Chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động tới khu vực
TCCS - Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có. Với tư cách là trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và là tâm điểm cạnh tranh giữa các nước lớn, xu hướng phát triển chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phản ánh đầy đủ đặc điểm của thời đại. Đây cũng là khu vực Mỹ không ngừng mở rộng hệ thống liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhận diện những vấn đề này là cơ sở góp phần để Việt Nam đưa ra giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện trước sự cạnh tranh của các nước lớn.
Chính sách của Mỹ đối với khu vực
Trong những năm gần đây, các cuộc xung đột trên thế giới như cuộc xung đột Nga - Ukraine và xung đột Iran - Israel diễn biến phức tạp, nhưng không làm suy yếu “sự chú trọng” của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của mình. Với chiến lược “răn đe tổng hợp”, Mỹ đã liên tục củng cố ưu thế quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2023, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng, các lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực đã trở nên cơ động hơn, rộng khắp, trong đó Mỹ đã đưa các lực lượng chủ chốt tới Nhật Bản và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Philippines.
Chiến lược An ninh quốc gia năm 2020 dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược; Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia Tạm thời do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành vào tháng 3-2021 tiếp tục xác định Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có tiềm năng cạnh tranh với Mỹ”. “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ” công bố vào tháng 2-2022 một lần nữa chỉ rõ rằng, hầu hết thách thức mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải đối mặt đều đến từ Trung Quốc, đồng thời đề xuất Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cùng nhau ứng phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ được công bố vào tháng 10-2022 định vị Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh toàn cầu ưu tiên và duy nhất” của Mỹ và là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế”. So với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền D. Trump, chính quyền của Tổng thống Mỹ J. Biden chú trọng hơn đến việc quay trở lại vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với khu vực, tập trung vào việc làm sâu sắc và củng cố các liên minh và mạng lưới đối tác, đồng thời khuyến khích các đồng minh, đối tác chiến lược tăng cường quan hệ và thu hút các đồng minh từ bên ngoài khu vực.
Thứ nhất, tăng cường mạnh mẽ quan hệ đối tác với các đồng minh trong lĩnh vực quân sự và an ninh. Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh thông qua lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, xây dựng cơ chế Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cơ chế Thỏa thuận hợp tác ba bên (AUKUS) giữa Mỹ, Anh và Australia, “Liên minh Ngũ nhãn” (FVEY) giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand và Ireland. Đối với các đối tác mới nổi, Mỹ xây dựng các mối quan hệ hợp tác an ninh thông qua bình thường hóa quan hệ trong các lĩnh vực quân sự, hợp tác kỹ thuật và thương mại quốc phòng, cũng như hỗ trợ hậu cần chuyên sâu, liên lạc điện tử và hợp tác chia sẻ thông tin. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ tăng cường hợp tác với Philippines, Indonesia và Việt Nam. Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh châu Âu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chú ý đến tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và eo biển Đài Loan (Trung Quốc); đồng thời tích cực can thiệp vào các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, như thông qua tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Tháng 6-2022, Mỹ thành lập nhóm “Đối tác Thái Bình Dương xanh”(1) gồm Australia, Mỹ, Anh, Nhật Bản và New Zealand. Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden xây dựng một hệ thống liên minh để kiểm soát và cân bằng Trung Quốc. Tháng 3-2023, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2024 của Mỹ, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển mối quan hệ và hợp tác mạnh mẽ hơn với các đối tác và đồng minh của Mỹ để ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 5-2023, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G-7 được tổ chức tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản), Mỹ mời các nước Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Việt Nam, Australia, Hàn Quốc và một số nước khác tham gia một cuộc họp nhằm tăng cường hơn nữa các đối tác liên minh.
Thứ hai, thiết lập cơ chế độc quyền trong lĩnh vực kinh tế, làm suy yếu mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các đối tác, đồng thời bảo đảm sự thống trị kinh tế của Mỹ ở khu vực. Tháng 5-2022, Tổng thống Mỹ J. Biden tuyên bố khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), đồng thời tuyên bố 14 quốc gia thành viên đã cơ bản hoàn tất các cuộc đàm phán thỏa thuận về “cải thiện khả năng phục hồi và an ninh của chuỗi cung ứng” và tăng cường các chuỗi cung ứng vật liệu cơ bản khác để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tháng 7-2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi xây dựng các chuỗi cung ứng năng động với các đồng minh nhằm hạ nhiệt lạm phát và ngăn chặn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng(2). Tháng 9-2022, Tổng thống Mỹ J. Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp đề xuất đánh giá cụ thể các rủi ro an ninh quốc gia do các nhà đầu tư từ “các đối thủ cạnh tranh hoặc các nước thù địch” gây ra. Tháng 3-2023, Mỹ và các đồng minh tiến tới đạt được sự đồng thuận về vấn đề “giảm thiểu rủi ro”, đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng “đa dạng và bền vững” như một phần quan trọng của chiến lược chống lại Trung Quốc.
Thứ ba, tăng cường “phá vỡ liên kết” và “ngăn chặn dòng chảy” khoa học - công nghệ Trung Quốc. Tháng 11-2021, Tổng thống Mỹ J. Biden đã ký Đạo luật Thiết bị an toàn với mục đích hạn chế các nước cung cấp cho Trung Quốc chip bán dẫn cao cấp được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ. Tháng 7-2022, dưới áp lực của Mỹ, công ty Hà Lan đã hạn chế xuất khẩu máy in thạch bản cực tím (EUV) sang Trung Quốc(3). Tháng 8-2022, chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã ký Đạo luật về chip và công nghệ nhằm hạn chế các công ty mở rộng đầu tư công nghệ cao vào Trung Quốc, giúp Trung Quốc mở rộng năng lực sản xuất chất bán dẫn. Tháng 10-2022, Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm mới lên chất bán dẫn đối với Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu và đầu tư của các nhà sản xuất thiết bị chip sang Trung Quốc, đồng thời thành lập Liên minh Chip 4 gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nhằm thúc đẩy tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn không có sự tham gia của Trung Quốc. Các mạng lưới và chuỗi cung ứng công nghệ cao đã hạn chế hơn nữa sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc. Tháng 1-2023, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã ký thỏa thuận mở rộng các lệnh hạn chế đối với công nghệ chip của Trung Quốc. Trong lĩnh vực không gian mạng, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Nhật Bản nhất trí đưa ra Tuyên bố về tương lai của internet, thông qua xây dựng các quy tắc internet mới nhằm hạn chế Trung Quốc.
Thứ tư, thúc đẩy xây dựng hệ tư tưởng “liên minh giá trị” nhằm mục đích kiềm chế, cô lập Trung Quốc thông qua kết hợp chặt chẽ về kinh tế, chính trị và tư tưởng. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ(4) nêu rõ: “Mục tiêu của Mỹ là định hình môi trường chiến lược của Trung Quốc và thiết lập sự cân bằng ảnh hưởng trên toàn thế giới có lợi nhất cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của Mỹ”. Trong đó, Mỹ đưa ra “Lý thuyết mối đe dọa Trung Quốc” và cam kết xây dựng “trật tự kinh tế tự do” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh về mặt chính trị vào sự gắn kết các giá trị chung giữa Mỹ và các đồng minh của nước này. Trong báo cáo Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ công bố tháng 10-2022, ba từ “dân chủ”, “tự do” và “các giá trị” liên quan chặt chẽ đến hệ tư tưởng đã được nhắc đến 182 lần. Mỹ thúc đẩy hợp tác với các đồng minh định hình lại các quy tắc quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, an ninh mạng, kinh tế và thương mại, để xây dựng một “vòng vây toàn diện” nhằm kiềm chế Trung Quốc. Năm 2023, Đạo luật Ủy quyền quốc phòng cho năm tài chính 2023 của Mỹ đặc biệt đề cập đến các nước Đông Nam Á xung quanh Trung Quốc, nhấn mạnh “sự cần thiết phải tăng cường và mở rộng các liên minh, đối tác và trao đổi đa phương với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời tạo cơ hội để ASEAN hợp tác với các nước khác trong khu vực”. Động thái này của Mỹ như một nỗ lực nhằm phá vỡ sự trao đổi giữa Trung Quốc với các nước thị trường mới nổi, các nước đang phát triển cũng như hợp tác hội nhập khu vực ở Đông Á, tạo nên sự chia rẽ và đối đầu giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tác động tới khu vực
Một là, mặc dù không có sự đối đầu giữa hai liên minh quân sự lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Mỹ đang tạo ra một hệ sinh thái chính trị gồm các nhóm cường quốc nhằm “đối đầu” với Trung Quốc trong khu vực. Hiện nay, hiện tượng “chọn phe” giữa các cường quốc trong cạnh tranh khu vực và các đồng minh phương Tây của Mỹ ngày càng nổi bật. Ấn Độ - một cường quốc trong khu vực, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược tiềm năng dựa trên chiến lược ngoại giao “Không liên kết 2.0” trước đây, nghĩa là Ấn Độ duy trì độc lập chiến lược với Mỹ và không phát triển liên minh với Mỹ trong khi vẫn duy trì hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện nay, chiến lược này cũng đã được điều chỉnh tăng cường hợp tác với Mỹ, tích cực tham gia “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để kiểm soát và cân bằng với Trung Quốc. Australia - đồng minh cốt lõi của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, có xu hướng “phiến diện” hơn. Do có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, Australia đã cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, khi Mỹ tăng cường thúc đẩy các chiến lược đối với Trung Quốc, chiến lược cân bằng của Australia dần trở nên mất cân bằng và Australia đã lựa chọn hợp tác với Mỹ để trấn áp Trung Quốc trên nhiều khía cạnh, như an ninh, cạnh tranh công nghệ và dư luận quốc tế. Nhật Bản - một đồng minh cốt lõi khác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất quán với Mỹ về mục tiêu chiến lược và phối hợp hành động, đồng thời đã nhiều lần hợp tác với Mỹ để gây áp lực đối với Trung Quốc về vấn đề eo biển Đài Loan (Trung Quốc). Thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ hợp tác với Nhật Bản và Australia - hai đồng minh quan trọng, đồng thời kêu gọi Ấn Độ - một cường quốc mới nổi như Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược; cùng các quốc gia riêng lẻ ở Nam Á và Đông Á xung quanh Trung Quốc dần hình thành các mối liên kết chiến lược chống lại Trung Quốc, điều này đã làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực.
Hai là, mức độ liên kết và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây đã suy giảm bởi tác động của các chính sách đến từ Mỹ. Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng, mặc dù các ngành công nghiệp của hai nước sẽ không tách rời hoàn toàn nhưng sẽ xảy ra phân tách một phần, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã đẩy nhanh hơn nữa quá trình “tách rời” công nghiệp giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thậm chí cả thế giới cũng tăng tốc. Bên cạnh xu hướng “tách rời” giữa ngành công nghiệp Trung Quốc và Mỹ, các cường quốc trong khu vực cũng lo ngại về an ninh của chuỗi cung ứng công nghiệp. Các nền kinh tế lớn xung quanh Trung Quốc đã giảm bớt sự phụ thuộc một cách thụ động hoặc chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu, dần rút ngắn chuỗi công nghiệp, đồng thời địa phương hóa và khu vực hóa chuỗi công nghiệp. Một số quốc gia đã khởi xướng quá trình “tách rời kinh tế với Trung Quốc” với lý do bảo vệ an ninh kinh tế. Ấn Độ đề xuất sáng kiến “Made in India” nhằm giảm thiểu tiếp xúc kinh tế với Trung Quốc. Không chỉ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Ấn Độ còn ký kết Thỏa thuận linh hoạt về chuỗi cung ứng với Nhật Bản và Australia nhằm nỗ lực tạo ra một chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, Mỹ tiếp tục giành được sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc sử dụng “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để thiết lập “vòng tròn kinh tế độc quyền của Trung Quốc”, lấy nước này làm trung tâm, nỗ lực làm suy yếu các mối quan hệ kinh tế, thương mại của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực. Điều này có tác động nhất định đến sự ổn định của chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cùng với đó, Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) với các nước láng giềng, thiết lập cơ cấu kinh tế tuần hoàn kép dựa trên lưu thông nội bộ để đạt được tối ưu hóa và nâng cấp công nghiệp. Trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, khi Mỹ đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc, tầm quan trọng của việc cùng thúc đẩy Sáng kiến BRI để Trung Quốc định hình lại chuỗi giá trị cung ứng trong khu vực ngày càng trở nên rõ rệt. Việc Trung Quốc ký kết RCEP cũng sẽ giúp định hình lại chuỗi giá trị khu vực và phục hồi kinh tế; thực thi RCEP sẽ nâng cao nhận thức của các nước thành viên về hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau về thương mại giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, góp phần tái thiết chuỗi giá trị khu vực, qua đó giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác vào các nền kinh tế phát triển phương Tây và nâng cấp cơ cấu công nghiệp; phòng ngừa các tác động của chính sách “tách rời và phá vỡ liên kết” của Mỹ.
Xu hướng an ninh khu vực và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Dưới tác động chính sách của Mỹ, các đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực và các cường quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc có xu hướng “chọn phe” rõ ràng. Nhưng đồng thời, xu hướng chung ở khu vực là hầu hết quốc gia đều mong muốn giữ thái độ trung lập hơn là “chọn phe”. Các quốc gia ở Nam Á cũng duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc theo Sáng kiến BRI. Ở Đông Á, quan hệ giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và Mỹ từ lâu đã có xung đột, còn Mông Cổ đã áp dụng chiến lược cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Ở Đông Nam Á, một mặt, hầu hết các nước Đông Nam Á áp dụng chiến lược phòng ngừa giữa Trung Quốc và Mỹ; mặt khác, tìm kiếm chính sách ngoại giao hòa bình bởi các nước Đông Nam Á đều không mong muốn trở thành “đấu trường cạnh tranh của các cường quốc”, buộc phải “chọn phe” hay rơi vào nguy cơ bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Trước “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ, hầu hết các nước ASEAN đều vẫn giữ thái độ lo ngại. Điều này cũng là cơ hội để Trung Quốc mở rộng không gian cho chính sách ngoại vi của Trung Quốc trong tương lai.
Bên cạnh đó, hiện Mỹ đang dần suy giảm khả năng cung cấp hàng hóa công trong các lĩnh vực động lực kinh tế và quản trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong quá trình tái cơ cấu chuỗi công nghiệp và giá trị, đóng góp và vị thế của Trung Quốc trong trật tự kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng. Năm 2020, bảng xếp hạng đối tác thương mại nước ngoài của Trung Quốc đã có những thay đổi quan trọng, ASEAN lần đầu tiên thay thế EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 13 năm liên tiếp kể từ năm 2009 đến nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập khu vực gặp nhiều trở ngại, việc ký kết RCEP đã đi ngược xu hướng và đánh dấu sự hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với động lực tích cực nhất là Trung Quốc và ASEAN. RCEP cung cấp một nền tảng quan trọng để Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt trong quản lý kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nền kinh tế Đông Á từ lâu đã đóng vai trò thị trường trung gian trong chuỗi công nghiệp khu vực và toàn cầu. Trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, các nền kinh tế phát triển đang thụ động hoặc chủ động chuyển giao chuỗi công nghiệp về nước mình hoặc các vùng lân cận. Với sự thúc đẩy hợp tác Sáng kiến BRI chất lượng cao với các nước láng giềng, thị phần sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên, mức độ hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế trong khu vực cũng sẽ gia tăng.
Việt Nam là quốc gia có vị trí địa - chiến lược quan trọng tại khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là yếu tố khiến Việt Nam được quan tâm trong chiến lược của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Đối với Mỹ, một trong những mục tiêu quan trọng được thể hiện xuyên suốt chính sách đối ngoại là duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu tại các khu vực trọng điểm. Từ cơ sở đó, Mỹ cần có thêm nhiều đối tác thân thiện và có năng lực tại khu vực. Trong đó, Việt Nam được Mỹ đánh giá cao với nhiều tiềm năng và được xem là một đối tác quan trọng trong tổng thể chiến lược của Mỹ đối với khu vực đang có nhiều biến đổi. Đối với Trung Quốc, từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược ngoại giao nước lớn, ngoại giao láng giềng, Cộng đồng chia sẻ tương lai… khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra Sáng kiến BRI, trong đó có dự án tái hiện “Con đường tơ lụa trên biển” (MRS) với Biển Đông là điểm khởi đầu. Vì vậy, Việt Nam là một trong những mấu chốt quan trọng trong hiện thực hóa vai trò nước lớn của Trung Quốc tại khu vực.
Có thế nói, với vị trí địa - chiến lược hiện nay, sự điều chỉnh, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực đã làm gia tăng vị thế của Việt Nam trong việc trở thành một “mắt xích” quan trọng trong hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Đến nay, quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn đều đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược”, trong đó Mỹ, Trung Quốc đều đã là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Các nước lớn luôn nhận thấy Việt Nam là một đối tác quan trọng để hợp tác cùng phát triển. Việt Nam hiện đang nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây(5). Tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam đạt khoảng 7% liên tục trong nhiều năm. Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia, các định chế tài chính khu vực và quốc tế. Ưu thế về vị trí địa lý này đã góp phần làm gia tăng vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh mới phức tạp như hiện nay, việc xác định đúng vị trí trong “bàn cờ” khu vực và thế giới là cơ sở quan trọng để định hình các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế, quốc phòng - an ninh, giao lưu văn hóa… góp phần tạo thêm nhiều thuận lợi trong việc giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, vị trí này cũng đặt ra bài toán, khiến Việt Nam phải đứng trước những lựa chọn chiến lược để không bị rơi vào thế khó. Việt Nam cần phải cân nhắc, có những tính toán cẩn trọng trong từng nội dung hợp tác. Việt Nam vừa phải giữ ổn định quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, vừa phải mở rộng quan hệ với Mỹ, đây là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Bất kỳ một biến động nào xảy ra trong quan hệ với các nước lớn cũng đều tác động, ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến sự phát triển của Việt Nam, là một khó khăn cho Việt Nam trong việc lựa chọn đối tác ưu tiên hợp tác. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn như Mỹ sẽ có những tác động tới an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động. Các nước lớn có xung đột, nhưng cũng sẵn sàng thỏa hiệp với nhau để đạt được lợi ích chiến lược của mình. Khi điều này xảy ra ở khu vực Đông Nam Á sẽ tác động đến sự thống nhất trong nội khối của ASEAN và gây nên những chia rẽ, bất đồng. Cạnh tranh nước lớn cũng đặt ra bài toán để Việt Nam cần phải cân nhắc khả năng và mức độ tham gia trên từng lĩnh vực hợp tác với các nước lớn. Việc các nước lớn đẩy mạnh tập hợp lực lượng, thiết lập các cơ chế liên minh mới ở khu vực đã khiến vai trò trung tâm của ASEAN bị thách thức.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nói chung, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc nói riêng đã khiến khu vực và thế giới có những thay đổi sâu sắc mang tính bước ngoặt, đem đến cả thời cơ lẫn thách thức đối với vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam. Thực tiễn triển khai hoạt động đối ngoại của Việt Nam với những thành tựu đạt được qua gần 40 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cân bằng trong quan hệ với các nước lớn đã góp phần tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thu hút các nguồn lực phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Một Việt Nam vững mạnh, ổn định, độc lập, tự chủ với quan hệ đối ngoại rộng mở, được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế sẽ giúp tranh thủ được những cơ hội trong quan hệ với các nước lớn, từ đó định vị vững chắc vai trò và vị thế trong chính sách của các nước lớn, rộng hơn là trong một trật tự thế giới mới đang định hình./.
------------------------------------
(1) Australia cùng Mỹ và các đối tác thành lập Đối tác Thái Bình Dương Xanh, Báo điện tử VOV, https://vov.vn/the-gioi/australia-cung-my-va-cac-doi-tac-thanh-lap-doi-tac-thai-binh-duong-xanh-post952650.vov
(2) Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi xây dựng chuỗi cung ứng với các đồng minh, https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-quoc-te-1049/bo-truong-tai-chinh-my-keu-goi-xay-dung-chuoi-cung-ung-voi-cac-dong-minh-6232611.html
(3) Các hãng Trung Quốc tích trữ máy sản xuất chip của ASML trước lệnh hạn chế xuất khẩu mới, https://1thegioi.vn/cac-hang-trung-quoc-tich-tru-may-san-xuat-chip-cua-asml-truoc-lenh-han-che-xuat-khau-moi-204850.html
(4) Xem U.S. Mission Vietnam: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, https://vn.usembassy.gov/vi/trang-thong-tin-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-hoa-ky/
(5) Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, ngày 20-12-2023, https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-tet-vi-mo/viet-nam-thuoc-nhom-cac-nuoc-co-toc-do-tang-truong-kinh-te-cao.html
Đổi mới mô hình tăng trưởng tại huyện Sóc Sơn  (03/11/2024)
Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương  (25/10/2024)
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở thành phố Hà Nội: Thực trạng và một số khuyến nghị  (30/09/2024)
Nam Định thông qua 14 nghị quyết về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội  (20/09/2024)
Tỉnh Bình Dương chăm lo tốt đời sống công nhân lao động  (18/09/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển