Hà Nội với công tác an sinh xã hội và những việc cần làm ngay
TCCS - Hơn 10 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, chính sách an sinh xã hội của thành phố Hà Nội được triển khai thực hiện tương đối linh hoạt, cơ bản phù hợp với thực tế.
Những con số đáng ghi nhận
Nhìn lại những thành tựu về an sinh xã hội thành phố Hà Nội đã làm được sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, có thể khẳng định đó là những kết quả tích cực. Nhiều chính sách an sinh xã hội của thành phố đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân, hướng đến bảo đảm an sinh xã hội phát triển bền vững thông qua các hoạt động thiết thực cụ thể, như tạo việc làm, đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động; chính sách pháp luật về bảo hiểm; chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm; chính sách trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội; chính sách người có công; chương trình xóa đói, giảm nghèo; các dịch vụ xã hội cơ bản… bảo đảm “không ai bị gạt ra bên lề xã hội và sự phát triển của xã hội”.
Thứ nhất, về thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người dân: Thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,43% năm 2008 xuống còn 1,16% năm (2018), hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nếu trừ hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội, thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 0,6%. Bắt đầu từ năm 2016, Hà Nội thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và áp dụng hỗ trợ 1,1triệu đồng/người/tháng đối với người nghèo khu vực nông thôn, 1,4 triệu đồng/người/tháng đối với người nghèo khu vực thành thị. Cùng với đó, chính sách người nghèo được quan tâm đặc biệt, người nghèo không chỉ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, còn được tạo điều kiện học tập, hỗ trợ việc làm để chủ động thoát nghèo. Thành phố đã tiến hành cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân phong. Các đối tượng này được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối năm 2018, thành phố đã trích hơn 2.000 tỷ ngân sách cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố. Cùng với hỗ trợ trực tiếp, đầu tư một số chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, miền núi, những địa bàn còn nhiều khó khăn. Điển hình như các mô hình trồng và chế biến thuốc Nam ở Ba Vì; trồng chè, chế biến chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai thác thế mạnh du lịch địa phương ở các xã An Phú (huyện Mỹ Đức), Tản Lĩnh (huyện Ba Vì)… Nhờ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, toàn thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt có 4 quận không còn hộ nghèo là Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình và Thanh Xuân.
Thứ hai, về công tác tạo việc làm, đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động, chính sách pháp luật về bảo hiểm: Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 1,4 triệu lao động, (trong đó trên 60% lao động được đào tạo). Năm 2019, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị xuống dưới 4%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67.5%; đồng thời hỗ trợ thanh niên, sinh viên được tiếp cận với thị trường lao động cũng như các nhà tuyển dụng một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, Thủ đô Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới: Toàn thành phố có 4 huyện nông thôn mới. Hai huyện Gia Lâm và Phúc Thọ đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét thẩm định. Toàn thành phố cũng có 323/386 xã (chiếm 83,68%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đời sống người dân trên địa bàn Thủ đô không ngừng được cải thiện và nâng cao, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.080 USD (khoảng gần 95 triệu đồng/người/năm), trong đó khu vực nông thôn ước đạt 46,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016) xuống còn 1,81% (cuối năm 2018). Cũng trong năm qua, Hà Nội đã hỗ trợ trên 423 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà cho 4.166 hộ nghèo…
Để giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, đồng chí Chu Phú Mỹ - Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội - cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Song song với đó, thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đôn đốc các huyện, thị xã triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 4212/QĐ-UBND, của Ủy ban nhân dân thành phố. Huy động đa dạng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư và hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và từ các quận.
Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng nông thôn mới theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.
Năm 2019, Ban chỉ đạo Chương trình 2 đề ra 2 mục tiêu, 3 nhóm nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và bền vững, an toàn thực phẩm, phấn đấu mức độ tăng trưởng từ 2,5% - 3%; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao lên 35%.
Phấn đấu có thêm 30 xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 60 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 87,5%...
Thứ tư, các dịch vụ xã hội cơ bản: nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu bao gồm môi trường, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý… Trong hơn 10 năm qua, thành phố đã thực hiệu trồng mới được 462.000 cây xanh; 985 hộ dân khu vực đô thị và 37,2% khu vực nông thôn được cấp nước sạch; 41/56 tuyến phố nội đô đã được thi công hạ ngầm. Đặc biệt trong năm 2018, 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Kim ngạch xuất khẩu, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; tỷ lệ lao động qua đào tạo; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm; tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế...
Những việc cần làm ngay
Trên thực tế, an sinh xã hội được thực hiện theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp với mức đầu tư của xã hội tăng dần cùng với tăng trưởng kinh tế. Nhìn từ góc độ thu nhập của người dân, giá trị tuyệt đối và tỷ trọng của thu nhập từ an sinh xã hội vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với mức giá trị tuyệt đối còn thấp và có biểu hiện của sự phân bố thiếu cân đối. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với chính quyền thành phố trên hành trình hướng tới xây dựng an sinh xã hội bền vững trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài ra, trong công tác giảm nghèo tại những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô còn tồn tại những bất cập do tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa còn thấp, kiến thức về kinh tế thị trường, khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế của người dân khu vực này còn hạn chế, điều kiện kinh tế của một bộ phận người dân còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.
Một trong những nguyên nhân được ghi nhận là do năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện; đội ngũ cán bộ cơ sở không ổn định, thường xuyên thay đổi chế độ chính sách.
Tỷ lệ hộ nghèo tập trung ở những hộ có người già cô đơn, người đơn thân nuôi con nhỏ, gia đình có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo. Nên chăng, thành phố thực hiện cơ chế chuyển những hộ này sang diện được hưởng bảo trợ xã hội để từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có tới 224 dự án đầu tư cho lĩnh vực giảm nghèo nhưng tỷ lệ dự án hoàn thành đạt kết quả thấp. Như trong lĩnh vực y tế, có 7 dự án nhưng mới hoàn thành được 1 dự án; có 35 dự án về trường học nhưng mới đạt 19 dự án; 35 dự án về thủy lợi nhưng mới đạt 7 dự án; 104 dự án giao thông nhưng mới đạt 40 dự án... Điều này cho thấy, tính khả thi của nhiều dự án giảm nghèo đang ở mức thấp, cần xem xét lại phương thức hỗ trợ giảm nghèo để có sự điều chỉnh đúng, kịp thời, giúp gia tăng tính hiệu quả của các chương trình hành động vì an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống chính sách pháp luật, chế độ của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân để giải quyết lâu dài và bền vững những vấn đề xã hội, nhằm nâng cao an sinh xã hội cho mỗi cá nhân, nhóm và cộng đồng./.
Ra quân giữ vững trật tự đô thị cần sự kiên quyết và lâu dài  (02/12/2019)
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến ở Hà Nội  (01/12/2019)
Hà Nội tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị  (29/11/2019)
Thương mại, thị trường Hà Nội - 65 năm, một chặng đường nhìn lại  (14/11/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm