Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 31-10 đến ngày 06-11-2016
Triển khai quy trình xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng
Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan để thống nhất quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và các quy định của pháp luật, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trước ngày 10-11-2016.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình về vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm"
Chiều 02-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình trước đại biểu Quốc hội về vấn đề bổ nhiệm chức danh "hàm".
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 87 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 khóa XIII, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất phương án bổ nhiệm chức danh "hàm" đối với cán bộ công chức, Bộ Nội vụ đã hoàn thành nghiên cứu các quy định bổ nhiệm cấp "hàm" trong hệ thống các chức danh, chức vụ ở cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 4607 ngày 08-10-2015 báo cáo Thủ tướng về việc nghiên cứu đề xuất bổ nhiệm chức danh "hàm" đối với cán bộ, công chức. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo số 8922 ngày 29-10-2015 giao cho Bộ tiếp tục hoàn thiện đề án theo hướng xác định rõ, giải thích văn bản pháp luật ban hành, chế độ bổ nhiệm "hàm" là theo Nghị định của Chính phủ hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, do trong Luật cán bộ công chức không có chức danh "hàm" nên khó khăn trong việc xây dựng Nghị định. Đến ngày 19-7-2016, Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xây dựng văn bản pháp luật bổ nhiệm chức danh "hàm". Đến ngày 11-8, Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu ý kiến của Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xây dựng dự thảo Nghị định này để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp năm 2016
Sáng ngày 02-11-2016, tại Học viện Hành chính quốc gia, Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức khai mạc Kỳ thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp năm 2016. Đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng thi nâng ngạch công chức năm 2016 dự và chủ trì Lễ khai mạc.
Kỳ thi nâng ngạch công chức được tổ chức hàng năm là thước đo để đánh giá về trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Để kỳ thi thực sự đánh giá đúng được trình độ của mỗi cán bộ, công chức, Chủ tịch Hội đồng thi yêu cầu các thành viên Hội đồng thi, Ban Giám sát, Ban Tổ chức, Ban coi thi và các thí sinh nghiêm túc chấp hành các nội quy, quy chế của kỳ thi để kỳ thi đạt được kết quả và chất lượng cao.
Kỳ thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp năm 2016 có 672 công chức đủ điều kiện dự thi, chủ yếu là các đồng chí giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên; trong đó có 85 đồng chí là cán bộ nữ; 6 đồng chí giữ chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; 174 đồng chí Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng; 26 đồng chí giữ hàm Phó Vụ trưởng; 80 đồng chí là Cục trưởng, Phó Cục trưởng; 3 đồng chí là Đại sứ; 80 đồng chí là Giám đốc Sở; 27 đồng chí giữ chức vụ Chánh Văn phòng; 62 đồng chí là Trưởng ban của các ngành ở Trung ương. Các thí sinh sẽ thi 4 môn: Kiến thức chung; Ngoại ngữ (thi viết và thi vấn đáp); Tin học văn phòng; Môn Thi viết Đề án và bảo vệ Đề án trong thời gian từ ngày 05-11 đến hết ngày 13-11-2016.
Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân
Để hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tháng 3-2014, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh với chức năng là cơ quan đầu mối tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Một năm sau đó, Quảng Ninh đã hoàn thiện xây dựng và đưa vào hoạt động 14/14 Trung tâm hành chính công cấp huyện, thị xã và thành phố ở tất cả các địa phương.
Hiện đã có 1.041 thủ tục hành chính (hơn 90% thủ tục hành chính công) của 24 sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn được đưa vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công tỉnh theo quy trình tiếp nhận và xử lý đảm bảo rõ trách nhiệm, thẩm quyền và nhanh gọn. 100% các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp ở dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu; hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ). Trên 80% thủ tục sẵn sàng được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (là dịch vụ công trực tuyến cho phép người sử dụng khai báo và nộp thủ tục hành chính trên mạng trực tuyến và chỉ đến các trung tâm hành chính 1 lần khi có kết quả).
Đặc biệt ngày 01-7-2016 Quảng Ninh đã chính thức cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 tại 15 sở, ngành và 3 địa phương là thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên.
Nhìn chung, hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính tại các trung tâm hành chính công được các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung giải quyết kịp thời. 10 tháng đầu năm 2016, Trung tâm hành chính công các cấp đã tiếp nhận khoảng 20 vạn hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước thời hạn chiếm hơn 97%. Số hồ sơ trả lại, hoặc trả không đúng hẹn chủ yếu là do yếu tố khách quan hoặc hồ sơ thuộc quyền thẩm định, phê duyệt của Trung ương.
Sự ra đời của các trung tâm hành chính công đã góp phần thay đổi tích cực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc giảm tới 40% thời gian và số lần đi lại giao dịch các thủ tục hành chính đã góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí xã hội của tỉnh.
Qua 200 phiếu khảo sát gửi doanh nghiệp đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công, kết quả cho thấy trên 99% doanh nghiệp nhận xét: Thủ tục hành chính được niêm yết công khai, giải quyết nhanh gọn; cán bộ nhiệt tình, thân thiết và có am hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Qua các kênh khảo sát dư luận khác, có tới 96% tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hài lòng về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Các trung tâm hành chính công cấp huyện phấn đấu đạt được sự hài lòng của 95% công dân.
Giai đoạn 2 của Đề án chính quyền điện tử (2017-2020), Quảng Ninh hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trở lên, đảm bảo công khai, minh bạch; xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Quảng Ninh đang tập trung ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính.
Triển khai tiện ích đăng ký hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng
Hiện nay, các dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được thực hiện dưới hai hình thức trực tuyến (qua môi trường mạng) và trực tiếp (tại trụ sở đơn vị). Đối với hình thức trực tiếp, tổ chức, cá nhân phải chờ đợi tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị để đến lượt giải quyết.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần một tiện ích cho phép hẹn giờ giao dịch giữa tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị để tiết kiệm thời gian chờ đợi của cá nhân, tổ chức cũng như thuận tiện hơn cho cơ quan, đơn vị trong cung ứng dịch vụ công, giảm tình trạng ùn tắc tại các điểm giao dịch có số lượng giao dịch lớn tập trung vào một số thời điểm nhất định hoặc giúp cơ quan, đơn vị chủ động hơn trong việc bố trí công chức trong thời gian giao dịch.
Từ ngày 01-9, trên địa bàn thành phố chính thức triển khai tiện ích hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính. Trước mắt các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nội vụ tổ chức triển khai thí điểm tiện ích hẹn giờ giao dịch hành chính. Sau đó, thành phố mở rộng thực hiện tại tất cả các sở, ban, ngành trong năm 2017; nhân rộng đến một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và tại UBND các quận, huyện trong năm 2018.
Theo đó, để hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, công dân có thể gọi đến số điện thoại 05113.881888 vào giờ hành chính; sau đó cung cấp thông tin về họ tên, số điện thoại, cơ quan cần giao dịch, tên thủ tục, nội dung cần giao dịch, dự kiến ngày, giờ giao dịch. Với hình thức nhắn tin, soạn theo cú pháp HG (họ tên) (tên cơ quan cần giao dịch) (thủ tục, nội dung cần giao dịch) (giờ, ngày hẹn) gửi đến tổng đài 8188 vào bất cứ thời gian nào để hẹn giờ giao dịch hành chính. Trường hợp muốn hủy lịch hẹn, có thể soạn tin nhắn theo cú pháp HUYHG (mã số hẹn giờ) gửi đến tổng đài 8188, hoặc gọi điện thoại đến số 05113.881888 để hủy lịch hẹn.
Sau khi nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi từ tổng đài xác nhận thời gian đặt hẹn, tổ chức, công dân đến quầy giao dịch của Trung tâm Thông tin dịch vụ công tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung theo giờ đã hẹn để nhận phiếu hẹn giờ giao dịch hành chính và đến quầy cơ quan cần giao dịch để tiến hành giao dịch (trừ những ngày nghỉ theo quy định). Đây là loại hình tiện ích không bắt buộc, được cung ứng khi công dân, tổ chức có nhu cầu.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính
Ngày 02-11, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị quán triệt các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công đối với UBND cấp xã.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, trong tất cả các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính thì yếu tố con người là then chốt. Do đó, cần có sự quyết liệt từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính của cấp ủy, chính quyền các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính. Đồng thời, các cấp, các ngành cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm trong công việc và thực thi công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo ông Sầm Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2015 của tỉnh, có 5/6 chỉ số giảm điểm so với năm 2014, đó là: Sự tham gia của người dân ở cơ sở, sự công khai minh bạch, trách nhiệm tinh thần với người dân, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công. Nguyên nhân là do việc triển khai thực hiện chương trình hành động ở một số đơn vị vẫn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động ngân sách tại một số nơi còn chưa tốt, ảnh hưởng đến việc tiếp cận, nắm bắt thông tin của người dân tại cơ sở. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, khiến người dân chưa hài lòng khi tiếp xúc với cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra,vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở các địa phương xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế.
Trong năm 2015, điểm số cải cách hành chính tất cả các xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu đều giảm so với năm 2014. Điều này phản ánh việc duy trì những kết quả đã đạt được của một số địa phương chưa được thường xuyên, sự điều hành về cải cách hành chính của chính quyền cấp xã chưa quyết liệt. Điều tra xã hội học cho thấy người dân chưa thực sự hài lòng về thái độ, hành vi của một số cán bộ, viên chức ở cấp xã khi tiếp xúc giải quyết thủ tục hành chính, lòng tin của người dân về chính quyền cấp xã có sự giảm sút đáng kể.
Đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công đối với UBND cấp xã, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành cần rà soát các thủ tục hành chính lĩnh vực ngành phụ trách, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tham mưu công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã, đảm bảo UBND cấp xã giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, tạo thuận lợi cho người dân.
Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thường xuyên tập huấn cho cán bộ công chức về nghiệp vụ cải cách hành chính; ban hành danh mục tên các thủ tục hành chính cắt giảm thời gian giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về thực hiện các nội dung cải cách hành chính; thường xuyên theo dõi, kiểm tra để có giải pháp chỉ đạo bộ phận tham mưu thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo thời gian kế hoạch đề ra..../.
Thành phố Hồ Chí Minh họp khẩn về diễn biến dịch Zika trên địa bàn  (06/11/2016)
Quy hoạch thành phố thông minh để Hải Phòng phát triển bền vững  (06/11/2016)
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xử lý vụ 2 phóng viên bị đánh  (06/11/2016)
Tổng thống Ireland và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (06/11/2016)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên