Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh là chủ trương, chính sách chiến lược của Việt Nam, phản ánh đúng quy luật vận động, phát triển của hiện thực khách quan, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tư cách là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Hà Nội đã và đang thể hiện rõ quyết tâm chính trị, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh nói riêng, góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay
Hội nhập về quốc phòng, an ninh của Việt Nam là sự tham gia vào quá trình gắn kết Việt Nam với các nước khác trong mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh. Trên cơ sở tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh theo hướng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống; từng bước đưa hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà nước ta là thành viên có trách nhiệm. Mục tiêu cơ bản là nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Là “trái tim” của cả nước, “trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế”, Hà Nội có vai trò chiến lược trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh nói riêng. Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Hà Nội là một bộ phận quan trọng của hội nhập quốc gia, đó là quá trình tham gia gắn kết Thủ đô và cả nước với các thành phố, các chủ thể quốc tế trong mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh, trên cơ sở các nguyên tắc chia sẻ và liên kết: mục tiêu chung, đối tượng chung, tiến hành các hoạt động chung về bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với tinh thần tích cực và chủ động, thời gian qua, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Hà Nội ngày càng được triển khai sâu, rộng, lộ trình hợp lý, đạt được những kết quả quan trọng. Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng các cấp, nhất là lực lượng vũ trang thành phố - nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh đã thường xuyên quán triệt, nắm vững đường lối chính trị, quân sự, đối ngoại của Đảng, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy Hà Nội, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố và thực tiễn địa bàn Thủ đô để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Xác định đối ngoại quốc phòng, an ninh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại thành phố, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước, thiết thực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tăng cường đối ngoại quốc phòng, an ninh với bạn bè truyền thống, mở rộng với các nước và đối tác trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, như phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phòng, chống khủng bố quốc tế, bảo đảm an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước; đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, kinh tế, rửa tiền, tội phạm truy nã; chủ động, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá đường lối đối ngoại, phá hoại hoạt động hội nhập quốc tế và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với Bộ Chỉ huy Quân sự Thủ đô Viêng Chăn (Quân đội nhân dân Lào) và Bộ Tư lệnh Quân khu Đặc biệt (Quân đội Hoàng gia Campuchia). Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc nâng cao tiềm lực, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đặc chủng, chuyên dụng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo các kênh hợp tác chính thống của Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Thông qua các hoạt động hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Hà Nội đã “tạo dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới: Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn… Duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế” (1). Thành phố đã làm tốt công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quốc tế quan trọng diễn ra trên địa bàn. Tiêu biểu như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2018; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai (năm 2019); Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+); các hoạt động hội thi, hội thao, triển lãm quân sự quốc tế tổ chức trên địa bàn … cùng nhiều sự kiện văn hóa, thể thao của khu vực, quốc tế. Qua đó, “chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế” (2).
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Hà Nội trong thời gian tới
Trong thời gian tới, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đứng trước nhiều vận hội mới nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao đối với hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh nước ta nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng. Đại hội XIII của Đảng xác định trong những năm tới cần “Chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh” (3). “Tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Quân đội và đất nước ta trên trường quốc tế, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa” (4). Đồng thời “chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội từ sớm, từ xa, từ bên ngoài biên giới, lãnh thổ, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước” (5).
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Hà Nội nói chung, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh nói riêng hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy và phương thức thực hiện để thích ứng với tình hình chung của quốc tế, đất nước, bảo đảm hiệu quả của quá trình hội nhập quốc tế cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững Thủ đô trong giai đoạn mới. Thực tiễn cũng cho thấy, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là hoạt động hội nhập với tư cách địa phương mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, hội nhập chung của Việt Nam và lực lượng vũ trang cả nước. Do đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh của Hà Nội trong thời gian tới, cần làm tốt một số nội dung, giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, lãnh đạo thành phố đối với hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại được xác định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị khóa XI “Về hội nhập quốc tế”; Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Tập trung quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị có liên quan của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy Hà Nội. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; kiên trì chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh; gắn đối ngoại quốc phòng với chiến lược tổng thể của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần “xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế” (6).
Hai là, nâng cao nhận thức của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố về vị trí, vai trò và nhiệm vụ hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh trong tổng thể công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân của Hà Nội, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới. Xác định hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột trong công tác đối ngoại của Thủ đô, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị, xây dựng lòng tin với các thủ đô, thành phố các nước, “hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển Thủ đô” (7). Đồng thời là diễn đàn trực tiếp để hợp tác và đấu tranh nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao uy tín, vị thế đất nước, lực lượng vũ trang trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên toàn thế giới; tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để tăng cường tiềm lực quốc phòng, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy chế công tác, làm việc, phối hợp giữa các cơ quan chức năng các cấp của thành phố, nhất là Sở Ngoại vụ, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch gắn với tăng cường quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn theo phân cấp các hoạt động hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh. Gắn việc thực hiện hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh với xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng thể về hội nhập của thành phố; tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn đến công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chủ trương, chính sách hội nhập. Phát huy sức mạnh tổng hợp, chú trọng nâng cao năng lực thực thi hội nhập quốc tế của các cơ quan chuyên trách, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Qua đó tranh thủ và tận dụng tối đa cơ hội, kiểm soát và hoá giải các thách thức, ứng phó tốt với những chuyển biến bên ngoài, xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết và đồng thuận trong đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh nói riêng.
Bốn là, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, an ninh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại quốc phòng, an ninh thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, có kiến thức toàn diện, thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu mở rộng và nâng tầm công tác đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại quốc phòng, an ninh, bảo đảm phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế và đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật đối ngoại quốc gia, phù hợp với đặc điểm hoạt động đối ngoại của thành phố và công tác đối ngoại quốc phòng, an ninh đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài./.
---------------------------------------
(1) Thành ủy Hà Nội: Chương trình đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Số 02-Ctr/TU, Hà Nội, ngày 17-3-2021, tr. 2
(2) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Số 15-NQ/TW, Hà Nội, 2022, tr. 1
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 160
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn và chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 447 - 448
(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn và chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 459 - 460
(6) Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội, 2020, tr. 11
(7) Thành ủy Hà Nội: Chương trình đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Số 02-Ctr/TU, Hà Nội, 2021, tr. 18 - 19
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội  (10/10/2022)
Để Hà Nội tiếp tục trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các nước trên thế giới trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng  (10/10/2022)
- Vĩnh Phúc dồn sức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024
- Vĩnh Phúc - Nhiều địa phương “về đích” sớm chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới
- Tuổi trẻ Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò xung kích tham gia chuyển đổi số gắn với các phong trào thi đua yêu nước
- Vĩnh Phúc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
- Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên