TCCS - Ngày 24-10-2022, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tại phiên họp _Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tham gia một số ý kiến, như: Tại Điều 4 quy định “Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh”, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thể hiện qua 7 chính sách trong dự thảo. Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ là bác sỹ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đề nghị bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng này phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển theo từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Tại Điều 7 dự thảo luật quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm”, để bảo đảm quy định đầy đủ các hành vi có thể xảy ra trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ người bệnh và bảo đảm cho việc tổ chức triển khai thực hiện sau này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để có hành vi quấy rối, xâm hại tình dục người bệnh”. Tại Điều 57, quy định “quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, đề nghị bổ sung thêm nội dung: Được quyền từ chối cho người nhà người bệnh vào bệnh viện nếu người nhà vi phạm các trường hợp sau: Không tuân thủ quy chế hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, gây mất trật tự, mất an toàn cho nhân viên y tế hoặc không bảo vệ tài sản của bệnh viện hoặc các vi phạm pháp luật khác. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định “Quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh” phù hợp thực tiễn.

Tại Điều 78 dự thảo luật quy định nội dung: Khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Đại biểu cho rằng, để bao hàm đầy đủ hoạt động hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đề nghị bổ sung cụm từ “khám bệnh” vào khoản 1, và viết lại như sau: “các hình thức khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa”. Cũng tại Điều 78 đang quy định hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, mà chưa quy định điều kiện cụ thể để áp dụng các hình thức này. Tuy nhiên, khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng đồng nghĩa với việc người hành nghề không thể trực tiếp “sờ”, “gõ”, “nghe”, làm cận lâm sàng, trong khi đây là những kỹ năng rất quan trọng, cơ bản, cần thiết trong khám chữa bệnh, dẫn tới có nguy cơ chẩn đoán sai, vì vậy đề xuất điều kiện áp dụng đối với khám bệnh, chữa bệnh từ xa chỉ trong trường hợp người bệnh không thể đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.

Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, phát biểu tại hội trường _ Ảnh: quochoi.vn

Đối với việc “Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa”, đại biểu đề xuất điều kiện áp dụng: Trong trường hợp cấp cứu mà điều kiện người bệnh chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác sẽ nguy cơ xấu hơn cho tình trạng sức khỏe người bệnh. Tại điểm b, khoản 1, Điều 80 về điều khoản "bắt buộc chữa bệnh" quy định các trường hợp buộc chữa bệnh, trong đó bao gồm đối tượng: “Bệnh nhân tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản”. Tuy nhiên, theo đại biểu rất khó xác định một “bệnh nhân tâm thần” nếu chưa được các chuyên gia thăm khám và chẩn đoán xác định, vì vậy quy định này khó có thể áp dụng được trong thực tiễn.

Đối với đối tượng “đang có biểu hiện rối loạn tâm thần ở trạng thái kích động”, rất cần được bắt buộc khám chữa bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân, cho người khác, cho cộng đồng vừa để xác định nguyên nhân cụ thể để điều trị hoặc có giải pháp khác phù hợp. Do đó đề nghị sửa đổi đối tượng “bệnh nhân tâm thần” quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 80 thành: “người đang có biểu hiện rối loạn tâm thần ở trạng thái kích động có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc có hành vi gây nguy hại cho người khác hoặc phá hoại tài sản.”

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận tại phiên họp tổ _ Ảnh: quochoi.vn

Buổi chiều, tại phiên thảo luận tổ 3 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Bắc Kạn; đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã tham gia một số ý kiến vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Phát biểu tại tổ, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng cần quy định rõ về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo nghị quyết trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm hơn 2 năm tổ chức các kỳ họp Quốc hội trong điều kiện dịch COVID – 19. Đặc biệt, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi mới quy trình và cách thức tổ chức các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ mở đường cho tổ chức kỳ họp Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn, theo một trình tự thời gian chặt chẽ hơn.

Theo đại biểu, tại Điều 7 quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp có điểm mới khi quy định công khai tới đại biểu Quốc hội danh sách tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm. Đại biểu cho rằng việc thực hiện đúng quy định về thời hạn gửi tài liệu sẽ giúp các cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu, tham gia ý kiến trong quá trình tổ chức kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Phạm Thúy Chinh dẫn chứng, tại Kỳ họp thứ tư lần này có tới 99/131 đầu tài liệu gửi chậm, có những tài liệu đến ngày 19-10-2022 mới có (tức là trước 1 ngày diễn ra kỳ họp).

Cho ý kiến về quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi thảo luận và quy định về thời gian thảo luận tại phiên họp toàn thể, đại biểu đề nghị trong dự thảo nghị quyết lần này nên quy định đại biểu đăng ký phát biểu lần thứ 2 trong 1 vấn đề có được hay không? Nếu có thì thời gian phát biểu là bao nhiêu? Về quy định biểu quyết tại phiên họp toàn thể, theo đại biểu, trong quy định có một hình thức biểu quyết mới là biểu quyết điện tử trên thiết bị di động. Đây là một quy định mới nhưng với điều kiện công nghệ phải đồng bộ, tương thích với nhau cả về hạ tầng kỹ thuật và phần mềm mới có thể làm được. Việc biểu quyết của các đại biểu rất quan trọng, quyết định một dự án luật, nghị quyết quan trọng của Quốc hội, vì vậy trong điều kiện hiện nay có thể chưa phù hợp. Đại biểu cũng đồng tình với quy định tại Điều 22 về phiên họp do Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội tổ chức trong quá trình tổ chức kỳ họp Quốc hội. Quy định này có điểm mới là các đại biểu không phải là thành viên Hội đồng Dân tộc, không phải thành viên của các ủy ban Quốc hội cũng có quyền đăng ký tham dự. 

Đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh, Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành có 11 điều quy định việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, quyết định về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, trong dự thảo lần này chỉ còn 3 điều (49, 50, 51) là chưa thỏa đáng. Đại biểu đề nghị nghiên cứu ít nhất giữ được như các nội quy hiện hành mới bảo đảm đáp ứng với mức độ quan trọng của các vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời giúp các đại biểu Quốc hội nắm được quy trình, thủ tục và Quốc hội thực hiện các quy trình, thủ tục khi quyết định những vấn đề này tốt hơn./.

Thúy Anh (tổng hợp)