Quảng Trị phát huy truyền thống kiên cường, phấn đấu phát triển nhanh, bền vững

Lê Hữu Phúc TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị
18:40, ngày 12-07-2012
TCCS - Với Quảng Trị, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta luôn ghi đậm những dấu ấn hào hùng: nơi đọ sức quyết liệt giữa quân và dân Việt Nam với đế quốc Mỹ và tay sai; nơi diễn ra 81 ngày đêm “Lửa thép cổ thành”; địa phương đầu tiên ở miền Nam được giải phóng (ngày 1-5-1972); địa bàn chiến lược quan trọng, tạo bàn đạp tiến công thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
Tự hào và phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương, sau ngày giải phóng, từ khi còn nằm trong đội hình tỉnh lớn Bình Trị Thiên (1976 - 1988) tới khi tái lập tỉnh (tháng 7-1989) cho đến nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị luôn ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đi lên từ nền kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng thấp kém; công nghiệp, chủ yếu là tiểu, thủ công nghiệp, còn sơ khai, nhỏ lẻ; lại thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lụt và hậu quả nặng nề của chiến tranh...Đảng bộ và lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ luôn trăn trở, tìm hướng đi cũng như giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2000 - 2005 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định quyết tâm đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đưa địa phương thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước.

Với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương; lựa chọn những khâu đột phá với những giải pháp, bước đi phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh  đã khơi dậy được sức sản xuất trong nhân dân, huy động nhiều nguồn lực xã hội cho đầu tư tạo sự phát triển mới, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 1990 - 2000 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,2%/năm; giai đoạn 2001 - 2011 GDP tăng trên 10%/năm. Năm 2011 GDP bình quân đầu người đạt 21,6 triệu đồng, bằng 79,7% mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng giá trị sản phẩm của ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP của tỉnh tăng từ 8,9% năm 1990 lên 37,1% năm 2011; thương mại - dịch vụ tăng từ 25,4% lên 35,7%; nông nghiệp giảm từ 65,7% xuống 27,2%. Trong từng ngành kinh tế, cơ cấu sản xuất từng bước có sự thay đổi theo hướng tăng hàm lượng sử dụng công nghệ mới; sản xuất gắn với thị trường và khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng. 

Nông nghiệp phát triển toàn diện và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh, chuyên canh; vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Một số mô hình kinh tế nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành và từng bước được nhân rộng. Sản lượng lương thực có hạt luôn đạt trên 22 vạn tấn/năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, năng lực sản xuất của ngành không ngừng tăng lên, nhiều sản phẩm đã duy trì được mức sản xuất ổn định, một số sản phẩm mới, như ván sợi MDF, giấy, săm lốp xe máy, tinh bột sắn... bước đầu được thị trường chấp nhận. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang (Gio Linh); Khu Kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và các cụm công nghiệp - làng nghề được quan tâm đầu tư xây dựng đã thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng trưởng của ngành. Đặc biệt, việc Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung khu kinh tế đông - nam tỉnh Quảng Trị vào quy hoạch các khu kinh tế của cả nước đang mở ra cho tỉnh những cơ hội mới. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu kinh tế tổng hợp có chức năng là trung tâm công nghiệp, sản xuất vật liệu cao cấp, điện năng, chế biến thủy, hải sản và dịch vụ. Cảng biển Mỹ Thủy là dự án quan trọng trong khu kinh tế này đã được quy hoạch với công suất 25 - 30 triệu tấn hàng hóa/năm và đang được xúc tiến kêu gọi đầu tư. Khi khu kinh tế đông - nam được hình thành và đi vào hoạt động sẽ tạo ra động lực để phát triển kinh tế vùng, tạo sự liên kết về hợp tác phát triển kinh tế với các nước trên tuyến hành lang kinh tế đông - tây, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ vùng chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô, ngành nghề, thị trường, hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 9%. Hàng hóa lưu thông thuận lợi trên tất cả các vùng; giá trị xuất khẩu đạt khá. Du lịch phát triển với sự hình thành một số tuyến, tour du lịch dựa vào lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, tư vấn... phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Với lợi thế nổi trội về vị trí địa - kinh tế, là đầu cầu của hành lang kinh tế đông - tây về phía Việt Nam, đặc biệt kể từ khi cầu Hữu Nghị II nối Lào - Thái Lan được khánh thành, đánh dấu sự khai thông của tuyến hành lang kinh tế đông - tây, Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển hành lang kinh tế đông - tây, biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, hành lang công nghiệp. Ba tỉnh trên tuyến hành lang này là Quảng Trị - Sa-va-na-khet - Muc-đa-han đã ký kết hợp tác phát triển du lịch. Khu Kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo mở ra cung đường ngắn nhất và tiện lợi nhất cho việc đẩy mạnh giao thương hàng hóa với Lào - Thái Lan, Mi-an-ma và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hướng ra Biển Đông, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế hành lang kinh tế đông - tây và mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ.

Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan ngày càng nhiều với các địa danh lịch sử, như thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, căn cứ Khe Sanh, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải... và các danh thắng, như biển Cửa Tùng, Cửa Việt, rừng nguyên sinh, suối nước nóng Đakrông... Quảng Trị cũng là nơi có nhiều lễ, hội truyền thống cách mạng, như Liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh”, “Nhịp cầu xuyên Á”, “Thống nhất non sông”, “Huyền thoại Trường Sơn”... đã mở ra nhịp cầu giao lưu văn hóa, thu hút du lịch, đầu tư trên các lĩnh vực.

Trong những năm qua, nhờ phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, huy động tối đa mọi nguồn lực; tích cực phát triển, khuyến khích và khai thác tốt các nguồn thu, nên thu ngân sách trên địa bàn và huy động vốn đầu tư phát triển tăng nhanh. Nếu năm 1990, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 10 tỉ đồng, thì đến năm 2011 con số đó đạt gần 1.500 tỉ đồng, với tốc độ tăng bình quân 22%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2005 - 2010) đã huy động được 17.497 tỉ đồng, gấp 3,1 lần giai đoạn 2000 - 2005.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, bệnh viện, hạ tầng đô thị, thông tin liên lạc, các công trình văn hóa được tăng cường đầu tư phát triển. Một số tuyến đường chiến lược, hệ thống cầu quan trọng, như đường ven biển, đường biên giới, đường đến các trung tâm kinh tế - xã hội của các vùng, các cầu Cửa Tùng, Bắc Phước, Cửa Việt, Sông Hiếu, Vĩnh Phước... được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn tiếp tục được coi trọng. Chương trình giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, hằng năm tạo việc làm mới cho trên 8.500 lao động. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả khả quan. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới ở mức 16,4% vào cuối năm 2011.

Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước được đổi mới và có hiệu quả. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Các tổ chức đảng không ngừng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hệ thống chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân đã chủ động phối hợp, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc phòng - an ninh và đối ngoại đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Đạt được những thành tựu trên, bên cạnh những chủ trương, giải pháp đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh, còn có sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự chia sẻ, ủng hộ của các tỉnh bạn, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; đặc biệt là sự tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường, nỗ lực phấn đấu, đồng lòng, đồng sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn phát triển kinh tế với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, môi trường, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; phấn đấu đưa Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1 - Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012, của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong đó, chú trọng công tác tư tưởng chính trị; đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, công tác phát triển Đảng; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

2 - Làm tốt công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nhất là trong năm 2012 cần thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24-2-2011, của Chính phủ. Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng, ngân hàng; bảo đảm vốn cho sản xuất và an toàn hệ thống; tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát hiệu quả đầu tư công.

3 - Tập trung tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp; tạo chuyển biến trong phát triển các ngành, vùng kinh tế. Trong đó, tập trung nghiên cứu ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; ban hành một số chính sách địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và lâu dài gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, phù hợp với định hướng phát triển vùng Bắc Trung bộ, gắn kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xây dựng Quảng Trị trở thành điểm đầu cầu giao lưu, hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong nước với các nước trong tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông thuận lợi của các nước, các vùng lãnh thổ trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, tăng cường công tác quản lý đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

4 - Phát triển kinh tế gắn với tiến bộ xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai.

5 - Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động  “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua, huy động sức mạnh tổng hợp cho quá trình phát triển./.