Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 31-12-2012 đến ngày 06-01-2013
Theo đó, Bộ Nội vụ chỉnh lý lại dự thảo Chỉ thị theo hướng bám sát từng nhiệm vụ và các giải pháp của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Thủ tướng yêu cầu dự thảo này phải được lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan, hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý I-2013.
Theo Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Về cải cách thủ tục hành chính, sẽ cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp.
Để có nền hành chính vì dân
TP. Đà Nẵng bắt đầu triển khai việc chấm điểm năng lực phục vụ công dân của cán bộ, công chức. Hiện nay, hầu hết các sở, ngành, quận, huyện của Đà Nẵng đều đăng ảnh của các cán bộ thực thi công vụ (ảnh của những cán bộ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính của dân) trên website cải cách hành chính của thành phố.
Người dân sẽ chấm điểm năng lực phục vụ của cán bộ, công chức trên trang điện tử này bằng cách nhấn chuột vào các ô để biểu thị sự hài lòng hay không hài lòng với cách thực thi công vụ của công chức với công dân như: thái độ làm việc; cách hướng dẫn thủ tục cho dân; tác phong giải quyết và hiệu quả công việc...
Theo phản ánh của người dân các quận Liên Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn.., từ khi thành phố cho người dân chấm điểm cán bộ, công việc “chạy” hẳn, như việc làm giấy khai sinh cho trẻ nhỏ, trước đây phải mất mấy ngày, nay người dân chỉ cần ngồi đợi một lát là xong.
Thậm chí, nếu người dân thuộc diện già yếu, khuyết tật, khó khăn trong việc đi lại thì quận cử cán bộ đến tận nhà giúp người dân hoàn thiện thủ tục như kê khai hồ sơ, biểu mẫu... Ghi nhận cách phục vụ của công chức Đà Nẵng hiện nay, người dân thành phố tấm tắc: như thế mới đúng là một nền hành chính vì dân.
Hơn thập kỷ nay, hàng loạt địa phương đã triển khai cải cách hành chính để nâng cao năng lực, hiệu quả phục vụ nhân dân như: thực hiện cơ chế “một cửa” - (một đầu mối tiếp nhận vụ việc của người dân, rồi trả kết quả cho dân cũng tại đầu mối ấy). Việc này giúp cho người dân thay vì phải chạy đi, chạy lại nhiều cửa thì chỉ cần liên hệ giải quyết việc của mình ở một cửa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình không mấy cải thiện. Thủ tục hành chính vẫn rườm rà, mất thời gian, người dân vẫn phải mất chi phí “bôi trơn” việc mới chạy. Nhận xét về việc cải cách “một cửa” hiện nay, người dân nhận xét rằng: Thu về một cửa nhưng đằng sau lại thêm nhiều khóa nên đâu vẫn đóng đấy.
Vì sao việc cho người dân trực tiếp chấm điểm công chức như Đà Nẵng đang làm thì việc giải quyết các thủ tục hành chính của dân lại chạy như thế? Là bởi nếu cán bộ, công chức vẫn ù lì, nhũng nhiễu sẽ bị người dân ấn nút... năng lực, đạo đức kém.
Cán bộ trong hoạt động công vụ bị người dân chấm điểm kém sẽ bị các hình thức xử lý: nhẹ thì nhắc nhở, nặng hơn là điều chuyển làm công tác khác phù hợp với năng lực, trình độ. Nếu vẫn không tiến bộ có thể bị sa thải. Quy trình đánh giá cán bộ, công chức của Đà Nẵng như vậy hoàn toàn khách quan, công minh.
Cách làm của Đà Nẵng không mới, không phải chưa từng có tiền lệ. Các nước phát triển, có nền hành chính minh bạch, hiệu quả đã áp dụng việc này từ lâu. Người Việt Nam chúng ta đi các nước, chứng kiến cách làm này và cũng đã hiến kế với nhiều cơ quan hành chính của ta. Không những thế, cách làm hay kinh nghiệm này cũng đã được chuyên gia hành chính các nước sang chia sẻ tại các hội thảo cải cách hành chính của ta, các địa phương cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm.
Nhưng nền hành chính của ta vẫn chậm cải cách, rất hiếm địa phương áp dụng.
Một nền hành chính vì dân rất quan trọng. Trước hết là tăng cường lòng tin của dân vào hệ thống hành chính nhà nước; thứ hai là giảm bớt chi phí và thời gian cho người dân; thứ ba là giải quyết kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của người dân, giảm khiếu kiện gây phức tạp xã hội...
Để cải cách hành chính đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ rệt, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước “nhờ” người dân chấm điểm công chức và việc này được triển khai đồng bộ tại hầu hết các cơ quan hành chính trên địa bàn. Đây có lẽ là điểm then chốt giúp cải cách hành chính thành công.
Với cách làm trên, chắc chắn Đà Nẵng hiểu rõ tầm quan trọng và tính cấp bách trong việc xây dựng một nền hành chính vì dân. Bởi thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đầy đủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, ngăn chặn tham nhũng lãng phí, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của Đà Nẵng.
“Ai dám theo Đà Nẵng?” - vừa là lời thách thức, vừa là mong mỏi của người dân đối với bộ máy hành chính hiện nay. Nếu như chỉ có Đà Nẵng cùng vài quận ở TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng triển khai, việc cải cách hành chính sẽ ít chuyển biến. Nhưng khi nhiều địa phương cùng triển khai giải pháp trên, làm cho đến khi “lượng đổi chất đổi”, chắc chắn chúng ta sẽ có một nền hành chính vì dân.
Tổ chức tín dụng sẽ được “ưu tiên” thủ tục khi niêm yết
Đầu năm 2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhằm phát hiện những thủ tục còn rườm rà, khó thực hiện đối với các tổ chức tín dụng (TCTD).
Trên cơ sở đó, NHNN có phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy định về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt chi phí hành chính đối với các TCTD khi thực hiện thủ tục hành chính.
Theo kế hoạch rà soát, năm 2012, NHNN đã tập trung rà soát các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép thành lập và hoạt động TCTD phi ngân hàng; thủ tục mở tài khoản thanh toán tại NHNN.
Ngoài ra, NHNN cũng tiến hành rà soát việc đăng ký niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài của các ngân hàng thương mại cổ phần; giấy công nhận thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ; đăng ký kế hoạch và báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất; công nhận thành viên tham gia nghiệp vụ thị trường mở…
Kết thúc công tác rà soát, đánh giá năm 2012, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa đối với 5 thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 4 thủ tục hành chính do văn bản quy định hoặc quy định liên quan đã hết hiệu lực thi hành; hủy bỏ bớt một số loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ, giảm bớt yêu cầu điều kiện của 1 thủ tục.
Sau khi phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính được thực hiện, ước tính sẽ cắt giảm được gần 90% chi phí thực hiện thủ tục hành chính đối với TCTD, vượt mức so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ được các đơn vị chức năng thuộc NHNN tiếp thu trong các văn bản quy phạm pháp luật xây dựng trong năm 2013.
Riêng nhóm thủ tục hành chính về đăng ký niêm yết cổ phiếu, NHNN đã hoàn tất việc rà soát, đánh giá và tiếp thu phương án đơn giản hóa trong Thông tư đã ban hành trong năm 2012 về hướng dẫn thủ tục chấp thuận của NHNN Việt Nam đối với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài của TCTD cổ phần.
Hà Nội đơn giản hóa thủ tục hành chính với nhà đầu tư nước ngoài
Bắt đầu từ quý I-2013, UBND TP. Hà Nội sẽ uỷ quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) xem xét xử lý đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Sở KH & ĐT là cơ quan đứng ra quy định về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố có vi phạm pháp luật (triển khai từ quý II-2013).
Mặt khác, về quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội giữa Sở KH & ĐT, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc và các đơn vị liên quan sẽ được xúc tiến hoàn thành trong quý IV-2013.
Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển cổng thông tin điện tử
Trong năm 2013, Đà Nẵng sẽ phát triển phiên bản di động của cổng thông tin điện tử (TTĐT), tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến…
Theo thông tin tại buổi tổng kết hoạt động năm 2012 của Cổng TTĐT Đà Nẵng, phiên bản di động của Cổng TTĐT Đà Nẵng sẽ được phát triển trong năm 2013, phục vụ việc truy cập từ thiết bị cầm tay. Như vậy, Cổng TTĐT TP. Đà Nẵng sẽ duy trì song song 4 phiên bản (cùng với phiên bản Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Nhật) phục vụ người dân.
Trong năm 2012, Đà Nẵng đã xử lý 2.751 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, trả lời phần lớn các thắc mắc của người dân thông qua Cổng TTĐT thành phố và các website thành viên, nhiều sở, ngành xử lý thành công 100% dịch vụ công trực tuyến.
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu trong năm 2013 không để xảy ra trường hợp câu hỏi, thắc mắc của người dân không có trả lời, tăng cường cung cấp, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến, đó là cơ sở để người dân ngày càng quan tâm hơn tới chính quyền điện tử.
Cổng TTĐT TP. Đà Nẵng bảo đảm hoạt đồng thường xuyên, bảo mật an toàn thông tin, liên kết chặt chẽ với Cổng TTĐT Chính phủ, các bộ, ngành và phát triển, nâng cấp các trang thông tin điện tử của các đơn vị.
Cổng TTĐT thành phố cũng sẽ tập trung phát triển mạnh vào các dịch vụ công trực tuyến, giải đáp tất cả câu hỏi của người dân và truyền thông rộng rãi, kịp thời các chính sách, chủ trương của thành phố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Bộ chỉ số của Chính phủ về cải cách hành chính
Chiều ngày 3-1-2013 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp triển khai Bộ chỉ số của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Thứ trưởng Trần Quang Quý chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo Văn phòng, các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết cuộc họp được tổ chức trên cơ sở thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo, với yêu cầu tạo được sự hài lòng của nhân dân đối với nền giáo dục và đào tạo đất nước, thông qua việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
Ngay từ khi Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 (theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và triển khai kế hoạch cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Bộ chỉ số cải cách thủ tục hành chính được Bộ soạn thảo (trực tiếp thực hiện là Vụ Tổ chức Cán bộ) mang ra lấy ý kiến của các đơn vị trực thuộc trong cuộc họp này căn cứ trên cơ sở Nghị quyết số 30c của Chính phủ và Đề án “Xác định Chỉ số cải cách thủ tục hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” do Bộ Nội vụ xây dựng; giao nhiệm vụ thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính cho từng đơn vị trong cơ quan Bộ triển khai thực hiện; đồng thời là căn cứ để đánh giá các kết quả thực hiện trên cơ sở lượng hoá theo tiêu chí với những số điểm cụ thể, thay vì đánh giá nặng về định tính như trước đây.
Theo yêu cầu của Thứ trưởng Trần Quang Quý, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ trong cuộc họp này đã có những ý kiến đóng góp cụ thể cho Dự thảo “Giao nhiệm vụ thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính” (thực tế là bộ chỉ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cải cách thủ tục hành chính) mà Vụ Tổ chức Cán bộ được giao nhiệm vụ xây dựng; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, nội dung công việc đơn vị mình được giao, tiến độ thực hiện… Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết các ý kiến góp ý này sẽ được đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Dự thảo là Vụ Tổ chức Cán bộ tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành, để kịp thời triển khai trong thời gian sớm nhất./.
Những kỹ năng cần thiết của nguồn nhân lực hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam  (07/01/2013)
Những kỹ năng cần thiết của nguồn nhân lực hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam  (07/01/2013)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 31-12-2012 đến 06-01-2013)  (07/01/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Lào Cai  (06/01/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chiến sỹ cảnh sát biển  (06/01/2013)
Ngày 7-1 không thể xóa nhòa trong lịch sử đất nước Cam-pu-chia  (06/01/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên