Ninh Bình hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới
Hai mươi năm - nhìn lại
Trong 20 năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình có sự thay đổi rõ nét. Tăng trưởng sản xuất duy trì ở mức bình quân 4%/năm. Nhiều lĩnh vực sản xuất được mở rộng về diện tích, cũng như tăng về sản lượng, như lúa, thủy, hải sản, con vật nuôi đặc sản, tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nông nghiệp đã góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 50% số lao động, góp phần tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo.
Sản xuất lương thực, được mùa liên tục trong 15 năm liền, cả về diện tích, năng suất, sản lượng lúa; bình quân lương thực đầu người năm sau tăng cao hơn năm trước. Từ một tỉnh, khi tái lập, còn thiếu lương thực, hiện nay đã bảo đảm an ninh lương thực, có dự trữ và hướng tới sản xuất lương thực hàng hóa. Năm 2011, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 60,4 tạ/ha, tăng 1,7 lần; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 51,4 vạn tấn, tăng 1,9 lần; bình quân lương thực đầu người đạt 566 kg, tăng 2,3 lần so với năm 1991; giá trị sản phẩm đạt 86 triệu đồng/ha/năm. Kết quả đó trước hết là do chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trình độ thâm canh nâng lên, tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; do chuyển đổi cơ cấu giống, nhất là giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Năm 2011, diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 24.000 ha, chiếm gần 30% diện tích trồng lúa toàn tỉnh.
Sản xuất vụ đông, phát triển cây công nghiệp, được chú trọng đặc biệt và phát triển mạnh. Năm 2010, sản xuất vụ đông tăng gấp 3 lần. Nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, như dưa chuột xuất khẩu, ớt, bí xanh, khoai tây, không ngừng được mở rộng, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, dần trở thành vụ sản xuất chính. Năm 2011, diện tích các cây công nghiệp đạt 17.000 ha, tăng 2,8 lần so với năm 1991. Ninh Bình đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh, gắn với cơ sở chế biến, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho những loại hàng nông sản, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Chăn nuôi, gia súc, gia cầm phát triển nhanh, đa dạng, có hiệu quả hơn; cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi tăng nhanh, đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, nhất là chăn nuôi lợn ngoại siêu nạc, bò lai Sind(1), gà công nghiệp, con vật nuôi đặc sản. Xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại, có hiệu quả kinh tế cao. So với năm 1991, năm 2011, đàn lợn là 395 ngàn con, tăng 2,4 lần; đàn trâu là 15 ngàn con (bằng 1/2 so với năm 1991); đàn bò là 30,7 ngàn con, tăng 1,6 lần; đàn gia cầm đạt 3,7 triệu con, tăng 3,4 lần; sản lượng thịt hơi xuất chuồng, đạt gần 4,37 ngàn tấn, tăng gần 4,7 lần; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 3,3 lần. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 26,4% (năm 1992), lên 34,03% (năm 2011).Đến cuối năm 2011, ở Ninh Bình có trên 250 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP cuối năm 1991 chiếm trên 61%, nhưng đến năm 2011 chỉ còn 15%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 842 tỉ đồng lên 1.867 tỉ đồng, tăng 2,22 lần. Trong cơ cấu ngành, nông nghiệp năm 1992 là 97,16% (trồng trọt: 73,6%, chăn nuôi: 26,4%, )’ đến năm 2011, chiếm 88,9% (trồng trọt: 63,58%, chăn nuôi: 34,03%, dịch vụ: 2,4%); lâm nghiệp: 1,42% (năm 1992), năm 2011 còn 0,96%; thủy sản: 1,42% (năm 1992) tăng lên 10,13% (năm 2011).
Lĩnh vực thủy sản, phát triển nhanh cả về nuôi trồng, đánh bắt, diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích mặt nước nuôi trồng, năm 2011, đạt 9.564ha, tăng 6.314ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 32 ngàn tấn, tăng 19,6 lần so với năm 1991. Bước đầu khai thác hiệu quả vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, để nuôi tôm sú, cua, ngao…
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Từ năm 1992 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được trên 10.000 ha rừng, hàng chục triệu cây phân tán, rừng được quản lý và bảo vệ tốt; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và tạo thu nhập cho nhân dân vùng cao; độ che phủ rừng hiện tại là 19,2%.
Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tăng đáng kể, bộ mặt nông thôn có sự tiến bộ, đổi mới rõ nét. Đê điều được tu bổ, củng cố vững chắc hơn, phong trào kiên cố hóa kênh mương kết hợp với giao thông nông thôn phát triển rộng khắp và đạt kết quả tốt. Nâng cấp 468 km đê; trong đó, cứng hóa được gần 40%, nhiều hệ thống đê được nâng cấp và cải tạo vững chắc, như đê biển Bình Minh II, III, đê sông Đáy, đê hai bờ tả, hữu sông Hoàng Long… Toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 925 km kênh mương, đạt 90% kế hoạch. Nhiều trạm bơm được xây dựng mới, hồ chứa nước được nâng cấp và đã phát huy tác dụng bảo đảm tưới, tiêu chủ động. Toàn tỉnh có 495 trạm bơm, với 1.462 máy bơm, 4 âu, 44 hồ chứa có tổng dung tích 42 triệu m3 nước.
Nhiều công trình cấp nước sạch tập trung được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt cho đời sống, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Đến năm 2011, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 88 trạm cấp nước tập trung, đưa tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%; trong đó, trên 45% từ các công trình cấp nước tập trung.
Các công trình điện, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ… được quan tâm sửa chữa, đầu tư mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai và thực hiện tập trung quyết liệt. Hoàn thành việc tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh. Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn và lựa chọn 25 xã để xây dựng điểm về nông thôn mới, hiện có gần 50% số xã hoàn thành xong việc phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã. Đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, theo định hướng xây dựng nông thôn mới.
Một số kinh nghiệm bước đầu sau 20 năm qua
Nền nông nghiệp, sự phát triển nông thôn Ninh Bình đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ quá trình tập trung sức phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn trong thời gian qua của Ninh Bình, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:
Trước hết, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nỗ lực vươn lên của nhân dân; trong đó, có sự cố gắng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hai là, tập trung phát triển sản xuất để tăng thu nhập; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ trực tiếp người sản xuất. Chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về: giống mới, có năng suất, chất lượng cao, để nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa. Xây dựng các cơ sở để chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như có chính sách tín dụng nông thôn, cho vay thúc đẩy sản xuất.
Ba là, phát huy nội lực của địa phương, huy động sức mạnh từ nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, với phương châm nhân dân quyết định và làm mọi việc: “Nhà nước đầu tư một, nhân dân góp mười”, bằng công sức và tiền của của họ. Sự trợ giúp của Nhà nước chỉ là “chất xúc tác” để thúc đẩy mọi hoạt động trong nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bốn là, coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các lĩnh vực; đào tạo và tạo nghề mới cho nông dân; phát huy nghề truyền thống, phát triển nghề mới phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt quan tâm đến đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ cơ sở và phát huy dân chủ trong lãnh đạo, quản lý; vai trò của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Năm là, tăng cường bảo vệ, quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên không tái tạo; phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bằng sức mạnh toàn dân. Quy hoạch, xác định chủng loại cây rừng phù hợp, hỗ trợ giống, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Để phát triển bền vững trong những năm tới
Với quan điểm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài; huy động các nguồn lực, tập trung từng bước xây dựng nông thôn mới, có kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại; nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố ngày càng vững chắc, Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2015 thực hiện các mục tiêu chủ yếu:
Về trồng trọt, duy trì diện tích trồng lúa ổn định là 75.000 - 80.000ha, diện tích trồng màu là 10.000ha; sản lượng đạt khoảng 48 vạn tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 18 vạn tấn. Bảo đảm diện tích trồng ngô trên 8.000 ha, sản lượng đạt gần 40 nghìn tấn; diện tích trồng lạc trên 5.000ha, sản lượng đạt trên 12 nghìn tấn; diện tích trồng đậu tương đến năm 2015 khoảng 8.000ha, sản lượng đạt trên 15 nghìn tấn. Giá trị sản xuất vụ đông đạt trên 17 triệu đồng/ha.
Mục tiêu phát triển nông nghiệp của Ninh Bình đến năm 2015: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm (theo giá trị cố định 1994): 2,5%. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo GDP, giá hiện hành): 10%. Sản lượng lương thực có hạt bình quân hằng năm: 48 vạn tấn trở lên. Số xã được công nhận nông thôn mới: 25 xã; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 90%; tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ: 20%.
Đối với chăn nuôi, thủy sản: phấn đấu đạt trên 68 nghìn tấn sản lượng thịt hơi; sản lượng trứng đạt gần 115 triệu quả/năm; đàn bò nuôi lấy thịt khoảng 44,7 ngàn con, đàn trâu nuôi lấy thịt 17 ngàn con, đàn lợn 477 ngàn con, đàn dê nuôi lấy thịt là 27,5 ngàn con, đàn gia cầm đạt trên 4 triệu con. Sản lượng thủy, hải sản đạt 38,3 ngàn tấn (nuôi trồng 32 ngàn tấn, khai thác: 6,3 ngàn tấn); tổng sản lượng chế biến thủy sản đạt 890 tấn; trong đó, sản lượng chế biến xuất khẩu đạt 500 tấn, chế biến tiêu thụ nội địa đạt 390 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 237,3 tỉ đồng (năm 2010), lên hơn 600 tỉ đồng (năm 2015).
Phát triển lâm nghiệp: duy trì hệ thống rừng, bảo đảm an ninh môi trường, phục vụ tham quan, du lịch, học tập và nghiên cứu. Mỗi năm trồng mới khoảng 100ha, bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng bình quân trên 19.000ha/năm, tu bổ rừng hiện có bình quân mỗi năm 11.000ha - 12.000ha, trồng cây phân tán bảo vệ môi trường hằng năm trên 2 triệu cây.
Mở rộng ngành nghề và bảo đảm nước sạch nông thôn: dự kiến lao động tham gia ngành nghề nông thôn là 270.000 lao động (lao động chuyên 160.000 người, lao động kiêm 110.000 người). Đến năm 2015, số lao động ngành nghề nông thôn tăng thêm khoảng trên 17.000 người và toàn tỉnh có khoảng 55 làng nghề. Giá trị xuất khẩu sản phẩm ngành nghề nông thôn ước đạt trên 20 triệu USD, chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ trên địa bàn nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Về thủy lợi: xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống, bảo đảm tiêu nước cho 12 xã vùng hữu Hoàng Long. Chủ động cung cấp nước ngọt cho các huyện Yên Khánh và Kim Sơn, đặc biệt các xã vùng bãi ngang huyện Kim Sơn; phòng, chống biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập sâu vào nội địa các địa phương ven biển.
Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và an toàn vệ sinh thực phẩm: Các sản phẩm cây trồng, con vật nuôi được ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và kinh doanh.
Trong việc xây dựng nông thôn mới: hoàn thiện quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đến năm 2020; xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện đồng bộ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (nâng cấp, sửa chữa, đầu tư mới): giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các công trình cấp điện, các công trình phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục trên địa bàn xã, hoàn chỉnh trụ sở xã và các công trình phụ trợ.
Hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn (hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, xây dựng, phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới và ngành nghề nông thôn cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nông thôn). Tiếp tục “đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn”. Song trùng với hỗ trợ xây dựng các mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh, mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến nông sản. Nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, hoạt động, liên kết của các hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác và liên kết kinh tế giữa nông dân và các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác trong nông thôn. Chú trọng “đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp quản lý, thực hiện xây dựng nông thôn mới”./.
----------------------------------------------------
(1) Bò lai Sind là giống bò tạo ra do kết quả tạp giao giữa bò đực Redsindhi với bò vàng Việt Nam.
Xây dựng thành phố Ninh Bình thành trung tâm du lịch trọng điểm ở vùng đồng bằng sông Hồng  (27/06/2012)
Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán FTA  (27/06/2012)
Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán FTA  (27/06/2012)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay