Hà Nội tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau
TCCS - Trong 3 năm (2020 - 2022), đại dịch COVID-19 bùng phát, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm việc làm cho người lao động nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Nhiều kết quả đạt được từ sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 08/Ctr-TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội: Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; tạo việc làm bền vững, đảm bảo thu nhập tối thiểu. Mở rộng vững chắc diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp, đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của Nhân dân theo hướng tiến bộ, hiện đại. Mở rộng mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng; phát triển đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp”(1). Chương trình số 08-CTr/TU đã tạo nên nhiều mốc son, điểm nhấn ấn tượng và những bước chuyển mạnh mẽ về an sinh, an dân, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những giai đoạn diễn biến cực kỳ phức tạp, gây nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm, thu nhập, sức khỏe của người dân. Nhiều doanh nghiệp phá sản, hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh, lao động nghỉ việc, không có việc làm, giảm thu nhập… Các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt lao động trong khu vực phi chính thức gặp rất nhiều khó khăn hơn, do sinh kế của họ gắn nhiều với các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao. Trong tình hình đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách an sinh xã hội kịp thời góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để bảo đảm các mục tiêu đề ra, năm 2022, cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Hà Nội tập trung bảo đảm an sinh xã hội, ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội đặc thù, như chính sách đặc thù cho người có công, chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị, nâng mức quà tặng cho các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7; ngày Quốc khánh 2-9 và bổ sung đối tượng tặng quà là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6; Tết Trung thu...
Về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,1% dân số (kế hoạch Chương trình 08-CTr/TU năm 2022 là 92,5%).
Về kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022 - 2025, toàn thành phố Hà Nội có 3.612 hộ nghèo, chiếm 0,16% tổng số hộ dân và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm 1,38%. Hiện tại, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022. Thành phố Hà Nội vận động được 46,4 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đạt 200,2% kế hoạch. 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Hiện nay, thành phố Hà Nội có trên 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội và trên 2.800 người thuộc diện đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau. Tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, ngày 23-9-2021, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội “Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội” đối tượng được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng từ 1,76 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng, vì vậy, đời sống của họ ngày càng được bảo đảm. Các đơn vị khối bảo trợ xã hội đã hoàn thành tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục - đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND, ngày 8-4-2022 “Về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 -2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố”, với tổng mức đầu tư trên 49.000 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021). Thành phố Hà Nội cũng quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về lao động - việc làm, người có công và xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, tiền lương, quan hệ lao động; phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em; thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công của Hà Nội là 1.061 tỷ đồng; thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 735,54 tỷ đồng; thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 2.949 đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội với kinh phí 35,67 tỷ đồng; tiếp nhận 278 người lang thang xin tiền, người vô gia cư; 131 đối tượng bảo trợ xã hội vào các trung tâm bảo trợ xã hội; có 1.912.636 trẻ em, trong đó có 12.765 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau; 99,69% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định...
Như vậy, với sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chương trình số 08/CTr-TU, thành phố Hà Nội luôn dẫn đầu về an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, như tình trạng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh; tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm so với kế hoạch, chưa có dự án mới khởi công và mở bán dẫn đến khó khăn trong triển khai cho vay; hiện có 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch năm 2022 và khó thực hiện, gồm số giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; tuổi thọ bình quân; và 1 chỉ tiêu chưa triển khai thực hiện (tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sức khỏe học đường)…
Định hướng các chính sách xã hội trong giai đoạn tới
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2025, toàn thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75% đến 80%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55% đến 60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở nước dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Đảng bộ thành phố Hà Nội định hướng các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô… Trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Một là, các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng cần phối hợp, tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội, gắn chính sách an sinh xã hội với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về an sinh xã hội cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, hướng tới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời, quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh; chủ động thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, để các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo theo sát nhu cầu của thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, ưu tiên phát triển một số trường chất lượng cao, nghề trọng điểm…
Bốn là, tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và đối tượng chính sách khác. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn thành phố Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới, chất lượng sống của nhân dân Thủ đô tiếp tục được nâng lên.
Năm là, tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp kịp thời các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để người nào bị ở lại phía sau trên hành trình phát triển./.
---------------------------------------
(1) Xem: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-207-KH-UBND-2021-thuc-hien-Chuong-trinh-08-CTr-TU-ve-phat-trien-an-sinh-xa-hoi-Ha-Noi-487631.aspx
Petrovietnam ngược dòng thị trường, hiện thực khát vọng tăng trưởng  (12/07/2023)
Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020 - 2025  (24/06/2023)
Thực hiện tốt chính sách với người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước  (31/05/2023)
Sử dụng hợp lý, có kế hoạch khí thiên nhiên cho sản xuất điện, đạm  (20/05/2023)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên