Cống hiến của đồng chí Võ Chí Công trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
TCCS - Với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ở những cương vị công tác khác nhau, đồng chí Võ Chí Công(1) đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, oanh liệt và vẻ vang. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn thể hiện là người cộng sản kiên trung, bất khuất, một cán bộ tài năng, trực tiếp lãnh đạo phong trào, đồng thời có những đóng góp quan trọng vào việc hoạch định đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng vượt qua những khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi.
Bám sát cơ sở, nhạy bén nắm bắt thực tiễn, trung thành và kiên định, đóng góp rất quan trọng vào việc hoạch định đường lối kháng chiến giải phóng dân tộc
Một trong những cống hiến xuất sắc của đồng chí Võ Chí Công là đề xuất với Trung ương những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong giữ gìn lực lượng và phát triển phong trào cách mạng giai đoạn khó khăn nhất, khẳng định phải sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, góp phần quan trọng vào việc hình thành Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959), chỉ ra con đường phát triển cơ bản của cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, trù liệu tình hình sẽ hết sức phức tạp, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Võ Chí Công (đang tham gia cải cách ruộng đất ở Việt Bắc) bí mật trở lại Khu 5, chỉ đạo cách mạng trong tình hình mới. Lúc này, cách mạng miền Nam, trước sự đánh phá liên tục và tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, đang bị thiệt hại rất lớn. Tại Liên khu 5, địa bàn có nhiều vùng tự do rộng lớn, các đảng bộ bị thiệt hại nặng. Đến cuối năm 1957, vùng đồng bằng bị thiệt hại 70% số chi ủy viên, 60% số huyện ủy viên và 40% số tỉnh ủy viên, 12 huyện không còn cơ sở đảng(2).
Trưởng thành trong gian khó của phong trào đấu tranh cách mạng, đồng chí Võ Chí Công là người cộng sản kiên định, gian khổ không sờn lòng, khó khăn không lùi bước. Trên cương vị Phó Bí thư Liên khu ủy 5, với trách nhiệm của người lãnh đạo phong trào, đồng chí luôn trăn trở về đường lối và phương pháp đấu tranh ở miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ thực tiễn cùng Liên khu ủy chỉ đạo giữ gìn lực lượng và đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí nhận định: “đồng bào dân tộc có ưu thế chính trị trong đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp với địch..., mặc dù địch tiến hành đủ kiểu đàn áp khủng bố, càn quét, nhưng lực lượng đảng viên, phong trào quần chúng vẫn được củng cố và phát triển”(3). Đây là cơ sở để các đồng chí lãnh đạo Liên khu ủy đúc rút kinh nghiệm: Muốn đấu tranh thắng lợi với địch phải có đấu tranh vũ trang. “Kinh nghiệm quý báu nhất ở Khu 5 trong thời kỳ này là ra sức xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi và biết dùng bạo lực quần chúng nên phong trào miền núi tồn tại và phát triển. Đó là kinh nghiệm cơ bản nhất, là thành công nhất”(4). Với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, vận dụng sáng tạo lý luận về bạo lực cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể ở miền Nam, đồng chí cho rằng, dùng “bạo lực chống lại bạo lực mới thắng được địch. Nếu không dùng bạo lực mà chỉ dùng đấu tranh chính trị thì cách mạng sẽ thất bại”(5).
Năm 1958, đồng chí Võ Chí Công ra Bắc dự họp Bộ Chính trị và Trung ương bàn về cách mạng miền Nam. Với kinh nghiệm thực tế chiến trường, đồng chí nhất trí cao với bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ soạn thảo (cuối năm 1956). Được gặp Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Chí Công phản ánh với Trung ương những tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Liên khu 5, sự trăn trở của đồng chí trước những hành động khủng bố, đàn áp của kẻ thù. Tham dự Hội nghị Trung ương 15 (tháng 1-1959), đồng chí có nhiều ý kiến đóng góp sắc bén; giúp cho Hội nghị có thêm cơ sở thực tiễn từ chiến trường Liên khu 5 và Nam Bộ, để quyết định chuyển phong trào cách mạng ở miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 mở ra thời kỳ đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, đưa phong trào cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn, thử thách. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá về vai trò của đồng chí Võ Chí Công: “Trong những ngày đen tối của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã nhận được những ý kiến nhận định, đánh giá sát thực về tình hình cách mạng miền Nam của đồng chí Võ Chí Công. Trên cơ sở ý kiến của đồng chí cùng với bản Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng nên Nghị quyết 15 lịch sử, mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù ở miền Nam”(6).
Sau khi dự Hội nghị Trung ương 15, đồng chí Võ Chí Công trở về căn cứ. Trên cương vị Bí thư Liên khu ủy 5(7), đồng chí triệu tập hội nghị truyền đạt chủ trương mới của Đảng; góp phần quan trọng làm cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 nhanh chóng đi vào thực tiễn, thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên. Đồng chí tỏ thái độ cương quyết ủng hộ quần chúng nổi dậy đánh địch càn quét ở một số địa phương. Nổi bật là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng ở miền Tây Quảng Ngãi cuối tháng 8-1959 buộc địch rút khỏi nhiều đồn bốt, giải phóng một vùng rộng lớn, chống cuộc càn quét của một sư đoàn địch giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng có ý nghĩa sâu sắc với thực tiễn cách mạng. Tuy nhiên, trong hàng ngũ lãnh đạo và cán bộ địa phương cơ quan Liên khu ủy cũng có những ý kiến băn khoăn: Hành động như thế là đúng hay sai? Sớm hay kịp thời? Chủ động hay bị động?(8). Đồng chí Võ Chí Công về Quảng Ngãi, trực tiếp đến tận Trà Bồng xem xét và đánh giá, cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy bàn bạc, phân tích tình hình và đi đến quyết định biểu dương và lấy điển hình này nhân rộng ra các địa phương khác. Đồng chí Võ Chí Công kết luận: “Cuộc nổi dậy của nhân dân Trà Bồng nổ ra kịp thời, có chuẩn bị, có lãnh đạo, đứng vững được, đi đúng đường lối cách mạng miền Nam, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười lăm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II”(9).
Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, kiên quyết, nhạy bén, chỉ đạo chớp thời cơ, dám đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược
Tháng 10-1961, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương chỉ định giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Ngay khi nhận nhiệm vụ, đồng chí cùng tập thể Trung ương Cục miền Nam đề ra nhiều quyết sách đúng đắn, giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn cách mạng miền Nam đặt ra. Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất(10), đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Giữ cương vị này một thời gian, tháng 4-1964, Bộ Chính trị điều đồng chí Võ Chí Công trở lại Khu 5, giữ chức Bí thư Khu ủy Khu 5(11) kiêm Chính ủy Quân khu 5, đồng thời là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Trong lúc phong trào cách mạng Khu 5 đang gặp nhiều khó khăn, đồng chí Võ Chí Công là hạt nhân lãnh đạo, góp phần giữ vững và đưa phong trào cách mạng đi lên. Cống hiến quan trọng của đồng chí là xốc lại tình hình, phê phán tư tưởng hữu khuynh, phát động phong trào tự phê bình và phê bình trong Khu ủy. Đồng chí chủ trì họp Hội nghị Thường vụ Khu ủy (tháng 6-1964), tiến hành tự phê bình về những thiếu sót trong chỉ đạo phong trào cách mạng, khẳng định đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị là những hình thức đấu tranh cơ bản, có vai trò, ý nghĩa quyết định trong phong trào cách mạng ở miền Nam. Đồng chí nhanh chóng vực dậy phong trào và đưa phong trào cách mạng giành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo quyết liệt công cuộc phá ấp chiến lược ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khắc phục tình trạng “chạy xà đùa” khi đối đầu với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy. Sự tham gia chỉ đạo kịp thời của đồng chí đã giúp cho phong trào cách mạng miền Nam tháo gỡ được những khó khăn, lúng túng, từng bước tiến lên đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước những đòn tiến công dồn dập của quân và dân ta trên chiến trường, để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Khu 5, với vị trí chiến lược nối hai miền đất nước, là địa bàn phải đối mặt với kẻ thù đầu tiên, nơi tập trung tới 2/3 số quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Những căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, Pleiku, Cam Ranh được xây dựng.
Chủ động, quyết tâm đánh đế quốc Mỹ và tìm cách thắng đế quốc Mỹ là yêu cầu đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong những năm tháng thử thách vô cùng ác liệt đó. Nắm bắt tâm lý gờm Mỹ, ngại Mỹ xuất hiện trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với Khu ủy Khu 5 quyết định đẩy mạnh công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên trì phương châm đấu tranh cả về quân sự và chính trị, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Tinh thần tiến công cách mạng không ngừng cùng với những quyết sách nhạy bén, táo bạo của đồng chí Võ Chí Công đã góp phần ổn định tư tưởng, củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Khu 5.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 11 (tháng 3-1965) về chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam nếu địch gây ra, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, ngay trong tháng 3-1965, Khu ủy Khu 5 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, chủ trương kiên quyết dựa vào thế trận, lực lượng sẵn có, tiếp tục giữ vững và phát huy quyền chủ động tiến công địch. Hội nghị cán bộ trung - cao cấp toàn Quân khu 5 được tổ chức, thảo luận mấy vấn đề cơ bản: Việc đế quốc Mỹ đưa quân chiến đấu vào miền Nam là chủ động hay bị động? Ta có thể đánh và thắng quân Mỹ không? Và đánh thắng như thế nào? Sau nhiều ngày thảo luận sôi nổi, phân tích thực tiễn chiến trường, hơn 200 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nhất trí với câu trả lời: Mỹ vào là bị động, ta có khả năng đánh thắng quân chiến đấu Mỹ. Hội nghị chủ trương: “Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở những nơi có quân chiến đấu Mỹ, tổ chức đánh phủ đầu quân Mỹ… phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn khu”(12). Chủ trương xây dựng vành đai diệt Mỹ chứng tỏ sự nhạy bén, sáng tạo của lãnh đạo Khu ủy, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của đồng chí Võ Chí Công, trước tình hình vô cùng thử thách của cách mạng, cho thấy tinh thần táo bạo trong chỉ đạo chiến tranh nhân dân ở một địa bàn mà chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, ở địa phương đầu tiên phải đối đầu với quân Mỹ.
Đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 tỉnh Quảng Nam thực hiện trận đầu tiên đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành, tiêu diệt được 1 đại đội quân Mỹ trong 30 phút. Thắng lợi của trận Núi Thành (trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là trận đánh thắng quân Mỹ đầu tiên ở miền Nam, củng cố và khẳng định lòng tin, quyết tâm đánh Mỹ, phát động tinh thần dám đánh và quyết đánh thắng Mỹ trong toàn dân và lực lượng vũ trang cả nước. Trận Núi Thành xuất hiện khẩu hiệu hành động “tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”. Quân khu 5 đã tổng kết và phát động phong trào đánh Mỹ trong toàn khu. Từ thực tiễn những trận đánh quân Mỹ ở Núi Thành (tháng 5-1965), Vạn Tường (tháng 8-1965) và xung quanh căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng..., quân và dân Khu 5 là địa phương đi đầu trong việc tìm ra cách đánh và cách thắng đế quốc Mỹ. Thành tích kháng chiến của quân, dân Khu 5 góp phần để Trung ương Đảng nhận định sát tình hình, đề ra nhiều quyết sách quan trọng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12 của Đảng (tháng 12-1965) hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh cả nước kiềm chế và đánh thắng giặc Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược Mỹ. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Khu ủy Khu 5 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công đã họp hội nghị quán triệt chỉ thị, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Tuy nhiên, trong lúc lực lượng của khu và các tỉnh trong khu đã ém sát các địa bàn hoạt động ở các đô thị, thì lại có lệnh chuyển ngày khởi nghĩa. Với cương vị Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu, đồng chí Võ Chí Công kiên quyết đề đạt với Trung ương cho Khu 5 nổ súng theo ngày đã định. Sự chỉ đạo linh hoạt đó không chỉ giúp ta làm chủ được một số thành phố theo yêu cầu đề ra, mà còn tránh tổn thất cho lực lượng cách mạng. Trên thực tế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân Khu 5 là cuộc tiến công có tính chiến lược, với quy mô rộng khắp, là một trong những chiến công oanh liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Khu 5, góp phần cùng miền Nam giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ(13).
Sự nhạy bén của một bộ óc lãnh đạo mẫn cảm với thời cơ được đồng chí thể hiện rõ nét nhất trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Vào những tháng ngày cuối cùng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước nguy cơ tan rã của Quân đoàn 1 ngụy quân tại Đà Nẵng, đồng chí đề xuất với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn nên chớp thời cơ để giải phóng nhanh Đà Nẵng. Suy nghĩ táo bạo và kịp thời của đồng chí Võ Chí Công đã giúp quân và dân ta nhanh chóng đánh tan 10 vạn quân ngụy, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng - thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam, góp phần đưa chiến dịch Hồ Chí Minh đến toàn thắng vào ngày 30-4-1975.
Với những đóng góp to lớn, đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc trong phong trào đấu tranh cách mạng, người con ưu tú của mảnh đất Quảng Nam - Ðà Nẵng trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ.
Đất nước thống nhất, với tài năng, uy tín của mình, đồng chí Võ Chí Công tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Phát huy kinh nghiệm trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là kinh nghiệm trong lãnh đạo ở Khu 5, đồng chí Võ Chí Công đã có sự vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Võ Chí Công trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, một anh “Năm Công” gần gũi và trìu mến trong lòng nhân dân. Quá trình hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, tài năng, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, luôn đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên, lên trước lợi ích cá nhân. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, chúng ta nguyện học tập tấm gương sáng của đồng chí, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
-----------------------
(1) Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
(2) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước/ Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 310
(3) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng (hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 176
(4) Một số ý kiến về lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ Khu 5 từ năm 1954 đến năm 1970 - Ý kiến của anh Năm Công gửi Trường Đảng khu Khóa 16, Tài liệu Viện Lịch sử Đảng. K5/23.6, 13
(5) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng (hồi ký), Sđd, tr. 178 - 179
(6) Đỗ Mười: Đồng chí Võ Chí Công - Người cộng sản kiên cường - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng. In trong sách: Ban Tuyên giáo Trung ương - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Quảng Nam: Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 27
(7) Cuối năm 1958, Trung ương điều động đồng chí Trần Lương ra Trung ương, đồng chí Võ Chí Công giữ cương vị Bí thư Liên khu ủy.
(8) Tỉnh ủy Quảng Nam - Ban Tuyên giáo: Kỷ yếu Hội thảo căn cứ Liên Khu ủy 5 tại các huyện Bến Hiên, Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam (1955-1959), Tam Kỳ, tháng 7-2012, tr. 39
(9) Tỉnh ủy Quảng Nam: Võ Chí Công - Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, 2008, tr. 325
(10) Từ ngày 16-2 đến ngày 3-3-1962
(11) Từ 5-1961, Bộ Chính trị quyết định tổ chức chiến trường Liên khu 5 thành 2 khu: Khu 5 và Khu 6, thành lập Quân khu 5 và Quân khu 6.
(12) Bộ Tư lệnh Quân khu V: Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (thời kỳ 1954 - 1968), 1989, t. II, tr. 205
(13) Trong đợt này, quân và dân Khu V đã tiến công vào 10 thành phố, thị xã, 20 thị trấn (quận, lỵ), diệt 20.000 quân địch, đánh thiệt hại nhiều cơ quan hành chính tỉnh, quận, nhiều cơ quan chỉ huy quân sự địch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải  (01/05/2022)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (27/04/2022)
Phát huy sức mạnh tinh thần của bộ đội Phòng không - Không quân trong đại thắng mùa Xuân năm 1975  (25/04/2022)
Hoạt động đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960 - 1975  (13/12/2021)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và biểu tượng sáng ngời của ý chí và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  (21/10/2021)
Nam Bộ kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử  (21/11/2020)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên