TCCS - Chăn thả rông gia súc trên đường bộ, kể cả đường sắt là hành vi gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Đã có không ít tai nạn bắt nguồn từ nguyên nhân trên. Điều đáng nói, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định rất rõ ràng về các hình thức vi phạm cũng như mức xử phạt, tuy nhiên tình trạng chăn thả gia súc trên đường bộ vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Chăn thả rông gia súc trên đường bộ, kể cả đường sắt là hành vi gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông_Nguồn: baothuathienhue.vn

Theo Nghị định 46, Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã hướng dẫn cụ thể mức độ xử lý đối với trường hợp người chăn nuôi thả rông gia súc để xảy ra tai nạn cho người đi đường. Do đó, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về nguy hiểm khi thả rông gia súc trên đường gây mất an toàn giao thông.

Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ, theo điểm 1 và điểm 2 Điều 34 Luật Giao thông đường bộ, cần phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng.

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng. Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Điều luật này cũng quy định, trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội…

Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

Rõ ràng, việc chăn thả rông gia súc trên đường bộ. Các trường hợp gia súc chăn thả rông trên đường bộ gây ra tai nạn đã được pháp luật hiện hành quy định hình thức xử phạt rất cụ thể, đầy đủ. Vì vậy, tổ chức, cá nhân có gia súc chăn thả cần chấp hành nghiêm các quy định, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Để góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra liên quan đến việc thả rông gia súc trên đường bộ, chính quyền các địa phương cùng các cơ quan liên quan cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân, trong đó chú trọng các nội dung, như không được thực hiện hành vi thả rông súc vật (trâu, bò) trên đường bộ, không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới, nghiêm cấm chăn thả súc vật trên đường sắt, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện việc gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu chính quyền các cấp với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương và các ngành chức năng chỉ đạo cơ sở, chính quyền địa phương các cấp lồng ghép đưa vào nội dung không được thực hiện hành vi thả rông súc vật (trâu, bò) trên đường bộ, nghiêm cấm chăn thả súc vật trên đường sắt trong việc ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông tại các khu dân cư và từng hộ gia đình. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; tăng cường việc giám sát của các mô hình tự quản tại các thôn, xóm, tổ dân phố… để thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thứ ba, hạn chế dần tình trạng chăn thả gia súc tiến tới quy hoạch vùng chăn nuôi, khuyến khích nuôi nhốt chuồng, trại trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do các chế tài xử lý vẫn theo quy định trong quy ước, hương ước của từng khu vực dân cư và dựa vào các tổ xung kích nên việc xử lý tình trạng thả rông gia súc vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới, để hạn chế, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng chăn thả gia súc, chính quyền cần vận động người dân chuyển đổi, trồng thêm diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi, hướng tới mục tiêu thực hiện nuôi nhốt trong chăn nuôi đại gia súc.

Thứ tư, mỗi người chủ vật nuôi cần có ý thức hơn nữa trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả trâu, bò trên đường giao thông. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý hành chính đối với những trường hợp cố tình chăn thả gia súc bừa bãi gây ách tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với việc thả rông trâu, bò, gia súc gây cản trở giao thông và tai nạn giao thông trên các tuyến đường; chỉ đạo, tổ chức rà soát, thống kê, ký cam kết không thả rông trâu, bò, gia súc đối với các tổ chức, cá nhân có chăn nuôi trâu, bò, gia súc trên địa bàn… Đồng thời, người lái xe cũng cần quan sát và giảm tốc độ từ xa khi thấy có động vật trên đường để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân mình./.