TCCSĐT - Thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, đòi hỏi sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn xã hội, sự phấn đấu quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và sự tâm huyết của mỗi đảng viên, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Đưa nguyện vọng chính đáng của nhân dân vào nghị quyết của Đảng

Trong năm bài học kinh nghiệm lớn được Đảng ta rút ra tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), thì bài học kinh nghiệm lớn thứ hai đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Đảng ta là đảng cầm quyền, nên vai trò và năng lực lãnh đạo luôn thể hiện trong cương lĩnh, nghị quyết, biểu thị quan điểm, định hướng chủ trương, đường lối. Như vậy, việc xây dựng, ban hành để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống là vấn đề quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết của Đảng có vai trò, chức năng lãnh đạo và định hướng cho việc bảo vệ và phát triển đất nước hưng thịnh một cách bền vững, nhưng để nghị quyết của Đảng hiện thực hóa trong cuộc sống xã hội thì đòi hỏi nghị quyết đó phải đi vào cuộc sống và được cuộc sống phản ánh lại một cách tích cực, hiệu quả. Chính vì lẽ đó, thước đo cho sự thành công của một nghị quyết khi được ban hành luôn phải được lý giải thỏa đáng bởi những vấn đề như: Nghị quyết khi ban hành có tạo được đồng thuận ủng hộ của nhân dân hay không? Có huy động được lực lượng nhân dân tham gia và tạo thành các hành động cách mạng để thi đua thiết thực không? Nghị quyết có đem lại những chuyển biến mới về lợi ích vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tháo gỡ được những khó khăn, thách thức, bảo đảm tính ổn định và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hay không?

Do đó, để nghị quyết của Đảng thực sự là “nghị quyết của lòng dân”, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân,… thì vai trò, trách nhiệm của những người nghiên cứu, xây dựng nghị quyết là rất quan trọng và họ phải thật sự có nhãn quan sắc bén về các lĩnh vực, nhất là chính trị - xã hội; biết lắng nghe, tổng hợp tất cả các ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nhận diện rõ, đúng các vấn đề xuất phát từ thực tiễn của toàn xã hội trước yêu cầu mới... để đưa vào trong nghị quyết. Sự ra đời của nghị quyết phải được xem như là một yêu cầu tất yếu, đòi hỏi Đảng phải ra nghị quyết lãnh đạo. Trong các bước hoàn thiện nghị quyết, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tổ chức tốt công tác phản biện (mục đích của phản biện là để đóng góp ý kiến cho nghị quyết được đúng đắn, sát hợp hơn, chứ không phải để phủ nhận, chỉ trích, đả kích, nói xấu) nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, với tinh thần dân chủ, cầu thị, không được xem thường hay định kiến, chống hình thức, qua loa… Đây chính là việc phát huy tinh thần dân chủ để tiếp nhận nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc sống thường nhật đến với Đảng, giúp Đảng nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Sau khi hoàn thiện dự thảo nghị quyết, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, cán bộ, đảng viên làm công tác chuyên môn lần cuối trước khi trình xin ý kiến cấp ủy để ban hành. Việc xây dựng và ban hành nghị quyết phải hợp lý, khoa học, sát với cuộc sống, để nghị quyết của Đảng không phải là vấn đề gì xa lạ, trừu tượng, càng không phải là những văn bản chung chung khó hiểu mà được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực.

Như vậy, muốn nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống thì điều cần phải làm trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết là vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân mạnh dạn đề xuất, góp ý vào nghị quyết thông qua quy trình “Xin ý kiến góp ý trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với nghị quyết của Đảng”.

Triển khai đồng bộ các bước để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu được nêu ra trong nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội phải chú trọng làm tốt các khâu: Tổ chức tốt học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ chủ chốt ở các địa phương, vì đây là lực lượng nòng cốt của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng và cụ thể hóa nghị quyết đối với từng điều kiện, tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, đơn vị thông qua chương trình hành động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết ở cơ sở,… tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân. 

Nhiệm vụ cần làm ngay sau khi nghị quyết của Đảng được ban hành, đó chính là việc xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai học tập, quán triệt nghị quyết đến từng tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ở khâu này, ban tuyên giáo các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy cấp mình chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết một cách khoa học cho từng đối tượng (cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân); thời gian hợp lý; tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu; đối tượng đúng yêu cầu; phương pháp truyền đạt dễ tiếp cận; tổ chức cho cán bộ đảng viên viết bài thu hoạch sau khi triển khai học tập, lồng ghép các chi bộ ít đảng viên cùng tổ chức học tập, tích cực thảo luận, tham gia ý kiến bổ sung vào các dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình hành động của cấp ủy, thực hiện các nghị quyết của cấp trên, đề xuất các giải pháp có liên quan tới từng địa phương mà nội dung các chuyên đề của nghị quyết đã đề cập, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương để triển khai thực hiện sớm. Kinh nghiệm cho thấy, để việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đạt hiệu quả thì phải làm theo quy trình: trước tiên là quán triệt trong ban thường vụ, ban chấp hành, đội ngũ cán bộ chủ chốt của cấp trên, sau đó triển khai tại từng cơ sở đảng, từng chi bộ thôn, ấp và quần chúng nhân dân.

Sau khi học tập, quán triệt nghị quyết, mỗi cấp uỷ phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó cần có kế hoạch hành động từng năm, từng quý, từng tháng, bảo đảm vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa nghị quyết của đảng bộ cấp trên và nghị quyết của đảng bộ mình với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, khối lượng công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành; mỗi chương trình, kế hoạch hành động mà cấp ủy và tổ chức đảng đưa ra phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ có tính nguyên tắc để kiểm tra, đánh giá đúng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng, là hành động chính trị thực tiễn của mỗi cán bộ, đảng viên trong suốt nhiệm kỳ.

Là lực lượng xung kích trong việc đưa nghị quyết của Đảng đến với từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, các cấp ủy đảng cần tăng cường đôn đốc, chỉ đạo lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên phát huy mạnh mẽ và hiệu quả trách nhiệm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”(1) ; “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”(2). Do vậy, mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên phải là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng (có như vậy khi báo cáo nghị quyết sẽ không bị phản cảm trước người nghe), nắm vững nội dung của nghị quyết, chuẩn bị tài liệu thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ truyền đạt; làm sao để chuyển tải những vấn đề trọng tâm của nghị quyết đến với người nghe, mỗi chuyên đề đều có nhiều ví dụ minh họa cụ thể gắn với tình hình thực tế cơ sở, nêu bật ý nghĩa của nghị quyết nếu nhận được sự hưởng ứng, nhiệt thành thực hiện thì sẽ đem lại những lợi ích gì đối với nhân dân và toàn xã hội; đồng thời bám sát cơ sở, bám dân, biết vận động quần chúng, sẵn sàng giải thích, đối thoại và làm rõ những vấn đề mà nhân dân quan tâm; báo cáo viên, tuyên truyền viên phải phân tích sâu những nội dung của nghị quyết cả về cơ sở lý luận, khoa học của việc ban hành nghị quyết, nêu những điểm mang tính cốt lõi, tinh thần của nghị quyết phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện theo tinh thần của nghị quyết. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải là một tuyên truyền viên giỏi. Các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, cũng như hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả chuyên mục “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống”; các ngành văn hóa tổ chức tuyên truyền với các phương pháp trực quan sinh động với panô, áp phích nhằm cổ vũ, động viên mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thi đua hăng hái lập thành tích trong thực hiện nghị quyết của Đảng.

Một khâu không kém phần quan trọng để đánh giá công tác triển khai thực hiện nghị quyết đó chính là công tác kiểm tra, giám sát. Trong vấn đề này, các cấp ủy đảng phải thực hiện đúng: Mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Trong đó, chú trọng tư tưởng chỉ đạo của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là: chủ động, chiến đấu, giáo dục và hiệu quả… nhằm làm cho việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng ở cơ sở được tiến hành một cách khoa học nhất.

Đánh giá sát, đúng và làm tốt công tác thi đua khen thưởng đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng

Công tác sơ, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giúp cấp ủy các cấp nhận diện rõ hơn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết ở cơ sở. Do đó, việc đánh giá sát đúng những kết quả đạt được, chưa được, tìm rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết để đưa ra những giải pháp khắc phục hữu ích chính là mục đích của công tác sơ, tổng kết. Do vậy, ở khâu này phải bảo đảm tính kịp thời, đánh giá sát, đúng với thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan trong công tác chỉ đạo, điều hành; nội dung sơ, tổng kết phải gắn liền với những chương trình, chủ trương công tác mới cùng với những định hướng cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm của khách thể là quần chúng nhân dân, đây là sự thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Đảng, vì không thể chấp nhận hiện tượng chống đối nghị quyết của Đảng vì lợi ích cá nhân một khi nghị quyết mang lại lợi ích chung cho toàn thể quần chúng trong xã hội. Song song đó, các cấp ủy đảng cần công khai hoá kết quả thực hiện nghị quyết, để minh bạch hóa những kết quả đạt được, cũng như chưa đạt theo yêu cầu nghị quyết đề ra đối với mỗi tổ chức, từng cán bộ, đảng viên để từ đó có những biện pháp phát huy, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng hoặc khắc phục, xử lý hay kỷ luật thích hợp. Cần lưu ý, căn cứ theo kế hoạch, hướng dẫn, cũng như thời gian, cách thức triển khai của mỗi nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể cần chủ động tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá ưu điểm, hạn chế trong quá trình triển khai; xác định đúng nguyên nhân thành công và chưa thành công ở từng khâu; làm rõ được phạm vi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân và tổ chức, đánh giá hiệu quả của nghị quyết từ kết quả các phong trào thi đua. Qua đó, phát hiện những nội dung cần được bổ sung, góp phần tổng kết thực tiễn, lý giải những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.

Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, bởi đây là một động lực hết sức quan trọng, nếu làm tốt không những góp phần tạo ra động lực cho phong trào, mà qua đó những nhân tố tích cực được phát hiện và khen thưởng kịp thời sẽ tác động rất lớn, động viên tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự hăng say thi đua của quần chúng giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ được nghị quyết của Đảng đề ra, đem lại nhiều ích lợi cho xã hội. Ở điểm này, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cần phải công minh trong việc bình xét những cách làm hay, hiệu quả, điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức thực hiện tốt việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng; khen thưởng đúng người, đúng việc, nên khi chọn điển hình phải bảo đảm tính đại diện cho đại đa số đối tượng trong phạm vi chủ đạo, là tấm gương để người khác học hỏi và noi theo./.

---------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr.162

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr.163