Kết hợp quân - dân y trong khám, chữa bệnh
14:53, ngày 30-10-2018
TCCSĐT - Kết hợp quân - dân y là một đặc thù của y tế Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết quân - dân trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Mô hình này đã và đang khẳng định vai trò trong thực tiễn, nhất là ở khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Chương trình Kết hợp quân - dân y là chương trình kết hợp giữa quân đội và nhân dân trong lĩnh vực y tế, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ nhân dân (gọi tắt là Chương trình y tế số 12) hình thành từ cuối năm 1990 và chính thức triển khai thực hiện từ giữa năm 1991. Đây là một chương trình có tầm chiến lược, tính khoa học và thực tiễn cao, kế thừa được truyền thống và kinh nghiệm của ngành quân y và dân y trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Chương trình không chỉ giải quyết những vấn đề nổi cộm, quan trọng và phù hợp với tình hình lúc đó, mà còn mang lại hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu bức thiết hiện nay cũng như lâu dài.
Mô hình kết hợp quân - dân y đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng |
Vai trò của kết hợp quân - dân y
Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho lực lượng vũ trang và nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn đã được ban hành, thực hiện hiệu quả, thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới xác định: “Kết hợp quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,...; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai,… Đưa chương trình kết hợp quân, dân y thành một nội dung của chương trình mục tiêu y tế quốc gia”.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 25/2004/CT-TTg về “Tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong tình hình mới”. Theo đó, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT - BYT-BQP, ngày 16-3-2005, hướng dẫn triển khai thống nhất hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh quân - dân y toàn quốc, với mục tiêu: “Kết hợp quân dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân”; trong đó, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang ở vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, biên giới, biển, đảo làm nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập hệ thống Ban Quân - dân y các cấp. Ban Quân dân y có chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị Quân đội về công tác kết hợp quân - dân y; đồng thời, trực tiếp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình kết hợp quân - dân y trên địa bàn. Các nội dung hoạt động kết hợp quân - dân y được triển khai ngày càng sâu rộng, sát thực tiễn, đem lại hiệu quả tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội và xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng tại các địa phương.
Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng huy động nhiều nguồn lực, với hàng triệu ngày công của cán bộ, chiến sĩ để vươn tới những làng, bản xa xôi; thành lập các cơ sở y tế quân - dân y để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần củng cố tuyến y tế cơ sở và giải quyết những vấn đề bức xúc của công tác y tế. Đến nay, thông qua Chương trình kết hợp quân - dân y, đã có 458 bệnh xá, trạm y tế, phòng khám quân - dân y được củng cố toàn diện (có 410 trạm thuộc các xã vùng sâu, vùng xa). Các đơn vị quân y trên các địa bàn không chỉ khám, chữa bệnh cho nhân dân mà còn tích cực tham gia các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng, chống: sốt rét, lao, suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản,...); tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng “Làng văn hóa sức khỏe”, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình,…
Các bác sĩ khoác trên mình bộ quân phục tận tâm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân |
Mô hình kết hợp quân - dân y phát huy được sức mạnh tổng hợp của quân - dân y trong củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, tạo mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội. Mô hình kết hợp quân - dân y cũng đã khẳng định rõ vai trò trong việc củng cố tuyến y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm sự quá tải về lưu lượng bệnh nhân ở các bệnh viện dân sự.
Mô hình kết hợp quân - dân y không chỉ phát huy vai trò trên đất liền mà đối với các vùng biển đảo, vùng sâu vùng xa cũng đạt đã tạo được hiệu ứng tốt. Bảo đảm y tế cho bộ đội và nhân dân vùng biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc chủ động, tích cực của Quân đội, mô hình lồng ghép trạm xá quân y và dân y thành trung tâm y tế quân - dân y đã phát huy được nội lực của y tế quân - dân y, tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về nhân lực và vật tư y tế để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Mô hình này vừa phát huy được tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ Quân đội, vừa tạo điều kiện về cơ sở vật chất để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế tại chỗ và tận dụng tối đa nguồn vật tư y tế của cả Quân đội và nhân dân, phù hợp với điều kiện thiếu thốn, xa đất liền.
Những thành tựu nổi bật trong kết hợp quân - dân y
Với mục tiêu chiến lược nhằm “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành y tế, cả quân y và dân y phục vụ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình; chuẩn bị sẵn sàng và đối phó có hiệu quả khi có chiến tranh và các tình huống cần thiết khác”, sau hơn 15 năm thực hiện, Chương trình Kết hợp quân - dân y đã thu được những thành tựu quan trọng.
Tại thời điểm đầu năm 1990, mạng lưới y tế cơ sở của nước ta đang gặp nhiều khó khăn; cán bộ y tế thiếu, kết cấu hạ tầng thấp kém, lạc hậu, xuống cấp và đang có tới hơn 800 xã không có trạm y tế. Vì thế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, vùng căn cứ cách mạng thực sự là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Chương trình Kết hợp quân - dân y đã hướng mục tiêu vào nhiệm vụ củng cố tuyến y tế cơ sở. Đến nay, Chương trình đã trực tiếp tham gia củng cố toàn diện được 227 trạm y tế; củng cố từng mặt công tác được 1.326 trạm y tế, trong đó có 1.044 trạm y tế xã thuộc vùng sâu, vùng xa (chiếm hơn 10% tổng số xã, phường hiện có của cả nước). Song song với việc củng cố tuyến y tế cơ sở, các đơn vị quân y đóng quân trên các địa bàn còn khám bệnh cho dân được hơn 3,6 triệu lượt người, cấp cứu 127.500 lượt người và nhận điều trị 746.200 lượt người. Hệ thống các bệnh viện của quân đội cũng khám bệnh cho dân được gần 6 triệu lượt người, cấp cứu 313.700 lượt người và nhận điều trị hơn 1,1 triệu lượt người. Chương trình Kết hợp quân - dân y đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của công tác y tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Thành tựu này là kết quả lớn nhất và có ý nghĩa hết sức quan trọng của Chương trình.
Kết hợp quân dân y góp phần quan trọng vào xây dựng tiềm lực y tế-quốc phòng của nền quốc phòng toàn dân. Trước hết, là sự hình thành các Ban Quân-dân y các cấp, từ Trung ương đến địa phương.
Chương trình kết hợp quân dân y trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình và chất lượng xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên. Chương trình đã tham mưu, góp phần xây dựng để Chính phủ ban hành Quyết định 315/TTg và 19/TTg về việc giao chỉ tiêu động viên và huy động lực lượng ngành y tế sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong chiến tranh và các tình huống cần thiết khác (các Quyết định 315 và 19, nay được thay bằng các Quyết định 117/2002/QĐ-TTg và 137/2005/QĐ-TTg do sự chia tách và sự tái lập các tỉnh, thành phố). Trên cơ sở đó, các đơn vị quân y dự bị động viên như bệnh viện khu vực, bệnh viện dã chiến, các đội điều trị, các tổ chuyên khoa tăng cường… được sắp xếp tạo nguồn, từng bước tổ chức huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và kế hoạch chung của Nhà nước.
Kết hợp quân dân y là một giải pháp hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ dân vận của Đảng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm an ninh chính trị. Chương trình quân dân y kết hợp đã lấy việc củng cố, xây dựng y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc, các gia đình có công với cách mạng làm nội dung chính là một bước thể chế hóa Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VI vào thực tế ngành y tế.
Việc kết hợp quân - dân y trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế bao gồm: Tổ chức thu dung, khám bệnh, điều trị cho nhân dân và lực lượng vũ trang tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn kỹ thuật liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh; Nghiên cứu về bệnh học và các phương pháp điều trị bệnh, nghiên cứu phát triển các kỹ thuật khám, chữa bệnh; Khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, tổ chức triển khai các chương trình y tế tại địa phương; Các cơ sở khám, chữa bệnh quân y ngoài nhiệm vụ bảo đảm quân y theo quy định, có trách nhiệm tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Mô hình kết hợp quân - dân y đáp ứng kịp thời cho các tình huống đột xuất về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế do thiên tai, thảm họa. Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều dịch bệnh mới, nguy hiểm xuất hiện (SARS, cúm A H5N1, MAR-CoV, EBOLA, ZIKA,...) và một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn chưa được dập tắt triệt để (tả, thương hàn, viêm não mô cầu, lao, sốt rét,...) là những mối nguy cơ đối với sức khỏe của nhân dân và bộ đội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh, Bộ Quốc phòng đã thành lập 07 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm ở những khu vực trọng điểm, có nhiều nguy cơ bùng phát dịch để sẵn sàng thu dung, điều trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm hoặc dịch bệnh lạ. Các địa phương thành lập và đưa vào hoạt động nhiều tổ, đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, như: Đội cơ động quân - dân y phòng, chống dịch và vũ khí sinh học của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,…
Từ năm 2005 đến nay, lực lượng quân - dân y cả nước đã cấp cứu, thu dung điều trị, chuyển tuyến cho hơn 65.200 lượt quân nhân. Khi xảy ra các vụ thiên tai, thảm họa, như: bão, lụt, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất,... ở các tỉnh miền Trung, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La hoặc cháy rừng ở Lào Cai, Cà Mau,... lực lượng quân - dân y đã phối hợp chặt chẽ trong cấp cứu, vận chuyển, làm giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân.
Mô hình kết hợp quân - dân y đã được triển khai trên rộng khắp cả nước |
Những năm qua, các đơn vị Quân đội tổ chức các phân đội quân y cơ động từ tuyến sau đến phối hợp với y tế địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng ATK,... khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 23 triệu lượt người, tặng quà cho 83,8 nghìn lượt hộ gia đình chính sách, người nghèo, với số tiền trên 141 tỷ đồng. Các đơn vị và cơ sở kết hợp quân - dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người, nhận điều trị 20,5 triệu lượt người. Cùng với việc chăm sóc, điều trị người bệnh, phòng, chống dịch bệnh và thiên tai, thảm họa, lực lượng quân - dân y còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, nắm tình hình tư tưởng và những thông tin từ nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để cung cấp cho cấp có trách nhiệm, thẩm quyền.
Phát huy hơn nữa vai trò của quân - dân y trong tình hình mới
Để Chương trình kết hợp quân - dân y phát triển ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thống nhất về nhận thức trong toàn quân, toàn dân, nhất là đối với người chủ trì cơ quan quân - dân y các cấp về ý nghĩa, vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình kết hợp quân - dân y.
Hai là, để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về kết hợp quân - dân y, cần xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, cần nghiên cứu phương thức “xã hội hóa” việc kết hợp quân - dân y trên cơ sở lấy lực lượng quân - dân y làm nòng cốt.
Ba là, bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của Chương trình kết hợp quân - dân y, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nhằm tập trung vào các nội dung lớn, tạo được các bước đột phá.
Bốn là, đa dạng hóa các hình thức kết hợp quân - dân y theo phương thức tăng cường sử dụng lực lượng tại chỗ, kết hợp có hiệu quả lực lượng cơ động từ nơi khác đến.
Năm là, tìm tòi các phương án kết hợp quân - dân y để giải quyết, khắc phục các hậu quả về y tế trong những tình huống khẩn cấp như cháy nổ, sập nhà, sập cầu, thiên tai,… một cách nhanh chóng và có hiệu quả ngay tại cơ sở. Trong đó phải chú trọng đến công tác tổ chức, điều hành, xây dựng lực lượng ứng cứu, bảo đảm phương tiện, vật tư y tế./.
Điện và thư chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  (30/10/2018)
Để ngành xuất bản đáp ứng tốt hơn, có hiệu quả và thiết thực hơn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam  (30/10/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn Ủy ban nghề cá, Nghị viện châu Âu  (29/10/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm