Ẩn họa từ việc tháo dỡ dải hộ lan

Minh Đăng
12:01, ngày 20-11-2020

TCCS - Hộ lan tôn lượn sóng là một kết cấu của hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, thường được sử dụng trong các đoạn đường hay xảy ra tại nan giao thông, có tác dụng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn khi phương tiện giao thông va đập vào tường hộ lan tôn lượn sóng. Hộ lan tôn lượn sóng được lắp đăt tại các vị trí “điểm đen” thường xảy ra tai nạn, hoặc các đoạn đường cong, đường đèo với nỗ lực nhằm giảm thiểu  thương vong. Việc tự ý tháo dỡ hộ lan đường bộ nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì cá nhân, tổ chức tháo dỡ hộ lan là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình giao thông, tiềm ẩn nguy tại nạn cao. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hộ lan tôn lượn sóng bên quốc lộ 1A bị người dân tháo để xây dựng công trình_Nguồn: vnexpress.net

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng một số hộ dân, doanh nghiệp tự ý tháo dỡ dải hộ lan tôn lượn sóng, gây ảnh hưởng đến kết cấu tuyến đường khiến cho nguy cơ gia tăng các vụ tai nạn giao thông ngày một hiện hữu. Hành vi phá dỡ hộ lan của một số cá nhân, tổ chức doanh nghiệp không những vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông liên quan đến việc tự ý phá dỡ hộ lan:

Một là, việc những rào chắn bị phá bỏ để phục vụ mục đích kinh doanh của một số cá nhân, tổ chức; việc tự ý phá tường hộ lan bằng bê-tông xi-măng để mở đường đi riêng gây ra nhiều hệ lụy trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, xăng dầu, nhà hàng, quán ăn mở các điểm đấu nối trực tiếp. Có những điểm, mặc dù chỉ cách điểm đấu nối đã được quy hoạch, cấp phép không xa, nhưng chủ cơ sở vẫn mặc nhiên mở điểm đấu, thay vì xây dựng hệ thống đường gom. Chính sự xuất hiện các điểm đấu nối không phép này nên việc di chuyển của phương tiện từ các công trình, kho hàng, quán ăn hai bên đường rất lộn xộn, gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, có đoạn cả dải tôn sóng dài đến vài chục mét cũng bị tháo dỡ để biến lề đường thành một bãi đỗ xe tải thay vào đó là một con đường đất được đắp nối ra đường quốc lộ. Các bãi đỗ xe tải với rất nhiều xe lớn thường xuyên cắt ngang đường quốc lộ để ra, vào bãi khiến tầm nhìn trên đường bị hạn chế tiềm ẩn nguy tai nạn giao thông rất cao.

Hai là, các vi phạm khác, như san lấp mặt bằng, xây dựng trong hành lang an toàn đường bộ làm sân bãi đỗ xe, hay làm đường ra, vào cây xăng, nhà hàng... khiến nhiều đoạn hộ lan tôn lượn sóng đã bị chiếm dụng. Việc biến lề đường thành bãi dừng đỗ xe, hoặc các xe lưu trú dừng, đỗ ở những điểm rào chắn bị cắt phá chạy ra đường sẽ mất an toàn giao thông mỗi khi những chiếc xe lớn dài hàng chục mét ra vào đã chiếm toàn bộ lòng đường, khiến người đi đường bị che mất tầm nhìn, phải chen lấn, thậm chí đi ngược chiều rất nguy hiểm. Có thể thấy, dọc nhiều tuyến quốc lộ liên tục có các dải hộ lan lớn bị tháo dỡ để mở đường vào các khu vực lân cận, thậm chí có đoạn hộ lan bị tháo dỡ kéo dài hàng trăm mét. Nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy, ô-tô qua khu vực hộ lan bị tháo dỡ liên tục giật mình khi bị các phương tiện từ các nhà xưởng, khách sạn bất ngờ lao ra, gây mất an toàn giao thông.

Ba là, các cấp chính quyền buông lỏng quản lý để cá nhân, doanh nghiệp tự ý dỡ bỏ hộ lan nhưng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu kiên quyết khi xử lý vi phạm.

Để góp phần hạn chế tai nạn giao thông liên quan tới việc tự ý tháo dỡ hộ lan, trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông đường bộ cho người dân và doanh nghiệp dọc hai bên tuyến quốc lộ để chấp hành nghiêm túc; đồng thời tổ chức cho các hộ dân, doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông đường bộ. Tuyên truyền, phát tờ rơi để tổ chức, cá nhân dọc hai bên quốc lộ nhận thức đầy đủ, rõ ràng các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; hiểu rõ vai trò và tác dụng của hành lang an toàn đường bộ trong việc bảo vệ chính những hộ dân đang sinh sống dọc quốc lộ.

Thứ hai, các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn quản lý; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Áp dụng biện pháp thay thế hàng rào hộ lan truyền thống bằng hộ lan bánh xoay. Khi xảy ra va chạm, phương tiện sẽ va vào các hộ lan bánh xoay, lực va chạm sẽ chuyển thành chuyển động xoay để duy trì hướng lái xe trên đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Thứ ba, bố trí lực lượng trực thường xuyên để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người tham gia giao thông không được lưu thông vượt qua tường hộ lan gây mất trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm phá dỡ công trình. Để bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện tốt công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xử lý kiên quyết các tập thể, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. 

Thứ tư, nếu việc bố trí hầm chui chưa phù hợp với nhu cầu dân sinh, gây trở ngại cho sinh hoạt sản xuất thì cần thiết phải xây dựng thêm hầm dân sinh ở vị trí tối ưu hơn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Các doanh nghiệp hai bên đường quốc lộ không tuân theo quy hoạch tự ý tháo dỡ hộ lan cần phải xử lý triệt để, nghiêm cấm mở cửa trở lại để bảo đảm an toàn giao thông. Những doanh nghiệp có vị trí phù hợp quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền quản lý hộ lan cần có giải pháp bố trí hộ lan hợp lý để hài hòa mục đích bảo đảm an toàn giao thông với nhu cầu đi lại, vận chuyển của doanh nghiệp.

Thứ năm, các cơ quan quản lý đường bộ phải phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý đối với các công trình, nhà ở, vật kiến trúc xây dựng vi phạm đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ mà trước đây đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ hoặc đã bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa thực hiện tháo dỡ hoặc tái lấn chiếm. Đối với công trình, nhà ở đã tồn tại có sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ trước khi hành lang an toàn đường bộ được công bố và cắm mốc, nếu xét thấy chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ thì được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên trạng không được cơi nới, mở rộng. Người sử dụng đất phải ký cam kết về việc không cơi nới, mở rộng, xây dựng mới công trình, nhà ở, vật kiến trúc. Trường hợp gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, đề xuất thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền trên đất theo quy định./.