ngày 7-11 hằng năm, ở thủ đô Mát-xcơ-va và nhiều nơi khác, Lễ kỷ niệm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại được tổ chức rất trọng thể và ngày đó được coi đó là một trong những ngày hội quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất. Hằng năm, ngày 7-11 và ngày 8-11 tiếp sau đó, người lao động Liên Xô và Nga được nghỉ làm việc. Từ năm 1996, sau khi Liên Xô tan rã, thay vào đó, dịp kỷ niệm Ngày Thống nhất (4-11), người lao động được nghỉ làm việc.

Những năm gần đây, ngày 7-11 vẫn là một trong những ngày kỷ niệm của Liên bang Nga và vẫn được gọi chung là “Ngày vinh quang chiến đấu của nước Nga” dưới tên gọi là “Ngày kỷ niệm cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 1941”.

Ngày 7-11năm nay, tại nhiều nơi ở Nga, những người cộng sản tiến hành các hoạt động mít tinh và biểu tình quần chúng để kỷ niệm ngày Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Nội dung chính của những cuộc mít tinh này là nhằm bảo vệ lịch sử Liên Xô, chính quyền Xô-viết mà nhân dân đã tự mình giành được, với những biểu ngữ mà các đảng viên cộng sản Nga nêu cao khi xuống đường như “Phục hưng chính quyền Xô-viết nhân dân”, “Lối thoát ra khỏi khủng hoảng là chủ nghĩa xã hội ”, “Cách mạng, Lênin, chủ nghĩa xã hội vẫn luôn bên ta”, “Nhiệt liệt chào mừng nước Nga Xô-viết xã hội chủ nghĩa”, v.v.

Đặc biệt ấn tượng là cuộc Diễu hành kỷ niệm 68 năm Lễ duyệt binh lịch sử (7-11-1941 - 7-11-2009) được tổ chức trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mát-xcơ-va. Tham gia Diễu hành có hơn bốn nghìn người, chủ yếu là các cựu chiến binh trở về từ cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trong đó có cả các cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7-11-1941. Lúc này, họ đã là những người thuộc vào hạng tuổi “thất thập cổ lai hy” nên chỉ đứng trên Quảng trường Đỏ để ngắm nhìn cảnh tượng của buổi Diễu hành kỷ niệm. Trực tiếp thực hiện cuộc Diễu hành kỷ niệm ngày 7-11 là bốn nghìn thanh niên thuộc các câu lạc bộ và các tổ chức giáo dục quân sự - yêu nước, các đội cứu hộ, cứu nạn và học viên Trường Quân nhạc Mát-xcơ-va. Tham gia buổi Diễu hành còn có những loại vũ khí đã từng lập chiến công thần kỳ trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại như xe tăng T-34... Trên tháp xe nổi bật các dòng chữ lớn “Chiến đấu vì Tổ Quốc!”, “Chiến đấu vì Mát-xcơ-va!”. Những thanh niên tham gia duyệt binh mang quân phục của Hồng Quân Liên Xô trong những năm chiến tranh, trong đó có quân phục áo trắng của các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ đã từng dùng xe và bàn trượt tuyết vượt qua hàng nghìn dặm để giáng nhiều đòn tiến công “điểm huyệt” vào hậu phương địch. Có thể thấy, cuộc Diễu hành kỷ niệm 68 năm Lễ duyệt binh lịch sử được tổ chức trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mát-xcơ-va ngày 7-11-2009 đã góp phần tạo ra cú huých khơi dậy tinh thần yêu nước trong bối cảnh nước Nga đang vật lộn với những khó khăn trong cuộc mưu sinh nhằm giành lại vị thế đã mất của một cường quốc lớn./.