TCCSĐT - Ngày 23-6-2012, Diễn đàn kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg lần thứ 16 (còn gọi là “Russian Davos”) kết thúc thành công tại cố đô của nước Nga. Tham dự Diễn đàn có hơn 5.000 đại biểu đến từ 50 nước và nhiều tổ chức quốc tế. Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn, Trưởng Đoàn Việt Nam, tham dự Diễn đàn này.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu vào thời điểm tổ chức Diễn đàn

Diễn đàn kinh tế quốc tế Sankt-Peterburg lần thứ 16 diễn ra trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Theo kết quả thăm dò mới nhất của giới nghiên cứu, nền kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng suy giảm mà nguyên nhân chủ yếu là tác động của cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đà phục hồi không vững chắc của nền kinh tế Mỹ và tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil vốn là những đầu tàu cho sự tăng trưởng toàn cầu trong điều kiện hiện nay.

Theo kết quả thăm dò của Hãng thông tấn Reuters công bố ngày 21-6-2012, tháng 6-2012 là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động kinh tế nói chung của Eurozone bị sụt giảm, tác động mạnh tới hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp. Chỉ số sản xuất và dịch vụ của Eurozone trong suốt 9 tháng qua đều dưới mức 50%, trong đó tháng 5 và tháng 6 là 46,0% và 45,5%. Thực trạng này đang gây áp lực nặng nề buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải có thêm những hành động để hỗ trợ nhằm vực dậy nền kinh tế của khu vực này. Chuyên gia kinh tế Peter Dison thuộc Ngân hàng “Commerzbank” nhận định, châu Âu đang ở trong thời điểm mà nền kinh tế ngày càng bị mất đà và lâm vào tình trạng rất khó khăn.


Hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc tính đến tháng 6-2012 là tháng thứ 6 liên tiếp bị sụt giảm, do đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Tốc độ tăng GDP trong quý II năm 2012 của Trung Quốc là quý thứ 6 liên tiếp bị giảm, có thể chỉ đạt mức tăng 7%. Xu hướng xấu hơn của nền kinh tế châu Âu và sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20-6-2012 quyết định kéo dài chương trình "Operation Twist", theo đó tiếp tục mua trái phiếu dài hạn ít nhất cho tới cuối năm 2014 để khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. FED cũng tuyên bố sẽ có thêm hành động nếu tình hình châu Âu diễn biến theo hướng nghiêm trọng hơn. Ngân hàng Đầu tư “PMorgan Chase” mới đây cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III năm 2012 xuống 2%, thay vì 3% như dự báo trước đây và tốc độ tăng GDP cả năm 2012 có thể chỉ đạt 2,1% so với dự báo 2,3% trước đây.

Trả lời câu hỏi của Đài "Tiếng nói nước Nga" về những thách thức và nguy cơ chính đối với nền kinh tế thế giới, ông Igor Lozhevsky, Giám đốc điều hành Ngân hàng “Deutsche-Russia” cho biết, tại thời điểm này, trung tâm bất ổn chính của nền kinh tế toàn cầu là cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Trong giai đoạn hiện nay, giải pháp dành cho cuộc khủng hoảng này là khá rõ ràng nhưng trở ngại cho việc thực hiện thành công giải pháp đó chính là tâm trạng cử tri ở nhiều nước châu Âu, chủ yếu là các nước phía Nam. Tại Pháp, trong cuộc bầu cử mới đây, đại diện của phái không ủng hộ các biện pháp mạnh để đối phó với khủng hoảng đã thắng cử. Chúng ta thấy biện pháp tương tự cũng đang được dự kiến ở Hy Lạp. Vì vậy, nguy cơ chủ yếu chính là tâm trạng cử tri. Tình trạng này có thể dẫn đến việc không tuân thủ các thỏa thuận đạt được tại châu Âu về ổn định ngân sách, có thể gây mất ổn định cho khu vực ngân hàng. Tất cả điều này có thể khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trở nên sâu sắc hơn nữa. Theo đó, Nga cũng có thể bị liên quan một khi giá nguyên liệu xuất khẩu cơ bản bị giảm xuống có thể gây tổn hại cho ngân sách của Nga.

Về vai trò quan trọng của các nền kinh tế mới nổi, ông Igor Lozhevsky nhận định, đó là điều hiển nhiên vì các thị trường mới nổi đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Còn Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 trên thế giới vào thời điểm kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng. Các trung tâm tài chính mới như Singapore, Hong Kong, Moscow đã đặt ra mục tiêu ít nhất cũng trở thành một trung tâm quan trọng trong khu vực.

Các chủ đề bàn thảo tại Diễn đàn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận những vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế thế giới, từ đó đưa ra các kiến nghị và biện pháp nhằm khắc phục hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, bảo đảm an ninh năng lượng, tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như triển vọng hiện đại hóa nền kinh tế Nga.

Khác với các Diễn đàn trước, Diễn đàn năm 2012 không tổ chức riêng từng ngày các cuộc đối thoại và kinh doanh mang tính truyền thống về các chủ đề như Nga-Liên minh châu Âu (EU), Nga-Thế giới Arập và Nga-Ấn Độ v.v. mà các chủ đề thảo luận và ký kết hợp đồng được tiến hành song song ngay từ ngày đầu khai mạc. Đồng thời, từ sáng 21-6-2012 đã diễn ra các cuộc tọa đàm bàn tròn đề cập tới những chủ đề như “Sự phát triển sau khủng hoảng”, “Vai trò của Nga trong nền kinh tế toàn cầu”, “Cuộc khủng hoảng Eurozone”, “Xây dựng một tương lai vững chắc” v.v..

Chương trình phát triển Liên bang Nga

Trong bài phát biểu ngày 21-6-2012 tại Diễn đàn, Tổng thống Nga V.Putin đã phác thảo Chương trình và triển vọng phát triển Liên bang Nga trong thời gian tới. Đây là Chương trình được ông V.Putin ưu tiên thực hiện trên cương vị Tổng thống, được Chính phủ Nga soạn thảo và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng xã hội. Theo Tổng thống V.Putin, Nga cần phải củng cố mọi lợi thế cạnh tranh của mình, đồng thời đẩy mạnh việc tìm kiếm các cơ hội mới trong nền kinh tế toàn cầu để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và xây dựng Nhà nước hiệu quả phục vụ con người và xã hội. Ngoài ra, Nga cũng cần thiết lập hệ thống bảo vệ pháp lý và tư pháp vững mạnh, có sự tin tưởng tuyệt đối của người dân.

Theo Tổng thống Nga V.Putin, việc thực hiện chương trình này sẽ tạo ra những khả năng mới nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Nga, giúp họ tự phát huy khả năng của mình, để từ nay đến năm 2020 tạo ra 25 triệu việc làm mới, cải thiện hệ thống giáo dục, y tế cũng như góp phần giải quyết vấn đề nhà ở và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Liên bang Nga sẽ thành lập một hệ thống quy mô lớn để dự báo, điều tiết nguy cơ nhằm giảm thiểu những hậu quả của các biến động từ bên ngoài, ngăn chặn khủng hoảng xảy ra từ bên trong. Nga cũng ủng hộ và khuyến khích đầu tư trực tiếp vào các dự án chiến lược. Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, đến năm 2020, Liên bang Nga sẽ nằm trong nhóm 20 nước hàng đầu thế giới (Top-20) có môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo ông V.Putin, đến năm 2018, Nga phải đạt mức đầu tư chiếm 27% GDP so với con số 20% trong năm 2012.

Đề cập đến khả năng Nga có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng khủng hoảng kinh tế mới, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, với mức nợ thấp và lượng tiền dự trữ khá lớn như hiện nay, Nga hoàn toàn tự tin đối diện với mọi thách thức kinh tế. Để bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, Nga sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tư nhân hóa. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (Top-20), Nga đang còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư và áp dụng mọi biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trả lời câu hỏi của Đài "Tiếng nói nước Nga" về những gì cần được thực hiện để khai thác tốt hơn tiềm năng đầu tư của Nga, ông Igor Lozhevsky, Giám đốc điều hành Ngân hàng “Deutsche-Russia”, nhận định, hiện có nhiều ý kiến tranh cãi về chủ đề này. Như chúng ta đã biết, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng đưa ra vấn đề cải thiện môi trường đầu tư trong nước, thúc đẩy các mục tiêu chính và chương trình 4 điểm: cơ chế, kết cấu hạ tầng, đầu tư và ứng dụng. Một chương trình toàn diện đã được soạn thảo nhằm cải thiện sức hấp dẫn môi trường đầu tư ở Nga. Chủ yếu là giảm các rào cản hành chính, cải thiện hình ảnh đất nước, tăng cường các biện pháp tự do hóa nền kinh tế, bao gồm cả phát triển của thị trường tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường này. Tất cả các chương trình đó đang được thực hiện.


Số lượng các hợp đồng kinh tế ký kết đạt mức kỷ lục tại Diễn đàn

Sau hai 2 ngày làm việc (21 và 22-6-2012), các đối tác Nga và các nước tham dự Diễn đàn đã ký 74 hợp đồng kinh tế và hiệp định trị giá hơn 360 tỉ rúp (gần 11 tỉ USD) so với tổng giá trị gần 284 tỉ rúp của các hợp đồng và hiệp định từng được ký tại Diễn đàn lần thứ 15 được tổ chức vào năm 2011.

Khối ngân hàng và các thể chế tài chính có Nhà nước Nga góp vốn trực tiếp hoặc gián tiếp như “Sberbank”, “Gazprombank” hay Ngân hàng Kinh tế đối ngoại (VEB) đã tổ chức ký kết được nhiều hợp đồng và hiệp định nhất. Riêng “Sberbank” đã ký 12 văn kiện hợp tác. Còn các tập đoàn và công ty năng lượng của Nga đã ký 6 hợp đồng. Các địa phương Nga đã ký hơn 15 hiệp định đầu tư trực tiếp với các tập đoàn và công ty lớn nhất của Nga và quốc tế.

Trong số những hiệp định và hợp đồng lớn ký tại Diễn đàn lần này, trước hết phải kể đến Hiệp định giữa Tập đoàn dầu mỏ “Rosneft” của Nga và Tập đoàn dầu mỏ “Statoil” của Na Uy để thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa nước này cũng như ở những khu vực có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt của Nga. “Rosneft” cũng đã ký với Tập đoàn Năng lượng “Eni” của Italy về thành lập các xí nghiệp liên doanh nhằm thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa của Nga.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Hãng hàng không Nga “Transaero” đã ký 2 hợp đồng mua 10 máy bay chở khách “Sukhoi Superjet” của Tập đoàn máy bay dân dụng “Sukhoi” và mua 4 máy bay chở khách cỡ lớn “Airbus-A380” của Tập đoàn “Airbus”.

Nền kinh tế Trung Quốc tác động tới cả thế giới

Một trong những kết luận rút ra được trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn là Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự phát triển của quốc gia này là một trong những yếu tố quan trọng góp phấn ổn định nền kinh tế thế giới. Biểu hiện rõ nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên chiếm vị trí số 2 trên thế giới, sau Mỹ. Các chuyên gia phân tích dự báo, hiện nay đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa nhiều nền kinh tế để chiếm vị trí số 1 trong nền kinh tế thế giới. Trong đó, Trung Quốc đang có những lợi thế riêng  như dự trữ ngoại hối khổng lồ (trên 3.200 tỉ USD); tốc độ tăng trưởng GDP cao; dẫn đầu thế giới về số các đề án đầu tư vững chắc ở trong nước và ở nước ngoài.

Vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc hiện nay là định hướng kinh tế nhằm vào xuất khẩu đang gặp trở ngại do sự sút giảm nhu cầu đối với hàng hóa và sản phẩm của nước này tại các thị trường trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế quá “nóng” cũng là một nguy cơ khác đối với Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc đã quyết định giảm nhịp độ tăng trưởng GDP. Đây là câu chuyện chưa từng có trong nền kinh tế thế giới. Theo nhận xét của Jim O"Neil, Chủ tịch Nhóm ngân hàng “Goldman Sachs Asset Management”, trong 30 năm hành nghề, ông chưa bao giờ chứng kiến một quốc gia nào có thể tự mình hạ mức tăng trưởng như Trung Quốc.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn thừa nhận, mô hình kinh tế kế hoạch của Trung Quốc đã bảo đảm sự tăng trưởng nhanh chóng của nó, còn sự hợp tác đầu tư với Trung Quốc sẽ giúp Mỹ và châu Âu giải quyết vấn đề của họ, đặc biệt là vượt qua cuộc khủng hoảng nợ và trì trệ kinh tế. Nói chung, các chuyên gia đã ghi nhận sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa Trung Quốc và nền kinh tế thế giới nhằm vượt qua khủng hoảng tài chính, vì sự ổn định của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên của Trung Quốc đang càng ngày càng cạn kiệt. Các chuyên gia đề xuất cần tiến hành các biện pháp mạnh để phân cấp nền kinh tế và mở cửa thị trường rộng lớn hơn cho các công ty và các nhà đầu tư nước ngoài. Các đối tác phương Tây khuyến nghị Trung Quốc nên tiếp tục tự do hóa hệ thống ngân hàng của mình, bằng cách tăng cường nguồn lực của các ngân hàng nước ngoài trong thị trường tài chính và bảo hiểm của Trung Quốc. Còn các chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng môi trường đầu tư của nước này sẽ được cải thiện, từ đó sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của Trung Quốc và các đối tác./.