Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10-10 đến ngày 16-10-2011)
TCCSĐT - Ngày 15-10-2011, phong trào "Chiếm lấy phố Wall" lan rộng tới nhiều nước trên thế giới với các cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều thành phố như Frankfurt (CHLB Đức), Roma, Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản). Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
1. Hội nghị ACD nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nợ công
Cuộc khủng hoảng nợ công và bất ổn tài chính trên thế giới đang đe dọa ổn định kinh tế - xã hội của khu vực châu Á |
2. Slovakia bác kế hoạch mở rộng Quỹ Ổn định tài chính châu Âu
Trong hai ngày 10 và 11-10-2011, bốn đảng trong liên minh cầm quyền ở Slovakia đã họp bàn nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về cải cách Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trước khi đệ trình lên Quốc hội biểu quyết thông qua. Thủ tướng Slovakia, bà Iveta Radicova đã kêu gọi các đối tác trong Chính phủ liên minh ủng hộ kế hoạch cải cách EFSF và cho biết, bà có thể sẽ từ chức nếu liên minh cầm quyền không thông qua kế hoạch này. Đảng "Tự do và Đoàn kết" trong liên minh cầm quyền phản đối EFSF, cho rằng gói cứu trợ này sẽ gây tổn thất lớn cho Xlô-va-ki-a, bởi họ là nước nghèo thứ hai trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với mức lương trung bình 780 euro/tháng (trong khi ở Hy Lạp là 750 euro). Với kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội của 124/150 nghị sỹ có mặt, có 55 nghị sỹ ủng hộ kế hoạch trên, 9 người bỏ phiếu chống và 60 người không tham gia bỏ phiếu, Quốc hội Slovakia đã bác bỏ kế hoạch mở rộng quy mô Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF), một công cụ quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong Eurozone. Động thái trên đồng nghĩa với việc Chính phủ Slovakia đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Thủ tướng Iveta Radicova dự kiến sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng đối lập để có thể đưa EFSF ra bỏ phiếu tại Quốc hội Slovakia thêm một lần nữa. Hiện Slovakia là quốc gia duy nhất trong Eurozone chưa thông qua những thay đổi về EFSF, vốn sẽ có hiệu lực nếu được tất cả 17 nước thành viên khu vực này thông qua.
3. Nga ký nhiều thỏa thuận chiến lược với Trung Quốc và Lào
Ngày 11-10-2011, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nga V. Putin đã cam kết tăng cường nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Cam kết được hai thủ tướng đưa ra tại cuộc họp thường kỳ lần thứ 16 diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc hai ngày (11 và 12-10) của Thủ tướng Nga V. Putin. Cùng ngày, Trung Quốc thông báo hai nước đã ký 16 thỏa thuận kinh tế và thương mại trị giá hơn 7 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực phát triển, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khai thác khoáng sản. Chiều 13-10, sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin (Nga), Tổng thống Nga D.Medvedev và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chummaly Sayasone đã ký tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tổng thống D.Medvedev và Chủ tịch Chummaly Sayasone cũng chứng kiến lễ ký các hiệp định hợp tác giữa Nga và Lào về tư pháp, y tế và y khoa cùng Chương trình hành động phối hợp về du lịch thời kỳ 2012-2014. Tuyên bố chung được hai bên thông qua sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống D.Medvedev và Chủ tịch Chummaly Sayasone nêu rõ: Nga và Lào ủng hộ những nỗ lực quốc tế nhằm nhanh chóng nối lại cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ủng hộ giải pháp chính trị và hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
4. ASEAN+3 tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm
Ngày 12-10-2011, trên đảo Bali (Indonesia) đã diễn ra Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng ASEAN+3 lần thứ năm về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC+3). Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí với những đánh giá chung của Hội nghị AMMTC ASEAN lần thứ tám diễn ra trước đó một ngày, đồng thời nêu bật quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các loại hình tội phạm xuyên quốc gia như khủng bố, buôn bán người, rửa tiền và tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Các đại biểu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá cao những nỗ lực và thành công của ASEAN trong công tác phòng chống các loại hình tội phạm nói trên. Các đại biểu khẳng định ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN+3 về đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Hội nghị nhất trí giao các quan chức cấp cao ASEAN+3 về tội phạm xuyên quốc gia xúc tiến nghiên cứu, triển khai những dự án cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao vì đây là bước đi quan trọng nhằm ngăn chặn hiệu quả nguy cơ gia tăng loại hình tội phạm này. Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ một số nhận thức, kinh nghiệm, đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế về chống tội phạm xuyên quốc gia.
5. Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực trên thế giới
Ngày 13-10-2011, trong báo cáo mới được công bố ở Roma (Italy), ba tổ chức của Liên hợp quốc là Tổ chức lương thực và nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đều cảnh báo rằng tình trạng giá lương thực tăng cao và biến động thất thường, tác động rất tiêu cực đến diện người có thu nhập thấp trên thế giới, đặc biệt đối với người nghèo. Theo báo cáo thường niên năm nay được ba tổ chức này công bố về tình hình sản xuất và cung ứng lương thực trên thế giới, hiện có khoảng 925 triệu người ở các châu lục và khu vực bị thiếu lương thực hoặc đói. Nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao và biến động thất thường được cho là do tác động của thời tiết, sử dụng lương thực làm nhiên liệu và nguyên vật liệu sinh học cũng như đầu cơ. Do đó nếu như không có sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của các chính phủ và người dân, FAO, IFAD và WFP nghi ngờ khả năng đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc là cho tới năm 2015 giảm được một nửa số lượng người bị thiếu lương thực và đói trên thế giới. FAO, IFAD và WFP kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng lãng phí lương thực ở các nước công nghiệp phát triển và tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ở các nước đang phát triển, đồng thời Liên hợp quốc phải giúp các nước nâng cao năng suất nông nghiệp và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào phát triển nông nghiệp.
6. IMF hạ thấp chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á
Ngày 13-10-2011, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á, và cảnh báo khu vực này phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và tốc độ phục hồi mong manh của kinh tế Mỹ. Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế châu Á và khu vực Thái Bình Dương 2011-2012" được công bố hai lần/năm, IMF dự báo châu Á sẽ đạt tăng trưởng bình quân 6,3% và 6,7% lần lượt vào năm 2011 và 2012, thấp hơn mức dự báo tương ứng 6,8% và 6,9% mà các chuyên gia thể chế này đưa ra hồi tháng Tư vừa qua. IMF cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone lan rộng sẽ tác động mạnh mẽ tới kinh tế vĩ mô và lĩnh vực tài chính của châu Á, do các nền kinh tế châu lục này gắn liền với các nền kinh tế phát triển. IMF nhận định làn sóng bán tháo trên các thị trường tài chính châu Á và các luồng vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế Nhật Bản trong hai tháng qua khi tình hình tại châu Âu biến động cho thấy sẽ không có nơi trú ẩn an toàn khi sức ép gia tăng đối với các thị trường phát triển. Tuy nhiên, IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách của châu Á đang phải đối mặt với tình trạng "mong manh," khi vừa phải nỗ lực giảm các rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng vừa phải hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của chính sách tài chính nới lỏng kéo dài trong vấn đề lạm phát.
7. Đối thoại chiến lược Indonesia - Nhật Bản lần ba
Trong hai ngày 13 và 14-10-2011, tại Jakarta (Indonesia), Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa và người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba đang ở thăm nước này đã chủ trì cuộc đối thoại chiến lược Indonesia - Nhật Bản lần thứ ba. Tại cuộc đối thoại, quan chức hai nước đã thảo luận về những bước tiến trong quan hệ song phương cũng như những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ chiến lược trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế... Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương thông qua các cuộc đối thoại chuyên sâu, tham vấn từ cấp vụ trưởng đến cấp bộ trưởng trong nhiều lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực và quản lý thảm họa. Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa, nước đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, và Ngoại trưởng Koichiro Gemba cũng đã thảo luận về những nội dung chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), sẽ được tổ chức tại Bali (Indonesia) vào tháng 11 tới. Thông cáo chung Indonesia - Nhật Bản sau cuộc đối thoại bày tỏ tin tưởng thành công của hai hội nghị cấp cao trên sẽ mở ra một chân trời mới cho sự hợp tác rộng lớn hơn. Ngoài các vấn đề song phương, quan chức Indonesia và Nhật Bản cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
8. G20 kêu gọi tăng nguồn lực cho IMF
Trong hai ngày 14 và 15-10-2011 tại Pari diễn ra Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G20, nhóm 20 quốc gia giàu và mới nổi. Hội nghị thảo luận về một số chủ đề như việc tăng vốn cho IMF, các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới. Vấn đề tăng vốn cho IMF tiếp tục là chủ đề gây nhiều bất đồng giữa các nước. Theo bản thông cáo kết thúc Hội nghị, nhóm G20 cam kết tăng nguồn lực thích hợp cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chủ đề này sẽ được thảo luận một cách chi tiết tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 diễn ra ở thành phố Cannes của Pháp trong hai ngày 3 và 4-11 tới. Việc tăng nguồn lực cho IMF nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó phải kể tới các nước mới nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin và Nga. Theo các quốc gia này, nếu được “trang bị” nguồn lực đáng kể (thêm khoảng 350 tỉ USD), IMF có thể đủ sức chống lại nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ lan rộng ra các nước lớn của châu Âu như Italy hay Tây Ban Nha và gây tác động lây truyền tới toàn thế giới. Nhiều quốc gia châu Âu không đồng ý với quan điểm này. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaüble cho rằng, IMF có các phương tiện đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ chống khủng hoảng nợ ở châu Âu và các nước châu Âu phải tự mình thực hiện phần lớn nghĩa vụ của mình.
9. Phong trào "Chiếm lấy phố Wall " lan rộng trên thế giới
Phong trào "Chiếm lấy phố Wall " đang lan rộng tới nhiều nước trên thế giới |
Ước tính, khoảng 6.000 người đã biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt. Những người biểu tình cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay "thật đáng kinh sợ" và các ngân hàng đầu tư phải tự mình gánh chịu những thua lỗ do họ gây ra.
Tại Roma, hàng chục nghìn người đã biểu tình nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính. Ước tính, khoảng 200.000 người đã tham gia cuộc biểu tình. Khoảng 1.500 cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố để bảo đảm an ninh.
Tại Seoul, những người biểu tình đã tập trung trước cửa Cục Cố vấn tài chính để bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp của phong trào "Chiếm lấy phố Wall ". Những người biểu tình thúc giục Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các thể chế tài chính lớn và bãi bỏ những quy định có lợi cho tầng lớp giàu có trong xã hội.
Tại Tokyo, hàng trăm người đã đổ ra đường phố bày tỏ ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, đồng thời lên án các ngân hàng phá hoại nền kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.
Tại Sydney, khoảng 2.000 người tập trung bên ngoài Ngân hàng trung ương phản đối các tập đoàn kinh tế lớn và sự bất công về thu nhập. Những người tổ chức biểu tình cho biết họ có kế hoạch biểu tình vô thời hạn tại địa điểm này.
Tại London, hàng trăm người biểu tình dựng trại ngay trước cửa nhà thờ Saint Paul, cách sàn chứng khoán London chỉ vài mét, đòi bảo lãnh người dân chứ không phải các ngân hàng. Tính đến tối 16-10, đã có 70 chiếc trại đã được dựng lên ở đây. Người biểu tình còn mang theo bếp tạm và thực phẩm để có thể "bám trụ" lâu dài.
Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" được phát động từ ngày 17-9 với cuộc biểu tình trước Sở Giao dịch chứng khoán New York nhằm phản đối tình trạng bất công trong hệ thống tài chính Mỹ và những khó khăn mà người Mỹ đang trải qua./.
Những sự kiện trong nước đáng chú ý tuần từ 10-10 đến 16-10-2011  (17/10/2011)
Quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiếp nhận, sử dụng nguồn chi viện của hậu phương bằng đường biển giai đoạn 1961 - 1975  (17/10/2011)
Ðảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày (*)  (17/10/2011)
Góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam - Nam Á  (17/10/2011)
Việt Nam - Ấn Độ: Hữu nghị hợp tác và phát triển toàn diện  (16/10/2011)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay