Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 01-8 đến ngày 07-8-2016)
ICAO cảnh báo các nguy cơ đối với ngành hàng không dân dụng
Ngày 02-8-2016, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc đã cảnh báo những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với ngành hàng không dân dụng, đồng thời kêu gọi giới chức sân bay các nước chuẩn bị các phương án đối phó. Trong báo cáo về môi trường năm 2016, ICAO cảnh báo tình trạng Trái đất nóng lên, làm tăng độ ẩm trong không khí, đã gây ra hiện tượng mây bao phủ ngày càng dày đặc tại các sân bay ở khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh, khiến tầm nhìn của các phi công bị ảnh hưởng. Các chuyên gia đồng thời khuyến cáo giới chức sân bay bảo vệ các đường băng ven biển trước tình trạng mực nước biển không ngừng gia tăng. ICAO cũng khuyến cáo về hiện tượng nhiễu loạn không khí trong quá trình bay do sự thay đổi của các luồng khí quyển, cũng như nguy cơ trục trặc động cơ máy bay do ngày càng xuất hiện nhiều cơn bão bụi, bão cát và băng tuyết,... Theo các chuyên gia ICAO, các nguy cơ nói trên sẽ hiện hữu rõ nét hơn trong vòng 3 - 4 thập kỷ tới, do đó giới chức sân bay các nước cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó.
Một trong những biện pháp được đề xuất là tiến hành đánh giá về các nguy cơ đối với kết cấu hạ tầng hiện tại, cũng như các kế hoạch xây dựng sân bay trong tương lai. Liên quan tới vấn đề này, ICAO cảnh báo trong số 46 sân bay ở Na Uy, có tới 20 sân bay có nguy cơ bị tác động đáng kể bởi tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó nhiều sân bay có đường băng thấp hơn 4m so với mực nước biển. Báo cáo của ICAO công bố hồi năm 2014 cho thấy nhiều sân bay ở Na Uy đang đứng trước nguy cơ bị ngập do lũ lụt.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không ra được tuyên bố về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Ban Ki-moon cho biết, Liên hợp quốc “quan ngại sâu sắc” trước các vụ thử
tên lửa gần đây của Triều Tiên. Ảnh: Star Tribune
Ngày 04-8-2016, theo yêu cầu của Nhật Bản và Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong ngày 03-8. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp kín kéo dài khoảng 2 giờ, Hội đồng Bảo an đã không ra được tuyên bố về vấn đề này. Phát biểu sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Samantha Power đã kêu gọi “phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ từ Hội đồng Bảo an”, khẳng định vụ phóng tên lửa này là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh khu vực. Trước đó cùng ngày, ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết Liên hợp quốc “quan ngại sâu sắc” trước các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng lưu tâm tới lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế muốn nước này chấm dứt những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và quay trở lại tiến trình đàm phán nghiêm túc.
Theo hãng thông tấn AFP, cùng ngày, Mỹ, Nhật Bản và 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã gửi một công hàm chung lên Liên hợp quốc, để nghị tổ chức này điều tra các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Cuộc điều tra này có thể xác định những các cá nhân và công ty dính líu tới chương trình tên lửa của Triều Tiên và những đối tượng này có thể phải chịu một số biện pháp trừng phạt như không được cấp thị thực đi lại trên toàn cầu và bị phong tỏa tài sản. Tiếp đó, ngày 05-8, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành hội đàm qua cầu truyền hình, nhất trí tăng cường hợp tác để đối phó một cách hiệu quả với các mối đe dọa quân sự đang gia tăng của Triều Tiên và tiếp tục chia sẻ thông tin về các mối đe dọa tên lửa của nước này.
EU áp thuế chống bán phá giá thép của Trung Quốc và Nga
Theo EU, các mức thuế chống bán phá giá vốn đã được công bố tạm thời hồi tháng 02-2016 sẽ được áp dụng trong 5 năm. Ảnh: TTXVN
Ngày 04-8-2016, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga, sau khi các nhà sản xuất trong khối này khiếu nại họ đã bị đánh bật khỏi thị trường. Tuyên bố của EU nêu rõ: “Sau cuộc khủng hoảng dư thừa năng lực sản xuất thép toàn cầu, Ủy ban châu Âu (EC) đang áp dụng các công cụ bảo hộ thương mại nhằm tái lập một sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất của EU và nước ngoài”. Theo EU, các mức thuế chống bán phá giá vốn đã được công bố tạm thời hồi tháng 02-2016 nói trên sẽ được áp dụng trong 5 năm, giữa lúc liên minh này đang tìm cách đối phó với tình trạng dư thừa thép toàn cầu, chủ yếu do sản lượng lớn của Trung Quốc. EU cũng cho biết họ có hơn 100 biện pháp bảo hộ thương mại và 37 trong số đó nhằm vào những sản phẩm thép nhập khẩu không công bằng với 15 sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Mới đây, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nói rằng sản lượng thép dư thừa 600 triệu tấn của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thép trên thế giới và đó là lý do tại sao một số quốc gia và khu vực đã quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cũng cho rằng lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc đang gây bất ổn trên thị trường thép châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung.
Hội nghị AEM 48: Tạo nền tảng cho việc xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Hội nghị đã tập trung xem xét và thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối ASEAN. Ảnh: TTXVN
Ngày 06-8-2016, sau 4 ngày làm việc tại Thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 và các hội nghị liên quan đã bế mạc. Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tập trung xem xét và thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, gồm có Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN; Khuôn khổ Quản lý an toàn thực phẩm ASEAN; Khuôn khổ thể chế ASEAN về tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Chương trình làm việc về khởi nghiệp trong ASEAN; Chỉ dẫn phát triển và phối hợp về đặc khu kinh tế;...
Các Bộ trưởng đã cùng nhau rà soát lại tình hình hội nhập kinh tế ASEAN tới nay và tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến với mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh việc cơ bản xóa bỏ hàng rào thuế quan nội khối, ASEAN đang triển khai các sáng kiến tạo thuận lợi cho thương mại, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Các Bộ trưởng đạt được đồng thuận cao về việc thúc đẩy thực thi cam kết trong các lĩnh vực khác, như đưa vào hiệu lực Gói cam kết dịch vụ thứ chín trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ, đưa vào hiệu lực Hiệp định Di chuyển thể nhân ASEAN (MNP), hoàn tất Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định ACIA để tăng cường tự do hóa môi trường đầu tư trong ASEAN,… Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổ chức đối thoại với Bộ trưởng các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và thống nhất được nhiều nội dung quan trọng.
Đông Nam Á có thể là nơi phát triển mới của IS
Đông Nam Á đang là mục tiêu để Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát triển các cơ sở mới. Ảnh: TTXVN
Tờ “The Star” của Malaysia số ra ngày 07-8-2016 dẫn lời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết, dựa trên các thông tin tình báo mới nhất, Đông Nam Á đang là mục tiêu để Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát triển các cơ sở mới. Theo đó, khoảng 300 “tay chân” của Abu Bakar Bashir - cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, mới được ra tù. Các nguồn tin tình báo cho thấy số đối tượng này đã đến Batam, đảo Riau của Indonesia, gần Singapore và Malaysia, và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại nơi này. Tổ chức Jemaah Islamiyah là nhóm khủng bố Hồi giáo xuyên quốc gia ở Đông Nam Á, từng có liên hệ với Tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban. Tổ chức này từng được coi là đã bị sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia những năm vừa qua, nhiều thủ lĩnh cùng thành viên tổ chức này đã bắt giữ và bị kết án tù giam. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy nhóm này đang được gây dựng trở lại và nhiều ý kiến cho rằng điều này có liên quan tới IS. Theo ông A. Hamidi, Malaysia đang thảo luận với các đối tác về diễn biến mới nói trên để tìm biện pháp đối phó.
IS đã đánh dấu sự xuất hiện của chúng tại Đông Nam Á bằng cuộc tấn công hồi tháng 1 năm nay tại Jakarta, làm 8 người thiệt mạng. Đến tháng 4 vừa qua, IS tiếp tục cảnh báo Malaysia, Philippines và Indonesia nằm trong số những mục tiêu tấn công tiếp theo. Trước đó một ngày, cảnh sát chống khủng bố Indonesia đã bắt giữ những kẻ tấn công âm mưu phóng rocket nhằm vào khu Marina Bay, một trong những địa điểm trung tâm thu hút đông đảo khách du lịch nhất của Singapore. Các nhà điều tra khẳng định rằng nhóm đối tượng trên đã liên lạc trực tiếp với Bahrun Naim, một phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và chính B. Naim đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công Singapore và Batam./.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Cơ hội cho sự khởi đầu mới  (08/08/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 01-8 đến ngày 07-8-2016)  (08/08/2016)
Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế  (08/08/2016)
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Indonesia  (08/08/2016)
Thừa Thiên Huế cần tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp  (08/08/2016)
Thủ tướng Campuchia ấn định thời điểm bầu cử toàn quốc  (08/08/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên