Đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị - xã hội ở xã hiện nay

Lê Thị Phượng Học viện Chính trị khu vực I
21:38, ngày 16-02-2017

TCCSĐT - Trong hệ thống hành chính nước ta, chính quyền xã - phường - thị trấn (gọi chung là cấp xã) là chính quyền cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền bốn cấp hoàn chỉnh: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Một đặc trưng nổi bật của hệ thống chính trị - xã hội ở cấp xã là sự thống nhất quá trình lãnh đạo, quản lý với quá trình trực tiếp triển khai, thực hiện trên thực tế chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc trưng của hệ thống chính trị - xã hội ở xã

Chính quyền xã, khác với chính quyền phường, chính quyền thị trấn, do phải quản lý một địa bàn lãnh thổ nhất định với một số thôn, làng có truyền thống tự quản và chịu sự chế ước của một số đặc điểm vùng, miền, bao gồm cả đặc điểm tộc người và tôn giáo, nên chính quyền xã có vai trò độc lập tương đối. Vì vậy, xét về nguyên tắc, trong tổ chức và hoạt động của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã luôn đòi hỏi tính chất đa ngành, liên ngành với một số nét đặc thù và tính độc lập nhất định tùy từng loại hình xã (xã hay thị trấn vùng nông thôn đồng bằng, vùng ven đô, vùng núi, vùng dân tộc ít người,...).

Hệ thống chính trị - xã hội ở xã bao gồm Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân với sự tham gia phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm thực hiện quyền lực nhà nước trên địa bàn xã; có chức năng thay mặt nhân dân xã, căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân xã, quyết định, tổ chức thực hiện những vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống của nhân dân xã theo Hiến pháp, pháp luật và các quyết định của chính quyền cấp trên.

Cùng với những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong quá trình chuyển đổi từ một Nhà nước quản lý là chủ yếu sang một Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển, chính quyền xã cần giảm bớt các lĩnh vực quản lý, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển xã hội. Phát triển xã hội ở đây không chỉ thuần túy là sự phát triển của riêng lĩnh vực xã hội, mà còn là sự phát triển đồng thời của phương diện (hay khía cạnh) xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn xã. Nội dung cơ bản của phát triển xã hội ở xã gồm: phát triển mạng lưới y tế, giáo dục; bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng cho các cộng đồng thôn, làng và người dân, hỗ trợ và mở rộng quyền tự quản của các thôn, làng trong việc phát triển và giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội trên cơ sở kế thừa và phát huy hương ước hay luật tục.

Khái niệm phát triển xã hội luôn bao hàm trong nó nội hàm quản lý. Hệ thống chính trị - xã hội ở xã lại càng phải nhất thể hóa hàm nghĩa phát triển và quản lý gồm cả hệ thống tổ chức bộ máy quản lý và cơ chế quản lý. Như vậy, chính quyền xã, rộng hơn là toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội ở xã, phải chủ động thực hiện quản lý phát triển xã hội trên địa bàn xã, như lập kế hoạch và tổ chức, điều hành, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với quá trình phát triển đời sống xã hội, nhằm bảo đảm cho đời sống xã hội phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đáp ứng ngày càng đầy đủ yêu cầu được phát triển toàn diện của mọi người dân trong xã.

Do đặc điểm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính quyền xã còn có vai trò điều phối, khắc phục các khiếm khuyết do sự phát triển của kinh tế thị trường gây ra, bảo vệ môi trường, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện bảo trợ xã hội đối với các đối tượng chính sách và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, nhằm thực hiện dân chủ và công bằng trong phát triển xã hội. Tất nhiên, trong lĩnh vực này, chính quyền xã cũng không hoàn toàn tự mình làm tất cả, mà chỉ là chủ thể chính đứng ra thu hút, khuyến khích người dân các thôn, làng cùng tham gia thực hiện.

Quản lý phát triển đời sống xã hội của chính quyền xã không tách rời việc phát huy truyền thống tự quản của các thôn, làng trong xã. Cách thức kết hợp tối ưu nhất là thông qua hoạt động (phản biện, giám sát) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh) và các tổ chức xã hội, như Hội người cao tuổi.

Một số giải pháp

Với những nội dung quản lý và kiến tạo phát triển xã hội ở xã như trên, cần có những giải pháp để đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị - xã hội ở xã.

Một là, xây dựng, ban hành Luật về phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể nhằm đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị - xã hội ở xã theo hướng tinh gọn của các tổ chức này và nâng cao nhận thức, năng lực hoạt động có tính độc lập của người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trong việc bảo đảm quyền lợi của nhân dân, thông qua việc chủ động, tích cực các hoạt động tự quản và phản biện, giám sát.

Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của tổ chức đảng cấp xã; đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của chính quyền cấp xã. Phản biện xã hội là góp phần bảo đảm tính đúng đắn, đúng ý Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn của đời sống xã hội trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, quyết định của tổ chức đảng; trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án, đề án, quyết định của chính quyền cấp xã, đáp ứng lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và xã hội là việc xem xét, phát hiện, kiến nghị về các hoạt động của tổ chức đảng ở xã và đảng viên; của chính quyền cấp xã và cán bộ, công chức, viên chức cấp xã trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đại biểu dân cử và đảng viên. Thông qua đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện.

Phản biện và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là phản biện, giám sát mang tính nhân dân và tính dân chủ. Phản biện và giám sát phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội không được cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Hoạt động phản biện, giám sát được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và trung thực.

Để thực hiện tốt chức năng phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, trước hết phải phát huy vị trí, vai trò của người đứng đầu các tổ chức này. Cụ thể:

Với vai trò Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, cần đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng và chủ động, tích cực thực hiện phản biện, giám sát các chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế tại địa phương, như: chính sách, pháp luật về quyền của phụ nữ; quyền của người có HIV; quyền của người khuyết tật, người cao tuổi; quyền trẻ em,... trong các tổ chức đoàn thể và nhân dân.

Chủ tịch Hội Phụ nữ cần tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền xã để chủ động, tích cực tổ chức các tổ hội trong xã để đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho chị em phụ nữ; phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ phụ nữ tự bảo quyền lợi của mình trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và ảnh hưởng tiêu cực của những thói quen, hủ tục lạc hậu,...

Bí thư Đoàn Thanh niên cần tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền xã để đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, thể lực cho thế hệ trẻ... Thu hút rộng rãi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tham gia các tổ chức do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt và phụ trách (1).

Chủ tịch Hội Nông dân cần tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền xã để cung cấp thông tin, tuyên truyền cho người nông dân phát triển kinh tế gia đình, trang trại, kể các doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã). Ngoài tổ chức hội nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, hiệp hội các ngành hàng nông sản, có thể tạo điều kiện cho nông dân lập thêm các hiệp hội nông dân sản xuất nguyên liệu để giúp nhau trong sản xuất và tiêu thụ, đấu tranh bảo vệ lợi ích của những người sản xuất nguyên liệu trong quá trình phát triển hàng hóa theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương, cơ sở, nhằm đổi mới, kiện toàn chính quyền xã để quản lý có hiệu lực, hiệu quả đời sống xã hội ở nông thôn.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (Nghị quyết số 15-NQ/TW) năm 2002 đã chỉ ra những mục tiêu cơ bản là: Xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, phát huy sức dân, không tham nhũng; trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở,… Do đó, cần xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương, cơ sở nhằm đổi mới, kiện toàn chính quyền xã để có thể thực hiện tốt các chức năng: cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân trong xã; đại diện cho Nhà nước, nhân danh Nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước; trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn xã; điều tiết sự tự quản của các thôn, làng trên địa bàn xã./.
-----------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.162 - 163