Hành lang kinh tế Đông - Tây - bước quan trọng hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN
Thuật ngữ Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)[1] được chính thức sử dụng lần đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), tổ chức tại Ma-ni-la (Phi-lip-pin) tháng 10 năm 1998 và đây cũng là tên một dự án được Hội nghị cấp cao ASEAN VI họp tại Hà Nội tháng 12-1998 chính thức đưa vào Chương trình Hành động Hà Nội thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Với ý tưởng: “Ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đến nay đã trở thành hiện thực [2]. EWEC là một trong 5 dự án hành lang kinh tế được ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế 4 nước Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam.
EWEC là hình thức có cấp độ thấp hơn so với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), EWEC chỉ bao gồm 13 tỉnh thuộc 4 nước: Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam chứ không bao gồm thực thể của cả 4 quốc gia; các thành viên EWEC duy trì quan hệ thương mại và đầu tư với thị trường bên ngoài khu vực; không có những chính sách chung đồng nhất, nhưng gián tiếp cắt giảm các biện pháp thuế quan và phi quan thuế tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự do hoá thương mại, đầu tư, giao thông, nhập cư; thúc đẩy sự phát triển tại khu vực biên giới của các nước thành viên... tạo tiền đề hướng tới 4 quyền tự do của AEC là: hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề vào năm 2015. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi trình bày vấn đề EWEC - Bước quan trọng hướng tới AEC với các nội dung chủ yếu sau:
1. Đặc điểm của EWEC
EWEC là tuyến hành lang dài 1.450 km, đi qua 4 quốc gia, bắt đầu từ thành phố cảng Ma-lam-ông (Mawlamyine), bang Mon, đến cửa khẩu Mu-vang-du (Myawaddy), bang Kayin, thuộc biên giới Mi-an-ma - Thái Lan. Ở Thái Lan, bắt đầu từ Ma Sốt (Mae Sot), chạy qua 7 tỉnh: Ta-ca (Tak), Su-kho-thai (Sukhothai), Ka-la-xin (Kalasin), Phi-sa-nu-lốc (Phitsanulok), Khôn Ca-en (Khon Kaen), Y-so-thơm (Yasothon) và Múc-đa-han (Mukdahan). Ở Lào, chạy từ tỉnh Sa-va-na-khét (Savannakhet) đến cửa khẩu Đan-sa-vang (Dansavanh) và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh, thành Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. EWEC đa dạng về địa hình, khí hậu, có đồng bằng ven biển Ma-lam-ông (My-an-ma), miền đất thấp và nhiều đồi núi phía Bắc Thái Lan, vùng đồng bằng ẩm ướt, rừng và cây bụi lúp xúp Sa-va-na-khét (Lào) và vùng đồi núi trung du miền Trung Việt Nam.
Nòng cốt của EWEC là tuyến đường bộ từ Ma-lam-ông đến Đà Nẵng. Đây là tập hợp các giao điểm của các trục Bắc - Nam, gồm: Y-ăng-gun - Ma-đa-lay - Chiềng-mai - Băng-cốc - Viêng-chăn - Sa-va-na-khét - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung kết cấu hạ tầng của EWEC còn yếu, đường thuỷ, hàng không, điện nước, các dịch vụ viễn thông đều cũn hạn chế.
Hoạt động thương mại của EWEC tập trung vào 6 thành phố lớn: Ma-lam-ông, Phu-san-lốc, Khôn-ca-en, Sa-va-na-khét, Huế, Đà Nẵng và một số thành phố nhỏ khác.Đồng thời, EWEC cũng giao thương với một số tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam như: Y-ăng-gun (Yangon) - Đa-ôi (Dawei), Chiềng-mai (Chiang Mai) - Băng-cốc (Bangkok), Đường 13 (Lào) và Quốc lộ 1A (Việt Nam), có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại theo hướng bắc hoặc hướng nam đến các trung tâm thương mại lớn như Băng-cốc và thành phố Hồ Chí Minh.
EWEC có nhiều địa điểm du lịch, phong phú về loại hình: di tích lịch sử, văn hoá, sinh thái, với tính chất vừa thống nhất, vừa đa dạng, vì thế, EWEC có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu vẫn là du lịch đường không, chỉ có tuyến du lịch đường bộ Thái - Lào là tương đối phát triển. Các địa phương trong hành lang, ngoại trừ những thành phố và thị trấn chính, đều có mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí, khoa học công nghệ, tay nghề cũng như kỷ luật lao động thấp. Các địa phương dọc EWEC đa số đều tương đối nghèo, chậm phát triển, đông dân cư và xa cách về mặt địa lý.Tỷ lệ nghèo đói cao, có một số lượng đáng kể dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới Thái Lan - Mi-an-ma. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, sự phát triển của công nghiệp còn hạn chế.
2. Những tác động của EWEC đối với các quốc gia thành viên
Sự ra đời của EWEC sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn, thị tứ dọc hành lang đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; mở cửa cho hàng hóa của Lào, Thái Lan và Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á, châu Âu và châu Mỹ. Ngoài ra, EWEC còn là môi trường để thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, đặc biệt là ở My-an-ma, Việt Nam và Lào. EWEC cũng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương các nước thành viên. Cụ thể là:
- Xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng khác của mỗi nước. Các tỉnh của Việt Nam trong EWEC có vai trò lớn, tạo thuận lợi cho các tỉnh thuộc hành lang của 3 nước Lào, Thái Lan, My-an-ma tiến ra cửa khẩu biển Đông; hợp tác với Việt Nam vận tải quá cảnh hàng hoá, dịch vụ từ các vùng, địa phương sâu trong nội địa ra các nước trên thế giới; các tỉnh miền Trung Việt Nam cũng là nơi cung cấp sản phẩm hàng hoá, dịch vụ kinh tế biển cho các địa phương thuộc EWEC.
Giao thông, giao lưu hàng hoá, dịch vụ phát triển sẽ tạo điều kiện cho nhân dân các vùng và địa phương thuộc EWEC phát triển mạnh hơn về kinh tế, văn hoá, đời sống... góp phần tăng cường an ninh mỗi nước và khu vực, tăng cường tinh thần hữu nghị giữa các nước và niềm tin vào mục tiêu phát triển của ASEAN đang hướng tới một cộng đồng kinh tế vào năm 2015 .
- Khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi nước. Các vùng, địa phương của mỗi nước trong EWEC đều có đặc điểm và thế mạnh riêng cho phép khai thác tiềm năng hợp tác, bổ sung cho nhau về tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hoá, kinh tế nhằm mở rộng thị trường, nhất là sản phẩm rừng, biển, di sản văn hoá...
Các tỉnh miền Trung Việt Nam nằm giữa trục giao thông Bắc - Nam, là cửa ngõ hành lang đường bộ xuyên quốc gia tiến ra biển, gắn vào đường hàng hải quốc tế; có nhiều cảng nước sâu, nhiều tài nguyên biển, điều kiện phong phú phát triển du lịch. Do đó, các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam có thể đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế vùng thông qua mở rộng đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch qua đó thúc đẩy giao lưu nhân dân và kinh tế qua lại giữa các địa phương thuộc hành lang 4 nước. Miền Trung Việt Nam gắn kết với Tây Nguyên và các tỉnh cận kề, tạo nên không gian kinh tế liên vùng rộng lớn.
Từ năm 2008, với các chính sách thuận lợi về thông quan cho người và hàng hóa vận chuyển trên hành lang, hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) sẽ tăng mạnh. Trung Lào và Hạ Lào giàu tiềm năng nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản. Các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh của Mi-an-ma có tiềm năng lớn về nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Chạy dọc EWEC là khu vực đa sắc tộc, văn hóa đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích nổi tiếng được quốc tế công nhận, có sức hấp dẫn về môi trường xã hội, văn hóa, du lịch...
- Góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại. Dự án EWEC không chỉ góp phần phát triển thương mại, đầu tư, du lịch lẫn nhau mà còn có cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ ngoài khu vực thông qua việc kết nối với các thị trường quốc tế và với khu vực Đông Á, do đó EWEC sẽ trở thành hành lang hợp tác hữu nghị, cùng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.
Việt Nam có thể trở thành trung tâm của sự hợp tác liên kết giữa các vùng, địa phương từ du lịch biển, du lịch sinh thái đến du lịch văn hoá, lịch sử... Với sự phát triển của hệ thống giao thông xuyên Á (hiện nay đã có 7 tuyến đường ASEAN được xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam có chiều dài 3.880,82km, trong đó có ASEAN 8 dài 83,4km theo trục Đông Hà - cửa khẩu Lao Bảo - Lào (6) thuộc EWEC) đã cho phép kết nối 4 di sản văn hoá thế giới của các nước trong khu vực tạo diều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của thế giới vào EWEC nói riêng và ASEAN nói chung.
Cho đến nay đã có khoảng 50 công ty quốc tế sẵn sàng đầu tư vào vùng kinh tế đặc biệt nằm giữa biên giới Lào - Việt Nam thuộc EWEC. Trong khi ADB cũng đang chuẩn bị một dự án khoảng hơn 1 triệu USD nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho tiểu vùng sông Mê-kông nhằm hoàn thiện hành lang kinh tế biển phía Nam. Hành lang này sẽ nối liền ba quốc gia là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam thông qua các cảng biển tạo thuận lợi cho triển khai dự án EWEC (5) .
- Tạo khả năng tăng cường an ninh khu vực. EWEC ra đời và hoạt động có hiệu quả sẽ tạo thuận lợi mới cho nền kinh tế của 4 nước phát triển, kinh tế phát triển sẽ tạo cho an ninh có điều kiện để củng cố, tăng cường một bước, nhất là cơ sở vật chất và lòng dân. Khi EWEC đi vào hoạt động, sẽ hình thành một thị trường khu vực liền kề nhau tạo ra cho 4 nước cơ hội để phát triển kinh tế, tăng cường kim ngạch xuất khẩu, nhất là những ngành hàng mà các nước đang có thế mạnh đồng thời các nước cũng có cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài mạnh hơn không chỉ của các nước trong vùng mà của cả các nước lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ...
Mặt khác, EWEC cũng sẽ tạo ra sự tuỳ thuộc lẫn nhau, đan xen lợi ích kinh tế có lợi cho phát triển kinh tế và củng cố lòng tin của mỗi nước. Thông qua việc thu hút các nhà đầu tư của các nước trong khu vực và bằng sự đan xen lợi ích kinh tế dẫn đến đan xen lợi ích an ninh giữa các nước trong vùng, với các đối tác nước ngoài khác, có thể góp phần cải thiện môi trường an ninh biên giới trên hành lang 4 nước và khu vực. Từ đó tạo ra môi trường khu vực ổn định hơn, lợi thế hơn trong quá trình hợp tác và đấu tranh bảo vệ an ninh, góp phần giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế mỗi nước và khu vực.
- Trạng thái mới về an ninh hình thành. EWEC sẽ tạo khả năng mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi hơn để bốn nước hợp tác trao đổi thông tin với các quốc gia khác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hướng tới mục tiêu hoà bình, ổn định và phát triển. Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh hoặc liên quan đến an ninh, đòi hỏi phải có sự hợp tác song phương và cả đa phương trong khu vực và toàn cầu mới có thể giải quyết được.
Khi EWEC ra đời và đi vào hoạt động sẽ nảy sinh trạng thái mới về an ninh quốc gia mỗi nước và khu vực. Để khai thác tối đa những lợi ích do việc mở hành lang khu vực thì tất yếu các nước cũng phải mở rộng thị trường nội địa của mình để các nhà kinh doanh, đầu tư nước ngoài vào làm ăn và tham gia cạnh tranh bình đẳng trên nền tảng những nguyên tắc mà EWEC và các hiệp định đã ký giữa ASEAN với các nước khác. Do đó, những vấn đề mới có thể sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện mục tiêu của EWEC như: những vấn đề về an ninh văn hoá, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong một số khu, vùng nhất định nào đó có thể bị trở thành "vùng lõm" do các nước chuẩn bị chưa đầy đủ, không kiểm soát được hoặc có sai lầm gây ra, nhất là ba nước Lào, Việt Nam và Mi-an-ma.
Cho đến nay vẫn chưa loại trừ khả năng những lực lượng thù địch có thể lợi dụng các quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch... để chống phá các nước, làm trầm trọng thêm những vấn đề an ninh vốn đã phức tạp trong quan hệ các nước do lịch sử để lại; các thế lực phản động quốc tế vẫn có chủ trương chống phá một số nước trong khu vực, nhất là âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hoà bình" trên lĩnh vực kinh tế văn hoá, xã hội trên các vùng có nhiều đồng bào dân tộc tiểu số sinh sống. Đặc biệt là các lực lượng phản động lưu vong của một số nước được phương Tây tiếp tay ở nước ngoài đang tìm cách câu kết với bọn tiêu cực, thoái hoá biến chất trong nước để phá hoại kinh tế của các nước càng làm trầm trọng thêm những vấn đề mà an ninh quốc gia, an ninh khu vực phải quan tâm. Mặt khác, EWEC có thể nảy sinh hệ quả phi kinh tế như những tiêu cực về văn hoá - xã hội; môi trường, dịch bệnh; buôn bán ma tuý, phụ nữ, trẻ em; tin tặc, di dân bất hợp pháp; nạn khủng bố, xung đột về dân tộc, tôn giáo và các tội phạm xuyên quốc gia khác... mà an ninh quốc gia và khu vực không thể làm ngơ.
3. Những vấn đề cần quan tâm của các nước thành viên EWEC
- Các nước cần chủ động tích cực chuẩn bị thực lực để đón nhận EWEC khi dự án đi vào hoạt động có chiều sâu như: chuẩn bị lực lượng nhất là đội ngũ cán bộ và lực lượng vật chất (hàng hoá, dịch vụ - doanh nghiệp và nền kinh tế). Trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cần bảo đảm toàn diện đáp ứng nhu cầu quan hệ kinh tế đối ngoại đồng thời coi trọng bồi dưỡng những kiến thức về bảo đảm an ninh kinh tế - thương mai, an ninh thông tin và và các loại hình an ninh khác có liên quan đến an ninh quốc gia và khu vực.
- Cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tính hiệu quả của chính sách đan xen, tuỳ thuộc lẫn nhau của hai lĩnh vực: sự vững mạnh của an ninh quốc gia tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế đối ngoại phát triển, ngược lại kinh tế đối ngoại phát triển lại làm tăng vai trò quan trọng của kinh tế đối với an ninh quốc gia và tạo điều kiện củng cố an ninh quốc gia và an ninh khu vực, đó là một trong những đặc trưng của thời đại toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động đưa các nội dung bảo đảm an ninh thâm nhập sâu vào các hoạt động hoạch định chiến lược kinh tế đối ngoại, xây dựng đề án quy hoạch - kế hoạch, sử dụng có hiệu quả những yếu tố đặc thù của hoạt động kinh tế EWEC để đẩy mạnh quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh nhằm phát triển kinh tế, củng cố và giữ vững an ninh quốc gia, an ninh khu vực bảo đảm cho sự bền vững nền độc lập của từng quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế theo mục tiêu của EWEC.
- Cần ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng thông tin, bao gồm cả thông tin, internet, thương mại điện tử và xử lý thông tin có hiệu quả, vì đây là kết cấu hạ tầng dịch vụ thương mại rất quan trọng phục vụ cho phát triển cả kinh tế và an ninh. Phát hiện kịp thời những âm mưu và thủ đoạn lợi dụng quy chế EWEC để phá hoại tiềm lực an ninh quốc gia của từng nước và an ninh của khu vực.
[1] Viết tắt của tiếng Anh: East-West Economic Corridor
[2] Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của TTXVN ngày 26-8-2007
Hơn 150 triệu USD giúp VN cải thiện giao thông  (07/12/2007)
Khách quốc tế đến VN ước đạt 4,3 triệu người  (07/12/2007)
Năm 2007: Giải ngân ODA đạt 2 tỉ USD  (07/12/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên