TCCSĐT - Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; thống nhất cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia về đất đai, dân cư, an sinh xã hội, tài chính để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Văn phòng Chính phủ và JICA hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử; kiến nghị Vĩnh Long thu hồi nhiều quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức sai quy định; là những tin nổi bật tuần qua.

Hội nghị toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Sáng ngày 11-9, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Những năm qua, công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từng bước có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hạn chế phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hiện nay của nhiều bộ, ngành, địa phương còn tồn tại, người dân còn phản ánh, phàn nàn về trình độ và ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa, tình trạng để quá hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được đề cập qua báo chí, công luận. Điều này cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các đại biểu cần thảo luận thực chất, hiệu quả, đánh giá thẳng thắn, khách quan những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra các giải pháp tháo gỡ và nâng cao chất lượng hoạt động và giải quyết thủ tục hành chính, các giải pháp tổ chức, vận hành Trung tâm Hành chính công.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết: Chủ trương nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được cụ thể hóa thành các quy định và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung vào một số nhóm giải pháp như hoàn thiện thể chế với việc tập trung ban hành một số văn bản hướng dẫn, bảo đảm thực hiện nghị định như các thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết một số điều của Nghị định 61/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa…

Nhóm giải pháp về kiện toàn tổ chức, trụ sở, trang thiết bị cho Bộ phận một cửa các cấp, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết hành chính tại Bộ phận một cửa theo hướng nâng tỷ lệ giải quyết “4 tại chỗ”, phát huy cao nhất hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức được cử ra làm việc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và đưa vào vận hành năm 2019, xây dựng hoặc nâng cấp Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; bảo đảm mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa thống nhất, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin này với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh và Cổng thanh toán tập trung quốc gia để hỗ trợ xác thực thông tin người dân, doanh nghiệp, có thể thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

Cuối cùng là tổ chức quán triệt, tập huấn, triển khai tuyên truyền, phố biến và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Nghị định này trong năm 2018 và hằng năm.

Phải thống nhất cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia về đất đai, dân cư, an sinh xã hội, tài chính

Thống kê chung từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, mục tiêu nâng dần tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính từ hình thức offline (doanh nghiệp, người dân trực tiếp đến các sở ngành, Trung tâm Hành chính công) sang hình thức online (trực tuyến) còn thấp… đều ở mọi bộ ngành, địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải khẳng định: Với các bộ, cơ quan ngang bộ và Văn phòng Chính phủ thì đến nay tỉ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến mới đạt 37%. Tại các địa phương, nơi đang cung cấp hàng chục nghìn dịch vụ công trực tuyến thì tỉ lệ ấy cũng chỉ dừng lại ở mức 10%.

Vì sao như vậy? Trong số rất nhiều nguyên nhân được lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành chỉ ra, có thể thấy phổ biến nhất là yếu tố chênh lệch trong việc sử dụng hệ thống thông tin. Trong đó có phần nguyên nhân do hạ tầng kỹ thuật lạc hậu - đầu tư chưa đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm; sự “vênh” nhau về số lượng và chất lượng nhân lực phụ trách công nghệ thông tin giữa các đô thị lớn với các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; sự khác biệt về các phần mềm được sử dụng, khác biệt về định dạng dữ liệu lưu trữ… Tất cả những “cong vênh” ấy khiến quá trình liên thông trao đổi dữ liệu và chấp nhận thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan, sở ngành, địa phương gặp phải những “hòn đá tảng”.

Thế nên hầu hết các đại diện địa phương khi báo cáo trước đại diện Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là với mục tiêu “nâng chất” cho dịch vụ công trực tuyến, đã cùng khẩn thiết đề nghị phải thống nhất cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia về đất đai, dân cư, an sinh xã hội, tài chính...

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo để các sở, ngành, địa phương có hạ tầng kiến trúc thống nhất về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ đó mới có thể tương thích, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia - dự kiến sẽ ra đời vào đầu năm 2019.

Ngoài ra, cũng cần có “đại bản doanh” chỉ đạo chung về thực hiện chính quyền điện tử và thành phố thông minh, “đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì công tác tập huấn đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin và xây dựng khung pháp lý chung trình Chính phủ quyết định để các địa phương triển khai một cách tự tin và đồng bộ hơn”, đại diện tỉnh Quảng Ninh và Quảng Bình cùng nêu kiến nghị.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng trần tình, dù nhiều lĩnh vực ở tỉnh này đã liên thông để cùng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhưng đôi khi những chứng từ điện tử từ các thủ tục online này lại không được kho bạc chấp nhận. “Chúng tôi rất mong sắp tới có thể sớm liên thông các cơ quan như thuế, tư pháp, công an, kho bạc, đất đai để chia sẻ cơ sở dữ liệu chung. Cùng một thủ tục mà ngành này chấp nhận, ngành kia chưa chấp nhận lại gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban. Các ủy viên khác là các Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban. Tổ phó gồm quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan.

Văn phòng Chính phủ và JICA hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử

Sáng 14-9, Văn phòng Chính phủ và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Lễ ký Biên bản triển khai Dự án "Xây dựng hoạt động nhà nước chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh". Mục tiêu của Dự án là nâng cao chất lượng và tăng cường năng lực của công chức Văn phòng Chính phủ trong thực thi nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi cơ chế, chính sách.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng công tác cải cách hành chính, xây dựng thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhấn mạnh về xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo điều hành. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động theo tinh thần hết sức khẩn trương, bài bản, chất lượng, theo lộ trình nhằm tạo chuyển biến căn bản trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm và rất thành công trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Vì vậy, thông qua sự hỗ trợ của Biên bản Dự án được ký kết sẽ giúp cho cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ bổ sung thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ đắc lực cho công tác tham mưu, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch cơ quan JICA cho biết, Dự án sẽ thông qua các chương trình đào tạo tại Việt Nam và Nhật Bản dành cho các cán bộ của Văn phòng Chính phủ cũng như các bộ, ngành có liên quan để chia sẻ các kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chủ tịch cơ quan JICA hy vọng Biên bản ký kết về Dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai và xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Thông qua Dự án, hai bên sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau góp phần xây dựng Chính phủ điện tử ở cả hai nước.

Với nguồn hỗ trợ tài chính từ Cơ quan JICA, Dự án sẽ tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản và tổ chức hội thảo, tọa đàm về chuyên đề tại Việt Nam tập trung vào các chủ đề xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và cải thiện môi trường kinh doanh.

Kiến nghị Vĩnh Long thu hồi nhiều quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức sai quy định

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, trong giai đoạn thanh tra (từ ngày 01-01-2016 đến ngày 30-4-2018), UBND tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan, thực hiện việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, nhưng quá trình thực hiện còn hạn chế, tồn tại. Có 69 công chức khi được bổ nhiệm còn thiếu một hoặc một số các tiêu chuẩn chức danh như: Trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ.

Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó và quản lý hồ sơ công chức. Chấm dứt việc giao và sử dụng biên chế sự nghiệp để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; sắp xếp, điều chuyển số viên chức đang công tác trong cơ quan, tổ chức hành chính sang các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định. Chấm dứt hợp đồng lao động đối với 34 trường hợp và bố trí công việc phù hợp đối với 1 trường hợp lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; không thực hiện việc ký và sử dụng lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước.

Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh thu hồi 4 quyết định xét tuyển viên chức thành công chức, 2 quyết định xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; thu hồi 6 quyết định phân công thuộc Đề án Vĩnh Long 100 vào làm việc tại cơ quan, tổ chức hành chính. Đồng thời, thu hồi quyết định điều động và quyết định bổ nhiệm đối với 1 trường hợp do không thực hiện quy trình xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên; thu hồi quyết định tuyển dụng và quyết định bổ nhiệm đối với 1 trường hợp do quyết định tuyển dụng công chức không đúng quy định.

Tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các cơ quan, tổ chức rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo từ tháng 6-2012 đến nay, lập kế hoạch cử các công chức chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đi đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức hiện giữ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết luận thanh tra ban hành. Quá thời hạn trên, nếu không đáp ứng đủ thì thu hồi quyết định bổ nhiệm. Cùng với đó, thu hồi các quyết định về công tác cán bộ đối với những trường hợp không có khả năng khắc phục; không bổ nhiệm lại đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức danh hiện giữ.

Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh Vĩnh Long sắp xếp lại số lượng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại trên để có hình thức xử lý phù họp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh; khắc phục kịp thời./.