Vai trò của Ấn Độ đối với sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

PGS, TS. NGUYỄN XUÂN TRUNG
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
09:50, ngày 05-06-2021

TCCS - Trong bối cảnh thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được nhắc đến ngày một nhiều hơn như một khái niệm địa - chiến lược, ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực này cũng được chú ý nhiều hơn. Với vị trí địa lý thuận lợi và sự trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian qua, Ấn Độ được kỳ vọng tham gia vào tiến trình thể chế hóa và hoạt động quản trị khu vực, thúc đẩy các hoạt động hợp tác và kết nối, trở thành “nhà cung cấp an ninh” và là “lực lượng cân bằng” không thể thiếu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Khẳng định vai trò trong sự định hình cấu trúc khu vực

Vai trò hoàn thiện về mặt cấu trúc của khu vực

Roi-y Sô-đu-ry, một chuyên gia cao cấp về Nam Á tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tại Anh và các cộng sự cho rằng, một trong những điểm khác biệt cơ bản của khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương so với khái niệm châu Á - Thái Bình Dương chính là: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm cả sự hiện diện của Ấn Độ. Bản thân Ấn Độ - với vị thế là quốc gia lớn nhất ở khu vực vành đai Ấn Độ Dương - đã đại diện cho sự tham gia của khu vực này vào chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Nằm ôm trọn trên tiểu lục địa Ấn Độ và vươn sâu vào Ấn Độ Dương, sở hữu hai quần đảo An-đa-man và Ni-cô-ba nằm trên tuyến đường biển kết nối Nam Á với Đông Nam Á, Ấn Độ có vị thế ưu việt mà hiếm quốc gia nào trong khu vực có được(1), khiến nước này trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu trên bản đồ địa lý Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Về sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Hiện nay, Ấn Độ được đánh giá là cường quốc về quân sự, là một trong những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội mạnh hàng đầu thế giới. Đây là ưu thế và cũng chính là vị thế mà Ấn Độ hiện sở hữu trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(2). Vị trí địa lý đặc biệt cùng với sức mạnh vượt trội khiến Ấn Độ trở thành một nhân tố cốt lõi trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030 (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Neemrana, Ấn Độ)_Ảnh: AFP/TTXVN

Vai trò cân bằng quyền lực trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Một trong những động lực quan trọng dẫn đến sự định hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là nhu cầu cân bằng quyền lực trong khu vực. Do vậy, việc đánh giá vai trò của Ấn Độ đối với sự định hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gắn với việc Ấn Độ nhìn nhận và thực hiện vai trò cân bằng quyền lực như thế nào.

Nhiều đối tác của Ấn Độ, nhất là Mỹ, luôn coi nước này là một nhân tố “cân bằng tự nhiên” trước cấu trúc quyền lực khu vực đang thay đổi, nhất là trước sự trỗi dậy của Trung Quốc(3). Còn với Ấn Độ, nước này có những lợi ích rõ ràng trong tìm kiếm cách cân bằng chiến lược để ứng phó với các mối đe dọa từ bên ngoài đối với sự an toàn và ổn định của mình. Bản thân Ấn Độ đã thể hiện lập trường cứng rắn khi nhiều lần từ chối tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Ấn Độ cũng tìm cách củng cố vị thế của mình tại Nam Á và Đông Nam Á - khu vực mà Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng. Ở cả hai địa bàn chiến lược này, Ấn Độ đều gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Trong bối cảnh vị thế của Mỹ đang suy giảm ở nhiều nơi, điều này góp phần quan trọng vào việc tạo lập thế cân bằng sức mạnh trong khu vực, phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc.

Với “chính sách láng giềng trước tiên”, Ấn Độ đầu tư gần 10 tỷ USD vào bốn quốc gia láng giềng là Nê-pan, Băng-la-đét, Áp-ga-ni-xtan, Xri Lan-ca; Mi-an-ma có triển vọng sẽ là nước láng giềng thứ năm nhận khoản đầu tư này(4). Ấn Độ nỗ lực tiếp cận với các nước này bằng nhiều cách khác nhau, như tiến hành các chuyến thăm ngoại giao đến Mô-ri-ti-ớt và Xây-sen vào năm 2015, ký kết thỏa thuận phát triển căn cứ hải quân trên hòn đảo A-sum-xi-ân với Xây-sen, tham gia phát triển cảng Cha-ba-ha của I-ran(5). Ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ đầu tư vào các dự án lớn nhất ở Mô-ri-ti-ớt và Xây-sen cùng các dự án quan trọng khác ở In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a, tập trung chủ yếu vào đường sắt và đường bộ. Nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương bắt đầu thận trọng hơn với các khoản vay đến từ Trung Quốc. Sự hiện diện của Ấn Độ tại đây đã góp phần đáp ứng mong mỏi đối với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng mà không phải rơi vào bẫy nợ. Hiện nay, Ấn Độ đã kêu gọi các đối tác bên ngoài, như Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tham gia chiến lược phát triển các dự án kết cấu hạ tầng xuyên biên giới nhằm tăng cường mối liên kết với các nước láng giềng nhỏ hơn(6). Trong vòng năm năm trở lại đây, Ấn Độ đã hỗ trợ Xri Lan-ca xây dựng 45.000 căn nhà cho người dân; tiếp tục các dự án xây dựng trường học ở Nê-pan và Bu-tan. Ấn Độ đang sử dụng những phương pháp có hiệu quả để cải thiện quy trình của các dự án đầu tư tại các nước láng giềng, trong đó tính đến khả năng tồn tại, tính khả thi, cách thức tiến hành và sự ổn định tài chính, từ đó góp phần củng cố vị thế trong khu vực(7).

Cách tiếp cận của Ấn Độ với Ấn Độ Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tăng cường ảnh hưởng của mình thông qua các hoạt động ngoại giao và đầu tư về kết cấu hạ tầng. Trong bối cảnh  cạnh tranh ảnh hưởng bất đối xứng giữa Trung Quốc và Ấn Độ do sự chênh lệch khá xa về tiềm lực kinh tế và quân sự, sự nổi lên của Ấn Độ trong đại dịch COVID-19 như một quốc gia có trách nhiệm được cho là đã đem đến một “phương án” cho các quốc gia đang phát triển không muốn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc(8).

Trong khi đó, ở Biển Đông, Ấn Độ không ngừng gia tăng kết nối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua ngoại giao nhân dân, kết nối kết cấu hạ tầng, kết nối thương mại và hợp tác quân sự. Ấn Độ cũng đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ về việc tôn trọng chủ quyền biển, đảo của các nước trong khu vực và luật pháp quốc tế về biển.

Với tư cách là nước tổ chức cuộc tập trận thường niên Ma-la-ba (Malabar) với Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ chính thức mời Ô-xtrây-li-a tham gia cuộc tập trận năm 2020. Đây là lần đầu tiên Ô-xtrây-li-a quay trở lại cuộc tập trận này kể từ lần tham gia năm 2007 bị Trung Quốc phản đối(9). Với động thái trên, Ấn Độ dường như muốn truyền đi một thông điệp rằng, Nhóm “Bộ Tứ” (hay còn gọi là nhóm QUAD, bao gồm các nước Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Ấn Độ) sẽ tạo một nền tảng an ninh vững chắc trong khu vực, ngăn chặn mọi ý đồ bành trướng của bất cứ quốc gia nào.

Ở khía cạnh khác, cạnh tranh Ấn Độ - Trung Quốc cũng đang mở rộng sang lĩnh vực công nghệ và thương mại. Việc Chính phủ Ấn Độ quyết định cấm 50 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm các ứng dụng tiêu dùng phổ biến như WeChat, TikTok và Yahoo Maps, được cho là đòn giáng trực diện ngăn chặn Trung Quốc trở thành siêu cường kỹ thuật số (10). Chính phủ Ấn Độ đang yêu cầu các doanh nghiệp thương mại điện tử, như Flipkart và Amazon India, phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bán trên mạng để hạn chế hàng hóa Trung Quốc. Ngành công nghiệp Ấn Độ cũng đang quyết liệt hành động. Vào thời điểm đầu tháng 7-2020, JSW Group - một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ - tuyên bố sẽ cắt giảm nhập khẩu ròng từ Trung Quốc ở mức 400 triệu USD hằng năm hiện nay xuống 0 USD trong vòng 24 tháng tới(11).

Vai trò trong thể chế hóa và quản trị khu vực

Tuy cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới chỉ được manh nha hình thành, nhưng song song với quá trình thể chế hóa, các nước trong khu vực vẫn có trách nhiệm xây dựng một cấu trúc quản trị hợp lý. Giống như bất kỳ thể chế nào khác, sự định hình khu vực này cần được quản lý và điều hành một cách vừa linh hoạt, vừa quyết đoán. Ấn Độ nỗ lực tham gia quá trình này thông qua thúc đẩy Sáng kiến ​​Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 (EAS) tổ chức ở Thái Lan (tháng 11-2019) như một phương thức để định hướng cho việc thiết lập thể chế trong khu vực. Với trọng tâm chính là bảo đảm các ranh giới trên biển, IPOI nhấn mạnh việc tìm kiếm quan hệ đối tác, thúc đẩy thương mại tự do và sử dụng bền vững tài nguyên biển. IPOI dựa trên ba khía cạnh của tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Ấn Độ đang áp dụng, đó là: quan hệ đối tác có chủ đích, chính sách đa dạng và sự thúc đẩy quyền lực. Nói  cách khác, các đối tác tham gia vào khu vực phải cùng hợp tác để tạo ra sự thịnh vượng cho các nền kinh tế châu Á đang phát triển; thúc đẩy phúc lợi ở các quốc gia duyên hải thông qua mô hình quản trị dân chủ; tạo ra lợi ích bằng cách xây dựng một trật tự dựa trên quy tắc thúc đẩy thương mại tự do. Quan hệ đối tác QUAD có thể được củng cố trên cơ sở các mục tiêu này. IPOI không chỉ tập trung vào trung tâm ASEAN, mà còn tập trung vào kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết cấu hạ tầng bền vững và hợp tác kinh tế dẫn đến hội nhập khu vực(12).

Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy sự công nhận đối với khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong giới chiến lược và học thuật ở khu vực và trên thế giới. Với mục đích đó, tháng 12-2019, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức Đối thoại Ấn Độ Dương lần thứ 6 với chủ đề “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tái hình dung Ấn Độ Dương thông qua địa lý mở rộng” và Đối thoại Đê-li lần thứ 11 về “Thúc đẩy quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương” tại Thủ đô Niu Đê-li. Đây là lần đầu tiên, hai cuộc đối thoại kênh 1.5 này được tổ chức liền nhau và theo các chủ đề tương đồng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thông qua các phiên đối thoại và thảo luận, Ấn Độ muốn nhấn mạnh đến cách tiếp cận cởi mở và bao trùm đối với việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hợp tác, tự do và dựa trên luật lệ, trong đó tất cả các quốc gia đều có không gian bình đẳng để bày tỏ lập trường và nguyện vọng phát triển của mình.

Vai trò “nhà cung cấp an ninh” và “cân bằng sức mạnh” trong khu vực

Về mặt lịch sử và trên thực tế, Ấn Độ đóng vai trò là chủ thể cung cấp an ninh cho các nước láng giềng, như Nê-pan, Bu-tan, Mi-an-ma và In-đô-nê-xi-a kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập (năm 1947). Trong suốt những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, Ấn Độ tiếp tục đóng vai trò này đối với Băng-la-đét, Xri Lan-ca và Man-đi-vơ. Với sự gia tăng sức mạnh kinh tế và khả năng quân sự, Ấn Độ luôn công khai khẳng định nguyện vọng và sẵn sàng trở thành “đối tác an ninh đáng tin cậy”(13) đối với các nước láng giềng trực tiếp và láng giềng mở rộng như một sự bảo đảm cho sự ổn định và trật tự ở châu Á.

Thủ tướng Ấn Độ N. Modi phát biểu tại Hội nghị An ninh châu Á ở Singapore_Ảnh: Tư liệu

Ấn Độ luôn tuyên bố mục tiêu bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, giữ cho các tuyến đường biển trong khu vực này luôn rộng mở. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ còn mở rộng hợp tác chiến lược thông qua các quốc gia tập trận chung, các khoản tín dụng hào phóng, huấn luyện quân sự, bán vũ khí quân sự cho các quốc gia trong khu vực(14).

Trong bối cảnh bất ổn của khu vực hiện nay, Ấn Độ nổi lên là một quốc gia “trỗi dậy hòa bình, ôn hòa”, trở thành chủ thể có vai trò cân bằng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vai trò cân bằng của Ấn Độ ở khu vực được thể hiện thông qua các cuộc tập trận quân sự, tuần tra, các cuộc ghé thăm cảng biển, nhiệm vụ chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo. Ngoài ra, vai trò này còn được thể hiện ở uy tín của Ấn Độ đối với các quốc gia đang có mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ về chủ quyền biển, đảo... Thậm chí, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi, hải quân Ấn Độ đã tăng tần suất hiện diện ở phía Đông eo biển Ma-lắc-ca, mở rộng và gia tăng các cuộc tập trận đa phương với các quốc gia ở Thái Bình Dương cũng như các quốc đảo ở Ấn Độ Dương trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Ấn Độ(15).

Vai trò thúc đẩy hợp tác và kết nối trong khu vực

Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Mô-đi coi ngoại giao đa phương là công cụ để theo đuổi lợi ích quốc gia cũng như đưa ra các ý tưởng toàn cầu của mình. Một trong những nguyên lý đối ngoại cốt lõi của Chính phủ Ấn Độ là việc hợp tác đồng thời với tất cả các cường quốc trên thế giới(16). Chính vì vậy, tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ không phải là đối đầu mà là bao trùm, để có thể tăng cường sự kết nối giữa người với người, thúc đẩy kết nối hạ tầng thông qua các sáng kiến khu vực và tiểu khu vực(17). Với chính sách đa liên kết, Ấn Độ đã có những ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ phổ biến, góp phần thúc đẩy sự kết nối để định hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong nhóm QUAD. Ngày 9-9-2020, Ấn Độ, Pháp và Ô-xtrây-li-a đã tổ chức đối thoại ba bên cấp thứ trưởng ngoại giao lần đầu tiên, với trọng tâm nhấn mạnh hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(18). Ấn Độ cũng bắt đầu cùng với Nhật Bản thiết lập “Hành lang tăng trưởng Á - Phi”. Đồng thời, thường xuyên tham gia Hội đàm 2+2 (giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ và Mỹ).

Ấn Độ cũng là nước đưa ra ý tưởng và triển khai Hội nghị chuyên đề hải quân Ấn Độ Dương (IONS), một diễn đàn về hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương, trong đó thu hút sự tham gia của 32 nước duyên hải
Ấn Độ Dương, bao gồm cả 6 quốc gia vùng Vịnh Péc-xích. Dưới sự thúc đẩy của Ấn Độ, hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng đã bắt đầu hình thành ở Xri Lan-ca, Mi-an-ma và Băng-la-đét. Ý tưởng của kế hoạch hợp tác này là phối hợp song phương và có thể là đa phương (trong khuôn khổ ba bên Ấn Độ - Mỹ - Nhật Bản) để thúc đẩy kết cấu hạ tầng chiến lược.

Ấn Độ còn dự kiến tham gia sáng kiến kết nối các nước láng giềng Đông Nam Á như một phần của Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025. Trong các chương trình kết nối này, Ấn Độ có thể hợp tác với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Ô-xtrây-li-a. Kế hoạch Hành lang tăng trưởng châu Á do Nhật Bản dẫn đầu và dự án kết nối cảng Sa-ga-ma-la của Ấn Độ, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN của Ấn Độ có thể được triển khai song song cùng một lúc(19). Với chính sách “Hành động hướng Đông”, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN được triển khai tích cực thông qua gần 30 cơ chế trên các lĩnh vực.

Ấn Độ cũng đang đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng để tăng cường kết nối khu vực; bảo đảm sẽ là một trong những quốc gia đóng góp đầu tiên cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trong khu vực; mở rộng hợp tác an ninh hàng hải song phương và nâng cấp đáng kể quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a. Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy Sáng kiến hợp tác kỹ thuật kinh tế nhiều lĩnh vực vịnh Ben-gan, Sáng kiến hợp tác sông Hằng - sông Mê kông.

Với những vai trò nêu trên, có thể coi Ấn Độ như một trong những nhân tố cốt lõi để định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương. Ấn Độ đã và đang có những bước đi được cho là có thể ảnh hưởng đến các chuỗi liên kết, các cặp quan hệ và các luật lệ được đặt ra trong tiến trình thể chế hóa khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm "Bộ tứ" giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia_Ảnh: AFP/TTXVN

Những hạn chế của Ấn Độ trong vai trò “nhân tố cốt lõi”

Tuy vai trò của Ấn Độ trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang được nâng cao, nhưng những thách thức đặt ra đối với Ấn Độ trong khu vực này cũng ngày một lớn.

Trong tương quan sức mạnh tương đối với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn còn có giới hạn. Quy mô nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp gần 5 lần Ấn Độ (GDP danh nghĩa ở mức 14,34 nghìn tỷ USD so với mức 2,87 nghìn tỷ USD năm 2019)(20) và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc (261 tỷ USD năm 2019) cao hơn nhiều so với hơn 71,1 tỷ USD của Ấn Độ(21). Để có thể trở thành một nước đối trọng với Trung Quốc, việc rút ngắn khoảng cách về sức mạnh kinh tế và quân sự là vấn đề đặt ra hiện nay đối với Ấn Độ.

Về vai trò của Ấn Độ trong thể chế hóa và quản trị khu vực, do các quốc gia vẫn đang dồn lực đối phó với đại dịch COVID-19 và chưa có động thái nào đáng kể đối với việc thể chế hóa khu vực nên Ấn Độ chưa có nhiều cơ hội để thể hiện vai trò quản trị khu vực của mình. Là một thành viên của QUAD - nhóm “Bộ Tứ” được coi là trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nhưng Ấn Độ dường như chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, dù chỉ trong một lĩnh vực nhất định. Ngay tại “sân sau” Nam Á - nơi mà Ấn Độ là cường quốc duy nhất  - Ấn Độ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và tin tưởng của các nước láng giềng. Điều này khiến sự tham gia tiến trình thể chế hóa và quản trị khu vực của Ấn Độ chưa thực sự mạnh mẽ.

Về vai trò cung cấp an ninh và cân bằng sức mạnh, mặc dù hiện nay Ấn Độ đã và đang nổi lên như một chủ thể cung cấp an ninh nhưng khả năng hỗ trợ quân sự và triển khai trực tiếp lực lượng quân sự để hỗ trợ và ổn định tình hình (hai trong bốn hình thức hoạt động thể hiện vai trò chủ thể cung cấp an ninh của Ấn Độ) trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn còn hạn chế.

Về vai trò thúc đẩy hợp tác và kết nối trong khu vực, Ấn Độ hiện chủ yếu tham gia các hoạt động kết nối kết cấu hạ tầng và hợp tác quân sự; các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thương mại chưa thực sự rõ nét và có hiệu quả. Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, Ấn Độ có nhiều cơ hội để trở thành một “mắt xích” của chuỗi cung ứng, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nước này vẫn chưa có hoạt động kết nối thể chế và thương mại nào đáng kể.

Toàn khu vực đang đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống vô cùng nghiêm trọng: dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu bị dập tắt, nhiều nền kinh tế vẫn tiếp tục bị phong tỏa, khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia, xung đột biên giới và tranh chấp lãnh thổ vẫn tiếp diễn,... Những trở ngại này khiến sự thành công của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với bất kỳ quốc gia nào, vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải. Sự hiện diện của Ấn Độ trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tuy rằng không thể thiếu nhưng chưa thực sự nổi bật để có thể dẫn dắt khu vực phát triển ổn định, an toàn và thịnh vượng hơn.

Trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tầm quan trọng của Ấn Độ trước hết xuất phát từ vị thế quốc gia của nước này và thực tế là tiềm lực kinh tế và quân sự của Ấn Độ đã gia tăng đáng kể trong những năm qua. Về tổng thể, có thể thấy, vai trò của Ấn Độ ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong vai trò là cường quốc kinh tế và quân sự khu vực, Ấn Độ tuân thủ pháp luật, tôn trọng luật pháp quốc tế, hướng tới một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc thay vì thừa nhận sự leo thang của quyền lực và cạnh tranh quyền lực. Là quốc gia dân chủ, Ấn Độ ủng hộ sự tham gia của các chủ thể trong khu vực theo hướng tôn trọng và phát triển bao trùm, tránh cấu trúc bá quyền khu vực. Là cường quốc khu vực ổn định, trỗi dậy hòa bình, Ấn Độ là nhân tố “tự nhiên” cân bằng quyền lực trong khu vực. Ấn Độ đang cho thấy ảnh hưởng của mình khi nỗ lực thiết lập các “luật chơi mới” về các vấn đề cốt lõi trong quan hệ quốc tế. Trong tương lai, mọi chính sách, động thái của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ đặt nền tảng cho vai trò của nước này trong một cấu trúc an ninh toàn cầu mới./.

----------------

(1) R. Misra: Indian Oceanand India’s Security, Mittal Publications, New Delhi, p. 19
(2) A. Ayres: Our Time Has Come: How India is Making Its Place in the World, Oxford University Press, p. 1
(3) Kai He, Mingjiang Li: “Understanding the dynamics of the Indo-Pacific: US - China strategic competition,  regional actors, and beyond”, International Affairs 96: 1, 2020, pp. 1 - 7
(4) A. Giridharadas: “India’s Role in the Great-Power Struggle Over the Indo - Pacific Region”, https://nationalinterest.org/feature/indias-role-great-power-struggle-over-indo-pacific-region-116556
(5) N. Marjani: “India’s Indian Ocean Diplomacy in the COVID-19 Crisis”, https://thediplomat.com/2020/04/indias-indian-ocean-diplomacy-in-the-covid-19-crisis/
(6) A. Giridharadas: “India’s Role in the Great-Power Struggle Over the Indo - Pacific Region”, Tlđd
(7) A. Giridharadas: “India’s Role in the Great-Power Struggle Over the Indo-Pacific Region”, Tlđd
(8) N. Marjani: “India’s Indian Ocean Diplomacy in the COVID-19 Crisis”, https://thediplomat.com/2020/04/indias-indian-ocean-diplomacy-in-the-covid-19-crisis/
(9) S. Gupta: “India sends Australia a Malabar invite that will give Quad a huge upgrade”, https://www.hindustantimes.com/india-news/india-sends-australia-a-malabar-invite-that-will-give-quad-a-huge-upgrade/story-L1v46CCm87rQcPCWvsl8UP.html.
(10) K. Lyons: “India has banned TikTok, WeChat, and other China - based apps”, https://www.theverge.com/2020/6/29/21307014/india-ban-tiktok-wechat-china-apps
(11) S. Sharma:  “JSW Group to boycott China: Parth Jindal assures to cut imports from China to NIL in two years”, https://www.financialexpress.com/industry/jsw-group-to-boycott-china-parth-jindal-assures-to-cut-imports-from-china-to-nil-in-two-years/2011507/
(12) J. Panda: “The Strategic Imperatives of Modi’s Indo-Pacific Ocean Initiative”, Asia Pacific Bulletin, No. 503, p. 2
(13) Nguyên nghĩa tiếng Anh: dependable security partner
(14) Nguyễn Thanh Minh: “Quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông trong bối cảnh Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Hà Nội, 2019
(15) N. Pai: “India and the Indo-Pacific balance”, in trong Indo - Pacific Maritime security: challenges and cooperation, Commonwealth Government and The Australian National University, 1986, pp. 91
(16) C. Raja Mohan: “A new multilateralism”, https://indianexpress.com/article/opinion/columns/a-new-multilateralism/, 2017
(17) S. Kumar: “India broadens Indo-Pacific vision to include Gulf”, https://www.governancenow.com/news/regular-story/india-broadens-indopacific-vision-to-include-gulf
(18) R. Smith: “The world’s biggest economies in 2018”, https://www.weforum.org/agenda/2018/04/the-worlds-biggest-economies-in-2018/
(19) Mishra, A., Saha, P.: “India’s Indo-Pacific strategy must take along the neglected side: Eastern nations”,  https://theprint.in/opinion/indias-indo-pacific-strategy-must-take-along-the-neglected-side-eastern-nations/347942/
(20) The Top 25 Economies in the World, https://www.investopedia.com/insights/worlds-top-economies/
(21) Nan Tian, Aude Fleurant, Alexandra Kuimova, Pieter d. Wezeman and Siemon T. Wezeman: “Trends in World Military Expenditure 2019”, SIPRI Fact Sheet, April 2020, p.2