Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-6 đến ngày 02-7-2017
Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý
Bộ Nội vụ ban hành văn bản số 2424/BNV-CCVC về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đối tượng tham gia dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.
Cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương được quyền đăng ký tham gia dự tuyển. Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển quy định tại các đối tượng nêu trên nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện đang giữ.
Đối tượng đề cử tham gia dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên) được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.
Ngoài ra, người tham gia dự tuyển phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh tuyển chọn; đáp ứng đủ các điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung về công tác cán bộ, bao gồm: có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ, rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận; trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức; Khoản 2, 3 và 4 Điều 56 Luật Viên chức và các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luât; đáp ứng các điều kiện khác do cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quy định.
Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng có không quá 11 thành viên; Hội đồng thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở có không quá 17 thành viên do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn quyết định.
Thi tuyển được tổ chức với 02 nội dung: Thi viết và thi trình bày Đề án.
Đề án xác định 14 bộ, ngành và 22 địa phương được chọn thực hiện thí điểm; khuyến khích các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm, nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo hướng dẫn tại văn bản này.
Bộ Nội vụ: Nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ
Nhiều vấn đề nóng liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ, tinh giản biên chế được phản ánh và trả lời tại buổi họp báo thông báo kết quả công tác quý II của Bộ Nội vụ diễn ra chiều 27-6 tại Hà Nội.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra các vụ việc báo chí phản ánh, thanh tra công vụ tại 11 địa phương, đơn vị gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An); huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk); tỉnh Bình Đình; huyện Phong Điền (Thành phố Cần Thơ), Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Tổng cục thuế, Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng; huyện An Dương (Thành phố Hải Phòng); huyện Kim Thành (Hải Dương). Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ phát hiện một số sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Bộ đã báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất kiến nghị khắc phục, xử lý.
Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật.
Để tăng cường hơn nữa số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trong đó có nội dung về tuyển dụng, bổ nhiệm; Thanh tra Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Nội vụ. Theo đó, trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Nội vụ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và giao các bộ, địa phương tự kiểm tra, thanh tra tối thiểu 30% đơn vị thuộc và trực thuộc.
Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ cho biết Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc tổ chức cán bộ. Theo đó, yêu cầu trước ngày 30-6-2017, không còn cơ quan, tổ chức có cấp phó vượt quá quy định. Các địa phương tổng hợp kết quả gửi về Bộ Nội vụ để Bộ báo cáo Thủ tướng.
Nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về việc đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó tập trung thực hiện ngay rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các thủ tục hành chính để phục vụ cho việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo hướng tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia, đẩy mạnh thuê dịch vụ trong việc cung cấp các tiện ích cho doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Triển khai đầy đủ nội dung, nhiệm vụ tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan củng cố hoạt động Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Thời hạn hoàn thành việc này vào tháng 12-2017.
Cũng trong tháng 12-2017, hoàn thiện khung pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, cho phép kết nối và trao đổi chứng từ điện tử với các đối tác thương mại quốc tế để thúc đẩy hoạt động thương mại và logistics.
Trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo, kiểm tra ít nhất. Thời hạn hoàn thành vào tháng 10-2017.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; khảo sát định kỳ và phản ảnh kịp thời ý kiến đánh giá, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về Cơ chế một cửa và tạo thuận lợi thương mại;…
Ban Tổ chức Trung ương thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý
Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh: Vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ; Cơ sở Đảng; Địa phương III. Để đảm bảo việc thi tuyển công khai, minh bạch, góp phần tuyển chọn được cán bộ xứng đáng với vị trí cần tuyển, Ban Tổ chức Trung ương đã có thông báo nêu rõ đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi, cung cấp thông tin rộng rãi cho các đối tượng đăng ký dự thi.
Đối tượng dự thi: Các đồng chí trong nguồn quy hoạch tại chỗ vào chức danh Vụ trưởng các vụ: Chính sách cán bộ; Cơ sở Đảng, Địa phương III; Các đồng chí đã được quy hoạch chức danh vụ trưởng và tương đương ở các vụ, đơn vị và ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác có đơn đăng ký dự thi.
Điều kiện, tiêu chuẩn: Ngoài điều kiện, tiêu chuẩn chung đã quy định tại quy chế (ban hành kèm theo Quyết định số 1678-QĐ/BTCTW ngày 24-5- 2017), tùy từng chức danh thi tuyển, người dự thi cần phải có những điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể.
Nội dung, hình thức thi được quy định tại Quyết định số 1678-QĐ/BTCTW ngày 24-5-2017 của Ban Tổ chức Trung ương.
Nội dung cụ thể được đăng tải tại Website: Xaydungdang.org.vn
Bộ Tư pháp: Thực hiện tốt Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2017
Sáng 29-6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm đánh giá, rút kinh nghiệm về Chỉ số cải cách hành chính năm 2016.
Báo cáo về kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2016, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, năm 2016, vị trí xếp hạng của Bộ tăng 3 bậc so với năm 2015. Phân tích 7 chỉ số thành phần cải cách hành chính năm 2016, Bộ Tư pháp thăng hạng vượt bậc so với năm 2015 đối với 2 chỉ số là: Hiện đại hóa hành chính và Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Bộ tiếp tục duy trì vị trí xếp hạng cao đối với một số chỉ số như: Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước và Cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, bên cạnh việc có nhiều khởi sắc trong các nội dung cải cách hành chính thuộc diện chấm điểm thẩm định thì Bộ Tư pháp đạt vị trí xếp hạng cao hơn ở kết quả điều tra xã hội học. Điều đó đã phản ánh sự ủng hộ tốt hơn đối với các chủ trương, nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ Tư pháp.
Qua rà soát số điểm trừ của Bộ Tư pháp cho thấy trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế: Các nhiệm vụ trong lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thực hiện chưa đạt yêu cầu; việc thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ còn chậm. Ngoài ra, kết quả điều tra xã hội học vẫn thuộc nhóm thấp (xếp thứ 12/19 bộ) trong đó có cả lĩnh vực là nhiệm vụ chính của Bộ Tư pháp.
Thảo luận tại buổi Tọa đàm, các đại biểu nhất trí, để thực hiện tốt Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017 của Chính phủ, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ do đơn vị mình chịu trách nhiệm, khắc phục những bất cập, hạn chế, từ đó nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trong những năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh mặc dù Chỉ số cải cách hành chính đã được cải thiện song “vẫn còn nhiều việc phải làm” và “làm không phải vì vị trí mà làm để chiến thắng bản thân mình”. Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2017 của Chính phủ.
Tây Ninh: Đề ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số cải cách hành chính
Chiều 27-6, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017; đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của tỉnh Tây Ninh.
Ông Phan Văn Sử, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2016 chỉ số cải cách hành chính (PAX Index) của tỉnh đứng thứ 44 trong tổng số 63 tỉnh, thành trong cả nước, đã tụt 15 bậc so với năm trước đó (năm 2015 đứng vị trí 29/63). Nguyên là do tỉnh triển khai thí điểm xây dựng một số chỉ tiêu về cải cách hành chính, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Yếu tố về con người cũng có tác động lớn đến kết quả về cải cách hành chính của tỉnh khi đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp còn diễn biến chậm, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và phương pháp thực hiện còn có nhiều hạn chế cần khắc phục.
Bộ tiêu chí xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2016 được cấu trúc với hai nhóm: Nhóm 1-Đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính Tây Ninh đạt 43,5 điểm trên tổng số 62 điểm tối đa; trong tổng số 63 tỉnh, thành, Tây Ninh xếp vị trí thứ 29. Nhóm 2-Đánh giá tác động cải cách hành chính, với số điểm tối đa là 38, Tây Ninh đạt 26,02 điểm, đứng vị trí 55/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong khi đó, về kết quả phân loại cải cách hành chính, với 4 nhóm được phân loại, Tây Ninh đứng ở nhóm C với vị trí xếp hạng là 44/63 tỉnh, thành.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Phạm Văn Tân đã yêu cầu các ngành, các cấp phải nghiêm túc thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính ở các cấp cơ sở; tăng cường đối thoại, chủ động tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thông qua dịch vụ bưu chính; thực hiện phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh, nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; thực hiện có hiệu quả các phần mềm điện tử để giảm thiểu văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị. Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức sử dụng một cửa điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã, huyện nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công cuộc cải cách hành chính.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các sở ban, ngành của tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông gần 368.000 hồ sơ, đã giải quyết đúng hẹn gần 364.600 hồ sơ (chiếm 99%), trễ hẹn trên 200 hồ sơ (chiếm 0,06%, chủ yếu về lĩnh vực đất đai và cấp lý lịch tư pháp), đang giải quyết trên 3.100 hồ sơ (chiếm 0,86%)./.
Kỷ niệm 30 năm chương trình Hợp tác lao động Việt Nam-Đông Đức  (03/07/2017)
Còn nhiều dư địa hợp tác song phương Việt Nam-Argentina  (03/07/2017)
Khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương  (03/07/2017)
Italy kêu gọi các nước EU mở hải cảng đón nhận người di cư  (02/07/2017)
Kịch bản để GDP tăng trưởng trên 7,4% trong 6 tháng cuối năm  (02/07/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên