Nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI

Hoàng Chí Bảo GS,TS, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
18:41, ngày 12-07-2012
TCCS - Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng một phần cơ bản và quan trọng là việc tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc trong sinh hoạt đảng; cấp trên phải gương mẫu làm trước, người đứng đầu cấp ủy đi tiên phong; có sự giám sát của nhân dân và kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với cán bộ, đảng viên.

Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là một nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ, liên quan trực tiếp tới vận Đảng và vận nước. Nghị quyết xác định đúng ba vấn đề cấp bách, bức xúc của Đảng hiện nay: (1) - Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. (2) - Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) - Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Có thể nói, đây là vấn đề cấp bách của cấp bách. Có ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra ở trong Đảng, lại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thì Đảng mới trong sạch vững mạnh, mới lấy lại được niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng của mình. Có như vậy, Đảng mới xứng đáng là một Đảng Cách mạng chân chính, Đảng là đạo đức, là văn minh, như Bác Hồ đã nhấn mạnh. Có như vậy, Đảng mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, mới ngang tầm nhiệm vụ, mới thực sự xứng đáng và tỏ rõ bản lĩnh cầm quyền của Đảng.

Một trong những nhóm giải pháp lớn mà Nghị quyết nêu ra là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. Để thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, có hiệu quả thiết thực nhóm giải pháp này, tạo sự chuyển biến thực sự tích cực, lành mạnh trong toàn Đảng, cần phải:

Chú trọng giáo dục nhận thức, đề cao trách nhiệm, ra sức thực hành đạo đức cách mạng

Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng là quy luật phát triển của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng là một cơ thể sống. Để tồn tại và phát triển, Đảng phải thường xuyên tăng thêm sinh lực của mình bằng cách phát triển, đưa những người ưu tú vào Đảng và loại bỏ những gì không xứng đáng ra khỏi Đảng. Tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng tốt hơn lên, khắc phục những hạn chế, yếu kém, cả những sự thoái hóa, hư hỏng, nhất là những suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức. Muốn vậy, từng tổ chức đảng, từng đảng viên, nhất là cán bộ của Đảng phải đề cao tự phê bình và phê bình. Trước hết phải là tự phê bình, là tự mình xem xét, đánh giá, tự phê phán chính mình, căn cứ vào tiêu chuẩn đảng viên, vào nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Điều lệ Đảng phải được coi là bộ luật trong Đảng, mọi đảng viên phải chấp hành, không có ngoại lệ với bất cứ ai. Đảng cũng đã quy định những điều đảng viên không được làm. Vậy, phải nêu cao tính trung thực đạo đức, đề cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật tự giác để tự soi mình theo tư cách đảng viên. Người đảng viên trong đổi mới phải là người lao động giỏi, người công dân gương mẫu, người chiến sĩ tiên phong, làm gương cho quần chúng và thúc đẩy quần chúng noi theo. Trung thực và khiêm tốn trong tự phê bình là một thước đo văn hóa nhân cách, là lòng tự trọng của đảng viên. Đó còn là dũng khí đấu tranh với chính mình trước khi có dũng khí đấu tranh với những gì sai trái, tiêu cực ở người khác và trong tập thể. Điều cốt yếu là động cơ trong sáng, có lý, có tình, thẳng thắn, cương trực, vì ý thức xây dựng, không vị kỷ, vụ lợi, cơ hội. Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, phê bình công việc chứ không xúc phạm con người, nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người.

Thái độ và phương pháp đấu tranh phê bình là rất quan trọng, phê bình phải đúng và phải khéo. Khéo ở đây là sự chân thành, sự tinh tế thuộc về văn hóa đạo đức chứ không phải khéo léo, giả tạo. Tự phê bình có nghiêm túc, thành thật thì phê bình mới có ý nghĩa. Động cơ không đúng thì phê bình có nguy cơ bị lợi dụng, lạm dụng thành thủ đoạn xấu, đấu đá, chia rẽ, không giúp cho việc sửa chữa lỗi lầm mà còn làm tổn hại tới đoàn kết và tình đồng chí. Bác Hồ căn dặn, một Đảng có dũng khí phê bình, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sai lầm thì sẽ là một Đảng mạnh mẽ, chắc chắn tiến bộ. Ngược lại, che giấu khuyết điểm, sai lầm, không có dũng khí sửa chữa khuyết điểm, sai lầm thì sẽ là một Đảng hỏng. Thực hành tự phê bình và phê bình là thực hành đạo đức, thực hành văn hóa mà cũng là thực hành chính trị. Điều quan trọng và cần thiết là phải làm thường xuyên, kịp thời, từ ý thức trách nhiệm trở thành một nhu cầu văn hóa. Điều này không dễ, vì chủ nghĩa cá nhân là vật cản lớn nhất, nhất là trong sự cám dỗ, ràng buộc bởi danh và lợi trong điều kiện kinh tế thị trường.

Sức mạnh của tổ chức đảng, tính pháp lý - chính trị của Điều lệ Đảng, cùng với kỷ luật, kỷ cương, kèm theo các chế tài xử lý và luật pháp phải vừa hỗ trợ mà cũng là áp lực đối với tự phê bình và phê bình trong Đảng. Ngoài ra, môi trường xã hội, dư luận xã hội của công chúng, tiếng nói phê bình của người dân, của quần chúng ngoài Đảng cũng là một bảo đảm cần thiết để tự phê bình và phê bình trong Đảng được nghiêm túc, thực chất. Muốn vậy, phải công khai, minh bạch thông tin cũng như xử lý những sai phạm, lỗi lầm trong Đảng. Dựa vào dân mà xây dựng Đảng thì Đảng phải rất tôn trọng những góp ý, phê bình của dân đối với Đảng và các đảng viên. Phải khuyến khích sự phê bình của quần chúng đối với Đảng. Phải vượt qua những rào cản tâm lý, thói quen cản trở tự phê bình và phê bình ở từng người, từng tổ chức đảng. Kết quả, tác dụng tự phê bình và phê bình trong Đảng làm cho tình hình công việc và đảng viên tốt lên. Đó là một trong những cơ sở để dân tin Đảng, để Đảng và dân gắn bó mật thiết với nhau. Quan hệ này là quan hệ máu thịt, làm cho Đảng mạnh mẽ và bền vững.

Tự phê bình và phê bình phải biến thành hành động, thực hiện chương trình hành động để tiến bộ, phát triển, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, vì dân. Không như vậy thì tự phê bình và phê bình chỉ dừng lại ở tiếp thu, mà không sửa chữa, không thay đổi và sẽ rơi vào hình thức hóa, vô hiệu hóa, lời nói không đi đôi với việc làm, sẽ làm suy giảm lòng tin của dân với Đảng.

Rõ ràng, tự phê bình và phê bình trong Đảng là vấn đề rất hệ trọng, khó khăn, phức tạp, phải kiên trì, nhẫn nại và luôn luôn phải ý thức rõ trách nhiệm của Đảng, của từng đảng viên với dân. Đây là cả một thử thách, phải có quyết tâm chính trị cao, có dũng khí lớn, có biện pháp mạnh, có sự hỗ trợ của nhân dân thì mới đạt được kết quả thực chất. Đó cũng chính là sức mạnh của dân chủ - đoàn kết - kỷ cương - luật pháp cùng với đạo đức trong tự phê bình và phê bình.

Trong tự phê bình và phê bình, cấp trên phải gương mẫu làm trước, nhất là người đứng đầu cấp ủy

Sự gương mẫu của cấp trên, trước hết của người đứng đầu cấp ủy vừa là trách nhiệm, vừa là nhân tố thúc đẩy cả tập thể và từng đảng viên noi theo, làm theo. Bác Hồ xác định: cấp ủy là lực phát động. Chính vì vậy, cấp trên, nhất là cấp ủy gương mẫu và tiên phong trong tự phê bình và phê bình, phải thể hiện ở từng người, ở cả tập thể cấp ủy. Đó là tự phê bình về trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, về mọi mặt diễn ra trong tổ chức, cơ quan đơn vị, nhất là việc thực hiện dân chủ và tập trung dân chủ, về đoàn kết nội bộ, về quan hệ giữa Đảng và đảng viên với quần chúng. Đó còn là tự phê bình về tư cách, đạo đức, phẩm chất cũng như năng lực thể hiện qua chất lượng, hiệu quả công việc. Cấp trên và cấp ủy phê bình cán bộ, đảng viên phải bảo đảm khách quan,  không định kiến, không tùy tiện, không hời hợt, đại khái, qua loa, tránh cục bộ, bè phái làm tổn thương tới đoàn kết và dân chủ. Sự gương mẫu tiên phong của cấp trên, của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy có tác dụng cổ vũ, khích lệ cấp dưới và các cá nhân dưới quyền; tạo ra tính tự giác, chủ động và cộng đồng trách nhiệm của mỗi người, của tập thể.

Sự gương mẫu, tiên phong của cấp trên, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy còn có sức lan tỏa tới quần chúng, các đoàn thể quần chúng, có tác dụng gây dựng bầu không khí dân chủ, bình đẳng, đạo đức và văn hóa trong Đảng. Nhờ đó, cái đúng, cái tốt được khẳng định và phát huy, cái sai, cái xấu phải bị phê phán và loại trừ bởi sức mạnh của đoàn kết, của ý chí chung của tập thể. Điều quan trọng là sự thẳng thắn, trung thực, không né tránh sự thật, đánh giá một cách khách quan, công bằng, tôn trọng nhân cách của nhau. Tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, của cấp ủy, của tổ chức đảng đối với mỗi người và đối với tập thể phải nhằm mục đích xây dựng phát triển; quán triệt phương châm “xây” đi liền với “chống”, không chủ quan nôn nóng, vội vã và cũng không chiếu lệ, hình thức. Quan hệ đồng chí trong Đảng phải là quan hệ tôn trọngtin cậy lẫn nhau. Có như vậy mới củng cố được sự đoàn kết, thống nhất, mới đồng thuận trong hành động, mới đủ sức nêu gương cho quần chúng. Kinh nghiệm cho thấy, bầu không khí dân chủ, đoàn kết và sức chiến đấu trong một tổ chức đảng phụ thuộc phần lớn vào vai trò của tập thể lãnh đạo, nhất là phẩm chất nhân cách và trình độ của người đứng đầu.

Phải phát triển và nâng niu Văn hóa Đảng, tức là làm cho đời sống chính trị trong Đảng, sinh hoạt đảng, quan hệ con người với con người ở trong Đảng cũng như quan hệ giữa Đảng với dân thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa. Cán bộ, đảng viên phải tiêu biểu cho lối sống có văn hóa, ứng xử văn hóa; văn hóa phải trở thành nhu cầu phát triển và tự hoàn thiện của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng.

Tạo môi trường, điều kiện và cơ chế để nhân dân chủ động tham gia xây dựng Đảng,  cấp ủy kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên

Xây dựng Đảng không chỉ là việc của Đảng, diễn ra trong nội bộ Đảng mà cũng phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Nhân dân giám sát công việc của Đảng, của cấp ủy và hành vi, hoạt động, phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phải quan tâm tới thái độ, tâm trạng, nguyện vọng, cả những phản ứng của nhân dân, để từng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự xem xét, tự đánh giá lại mình. Muốn vậy, tổ chức đảng phải thông tin kịp thời, khách quan, cụ thể cho dân biết về tình hình; chủ động tổ chức cho dân góp ý, phê bình, kiến nghị. Cụ thể hơn, nếu gần dân, tin dân, trọng dân, biết lắng nghe, biết đối thoại với dân, lại luôn gương mẫu và có trách nhiệm thì dân luôn sẵn lòng tham gia góp ý, hiến kế cho Đảng. Dân chẳng những xây dựng Đảng, mà còn giúp đỡ cho Đảng, bảo vệ Đảng. Đảng được dân tin, dân giúp, dân theo, đó là một Đảng có sức sống trường tồn trong lòng dân. Không chỉ công khai thông tin mà còn phải minh bạch, khách quan, công tâm trong xử lý, nhất là việc thi hành kỷ luật Đảng.

Giám sát của dân là giám sát sự nhất quán nói và làm, lời nói đi đôi với việc làm, lời hứa hẹn với quyết tâm và hành động thực hiện lời hứa của cán bộ, đảng viên. Dân giám sát Đảng từ cơ sở qua việc làm, hành vi, lối sống, thái độ và trách nhiệm của tổ chức đảng, của đảng viên đối với dân. Rõ nhất là giám sát việc thi hành pháp luật và chính sách, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên. Chung quy lại, dân giám sát, xem tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên có công tâm, có trách nhiệm với dân hay không? Có đoàn kết, dân chủ, liêm khiết hay không? Có vì dân hay chỉ vì mình?

Tiếng nói phẩm bình, đánh giá của dân là căn cứ có tính xác tín, có độ tin cậy nhất về uy tín thực, ảnh hưởng thực của Đảng. Ngoài giám sát của dân, việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với cán bộ, đảng viên là rất cần thiết, rất quan trọng, bảo đảm cho tự phê bình và phê bình có hiệu quả. Đây là phương thức lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy. Không kiểm tra, giám sát coi như không có lãnh đạo. Cấp ủy không chỉ giám sát, kiểm tra cán bộ đảng viên mà còn tự giám sát, tự kiểm tra chính mình; ngược lại, cán bộ, đảng viên, rộng hơn là cả nhân dân cũng giám sát, kiểm tra cấp ủy. Muốn vậy, phải có dân chủ, phải thực hành dân chủ rộng rãi; trước hết, là dân chủ trong Đảng. Có dân chủ mới có chủ động. Có dân chủ mới có sáng tạo, mới phát huy mọi sáng kiến, từ Đảng đến dân. Giáo dục gắn liền với giám sát, kiểm tra, lắng nghe ý kiến dư luận của nhân dân. Đó là con đường, cách thức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thực sự là Đảng chiến đấu, Đảng hành động vì dân./.