Triển khai lực lượng tiền đồn tại khu vực Đông Á: Bước đi quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
TCCS - Nhằm thực hiện Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong bốn năm qua, một trong những bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm là tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Á - khu vực được đánh giá tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, cũng như thách thức vai trò dẫn dắt khu vực của Mỹ. Cách thức được Mỹ triển khai là thúc đẩy cam kết an ninh khu vực thông qua tái khẳng định và nâng cấp quan hệ với các đồng minh Đông Á - cơ sở quân sự vững chắc tại khu vực.
Kiềm chế không để đối thủ nào vượt Mỹ
Trong Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) được đưa ra vào tháng 12-2017, trên cơ sở xác định các đối thủ chiến lược, Mỹ đã đề ra một loạt biện pháp tập hợp lực lượng tại khu vực Đông Á để giữ ưu thế, nhất là đề cao vai trò của hệ thống đồng minh ở khu vực. Mỹ nhấn mạnh vai trò của đồng minh Nhật Bản trong mọi cuộc xung đột, Hàn Quốc với quan hệ đồng minh và tình hữu nghị đã trải qua nhiều thử thách của lịch sử, Phi-líp-pin và Thái Lan là các đồng minh quan trọng của Mỹ. Tổng thống Đ. Trăm khẳng định, trong bối cảnh khu vực Đông Á tiếp tục đứng trước mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, các đồng minh của Mỹ cần tiếp tục đóng vai trò then chốt nhằm đáp ứng sự hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm lợi ích chung tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(1).
Tiếp đến, Chiến lược Quốc phòng Mỹ tháng 1-2018 chỉ rõ thách thức trọng tâm đối với Mỹ giai đoạn này chính là sự tái xuất hiện cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa các cường quốc. Do vậy, mục tiêu trong chính sách đối với các đồng minh của Mỹ được xác định: Một là, củng cố quan hệ với các nước đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành một cấu trúc an ninh liên kết có khả năng ngăn chặn hành động xâm lược, duy trì ổn định và bảo đảm tự do tiếp cận các môi trường chung; hai là, các liên minh của Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực thông qua hỗ trợ một hệ thống hậu cần và căn cứ quân sự vốn có của Mỹ tại đây; ba là, tăng cường và phát triển các liên minh thành một mạng lưới mở rộng có khả năng răn đe và hành động quyết đoán để ứng phó với những thách thức chung trên thế giới(2).
Các nội dung chính trong chính sách đối với các đồng minh được Mỹ tập trung vào các biện pháp để đạt được một mạng lưới liên minh có khả năng răn đe cao hơn, sức chống đỡ tốt hơn và đổi mới nhanh chóng, tăng cường hợp tác với một tập hợp mạnh mẽ, đó là: 1- Nâng cao nền tảng của sự tôn trọng lẫn nhau, ưu tiên và trách nhiệm. Các liên minh được xây dựng trên ý chí tự do và chia sẻ trách nhiệm. Trên cơ sở truyền bá các giá trị và nền dân chủ Mỹ, song Mỹ sẽ không áp đặt các đồng minh bằng vũ lực. Mỹ duy trì các cam kết với các đồng minh, mong muốn các đồng minh thực hiện sự đóng góp công bằng đối với an ninh tập thể, bao gồm việc đầu tư hiệu quả vào hiện đại hóa khả năng phòng thủ. 2- Mỹ chuyển đến các đồng minh thông điệp rõ ràng về việc thực hiện cam kết hợp tác quốc phòng và đầu tư quân sự lớn hơn. 3- Mỹ và các đồng minh sẽ phối hợp cùng nhau để đạt được các mục tiêu quân sự đòi hỏi khả năng tương tác chặt chẽ hơn. Mỹ cũng sẽ ưu tiên các yêu cầu cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến của Mỹ, thúc đẩy hiện đại hóa, đào tạo để nâng cấp nhiệm vụ chiến đấu trong liên minh song phương thông qua các cuộc tập trận chung.
Với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” (“America First”, được hiểu là an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, giá trị Mỹ là trên hết), cùng với sự quyết tâm đối đầu trực diện, làm suy yếu đối thủ, Mỹ thiết lập “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”. Đây thực chất là việc tạo dựng một tập hợp lực lượng giữa những nước cùng có mối lo ngại về các mối đe dọa an ninh khu vực, vẫn cần sự can dự của Mỹ tại Đông Á.
Trên nền tảng chung đó, đối với từng nước đồng minh, Mỹ triển khai những biện pháp cụ thể. Ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ tập trung nâng cấp, củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Trong NSS 2017, chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản đóng vai trò như “hòn đá tảng” đối với chủ quyền, an ninh, và thịnh vượng của Mỹ, của khu vực và thực sự của cả thế giới(3). Việc củng cố quan hệ với Nhật Bản là cần thiết ở thời điểm hiện tại, nhất là khi Mỹ thúc đẩy “tứ giác kim cương” với Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a trong khuôn khổ phạm vi chiến lược mới trong khu vực. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản thông qua hàng loạt khả năng quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ đồng minh trong các tình huống bất ngờ trong khu vực ở ngưỡng xung đột quân sự trực tiếp, khẳng định liên minh Mỹ - Nhật Bản hoàn toàn có khả năng bảo đảm an ninh cho Nhật Bản.
Với nội dung triển khai chính sách trên, Mỹ yêu cầu Nhật Bản tiếp tục thực thi và mở rộng hợp tác phòng thủ theo bản Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật Bản năm 2015, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp trị. Mỹ tiếp tục duy trì Cơ chế phối hợp liên minh (ACM) và Đối thoại biện pháp răn đe mở rộng (EDD), giúp hỗ trợ các hoạt động quản lý liên minh, phản ứng nhanh trước những biến động ở khu vực. Cùng với đó, ngày 10-2-2017, Tổng thống Đ. Trăm khẳng định trong Tuyên bố chung Mỹ - Nhật Bản, nói rõ trong đó Điều 5 trong Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tuyên bố bằng văn bản về quan điểm rõ ràng của Mỹ đối với cam kết an ninh bảo vệ đồng minh.
Ngoài ra, Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cam kết tái tổ chức lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản, như việc di dời căn cứ Phu-ten-ma của lực lượng không quân, thủy quân lục chiến (MCAS) đến khu vực Căm S-oát/Hê-nô-cô-sa-ki và vùng biển lân cận; di chuyển phi đoàn Carrier Air Wing 5 của Hải quân Mỹ về căn cứ không quân I-oa-cu-ni của thủy quân lục chiến; cho phép các đơn vị của JSDF đóng quân tại các căn cứ lục quân và không quân Mỹ.
Để tăng cường khả năng tác chiến, Mỹ tích cực thúc đẩy các cuộc tập trận chung thường niên với Nhật Bản, như Multi Sail, Malabar, RIMPAC, Pacific Partnership, Cobra Gold. Tháng 11-2018, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận chung Keen Sword (Kiếm sắc), cuộc tập trận được cho là có quy mô lớn nhất ở Nhật Bản với gần 60.000 binh lính tham gia, triển khai tập trận toàn diện trên không, trên biển, đổ bộ, thể hiện một cách đầy đủ mức độ hợp tác quân sự toàn diện, đa tầng nấc(4). Về cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự, thông qua phương thức bán thiết bị quân sự cho nước ngoài (FMS - Foreign Military Sales), Mỹ ký thỏa thuận bán tên lửa SM-3 trị giá 130 triệu USD cho Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu loại tên lửa này với mục đích nâng cao sức mạnh an ninh và quốc phòng cho đồng minh.
Đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc, Tổng thống Đ. Trăm tái khẳng định đây là mối quan hệ liên minh quan trọng, rất cần thiết cho việc bảo đảm lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu trong chiến lược của Mỹ đối với Hàn Quốc nhằm đạt được phi hạt nhân hóa và kiểm soát toàn diện vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ tiếp tục cam kết bảo vệ Hàn Quốc thông qua hỗ trợ phòng thủ mạnh mẽ, tăng cường bảo đảm an ninh dựa trên Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Hàn Quốc. Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm nhấn mạnh việc thực thi chiến lược “răn đe mở rộng” ở Hàn Quốc đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dựa trên toàn bộ khả năng quân sự của Mỹ, cả thông thường và hạt nhân. Các kênh đối thoại thường xuyên, như cuộc họp Hội nghị Tư vấn an ninh (SCM) và cuộc họp của Ủy ban Quân sự, cuộc họp cấp bộ trưởng “2 + 2” tiếp tục là công cụ giúp tăng cường liên minh Mỹ - Hàn Quốc phối hợp trong các vấn đề chung tại khu vực và trên toàn cầu.
Về những hành động cụ thể, Mỹ thúc đẩy để nhanh chóng cho phép chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến của Bộ Chỉ huy các lực lượng phối hợp Mỹ - Hàn Quốc (CFC) từ một tư lệnh của Mỹ sang một tư lệnh của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các trang thiết bị quân sự tiên tiến được Mỹ bố trí đặt tại Hàn Quốc, bao gồm hai phi đội máy bay chiến đấu gồm máy bay F-16 và A-10, một kho dự trữ lớn của lục quân Mỹ, một lữ đoàn không quân chiến đấu, một lữ đoàn pháo binh dã chiến, các đơn vị ISR tiên tiến và một sở chỉ huy của quân đoàn kỹ sư Mỹ(5).
Mỹ tiến hành những cải tiến đáng kể phát triển lực lượng phòng thủ toàn diện để bảo đảm an ninh của Hàn Quốc, tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc để thiết lập một cấu trúc BMD có khả năng phối hợp tác chiến giúp giải quyết các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ CHDCND Triều Tiên. Năm 2017, Mỹ đã triển khai một cụm pháo binh trong Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) đặt tại Hàn Quốc như một biện pháp phòng thủ của liên minh.
Đối với việc bố trí lại các lực lượng tại chỗ của Mỹ, hai bên xúc tiến thực hiện thỏa thuận song phương về kế hoạch đối tác đất liền và kế hoạch di dời căn cứ Y-ong-san, giúp mang lại nền tảng để hợp lý hóa sự hiện diện của Lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Năm 2018, USFK và Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc đã di dời cả hai bộ chỉ huy từ căn cứ quân sự Y-ong-san sang căn cứ quân sự Hăm-phrây tại Py-ông-tac. Mỹ đạt được Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt lần thứ mười với Hàn Quốc, cho phép Hàn Quốc bù đắp chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên. Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt sẽ bảo đảm nhân sự và các hoạt động cần thiết luôn sẵn sàng, bao gồm bổ sung 9.000 quân nhân Hàn Quốc cho USFK.
Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, Hàn Quốc đã thực hiện hơn 13 tỷ USD mua bán thiết bị quân sự trong vòng ba năm qua với Mỹ(6). Hàn Quốc có kế hoạch tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng vào năm 2022, giúp chi trả cho các cam kết tài chính của Hàn Quốc được thực hiện bởi các chính quyền trước đây cho các chương trình mua bán vũ khí của Mỹ(7). Thêm vào đó, để bảo đảm sự sẵn sàng và hiệu quả chiến đấu của các lực lượng phối hợp trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục huấn luyện phối hợp thông qua các cuộc tập trận chung và tập trận dã chiến thường niên.
Trong việc phối hợp về chính trị, Mỹ đạt được sự nhất trí với Hàn Quốc trong việc kêu gọi CHDCND Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Xét từ góc độ an ninh quốc gia, Mỹ coi mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên là rõ ràng và hiện hữu, rằng hành động theo đuổi chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngày càng có những diễn biến nguy hiểm cả về cấp độ và quy mô. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là bảo vệ Mỹ và các đồng minh chống lại mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Mỹ cam kết tiếp tục gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế tới khi CHDCND Triều Tiên từ bỏ vĩnh viễn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mỹ lưu ý rằng, Mỹ cùng với phần còn lại của cộng đồng quốc tế sẵn sàng tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho CHDCND Triều Tiên nếu nước này có bước đi đúng đắn(8).
Bảo đảm toàn diện an ninh khu vực
Ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ cải thiện, củng cố và nâng cấp quan hệ đồng minh với Phi-líp-pin. Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng về sức mạnh của liên minh Mỹ - Phi-líp-pin thông qua tái khẳng định cam kết với Phi-líp-pin trong tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia, khả năng tương tác liên minh, tăng cường các hoạt động chung, ứng phó với nguy cơ an ninh, nhất là an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Trên thực tế, Mỹ liên tiếp khẳng định sự hiện diện hải quân tại khu vực thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) với sự khác biệt rõ nét về số lượng, tính chất và quy mô(9). Đây là động thái thể hiện chính quyền Mỹ thực hiện cam kết bảo vệ Phi-líp-pin theo Hiệp ước đồng minh liên quan đến an ninh hàng hải.
Trước nguy cơ các tổ chức khủng bố cực đoan, các phần tử địa phương bị nhiễm tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố ngày càng có xu hướng tìm kiếm xây dựng cơ sở ở Đông Nam Á, Mỹ ủng hộ Phi-líp-pin chống lại các tổ chức khủng bố thông qua việc chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình, thực hiện việc bảo vệ thiết thực, như đào tạo lực lượng để có thể chống lại các lực lượng khủng bố và cực đoan. Ngoài ra, Mỹ cung cấp hơn 85 triệu USD cho việc cung cấp các thiết bị, huấn luyện và hỗ trợ liên quan đến chống khủng bố cho các lực lượng vũ trang của Phi-líp-pin(10).
Nhằm bảo đảm các lực lượng của Mỹ có thể duy trì đủ khả năng phối hợp tác chiến, phản ứng trong các giai đoạn khủng hoảng, Mỹ đã tiến hành 280 hoạt động quốc phòng song phương với Phi-líp-pin trong năm 2019, Phi-líp-pin đã tổ chức hầu hết các cuộc tập trận song phương trong khu vực do Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) phụ trách. Mỹ cũng hợp tác với lực lượng vũ trang Phi-líp-pin trong kế hoạch hiện đại hóa kéo dài 15 năm nhằm cải thiện năng lực phòng vệ của nước này đối với việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Về cung cấp trang bị quốc phòng, Mỹ đã bàn giao cho Phi-líp-pin 2 máy bay tuần tra Cessna 208B nhằm tăng cường tuần tra trên biển(11).
Ngoài ra, Mỹ và Phi-líp-pin tập trung triển khai Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký kết năm 2014, cho phép quân đội Mỹ quyền tiếp cận luân phiên sử dụng 5 căn cứ quân sự đặt tại Phi-líp-pin khi cần thiết(12), cải thiện khả năng tác chiến linh hoạt của liên minh trong các tình huống bất ngờ. Các dự án đầu tiên theo thỏa thuận này cũng đã được hoàn thành trong năm 2018 và 12 dự án khác được thông qua để thực hiện trong năm 2019 và năm 2020.
Đối với cam kết chính trị giữa hai nước, Mỹ và Phi-líp-pin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin, đồng thời kiềm chế các hành động leo thang căng thẳng, bao gồm cả quân sự hóa(13). Cơ quan giảm thiểu mối đe dọa quốc phòng (DTRA) của Mỹ giúp Phi-líp-pin xây dựng Trung tâm Giám sát bờ biển quốc gia Phi-líp-pin ở Ma-ni-la để hỗ trợ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Phi-líp-pin (PCG) trong việc tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp liên ngành trong các hoạt động an ninh hàng hải. Mỹ cũng cung cấp khoảng 65 triệu USD để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của Phi-líp-pin(14).
Là một đồng minh của Mỹ, vừa nằm giữa Nam Á và Đông Nam Á, Thái Lan đóng một vai trò địa - chiến lược chủ chốt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan hệ đồng minh Mỹ - Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sách của chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm giai đoạn này đối với Thái Lan nhằm khôi phục quan hệ đồng minh vốn bị gián đoạn trong thời kỳ của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Theo đó, Mỹ chú trọng đẩy mạnh các hoạt động liên kết với Thái Lan trong việc tăng cường an ninh khu vực, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống nạn buôn bán người, ma túy, hỗ trợ người tị nạn, đối phó với các thách thức về sức khỏe cộng đồng. Các nỗ lực của Mỹ với Thái Lan tập trung vào việc duy trì và tăng cường tiếp cận các địa điểm an ninh hợp tác, mở rộng phạm vi và mức độ phức tạp của các cuộc tập trận chung, hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa Lực lượng vũ trang hoàng gia Thái Lan, tái cơ cấu đơn vị chiến đấu cấp lữ đoàn của Quân đội hoàng gia Thái Lan.
Cũng như với các nước đồng minh tại khu vực, để triển khai lực lượng của Mỹ tại Đông Nam Á, Mỹ tăng cường quyền tiếp cận các căn cứ quân sự đặt tại Thái Lan, như sân bay Hải quân Hoàng gia Thái Lan U-ta-pao, cảng nước sâu Sat-ta-hip. Bên cạnh đó, hằng năm, Mỹ tổ chức hơn 130 hoạt động giữa quân đội hai nước, trong đó có cuộc tập trận quân sự lớn nhất khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “Hổ mang vàng”(15). Ngoài ra, tận dụng vai trò Chủ tịch ASEAN của Thái Lan năm 2019, Mỹ đã phối hợp cùng nước này tổ chức cuộc diễn tập trên biển với các nước ASEAN (AUMX) vào tháng 9-2019 tại căn cứ hải quân Sat-ta-hip (Thái Lan).
Ngoài triển khai các cuộc tập trận chung, Mỹ cũng tăng cường trang thiết bị quân sự cho Thái Lan. Thêm vào đó, Mỹ triển khai chia sẻ thông tin với Thái Lan theo một thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự chung, bảo mật thông tin liên lạc thông qua một biên bản ghi nhớ về bảo mật thông tin liên lạc, và chia sẻ hậu cần thông qua một thỏa thuận mua sắm và phục vụ chung.
Mới đây nhất, nhằm khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Thái Lan, chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã cùng Thái Lan thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung Liên minh quốc phòng Mỹ - Thái Lan 2020 (tháng 11-2019). Tuyên bố Tầm nhìn chung 2020 thúc đẩy Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2018 và các mục tiêu Chiến lược Quốc gia 20 năm của Thái Lan trên cơ sở tái khẳng định cam kết chung của Mỹ và Thái Lan đối với liên minh quốc phòng lâu dài(16).
Như vậy, dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Đ. Trăm với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, vai trò của các đồng minh Đông Á tiếp tục được khẳng định, củng cố và phát triển. Mục tiêu bất biến của Mỹ là duy trì sức mạnh của mình ở khu vực và bảo đảm, ổn định an ninh khu vực, do vậy, Mỹ tiếp tục triển khai lực lượng tiền đồn ở khu vực Đông Á. Chính sách đối với đồng minh của Tổng thống Đ. Trăm đã có những điều chỉnh do bối cảnh khu vực Đông Á có những biến động nhanh chóng và khó lường, nhưng quan trọng hơn cả đó là vì phương châm “Nước Mỹ trên hết”, tức là Mỹ sẽ không chỉ bảo trợ các nước đồng minh mà đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm cao hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế./.
------------------------------
(1) The White House: National Security Strategy of the United States of America, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf, December 2017
(2) U.S. Department of Defense: Summary of the 2018 National Defense Strategy of The United States of America, Sharpening the American Milirary’s Competitive Edge, https://dod.defense.gov/Portals/1/Documents/pubs/2018-National-Defense-Strategy-Summary.pdf
(3) The White House: President Donald J. Trump’s Visit to Japan Strengthens the United States-Japan Alliance and Economic Partnership, http://www.whitehouse.gov/briefings-statements/president-donald-j-trumps-visit-japan-strengthens-united-states-japan-alliance-economic-partnership/, November 6
(4) Thông tấn xã Việt Nam: “Liên minh Mỹ - Nhật: Diễn biến, mâu thuẫn và ảnh hưởng”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 27-5-2019, tr. 14
(5) Thông tấn xã Việt Nam: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và quan điểm của ASEAN, tháng 7-2019, tr. 36
(6) Joint Press Release by the United States of America and the Republic of Korea, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/joint-press-release-united-states-america-republic-korea/, November 8, 2017
(7) Thông tấn xã Việt Nam: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và quan điểm của ASEAN, tháng 7-2019, tr. 36
(8) The White House: Joint Statement between the United States and the Republic of Korea, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/joint-statement-united-states-republic-korea/, June 30
(9) Trong các năm 2017, 2018, Mỹ đã tiến hành 11 hoạt động FONOP ở Biển Đông và năm 2019 là 9 hoạt động FONOP, In challenging China’s claims in the South China Sea, the US Navy is getting more assertive, https://www.defensenews.com/naval/2020/02/05/in-challenging-chinas-claims-in-the-south-china-sea-the-us-navy-is-getting-more-assertive/, February 5)
(10) The White House: President Donald J. Trump’s Trip to the Philippines, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/president-donald-j-trumps-trip-philippines/, November 14
(11) U.S. Department of Defense: Indo-Pacific Strategy Report Preparedness, Partnerships, and Promoting a Networked Region, https://media.defense.gov/2019/Jul/01/2002152311/-1/-1/1/DEPARTMENT-OF-DEFENSE-INDO-PACIFIC-STRATEGY-REPORT-2019.PDF, pp. 28
(12) Năm căn cứ quân sự được bố trí theo thỏa thuận EDCA được củng cố trải dọc trên quần đảo Phi-líp-pin, đó là: Căn cứ không quân An-tô-ni-ô Bô-ti-xta, căn cứ không quân Ba-sa, biệt khu quân sự ở khu vực pháo đài Ma-say-say, căn cứ không quân Lum-bi-a và căn cứ không quân Mac-tan Be-ni-tô E-bu-en
(13) The White House: Joint Statement between the United States of America and the Republic of the Philippines, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/joint-statement-united-states-america-republic-philippines/, November 13
(14) The White House: President Donald J. Trump’s Trip to the Philippines, https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/president-donald-j-trumps-trip-philippines/, November 14
(15) U.S. Department of Defense: Indo-Pacific Strategy Report Preparedness, Partnerships, and Promoting a Networked Region, https://media.defense.gov/2019/Jul/01/2002152311/-1/-1/1/DEPARTMENT-OF-DEFENSE-INDO-PACIFIC-STRATEGY-REPORT-2019.PDF, pp. 29
(16) U.S. Embassy & Consulate in ThaiLand: Joint Vision Statement 2020 for the U.S. - Thai Defense Alliance, https://th.usembassy.gov/joint-vision-statement-2020-for-the-thai-u-s-defense-alliance/, November 17
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển