TCCS - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quý 4 năm 2020.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý IV-2020_Nguồn: vnexpress.net

Thực hiện Công điện số 1053/CĐ-TTg, ngày 9-8-2020, của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận tải hàng hóa phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24-4-2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; Công điện số 949/CĐ-TTg, ngày 21-7-2020, của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật an toàn giao thông, không lái xe khi đã uống rượu, bia; hướng dẫn quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông trên đường cao tốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ đạo các cục quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; chỉnh trang, khắc phục các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sạt mái ta luy do mưa, lũ gây ra trong thời gian qua; kiểm tra bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các sở giao thông vận tải, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực miền Trung và Tây Nguyên, khắc phục ngay các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định.

Về đường hàng hải, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện phảo bảo đảm an toàn giao thông đối với phương tiện thuỷ chở khách, đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, các tầu cao tốc chở khách; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cục Hàng hải Việt Nam phải tiếp tục chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hàng hải, đặc biệt là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo.

Về vận tải đường sắt, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng thanh tra đường sắt tăng cường kiểm tra tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt theo thẩm quyền. Đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; kiểm tra chất lượng phương tiện chở khách, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; có phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thực hiện đo thân nhiệt, khai bản khai y tế điện tử đối với hành khách đi tàu; hướng dẫn tất cả hành khách đến ga mua vé, ngồi trong phòng đợi tàu, khi vào ga lên tàu phải đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách với những người xung quanh an toàn.

Về đường hàng không, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, an toàn hàng không nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức an ninh, an toàn hàng không dân dụng trong cộng đồng xã hội; thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa sự cố, tai nạn tàu bay; chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình, hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, đặc biệt tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; chỉ đạo các tổng công ty, các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến.

Đối với vấn đề chất lượng phương tiện lưu thông, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện xe khách giường nằm, phương tiện cải tạo, thay đổi kết cấu so với thiết kế, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tầu cao tốc.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông; Kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn xảy ra./.