TCCS - Chất thải từ các cơ sở y tế và bệnh viện là mối nguy cơ gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng người dân. Vì vậy việc xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, lưu trữ rác thải y tế về nơi lưu trữ tập trung để xử lý là một mục tiêu quan trọng của ngành y tế nói chung và Sở Y tế Hà Nội nói riêng để làm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, góp phần trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tại các cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện đã thải ra hàng trăm tấn chất thải y tế mỗi ngày với khoảng gần 12% loại chất thải độc hại nguy hiểm. Nếu các chất thải y tế không được quản lý và xử lý tốt thì các thành phần nguy hại trong chất thải như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây bệnh ung thư... sẽ tạo nên những nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng người dân và môi trường sống. Thực tế, hiện tại nước ta ước tính chỉ có khoảng 50% bệnh viện đã phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định. Vì vậy các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập rất nhiều đến thực trạng quản lý và xử lý chất thải y tế không an toàn trong thời gian vừa qua.

Để tăng cường quản lý chất thải y tế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, thời gian tới các cơ sở y tế xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, lưu trữ rác thải y tế về nơi lưu trữ tập trung để xử lý; tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ phụ trách công tác quản lý chất thải y tế của các đơn vị ...

Chất thải y tế không được xử lý đúng cách sẽ gây ra sự ô nhiễm môi trường_Ảnh minh họa

Thời gian qua, công tác xử lý chất thải y tế trên địa bàn Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 4.924.506 kg chất thải rắn và 769.647 m3 chất thải lỏng phát sinh tại các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý được xử lý theo quy định.

Chất thải y tế bao gồm chất thải rắn và nước thải y tế. Trong các cơ sở y tế, bệnh viện là nơi có khối lượng chất thải y tế nhiều nhất, đa dạng nhất nên thường lấy chất thải của đơn vị này để phân loại. Tất cả các chất thải được phát sinh, thải ra từ bệnh viện đều được xem là chất thải bệnh viện. Tại các bệnh viện, có khoảng từ 75 đến 90% chất được thải ra là chất thải thông thường; chúng tương tự như chất thải sinh hoạt, không có nguy cơ độc hại lớn. Việc phân loại sẽ giúp cho việc quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy trình quy định.

Chất thải rắn y tế chiếm khoảng từ 10 đến 25% chất thải bệnh viện và được phân thành 4 nhóm:

- Chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải lây nhiễm không sắc nhọn, chất thải bệnh phẩm, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Chất thải hóa học gồm các chất thường dùng trong y tế, formaldehyde, hóa chất quang hình, kim loại nặng, chất thải dược phẩm và chất thải gây độc tế bào.

- Chất thải phóng xạ.

- Bình chứa áp suất.

Sự phát sinh các chất thải rắn y tế khác nhau tùy theo dịch vụ hoạt động của bệnh viện, chất lượng và năng lực quản lý bệnh viện.

Quản lý, vận chuyển chất thải y tế đến xử lý tại lò đốt_ Ảnh: Tư liệu

Nước thải bệnh viện là nguồn nước được thải ra từ cơ sở khám chữa bệnh được hình thành từ các hoạt động chăm sóc bệnh nhân và sinh hoạt trong bệnh viện. Nước thải này có thể chứa vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ. Ngoài ra còn có nước mưa không chứa các chất gây ô nhiễm. Thông thường ước tính mỗi bệnh viện có thể thải ra khoảng 0,4 đến 0,95 mét khối nước thải trên một giường bệnh trong một ngày tùy thuộc vào khả năng cung cấp nước, dịch vụ bệnh viện, số lượng bệnh nhân và người nhà chăm sóc người bệnh... Tuy vậy, nồng độ chất thải rắn lơ lửng (SS: suspended solid), chất hữu cơ (BOD5: biochemical oxygen demand 5) và các chất dinh dưỡng như nitơ, phosphore trong nước thải bệnh viện có thể không cao như nước thải đô thị. Nồng độ BOD5 thay đổi từ 80 đến 180 mg/l. Điều đáng lo ngại ở đây là nước thải bệnh viện chủ yếu nguy hại tập trung vào các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột, dễ dàng lây nhiễm qua đường nước. Nếu chất thải y tế không được quản lý và xử lý tốt, trong đó nước thải bệnh viện có chứa nhiều loại dược phẩm, hóa chất có thể làm ảnh hưởng xấu đến hiệu suất của hệ thống công trình xử lý sinh học. Nhiều kết quả nghiên cứu về chất lượng nước thải bệnh viện đã được thực hiện và phát hiện thông số ô nhiễm khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh viện ở tuyến trung ương, tỉnh, ngành và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh viện chuyên khoa phụ sản...

Các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý đã triển khai, thực hiện các quy định, quy trình quản lý chất thải y tế. Đối với chất thải rắn, 100% các bệnh viện, trung tâm y tế không có lò đốt hoặc lò đốt không hoạt động đều thực hiện việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung, ký hợp đồng với các công ty có đủ thẩm quyền vận chuyển và xử lý chất thải y tế. Hai bệnh viện sử dụng lò đốt để xử lý chất thải y tế là Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức và Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức đều thực hiện quan trắc môi trường theo đúng quy định, kết quả quan trắc môi trường lò đốt của các bệnh viện trên đều đạt các chỉ tiêu môi trường...

Một loại lò đốt rác thải y tế độc hại.

Việc quản lý chất thải rắn y tế tại các đơn vị được thực hiện theo đúng quy định. Các đơn vị đã phân công cán bộ chịu trách nhiệm quản lý trong từng lĩnh vực, từ phân loại, thu gom, lưu giữ đến vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại đơn vị. Các cơ sở y tế đều thực hiện phân loại, thu gom chất thải y tế ngay tại nơi phát sinh, mỗi loại chất thải được phân loại và thu gom vào túi, thùng theo đúng màu sắc quy định. Hàng ngày, cán bộ trực thực hiện thu gom chất thải vào cuối giờ làm việc hoặc khi cần thiết về nơi lưu giữ chất thải của đơn vị. Đồng thời, các đơn vị đã trang bị dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý chất thải y tế; phân loại, thu gom chất thải rắn y tế ngay tại nơi phát sinh; có sổ bàn giao chất thải y tế nguy hại theo đúng biểu mẫu của Bộ Y tế; có nơi lưu giữ chất thải y tế theo quy định.

Đối với chất thải lỏng, các đơn vị y tế đã xử lý bằng hệ thống chất thải lỏng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Hệ thống thu gom nước thải tại các cơ sở y tế, nước thải và nước mưa đều thu gom vào hệ thống xử lý nước thải lỏng chung của đơn vị trước khi xả thải ra môi trường. Hàng ngày có phân công cán bộ theo dõi, vận hành, thực hiện ghi chép hoạt động của hệ thống vào sổ theo dõi vận hành theo đúng quy định. Các đơn vị y tế đều thực hiện đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường và có giấy phép đăng ký xả thải.

Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT của Bộ Y tế ra ngày 29-7-2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế và nhằm tăng cường giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa yêu cầu các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc ngành, phòng y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Theo đó, các đơn vị y tế phổ biến, phát động trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thường xuyên truyền thông hướng dẫn chống rác thải nhựa qua các kênh truyền thông của đơn vị, tờ rơi… cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh. Đồng thời, các đơn vị tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo đúng quy trình, quy định.

Các đơn vị y tế cũng tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của tập thể, cá nhân trong đơn vị; tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”./.