Toàn cảnh Hội nghị COP15 tại Trung tâm Bella ở Copenhagen.
Ảnh: Reuters.
Ngày 7-12, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP15) đã khai mạc tại Trung tâm Bella ở Thủ đô Copenhagen của Ðan Mạch, với sự tham dự của khoảng 15 nghìn đại biểu là các quan chức chính phủ của 192 nước thành viên LHQ, đại diện các tổ chức quốc tế và nhà báo.

Thủ tướng Ðan Mạch L. Rasmussen phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị. Khoảng sáu nghìn cảnh sát bảo đảm an ninh cho hội nghị có quy mô lớn nhất toàn cầu từ trước tới nay.

Theo chương trình, Hội nghị kéo dài đến ngày 18-12 tới; tại phiên bế mạc sẽ có 110 người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước tham dự. Ông Yvo de Boer, quan chức hàng đầu của LHQ về biến đổi khí hậu, cho biết, các nước đã thể hiện sự đoàn kết và nhượng bộ chưa từng có trong 17 năm đàm phán về chống biến đổi khí hậu. Dư luận hy vọng, tại Hội nghị COP15 các nước sẽ đạt được thỏa thuận đột phá, mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu, thay Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Trong khi đó, tại Copenhagen và nhiều thành phố trên thế giới, công luận tiếp tục gây sức ép thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hành động mạnh mẽ và kiên quyết hơn để bảo vệ môi trường thế giới. Ngày 7-12, các tờ báo lớn và có uy tín ở 45 quốc gia trên thế giới đồng loạt đăng bài xã luận bằng 20 ngôn ngữ, yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới "có sự lựa chọn đúng đắn" nhằm đối phó biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun đã phát biểu ý kiến trên Ðài Truyền hình Pháp, kêu gọi Hội nghị COP15 đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ và quan trọng, có thể làm cơ sở cho một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý. Nam Phi thông báo cắt giảm 34% lượng khí CO2 trong mười năm tới, so mức năm 1990 và có thể nâng tỷ lệ này lên 42% vào năm 2025. EU cam kết hỗ trợ từ một đến ba tỉ ơ-rô trong ba năm tới giúp các nước nghèo đối phó những tác động từ biến đổi khí hậu. Nhiều tổ chức, công ty cũng đã có những hành động thiết thực báo động về thực trạng biến đổi khí hậu. Công ty GlobeScan công bố kết quả cuộc khảo sát mới đây, được tiến hành ở 23 nước trên thế giới, bao gồm nhiều nước công nghiệp phát triển, cho thấy 64% người dân ở những nước này cho rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề rất nghiêm trọng. Tổ chức bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh đưa tàu thám hiểm nổi tiếng Arctic Sunrise tới cảng chính ở Copenhagen với khẩu hiệu "Khí hậu là tương lai của chúng ta và phụ thuộc vào quyết định của các nhà lãnh đạo thế giới". Diễn đàn khí hậu tự phát đã được tổ chức bên cạnh Hội nghị COP15, dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 10.000 người mỗi ngày.../.