Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
TCCS - Chuẩn bị Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 15-10-2022, tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao trong bối cảnh kinh tế các nước trong khu vực và thế giới đều rơi vào tình trạng suy thoái và lạm phát cao, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; việc điều hành của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, hoạt động giám sát có hiệu quả của Quốc hội, kinh tế nước ta vẫn ổn định và tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Có thể khẳng định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được củng cố, giữ vững…
Tại cuộc tiếp xúc lần này, các cử tri cũng quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cử tri đánh giá rất cao, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác này đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Mặc dù Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách về khám, chữa bệnh, nhưng thời gian qua, còn nhiều khó khăn, như tình trạng quá tải của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập..., cử tri đề nghị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội có những giải pháp căn cơ hơn nữa trong đầu tư, nâng cấp, xây dựng, cải tạo hệ thống y tế cơ sở, đồng thời quan tâm đến nguồn nhân lực của y tế cơ sở, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, chú trọng có chế độ, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút cán bộ y tế về cơ sở; đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.
Theo ý kiến cử tri, vẫn còn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền, cơ quan cấp dưới ban hành những quy định vượt thẩm quyền chưa phù hợp. Cử tri đề nghị cần tăng cường các giải pháp để kiểm soát quyền lực. Quốc hội cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực, bởi vì không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực yếu thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Cử tri cho rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, cơ chế, chính sách, pháp luật, đồng thời, phát hiện kịp thời, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, không phải xử lý nhiều cán bộ như vừa qua.
Bên cạnh đó, cử tri có một số kiến nghị liên quan đến một số vấn đề về việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng bộ sách giáo khoa, bạo lực học đường, giá cả xăng dầu, nhà ở xã hội, thúc đẩy công nghiệp ngành văn hóa, thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức...
Với tư cách thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ trong cuộc tiếp xúc cử tri hôm nay có nhiều ấn tượng tốt đẹp; trân trọng tiếp thu các ý kiến ngắn gọn, tập trung, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm của cử tri. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri 3 quận nắm rất rõ tình hình Thủ đô, đất nước, phát biểu ý kiến đề cập trúng các vấn đề, đúng với thực tiễn. Các ý kiến được ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Quốc hội thực hiện các chức năng xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Đại biểu Quốc hội là do dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội phải tiếp thu một cách nghiêm túc và phải có trách nhiệm phản ánh trong các phiên thảo luận tại Quốc hội. Sau mỗi kỳ họp, Quốc hội lại báo cáo kết quả và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm.
Vấn đề mà cử tri nêu về kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, vừa qua, Trung ương đã xử lý rất quyết liệt vấn đề này. Những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực lại bè cánh, móc nối với nhau, lợi ích nhóm.
Nhấn mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn phải tiếp tục; một số vụ trọng điểm còn đang làm tiếp, rõ đến đâu làm đến đó, từng bước chắc chắn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quan điểm nhất quán của Trung ương là phải làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục. Quy trình xử lý cán bộ vi phạm được thực hiện chặt chẽ từ xử lý về mặt Đảng, đến xử lý hành chính và xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính để những người khác không vi phạm. “Chứ không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào “vết xe đổ”, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm và làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Khẳng định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải cảnh giác với những luận điệu sai trái do các thế lực cơ hội, phản động xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, không được để chúng lợi dụng chia rẽ nội bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đây là bước tiến mới về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư mong muốn Hà Nội phải luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề nghị các quận, huyện phải làm quyết liệt.
Trao đổi với cử tri về vấn đề văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa đã được nhân dân quan tâm đánh giá cao. Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Hà Nội phát huy truyền thống là Thủ đô văn hiến, anh hùng, hào hoa, thanh lịch phải dẫn đầu về văn hóa./.
Trung Duy (tổng hợp)
Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (09/10/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh  (23/09/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến một số đề án  (10/09/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển