Cần chú ý ngộ độc paracetamol ở trẻ nhỏ

Vũ Dương
15:15, ngày 11-09-2019

TCCS - Sự diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn của mùa hè khiến cho nhiều loại dịch bệnh phát triển cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Khi trẻ em mắc bệnh, đôi khi người nhà tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ hoặc có khi vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều thuốc cho trẻ. Có trường hợp cha mẹ sử dụng đơn thuốc của trẻ khác để mua thuốc cho con uống, hay cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần,… Những tình huống đó vô tình gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ...

Cho trẻ uống thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần và không theo chỉ định của bác sĩ có khi gây ngộ độc cho trẻ

Ngày 14-8, tại khoa Cấp cứu, trung tâm Sản nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (27 tháng tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé bị sốt cao từng cơn, ho khò khè khoảng 4 ngày nay nên cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg x 4 viên/ngày.

Bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2cm. Các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol.

Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Tại đây bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm. 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao...

Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng xấu nếu không được điều trị kịp thời. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Cách đây 1 năm, Bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc paracetamol.

Paracetamol còn có tên là Acetaminophen (APAP)là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất. Hiện có trên 100 sản phẩm thuốc khác nhau có chứa paracetamol, có dạng biệt dược chỉ có chứa hoạt chất Paracetamol, nhưng cũng có loại chứa Paracetamol kết hợp với codein, cafein, vitamin C.... Thuốc được sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ thập kỷ 60 với đặc tính an toàn và hiệu quả cao ở trẻ em nhưng khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chủ yếu là gây hoại tử tế bào gan. Khả năng dung nạp thuốc ở trẻ em cao hơn so với người lớn. Nhưng APAP là thuốc thường gây quá liều ở trẻ em do nhiều nguyên nhân.

Các dạng bào chế của APAP cũng rất phong phú: viên nén, viên đặt, viên sủi, dạng gói bột, sirô,... và có nhiều loại hàm lượng khác nhau dùng cho trẻ em. Nhiều thống kê cho thấy dạng viên nén hàm lượng lớn (500 mg) khi dùng hay gây quá liều và ngộ độc cho trẻ.

APAP được sử dụng rộng rãi với tác dụng giảm đau, hạ sốt. Liều thông thường 10 - 15mg/kg/lần và cứ 4 - 6 giờ/1 lần, liều tối đa 90mg/kg/ngày. Liều điều trị có thể có vài tác dụng phụ, theo đa số các chuyên gia liều độc APAP là ≥ 150mg/kg/ngày.

APAP được hấp thu nhanh sau khi uống, đạt mức đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút, hấp thu sẽ chậm với mức đỉnh sau 4 giờ nếu dùng quá liều. APAP được chuyển hóa chủ yếu ở gan và một phần nhỏ ở thận bằng cách liên hợp với Glucoronic và Sulfonic rồi đào thải qua thận. Chỉ có < 5% được chuyển hóa bởi Cytochrome P- 450 tạo thành chất chuyển hóa trung gian có hoạt tính độc cao là N- Acetyl - P Benzoquinoneime ( NAPQI) nó bị bất hoạt nhanh do liên hợp với Sulhydryl của Glutathione rồi đào thải qua thận hoặc mật. Vì số lượng nhỏ và đủ Glutathione cung cấp, do đó liều điều trị APAP có đặc tính an toàn. Ở liều cao APAP sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ Glutathione của gan, chất trung gian hoạt tính cao NAPQI thừa sẽ gắn bền vững vào tế bào gan và gây hoại tử tế bào gan.

Gan dễ bị nhiễm độc hơn khi thiếu hụt Glutathione ở những trẻ suy dinh dưỡng, béo phì, đái đường, nghiện rượu hoặc đang dùng các chất có tác dụng gây cảm ứng enzyme chuyển hóa, thuốc làm tăng tạo NAPQI như nhóm thuốc chống co giật Phenobacbital, Rifamicin, Carbamazepine. Trẻ có tiền sử gia đình nhiễm độc gan với APAP sẽ tăng nguy cơ bị ngộ độc.

Trị liệu giải độc đặc hiệu ngộ độc APAP dựa trên cơ sở bổ sung dự trữ Glutathione của gan bị cạn kiệt, để trung hòa chất trung gian hoạt tính APAP. Trên lâm sàng NAC (N - Acetylcystein) là tiền chất của Glutathione thường được dùng điều trị ngộ độc APAP. Liều ngộ độc gan ở trẻ em khó xác định vì khó đo lường chính xác khi uống. Có thể nhiễm độc nặng mặc dù dùng liều thấp và ngược lại. Vì vậy các chuyên gia khuyên nên xem xét ngộ độc APAP ở bất kỳ trẻ uống APAP mà có dấu hiệu rối loạn chức năng gan, thậm chí nếu APAP không đạt đến giới hạn độc. Nếu mức APAP ở giới hạn độc sau điều trị kéo dài là dấu hiệu nặng, nguy cơ tử vong cao.

Đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc đã xảy ra và ngộ độc những loại thuốc hay gặp như: Thuốc hạ sốt, thuốc điều trị tiêu chảy (loperamid), thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc á phiện, thuốc ngủ…

Khi ngộ độc thuốc trẻ có thể bị tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng, thậm chí dẫn đến tử vong, do đó, cần cho trẻ uống thuốc rõ nguồn gốc, thành phần và theo chỉ định của bác sĩ./.