TCCS - Ngày 28-8-2019, sau gần 3 năm hoạt động hiệu quả, bằng nguồn vốn phát triển sự nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động hai máy hiện đại triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu là Máy Pyrexar tăng nhiệt hỗ trợ đặc biệt trong điều trị ung thư và Máy cộng hưởng từ với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.

Kỹ thuật điều trị ung thư bằng phương pháp tăng nhiệt khối u sử dụng sóng điện từ hội tụ không xâm lấn (Hyperthermia) là một phương pháp điều trị cục bộ nghĩa là năng lượng nhiệt truyền tải vào cơ thể bệnh nhân chỉ có thể tác động cục bộ trên khối u mục tiêu và kết thúc ngay khi tắt nguồn.

Phạm vi của tăng nhiệt độ được sử dụng để điều trị ở người là trong khoảng từ 40,5 độ C đến 45 độ C. Mục tiêu lâm sàng của điều trị ung thư siêu nhiệt là tạo ra đủ nhiệt để tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm hỏng tế bào bình thường và/hoặc để tăng hiệu quả của hóa xạ trị. Hyperthemia có thể được ứng dụng điều trị kết hợp với hóa xạ trị.

Pyrexar BSD-2000 tăng nhiệt hỗ trợ đặc biệt trong điều trị ung thư.

Với hệ thống thiết bị và phương pháp điều trị mới nhất này, nhiệt độ cao sẽ giết chết các tế bào trong khối u rắn mà không gây tổn hại các mô bình thường vì nhiệt độ cao hơn có chọn lọc phá hủy các tế bào bị thiếu ô-xy và có độ pH thấp như tình trạng của các tế bào khối u. Kỹ thuật này cũng tăng đáng kể tưới máu trong các khối u đặc cũng như ở các mô bình thường chung quanh; ức chế cơ chế sửa chữa tế bào; kích hoạt apoptossi và ức chế sự hình thành mạch tân sinh.

Đến nay, trên cả nước mới chỉ có Bệnh viện Quốc tế Vinmec ứng dụng nhiệt trị trong điều trị ung thư từ tháng 3-2019. Việc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn triển khai hệ thống tăng nhiệt Pyrexar BSD-2000 tại Hà Nội là một mốc đáng ghi nhận cho sự phát triển của nền y học ứng dụng, đặc biệt trong bối cảnh của sự tăng nhanh các bệnh học về khối u.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, việc triển khai kỹ thuật điều trị khối u bằng phương pháp tăng thân nhiệt sử dụng sóng cao tần hội tụ không xâm lấn sẽ góp phần giúp các trung tâm hóa xạ trị tại Hà Nội có thêm một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho liệu trình điều trị và bệnh nhân sẽ được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển y học hiện đại.

Lễ cắt băng khai trương đưa vào sử dụng máy điều trị ung thư mới nhất tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội,Bệnh viện Xanh Pôn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: "Hiện nay có 40 nước có công nghệ nhiệt trong điều trị ung thư, trong đó có 35 nước sở hữu công nghệ 2D và 5 nước sở hữu máy công nghệ 3D. Việt Nam là một trong năm nước đưa vào kỹ thuật trị nhiệt 3D và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu hệ thống máy hiện đại công nghệ 3D này”. Trong 5 năm qua, Hà Nội cũng đã chuyển giao được 40 kỹ thuật mới trên thế giới phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục đàm phán với một số tập đoàn, trung tâm nghiên cứu khoa học trên thế giới để cập nhật thêm những kỹ thuật, quy trình, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người dân, giảm bớt kinh phí, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh, nâng công suất sử dụng giường, phòng bệnh hiện có.

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn hiện là địa chỉ được người bệnh và gia đình người bệnh lựa chọn khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú, phẫu thuật tăng từ 20% đến 30% qua các năm. 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã đón tiếp gần 13.000 lượt khám ngoại trú, trên 1.600 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 1.500 trường hợp phẫu thuật tại trung tâm.

Sự thành công trong hoạt động điều hành của Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội đã khẳng định tính ưu việt của mô hình quản lý mới tại các bệnh viện công lập, đó là kết hợp hài hòa, có hiệu quả công tác quản lý chuyên môn theo chuẩn quản lý bệnh viện công lập và quản trị điều hành theo mô hình bệnh viện tư nhân./.