TCCS - Trăn trở suy nghĩ và tâm huyết với nghề, những người làm an toàn giao thông như ông Vũ Ngọc Lăng Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có nhiều sáng kiến bảo đảm an toàn giao thông, cứu mạng nhiều người và mang lại giá trị kinh tế hàng tỷ đồng... Với nhiều sáng kiến nổi bật, ông vinh dự là một trong 62 gương điển hình tiên tiến được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020.

Đường cứu nạn, giảm nỗi lo cho các tài xế ở những cung đường đen_Ảnh: Tư liệu

Giảm nỗi lo đi qua điểm đen đèo dốc

Đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh) vốn là “cung đường đen” xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, cung đường này không còn là nỗi ám ảnh thường trực của cánh tài xế bởi sự xuất hiện của đường cứu nạn.

Có thể rất ít người biết, sáng kiến này là của đồng chí Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Với vai trò là người đứng đầu đơn vị tham mưu, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên hệ thống quốc lộ, nhiều năm qua, đồng chí Vũ Ngọc Lăng luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo nhiều giải pháp với chi phí thấp mang lại hiệu quả cao trong bảo đảm ATGT.

Trò chuyện với đồng chí Vũ Ngọc Lăng, chúng tôi được biết thêm nhiều điều thú vị xoay quanh sáng kiến về hệ thống đường cứu nạn trên những “cung đường đen”, đèo dốc đã cứu được nhiều xe mất phanh, từ đó giảm mạnh số vụ tai nạn và thương vong.

Đồng chí Vũ Ngọc Lăng chia sẻ, chứng kiến nhiều vụ TNGT thảm khốc tại các cung đường đèo dốc, chủ yếu do xe mất phanh lao xuống vực sâu, đâm vào các xe đi ngược chiều hoặc lao vào vách đá, làm chết nhiều người, bản thân ông vô cùng đau xót. “Sau mỗi vụ như vậy, tôi lại trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giảm các vụ tai nạn thương tâm tại các cung đường này”, đồng chí Vũ Ngọc Lăng nói.

Trước đây, khi đèo Lò Xo xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe mất phanh lao xuống vực gây nhiều thương vong, nhiều phương án được đặt ra để giảm thiểu tai nạn, như làm cầu cạn, làm hầm chui với số tiền từ 3 đến 5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi vào khảo sát, ông Lăng nhận thấy, làm đường cứu nạn là giải pháp tối ưu.

Nói là làm, đồng chí Vũ Ngọc Lăng cùng đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu và tìm giải pháp làm đường lánh nạn tại đèo Lò Xo thuộc đường Hồ Chí Minh (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) thành hiện thực. 10 hốc cứu nạn trên cung đường đèo Lò Xo với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng được thực hiện. Sau khi đưa vào hoạt động, hệ thống đường cứu nạn này phát huy hiệu quả ngay, cứu được rất nhiều xe mất phanh, trôi dốc, lao xuống vực.

Sau đèo Lò Xo, mô hình đường cứu nạn được nhân rộng trên các tuyến quốc lộ có địa hình đèo dốc quanh co khác. Theo đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.2 cho biết, tuyến quốc lộ 6 hiện có 5 đường cứu nạn, sau khi đưa vào khai thác đã cứu được 13 vụ xe mất phanh, mất lái, không để xảy ra thương vong. Ngày 25-7 vừa qua, nhờ có đường cứu nạn, chiếc xe khách mất phanh đang chở 30 hành khách lưu thông trên quốc lộ 6  tránh được vụ tai nạn thảm khốc.

Một tài xế, người thường xuyên chở hàng tuyến Hà Nội - Sơn La chia sẻ, đường cứu nạn, tường lốp được ví như “bùa hộ mệnh” cho các phương tiện không may bị mất phanh, mất lái mỗi khi xuống đèo. Bởi, khi xe đổ đèo, mất lái, nếu xe tựa vào bức tường phòng hộ này không chỉ giảm được sự va đập, mà đàn hồi của lốp cao-su sẽ làm cho xe giảm hẳn tốc độ.

“Bùa hộ mệnh” của tài xế

Xây dựng đường cứu nạn được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm ATGT trên những tuyến đường đèo dốc. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí hoặc những vị trí nguy hiểm lại không đủ điều kiện về mặt bằng nên nhiều đoạn đường việc đầu tư xây dựng gặp khó khăn. Trong điều kiện như vậy, đồng chí Vũ Ngọc Lăng lại mày mò tìm giải pháp lắp đặt hộ lan bằng lốp xe phế thải trên tuyến quốc lộ 6  qua tỉnh Hòa Bình.

“Không chỉ tránh được va đập mạnh, giảm tốc độ của các phương tiện, bức tường phòng hộ được thiết kế với hàng nghìn thanh thép chuyên dụng, đóng ngập sâu đến 2m còn được ví như “bức bình phong” vững chãi, ngăn không để các phương tiện lao xuống vực. Đã có trên 10 nghìn lốp xe ô-tô được sử dụng để làm các bức tường này, góp phần hạn chế, giảm thiểu hậu quả của các vụ TNGT và được áp dụng nhiều nơi”, đồng chí Vũ Ngọc Lăng chia sẻ.

Theo lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.2, trên những tuyến đường đèo dốc, mỗi khi xảy ra tai nạn hậu quả luôn nặng nề. Nhưng, trong vụ tai nạn tại khu vực đỉnh đèo Thung Khe (quốc lộ 6) mới đây, thiệt hại không đáng kể, phương tiện hư hỏng nhẹ và đặc biệt là không gây thiệt hại về người. Lý do đơn giản là vì được dải hộ lan bằng lốp xe ngăn lại.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dải hộ lan bằng lốp xe hay đường cứu nạn là giải pháp có tính khả thi, chi phí không quá cao, không cần nhiều mặt bằng lắp đặt. Ngoài giảm thiểu thiệt hại khi không may xảy ra tai nạn, dải hộ lan lốp còn cảnh báo để người lái xe chấp hành đúng quy tắc giao thông, từ đó giảm nguy cơ và thiệt hại do TNGT./.