Về vấn đề kiểm tra, giám sát người đứng đầu các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước

Bùi Ngọc Thanh TS, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
10:44, ngày 06-06-2017

TCCS - Trong những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là đội ngũ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước là yêu cầu cấp bách, góp phần trong công tác xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Nhận định về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII có đoạn: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”(1).

Như đã biết, người đứng đầu trong bộ máy hành chính nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. “Chọn mặt gửi vàng”, đúng người, đúng việc cũng chính là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong công cuộc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ. Theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8-11-2011, của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, cơ cấu các cơ quan hành chính được xem xét trong cải cách, gồm “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương”(2). Người quản lý, lãnh đạo đứng đầu các cơ quan này là những con người cụ thể vận hành bộ máy hành chính nên khi kiểm tra, giám sát là phải kiểm tra, giám sát những con người cụ thể đó. Và, khi xem xét bộ máy hành chính có hiệu lực, hiệu quả hay không, trước tiên cần xem xét người quản lý, lãnh đạo đứng đầu, cầm lái. Các Mác từng ví người đứng đầu như một nhạc trưởng gắn kết tinh tế các nhạc công sử dụng các nhạc cụ khác nhau nhằm một mục tiêu nghệ thuật sống động, thống nhất, chặt chẽ với nhau. Người quản lý, lãnh đạo, đứng đầu có vai trò “chủ công” trong việc đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện những mục tiêu đã được xác định, quyết định nhiệm vụ cho các đơn vị khác nhau, và là người tổ chức chính các công việc đó; phân chia các công việc cho cấp dưới; yêu cầu thực hiện các công việc được giao và chỉ đạo, kiểm tra trong quá trình thực hiện... Lúc này, khi mà “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền...; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước...”(3) thì việc kiểm tra, giám sát người đứng đầu cũng có vai trò quan trọng hàng đầu.

Trong nhiều năm qua, trong số những người đứng đầu các cơ quan mà Nghị quyết số 30c/NQ-CP xác định như trên, cũng có một bộ phận không nhỏ (kể cả ở Trung ương và địa phương) nắm giữ các chức vụ mà không do tài cán, đức độ mang lại. Do vậy, việc chấn chỉnh những vị trí này càng cấp bách hơn bao giờ hết, nếu không, bộ máy sẽ bị xộc xệch, rệu rã, vô hiệu. Cần phải kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng theo ba nhóm biểu hiện suy thoái với 27 biểu hiện cụ thể đã được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Một người có thể mắc một, hai khuyết điểm, nhưng có người cùng lúc mắc nhiều khuyết điểm. Song có thể tập trung vào một số vấn đề “nóng bỏng” mà không ít người mắc phải sau đây:

1- Kiểm tra, giám sát xem hiện tại người đứng đầu có “kham” nổi chức vụ đang nắm giữ hay không? Nếu thủ trưởng được bổ nhiệm theo các “tiêu chí”, như “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ...” thì khó có thể đảm đương nổi, nhất là khi chức vụ được “mua - bán”, “trao đổi”. Nếu bằng cách đó, sau khi cất nhắc, đề bạt, họ dồn hết tâm trí vào việc “kê đệm” cho chắc ghế và bắt tay vào việc thu hồi “vốn” đã “đầu tư”, bằng cách vừa thuyên chuyển qua lại, vừa đề bạt cán bộ không theo tiêu chí. Đương nhiên là “nhân nào, quả nấy”. Cơ quan sẽ trong tình trạng mất dân chủ, một bộ phận cán bộ trong cơ quan, đơn vị có tâm lý chán nản, buông xuôi. Lãnh đạo lại được dịp lấy người, đề bạt, sắp xếp, xàng xê qua lại.

Như vậy, cần phải kiểm tra, giám sát cả hai chiều: một chiều, xem xét người lãnh đạo đó đã được đề bạt bằng con đường nào; chiều khác, xem họ “thu hồi vốn” như thế nào, đã lấy người, đề bạt, thuyên chuyển, cất nhắc những ai, “các quân cờ” được di dịch ra sao?. Hiện trạng bộ máy đó vững chắc hay rệu rã đến mức nào?...

2- Phải rà soát kỹ càng xem người lãnh đạo có “sân sau” hay không?; nếu có thì kích cỡ “sân sau” này thế nào, được hình thành ra sao? Khoa học quản lý chỉ rõ, đã làm chính trị thì không nhúng vào kinh doanh, vì đã kinh doanh là phải tính toán lỗ lãi, mà đã dấn thân vào lỗ lãi rồi sẽ làm méo mó chính trị; mặt khác dựa vào uy thế chính trị để kinh doanh thì sẽ dẫn đến bất bình đẳng tới mức kẻ siêu lợi nhuận, người bị phá sản. Đương nhiên, phía kinh doanh nắm chắc phương châm “có đi, có lại”. Tác hại cho ngành, địa phương và cho đất nước khi đằng sau những cái xiết tay tréo ngoe nhưng rất chặt ấy là điều gì sẽ xảy ra. Rất tiếc là hiện nay không phải không còn tình trạng đó. Kiểm tra, giám sát để thấy rõ hơn mức độ của mối quan hệ bất chính này, từ đó chấn chỉnh, khắc phục là việc tối cần thiết và cực kỳ cấp bách. Đây chính là biểu hiện thứ bảy trong nhóm những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra: “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”(4).

3- Cần kiểm tra, giám sát xem người đứng đầu kê khai tài sản có trung thực không. Đây không chỉ là một quyết sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng, một chủ trương hợp lòng dân trong hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn là nguyện vọng chính đáng, cấp thiết của cử tri, của nhân dân. Trong thực tế, một số lãnh đạo cấp cao sau khi “hạ cánh” đã lộ dần những khối tài sản khổng lồ (đang được khẩn trương xem xét, xử lý). Và ngay cả một số lãnh đạo đương nhiệm, trong quá trình cọ xát với công việc cũng như vậy. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là biểu hiện thứ ba trong số chín biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ. Trung là một trong năm đức tính tối quan trọng (nhân, trí, dũng, liêm, trung) mà Bác Hồ luôn luôn dày công rèn luyện cho cán bộ, đảng viên. Bởi thế, phải kiểm tra, giám sát xem người đứng đầu cơ quan, bộ máy hành chính đã gương mẫu thực hiện đến đâu thông qua một việc rất cụ thể là “Kê khai tài sản của bản thân và gia đình” theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc này vừa nắm được thực trạng, vừa góp phần chuẩn bị tốt cho việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sắp tới.

4- Kiểm tra, giám sát việc thực thi dân chủ: phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của đơn vị - vấn đề vừa là chiến lược, vừa là sách lược mà người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt và thực thi hiệu quả. Có thể nói rằng, ở tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị đạt thành tích xuất sắc, trong sạch, vững mạnh bao giờ cũng là nơi mà dân chủ thực sự được mở rộng và phát huy; tình đoàn kết thân ái được hội tụ và ai cũng cảm nhận được sự ấm áp trong tập thể như ai. Đó là nguồn sức mạnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì thế, việc kiểm tra, giám sát để xem thủ trưởng có thu phục được nhân tâm, lòng người theo đúng nghĩa và có phải là trung tâm đoàn kết hay không cũng hết sức cần thiết khi “tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”(5).

5- Một trong những phẩm chất, đức tính cần có của người quản lý, lãnh đạo đứng đầu một cơ quan là phải khiêm tốn, biết lắng nghe và nghe bằng “cả hai tai”, bởi vậy phải kiểm tra, giám sát xem ở thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sự khiêm tốn, ham học hỏi thật sự hay không. Không ít thủ trưởng, cứ khuyết điểm là của tập thể, “của công”, còn thành tích là của lãnh đạo. Hiện trạng “đánh bóng, mạ vàng” tên tuổi không chỉ bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ trước đây: “Việc thành công có nhiều cha đẻ /Việc thất bại như đứa trẻ mồ côi...”. Rất tiếc là hiện nay căn bệnh “thành tích” bị tấy phát trầm trọng hơn trước nên đã có trường hợp lãnh đạo một ngành vừa mới được tuyên dương thì không lâu sau đó đã bị khởi tố! Vì vậy phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để biết rõ thực chất công trạng của người đứng đầu cơ quan đơn vị, chỉ rõ con đường phấn đấu chân chính. Và đó cũng chính là khắc phục, sửa chữa cho được biểu hiện “mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu””(6) đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII Đảng ta nhận diện.

Không phải ngẫu nhiên mà các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ đã chỉ ra từng đối tượng phải được kiểm tra, giám sát cụ thể đến từng chức vụ như thế. Bởi, nếu không có địa chỉ cụ thể đến mỗi cá nhân, cứ rập khuôn nguyên bản “đúng quy trình”, thì không bao giờ đem lại kết quả thực sự như mong muốn./.

---------------------------------------

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 22

(2) http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-30c-NQ-CP-Chuong-trinh-tong-the-cai-cach-hanh-chinh-nha-nuoc-131576.aspx

(3), (4) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”

(5), (6) Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã dẫn