Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng hiện nay
TCCS - Có thể nói, gần 30 năm đổi mới vừa qua, thành tựu lý luận kinh tế quan trọng nhất của Đảng là lý luận và tổ chức thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Xét trên phương diện lãnh đạo kinh tế, có thể nói, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng được thể hiện:
Thứ nhất, Đảng đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế đúng đắn và lãnh đạo thực hiện thành công đường lối, chủ trương đó.
Để lãnh đạo cách mạng nói chung, lãnh đạo kinh tế nói riêng, trước hết Đảng trau dồi và không ngừng phát triển tư duy lý luận khoa học, đủ sức thuyết phục không chỉ trong nội bộ Đảng mà còn với quần chúng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tư duy lý luận khoa học là tiền đề, cơ sở để xây dựng đường lối, chính sách đúng. Đường lối và chiến lược kinh tế của Đảng được hình thành trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiếp thu tinh hoa trí tuệ và kinh nghiệm quý báu của các nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển. Tại Đại hội VI, Đảng ta xác định: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế”(1). Do đó, với vai trò lãnh đạo kinh tế của đảng cầm quyền, sứ mệnh chính trị đầu tiên của Đảng phải là xây dựng tư duy lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội, mà trung tâm là phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới.
Tuy vậy, qua gần 30 năm đổi mới, Đảng tiếp tục làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận trọng yếu về thể chế chính trị trước yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường, thời kỳ hội nhập quốc tế. Đảng không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi nguồn lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo của tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân Việt Nam sinh sống trong và ngoài nước vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đảng xác định giải pháp đúng và lộ trình phù hợp nhằm đoạn tuyệt dứt khoát với nền kinh tế bao cấp trên từng lĩnh vực của cuộc sống và trong từng chính sách. Đã đến lúc không thể tiếp tục chấp nhận sự bao cấp của Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế. Và, đến lúc phải có biện pháp đủ mạnh để giải quyết một cách căn bản cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp, mà trước hết là doanh nghiệp nhà nước...
Do yêu cầu đổi mới, phát triển tư duy lý luận về kinh tế, Đảng không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Để có chủ trương, quyết sách lãnh đạo đúng, xây dựng đường lối chính sách khách quan, khoa học, Đảng hoàn thiện hệ thống các cơ quan tư vấn khoa học, với đội ngũ chuyên gia giỏi, am hiểu sâu sắc các lĩnh vực, giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách kinh tế đúng đắn. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - xã hội trong và ngoài nước phục vụ các cấp lãnh đạo, nhất là cấp vĩ mô, bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, thiết thực và an toàn.
Đường lối kinh tế là sự cụ thể hóa đường lối chung của Đảng, xác định mục tiêu chiến lược, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế, định hướng các chính sách kinh tế, trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước xây dựng luật pháp, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước. Quyết định của Đảng về đường lối kinh tế thể hiện bằng văn bản, như Cương lĩnh, Chiến lược, nghị quyết, chỉ thị, kết luận... của Trung ương Đảng (Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thường được xác định trong một thời kỳ dài và từng giai đoạn 5 năm, 10 năm.
Để quyết định đường lối, chính sách và những chủ trương lớn về kinh tế một cách đúng đắn, Đảng tiếp tục phát huy dân chủ trong toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ của toàn dân trong việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, tránh chủ quan, duy ý chí, bảo thủ, độc đoán, thậm chí là lợi ích nhóm ngay trong từng quyết sách.
Khi có đường lối, chủ trương đúng, vấn đề có tính quyết định là tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng dồn sức để lãnh đạo bộ máy nhà nước, thông qua Nhà nước mà thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng.
Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm làm tốt chức năng quản lý và tổ chức xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng cầm quyền.
Lãnh đạo kinh tế thông qua bộ máy nhà nước là phương thức lãnh đạo chủ yếu, hiệu quả nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền. Các cơ quan nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, các quyết định... và kế hoạch của Nhà nước - căn cứ pháp lý quan trọng nhất để quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế và để toàn dân thực hiện. Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Tuy Đảng không trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không quyết định các vấn đề kinh tế thuộc thẩm quyền của bộ máy nhà nước nhưng Đảng phải lãnh đạo các hoạt động đó theo đúng quan điểm, tư tưởng của Đảng.
Đồng thời, Đảng lãnh đạo xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh; phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy đó.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế.
Công tác tuyên truyền của Đảng có tầm quan trọng to lớn trong lãnh đạo xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc gia. Một mặt, Đảng lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, làm cho đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự xuất phát từ nhân dân, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, Đảng vận động, thuyết phục để nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện chủ trương của Đảng và tích cực hưởng ứng thực hiện thắng lợi chủ trương đó.
Đảng lãnh đạo các tổ chức quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí, văn học nghệ thuật hướng vào việc biểu dương, khích lệ những người tốt, việc tốt trong các hoạt động kinh tế, những doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp cho xã hội. Đồng thời phát hiện, phê phán những tiêu cực phát sinh, nhất là tệ tham nhũng, lãng phí, những hành vi phi nhân tính trong sản xuất, kinh doanh, những lệch lạc trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Công tác tư tưởng còn có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và phát triển lý luận, góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài. Trong quá trình ấy, chính nhân dân trong các thành phần kinh tế là người phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách, đề xuất với Đảng để nghiên cứu, bổ sung và ngày càng hoàn thiện.
Đảng coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Đây là một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng. Đảng ta chỉ rõ: lãnh đạo phải kiểm tra, giám sát; lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo. Đảng trực tiếp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các thành phần kinh tế chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác này, Đảng nắm vững tình hình mọi mặt của các tổ chức đảng, nắm chắc đội ngũ cán bộ, đảng viên chấp hành quan điểm, đường lối của Đảng, để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.
Để công tác kiểm tra, giám sát thực sự đạt hiệu quả thiết thực, các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và từng đơn vị cần thể chế hóa các chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng, bằng các quy định cụ thể, như quy định về kê khai tài sản của cán bộ có chức vụ; cải cách thủ tục hành chính; thẩm quyền và trách nhiệm công vụ của từng chức danh cán bộ, công chức; chế độ, chính sách không có đặc quyền, đặc lợi; quy định về thu, chi tài chính của các cơ quan, tổ chức... công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là những việc làm thực tâm nhất nhằm phát huy dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và đông đảo nhân dân phát hiện, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để xác minh, xử lý những hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Đảng thường xuyên tổng kết thực tiễn, xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống lý luận vững chắc trên lĩnh vực kinh tế. Đảng chú trọng lãnh đạo toàn diện, nhưng những chủ trương lớn, quan trọng cần phải qua thí điểm, tổng kết thành những bài học kinh nghiệm có tính lý luận để chỉ đạo trên diện rộng.
Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp kinh tế mới mẻ. Bởi thế, việc tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận về lãnh đạo kinh tế là một đòi hỏi tất yếu và bức thiết trong công tác lý luận của Đảng.
Thứ ba, Đảng lãnh đạo kinh tế thông qua các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế.
Để lãnh đạo kinh tế, Đảng tiến hành xây dựng các tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sản xuất và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tùy theo tính chất của các thành phần kinh tế, Đảng quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng hoạt động trong thành phần kinh tế đó. Các tổ chức đảng và đảng viên trực tiếp quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tiến hành công tác chính trị, tư tưởng đối với quần chúng trong doanh nghiệp và cơ quan. Bằng trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của tổ chức đảng, sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên, các tổ chức đảng lãnh đạo các tổ chức quần chúng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí và vi phạm các quy định của Đảng.
Chống tham nhũng, trước hết là tham nhũng trên lĩnh vực kinh tế là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước và nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khó khăn lớn nhất của nhiệm vụ quan trọng này là việc đấu tranh chống lại những đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý chủ chốt trên các lĩnh vực, các ngành, các cấp... sa vào những tệ nạn đó.
Thứ tư, Đảng lãnh đạo bằng công tác cán bộ trên lĩnh vực lãnh đạo, quản lý nền kinh tế.
Đảng lãnh đạo bằng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho cả nền kinh tế, đặc biệt là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo chủ chốt trên lĩnh vực kinh tế. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng phải có biện pháp xử lý, đề xuất bãi nhiệm những đảng viên là cán bộ giữ trọng trách của cơ quan nhà nước nếu không thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, lãng phí.
Các tổ chức đảng giới thiệu cán bộ để đề bạt giữ chức vụ quản lý của các đơn vị kinh tế thuộc thành phần kinh tế nhà nước và các đơn vị kinh tế có cổ phần của Nhà nước theo thẩm quyền được phân cấp quản lý.
Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói trên, Đảng có trách nhiệm xây dựng đội ngũ chuyên gia, tham mưu, giúp việc cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước trong các hoạt động kinh tế; đồng thời có chủ trương, kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực cho tất cả các thành phần kinh tế.
Cơ chế tập thể lãnh đạo trong mỗi đảng bộ (đại hội, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng) và cá nhân phụ trách (đảng viên, cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư cấp ủy, bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng) cần tiếp tục cụ thể hoá cho từng cấp ủy viên, từng đảng viên hoạt động trong các tổ chức chính quyền, các tổ chức kinh tế của Nhà nước. Việc xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên, đảng viên, nhất là các chức danh lãnh đạo, quản lý kinh tế thì mới có căn cứ để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực kinh tế một cách thường xuyên, có hiệu quả.
Tất cả các nội dung và phương thức mà Đảng sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên lĩnh vực kinh tế nêu trên dù có vị trí, vai trò quan trọng khác nhau, nhưng là một chỉnh thể thống nhất. Mỗi tổ chức đảng cần thực sự sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, của mỗi địa phương, đơn vị. Và, qua thực tiễn lãnh đạo kinh tế, vấn đề trung tâm này đòi hỏi cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong điều kiện mới ./.
-----------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 132
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định chế độ dân chủ ở nước ta hiện nay  (09/05/2014)
Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc làm xói mòn lòng tin  (08/05/2014)
Dư luận quốc tế về hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông  (08/05/2014)
Thông cáo về ngày làm việc đầu tiên Hội nghị Trung ương 9  (08/05/2014)
Khai mạc Hội nghị Trung ương 9: Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam  (08/05/2014)
Phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI  (08/05/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên