Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
TCCS - Từ năm 2017 đến nay, chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nhiều thay đổi dựa trên những nỗ lực của nước này trong cam kết xây dựng một khu vực tự do và rộng mở. Theo đó, Mỹ đã triển khai các hoạt động đa phương tại khu vực nhằm tạo lập các mối quan hệ đối tác liên minh chặt chẽ, từ đó, nâng cao vai trò dẫn dắt của mình cũng như kiềm chế sức mạnh của các “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Hiện nay, Mỹ đang trong giai đoạn bầu cử Tổng thống năm 2024, do đó, việc dự báo về sự điều chỉnh chính sách đối ngoại đa phương là cơ sở giúp Việt Nam nhìn nhận, nghiên cứu và xây dựng chiến lược phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với những tác động từ việc điều chỉnh chính sách của nước Mỹ.
Thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại đa phương tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trong quan hệ đa phương
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” và chiến lược “Cạnh tranh trực diện với Trung Quốc” của cựu Tổng thống Donald Trump có tác động lớn đến quan hệ đa phương của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với tư duy “đa phương khi cần thiết”(1), Mỹ điều chỉnh mức độ cam kết với các tổ chức đa phương phụ thuộc vào lợi ích của nước Mỹ. Sau khi nhậm chức, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi các hiệp ước quốc tế lớn, tuy nhiên, Mỹ vẫn coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là trung tâm cấu trúc khu vực và thúc đẩy trật tự dựa trên tự do(2). Trong năm 2017, các cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ và các ngoại trưởng ASEAN diễn ra thường xuyên, khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cùng các thể chế của tổ chức. Dù vậy, đối với việc ký kết các hiệp định kinh tế, Mỹ vẫn ưu tiên hợp tác song phương với các quốc gia thành viên trong tổ chức để dễ kiểm soát điều kiện hợp tác và đạt được các thỏa thuận có lợi.
Mỹ đặt mục tiêu “đối đầu toàn diện” với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua việc đề cao vai trò của các nước đồng minh. Chiến lược quốc phòng năm 2018 của Mỹ nhấn mạnh việc củng cố quan hệ với các nước đồng minh và các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành một cấu trúc an ninh liên kết có khả năng ngăn chặn hành động xâm lược, duy trì ổn định và bảo đảm tự do tiếp cận các môi trường chung(3). Mỹ tái khởi động nhóm “Tứ giác kim cương” (QUAD) với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, cam kết hỗ trợ “một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, ổn định và thịnh vượng, toàn diện và kiên cường”(4). Các hoạt động hợp tác ba bên, như Mỹ - Nhật Bản - Australia, Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ được tăng cường thông qua các cuộc tập trận, huấn luyện, chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump là chính sách chủ chốt ở châu Á, thiết lập các liên kết an ninh vững chắc cùng các đồng minh và đối tác nhằm kìm hãm Trung Quốc. Chiến lược này giúp Mỹ bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm tự do và an ninh hàng hải, duy trì cân bằng lực lượng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(5).
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo đó, Mỹ tăng cường cam kết và tham gia tích cực hơn với các quốc gia và thể chế tại khu vực này, bao gồm việc tái tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hợp tác thông qua các cơ chế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM). Mỹ cũng duy trì ủng hộ ASEAN và tăng cường quan hệ với nhóm QUAD, tập trung vào hợp tác vì hòa bình và an ninh chung. Năm 2021, Mỹ, Australia và Anh thiết lập cơ chế an ninh AUKUS, cho phép tàu ngầm hạt nhân hoạt động trong khu vực. Tháng 6-2022, Mỹ cùng Australia, Nhật Bản, New Zealand và Anh thành lập Đối tác Thái Bình Dương Xanh (PBP) với mục tiêu hỗ trợ thịnh vượng, khả năng phục hồi và an ninh của Thái Bình Dương. Tại Hội nghị thượng đỉnh PIF năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ, tăng cường hợp tác về khủng hoảng khí hậu, tăng trưởng kinh tế, an ninh y tế, chống đánh bắt trái phép và mở rộng quan hệ con người(6). Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ từng bước thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ đa phương, tham vấn ý kiến của các đồng minh và đối tác trước khi thực hiện chính sách. Không chỉ kết nối lại các cam kết và quan hệ đa phương truyền thống, Mỹ còn thúc đẩy thành lập các cơ chế mới để tăng cường vai trò của mình trong khu vực.
Trong thương mại và kinh tế
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ giảm bớt dần cần thiết của hợp tác kinh tế đa phương, coi đây là yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump ưu tiên hợp tác song phương, dễ dàng trong đàm phán, quản lý và thực hiện các hiệp định bảo đảm lợi ích kinh tế cho Mỹ. ASEAN cũng gặp tình trạng tương tự khi Mỹ không đàm phán khu vực thương mại tự do với ASEAN do cấu trúc của tổ chức quá đa dạng để thống nhất các quy định và điều khoản bắt buộc. Mỹ chọn đàm phán các lĩnh vực ít cam kết hơn và dành các cam kết sâu hơn cho những nền kinh tế riêng lẻ. Dù hợp tác kinh tế không phải trọng tâm so với an ninh, Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN đến năm 2020, với tổng kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt 272 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ năm với FDI hơn 4,3 tỷ USD(7). Năm 2023, giá trị thương mại hàng hóa ASEAN - Mỹ đạt 395,9 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng giá trị thương mại của ASEAN, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, với giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở các nước thành viên ASEAN đạt khoảng 74,4 tỷ USD, chiếm 32,4% giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN trong năm 2023(8). Những kết quả đạt được trong hợp tác thương mại giữa Mỹ và ASEAN cho thấy “ASEAN là tâm điểm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và giữ vai trò trung tâm trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách mà Mỹ đang thực hiện”(9).
Từ năm 2021, chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ với các tổ chức đa phương tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được điều chỉnh và tập trung vào sáng kiến như, Chiến lược FOIP, Mạng lưới điểm xanh (BDN) và sáng kiến kết cấu hạ tầng Châu Á. Tháng 6-2021, tại Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đối tác G7 đưa ra sáng kiến kết cấu hạ tầng toàn cầu mới mang tên Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) nhằm huy động vốn cho khí hậu, y tế, công nghệ, và bình đẳng giới(10). B3W có phạm vi toàn cầu, nhưng Mỹ sẽ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục tiêu huy động vốn tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đồng thời ngăn chặn sự ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực.
Mỹ nỗ lực đàm phán để tham gia CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đồng thời, Mỹ cũng thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng thông qua APEC, đặc biệt khi làm chủ nhà APEC năm 2023, Mỹ đã định hình quan hệ kinh tế với các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh QUAD ở Tokyo vào tháng 5-2022, Tổng thống Joe Biden khởi động sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ và làm sâu sắc quan hệ với khu vực.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã nỗ lực tái định hình và tăng cường các cam kết đa phương trong khu vực. Các sáng kiến như, FOIP, BDN và IPEF cho thấy một chiến lược toàn diện nhằm củng cố vị thế của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về an ninh và ngoại giao. Các nỗ lực này nhằm bảo đảm duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, đồng thời đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Trong an ninh và quốc phòng
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, hợp tác đa phương của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được mở rộng đáng kể, phản ánh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đối với Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được coi là một ưu tiên hàng đầu, Mỹ cũng cam kết tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh chủ chốt. Trong năm 2018, Mỹ cung cấp hơn 500 triệu USD hỗ trợ an ninh, trong đó gần 400 triệu USD dành cho các lực lượng quân đội của khu vực(11). Giai đoạn 2017 - 2019, ngân sách của Mỹ dành cho cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lên tới 4,5 tỷ USD(12).
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump là nhóm QUAD với mục tiêu tăng cường hợp tác để hỗ trợ Đông Nam Á trong việc thực thi luật hàng hải, bảo đảm an ninh biển và cứu trợ thiên tai, đồng thời nhằm đối trọng với các chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhóm QUAD cũng chú trọng theo dõi và giải quyết vấn đề hạt nhân tại Bắc Triều Tiên, cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh QUAD, Mỹ còn nhấn mạnh vai trò của ASEAN và các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt. Mỹ đã hỗ trợ đào tạo, trao đổi thông tin an ninh và tham gia các hoạt động tập trận cùng ASEAN, đồng thời cung cấp trang thiết bị và đào tạo lực lượng an ninh cho các quốc gia thành viên ASEAN. Điều này thể hiện cam kết của Mỹ trong việc xây dựng một môi trường an ninh ổn định và hợp tác tại khu vực.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi trọng các đồng minh và đối tác với vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đã thúc đẩy quan hệ với ASEAN thông qua các Hội nghị ASEAN và (ARF). Nhóm QUAD vẫn là một cơ chế quan trọng, được nâng cấp lên cấp thượng đỉnh và tổ chức cuộc tập trận Malabar vào tháng 8-2021. Mỹ cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở các “chuỗi đảo” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đầu tư bảo vệ căn cứ ở Guam và nâng cao năng lực vũ trụ, hạt nhân và không gian mạng. Đặc biệt, Mỹ đã đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Nam Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc và Solomon triển khai thỏa thuận an ninh, đồng thời sắp xếp lại chuỗi cung ứng quốc phòng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Một bước tiến quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ là việc thiết lập quan hệ đối tác ba bên AUKUS vào tháng 9-2021, trong đó Mỹ, Anh và Australia hợp tác để tăng cường an ninh khu vực. Theo thỏa thuận này, Australia sẽ mua 8 tàu ngầm năng lượng hạt nhân với tổng giá trị lên tới 368 tỷ USD, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc phòng. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, những nỗ lực này giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(13). Trong năm tài chính 2021 và 2022, Mỹ đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 800 triệu USD vào khu vực Ấn Độ Dương, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và an ninh lương thực. Đặc biệt, Mỹ đã cung cấp hơn 5 tỷ USD cho các chương trình y tế toàn cầu, bao gồm ứng phó với đại dịch COVID-19 và các cam kết về sức khỏe toàn cầu(14).
Mỹ đã cam kết một phần lớn ngân sách quốc phòng cho khu vực này, bao gồm tập trận quân sự, triển khai lực lượng, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và các biện pháp đối phó với các mối đe dọa an ninh. Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ quốc phòng - an ninh cho các quốc gia đối tác thông qua các chương trình hỗ trợ quân sự, hợp tác tư vấn và đào tạo, cũng như cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự. Điều này khẳng định một chiến lược toàn diện nhằm củng cố vị thế của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về an ninh và ngoại giao. Các nỗ lực này nhằm khẳng định Mỹ không chỉ duy trì ảnh hưởng mà còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực.
Một số nhận xét, đánh giá
Mỹ đã thành công trong việc củng cố quan hệ đối tác và đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng các cơ chế an ninh, khôi phục niềm tin và tạo dựng lòng tin vững chắc về cam kết thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao, tập trận quân sự chung và phát triển mối quan hệ mới với các quốc gia tiềm năng, như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, Mỹ đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác đa phương. Hợp tác với ASEAN, QUAD và AUKUS không chỉ là nền tảng của chính sách đối ngoại mà còn mở ra triển vọng mới về hợp tác đa phương trong khu vực. Dù chưa tạo nhiều dấu ấn với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Mỹ vẫn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, an ninh biển, môi trường và hỗ trợ các quốc gia thành viên.
Trong lĩnh vực kinh tế, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Mỹ và các nước trong khu vực đạt 2,28 nghìn tỷ USD năm 2022, tăng hơn 25% kể từ năm 2019(15). Mỹ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại và kinh tế, như CPTPP và RCEP mở ra nhiều cơ hội mới trong tiếp cận thị trường. Các sáng kiến, như BDN, FOIP đã thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng và các dự án trong khu vực, mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ. Năm 2020, thương mại hai chiều giữa Mỹ và khu vực đạt 1,75 nghìn tỷ USD, hỗ trợ hơn 5 triệu việc làm(16).
Về an ninh, Mỹ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh khu vực, đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc. Mỹ dẫn dắt và định hướng giải quyết các vấn đề an ninh, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin về các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên với Nhật Bản, Hàn Quốc và hợp tác tập trận với Australia và Nhật Bản. Các biện pháp như công bố bốn địa điểm Hợp tác Quốc phòng Mở rộng (EDCA) mới tại Philippines, tập trận hải quân chung với Liên minh châu Âu ngoài khơi Oman và các cuộc tập trận lớn, như RIMPAC, Cobra Gold, Super Garuda Shield và MALABAR đã tạo nền tảng vững chắc cho Mỹ trong việc bảo đảm an ninh khu vực và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Những chính sách hợp tác này không chỉ khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định khu vực mà còn tạo nên mạng lưới hợp tác vững chắc, tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó với các thách thức an ninh. Mỹ đã cho thấy vai trò lãnh đạo trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đồng thời củng cố mối quan hệ với các đồng minh và đối tác, tạo nên một môi trường an ninh bền vững và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, song song với những điểm tích cực mà hoạt động đối ngoại đa phương tại khu vực mang lại, Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ chiến lược của Mỹ, coi nhóm QUAD như một “NATO châu Á” nhằm kiềm chế Trung Quốc(17), đồng thời sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để đối trọng với các thể chế đa phương mà Mỹ tham gia. Việc Mỹ và đồng minh công bố các địa điểm EDCA mới tại Philippines cũng có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Mâu thuẫn với các đồng minh về lợi ích trên biển, tự do hàng hải và an ninh biển cũng làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump khi các cam kết đa phương suy giảm.
Về công nghệ và hạ tầng, các dự án, như BDN, FOIP hay B3W gặp thách thức lớn do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, môi trường kinh doanh không ổn định trong khu vực, tăng chi phí và rủi ro cho các dự án đầu tư của Mỹ. Sự thiếu đồng nhất trong cơ chế pháp lý, rủi ro pháp lý từ quy định đầu tư không đồng nhất cũng tạo ra trở ngại, đòi hỏi chi phí và nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp Mỹ để bảo đảm tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Dự báo chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, ngày 22-7-2024, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rút khỏi chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024, đồng thời bày tỏ ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử với cựu Tổng thống Donald Trump.
Nếu Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đắc cử vào tháng 11-2024, các chính sách đối ngoại đa phương của tổng thống đương nhiệm dự kiến sẽ được kế thừa có điều chỉnh và chọn lọn. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác đa phương với các tổ chức, như ASEAN, APEC, IORA và các tổ chức quân sự khác. Đồng thời, chia sẻ thông tin tình báo, kỹ thuật quân sự và tăng cường diễn tập quân sự để đề xuất và định hình các giải pháp đa phương cho các vấn đề khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực giải quyết hòa bình các mâu thuẫn và xung đột thông qua đàm phán và thỏa thuận, tăng cường hợp tác với các đồng minh, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ thông qua các liên minh, như AUKUS và QUAD. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục được chú trọng. Chính quyền Kamala Harris vẫn xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chủ thể quan trọng trong chính sách đối ngoại, đồng thời duy trì cách tiếp cận hiện tại đối với khu vực này.
Ngược lại, nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, chính sách ưu tiên lợi ích quốc gia Mỹ sẽ được tái thực hiện, gây áp lực lên các đối tác và đồng minh để chia sẻ trách nhiệm an ninh. Cựu Tổng thống Donald Trump có xu hướng ưu tiên hợp tác song phương hơn đa phương và tuyên bố sẽ hủy bỏ Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden(18), thậm chị, cảnh báo sẽ “làm ngơ” việc Nga tấn công các thành viên NATO nếu họ không tuân thủ nghĩa vụ tài chính(19).
Tuy nhiên, khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” cần thích ứng với bối cảnh quốc tế mới. Với những thay đổi cụ thể, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phải đưa ra các quyết định đa phương tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới một cách ôn hòa hơn. Trong 4 năm qua, Mỹ đã thúc đẩy các hoạt động đa phương tại khu vực này, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Việc tiếp tục hợp tác với APEC và ASEAN có thể trở thành chiến lược quan trọng, thay vì tập trung vào thuế quan và đàm phán song phương. Qua các diễn đàn này, cựu Tổng thống Donald Trump có thể tăng cường thị trường và tạo môi trường kinh doanh tích cực cho doanh nghiệp Mỹ trong khu vực.
Trong tương lai, Mỹ có thể điều chỉnh động lực và ưu tiên đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ đó ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại đa phương. Những yếu tố định hình sự thay đổi có thể bao gồm mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, ưu tiên kinh tế và biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế, đặc biệt ở Biển Đông và Đài Loan (Trung Quốc), đe dọa an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ, buộc Mỹ tập trung vào an ninh hàng hải và hợp tác khu vực để duy trì tự do hàng hải. Khảo sát cho thấy, 73% người Mỹ coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu(20), khiến Mỹ đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư trong khu vực. Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Mỹ có thể tăng cường hợp tác đa phương về an ninh môi trường với các quốc gia trong khu vực. Những yếu tố này sẽ giúp Mỹ điều chỉnh chiến lược và duy trì ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế ngày càng phức tạp.
Chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong lĩnh vực kinh tế giai đoạn 2024 - 2028 vẫn chưa được định hình rõ ràng, do đó Việt Nam nên thực hiện chiến lược kinh tế để đối phó với biến động có thể xảy ra. Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu sang các khu vực như, châu Âu, châu Phi, Trung Đông và các thị trường mới nổi để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc. Tận dụng các cơ chế kinh tế đa phương, đầu tư vào hạ tầng giao thông, sản xuất và năng lượng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh và thu hút FDI. Đồng thời, cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo thị trường để hiểu rõ nhu cầu của các đối tác tại các khu vực khác.
Hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam ngày càng sâu rộng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với sự tham gia tích cực vào các cơ chế và diễn đàn quốc tế như ADMM và ADMM+. Trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại đa phương của Mỹ, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng để bảo đảm an ninh khu vực, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việt Nam có thể tăng cường đầu tư vào quốc phòng, cải thiện trang bị, đào tạo nhân lực và nâng cao khả năng đối phó với các thách thức an ninh như chống khủng bố và tội phạm trên biển. Đồng thời, kiên định thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” trong quan hệ quốc tế, đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam là quốc gia quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, với vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực. Điều này thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng và đa phương hóa. Trước các dự báo về chính sách đa phương của Mỹ, Việt Nam có thể tăng cường hợp tác, tham gia tích cực vào các tổ chức, như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc và WTO để nâng cao vai trò và ảnh hưởng quốc tế, thảo luận và đề xuất giải pháp cho các thách thức an ninh và phát triển khu vực, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược. Hợp tác đa phương không chỉ tạo môi trường ổn định và hòa bình mà còn củng cố vị thế quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời khẳng định Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.
---------------------------------------
(1) David Cay Johnston: Nước Mỹ dưới thời Donald Trump, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, tr. 9 - 11
(2) Xem: “National Security Strategy of the United States of America” (Tạm dịch: Chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ), tháng 12-2017, https://trumpwhitehouse.archives.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf, tr. 46
(3) Xem: “Summary of the 2018 National Defense Strategy” (Tạm dịch: Tóm tắt Chiến lược quốc phòng năm 2018), The US Department of Defense, ngày 19-1-2018, https://dod.defense.gov/Portals/1/Documents/pubs/2018-National-Defense-Strategy-Summary.pdf, tr. 2
(4) Xem: “The Quad” (Tạm dịch: Đối thoại An ninh Tứ giác), Australian Government Department of Foreign Affairs and Trade, https://www.dfat.gov.au/international-relations/regional-architecture/quad
(5) Phạm Thị Thanh Bình, Vũ Nhật Quang: ““Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ: Vai trò và cách thức triển khai”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-4-2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/816028/%E2%80%9Cchien-luoc-an-do-duong---thai-binh-duong-tu-do-va-rong-mo%E2%80%9D-cua-my--vai-tro-va-cach-thuc-trien-khai.aspx
(6) “U.S Pacific Island Forum Leader’s Summit” (Tạm dịch: Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hoa Kỳ-Đảo Thái Bình Dương), U.S Department of State, ngày 25-9-2023, https://www.state.gov/u-s-pacific-island-forum-leaders-summit/
(7) Xem: “US-ASEAN-10 Trade and Investment Facts” (Tạm dịch: Sự kiện thương mại và đầu tư Mỹ-ASEAN-10), Office of The United States Trade Representative, ngày 30-9-2024, https://ustr.gov/issue-areas/trade-organizations/association-southeast-asian-nations-asean/us-asean-10-trade-and
(8) Xem: Xuân Tú - Bá Thành: “Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN - Mỹ”, Báo điện tử VietnamPlus, ngày 21-9-2024, https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-giua-asean-my-post978222.vnp
(9) Xem: Michael R. Pompeo: “Remarks on “America’s Indo-Pacific Economic Vision”” (Tạm dịch: Đánh giá về tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ), U.S. Embassy & Consulate in the Republic of Korea, ngày 30-7-2018, https://kr.usembassy.gov/073018-secretary-pompeo-remarks-on-americas-indo-pacific-economic-vision/
(10) Wei Zongyou and Zhang Yunhan: “The Biden Administration’s Indo-Pacific Strategy and China-U.S Strategic Competition” (Tạm dịch: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền Biden và Cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ ), China Quarterly of International Strategic Studies, 2021, https://www.worldscientific.com/doi/pdf/10.1142/S2377740021500068, tr. 167
(11) Xem: “Indo-Pacific Strategies of U.S Allies and Partners: Issues for Congress” (Tạm dịch: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của các đồng minh và đối tác Hoa Kỳ: Các vấn đề dành cho Quốc hội), EveryCRSReport, ngày 30-1-2020, https://www.everycrsreport.com/reports/R46217.html
(12) Xem: “A Free and Open Indo-Pacific: Advancing a Shared Vision” (Tạm dịch: Một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung), US Deparment of State, ngày 3-11-2019, https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/11/Free-and-Open-Indo-Pacific-4Nov2019.pdf, tr. 29
(13) Xem: Duy Linh: “Thỏa Thuận AUKUS Của Mỹ, Úc, Anh Có Phải Là Liên Minh Chống Trung Quốc?”, Báo Tuổi Trẻ điện tử, ngày 16-9-2021, https://tuoitre.vn/thoa-thuan-aukus-cua-my-uc-anh-co-phai-la-lien-minh-chong-trung-quoc-20210916170450.htm
(14) Xem: “U.S. FACT SHEET: The 2nd Global COVID-19 Summit” (Tạm dịch: BẢNG THÔNG TIN CỦA HOA KỲ: Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 2 về COVID-19), The White House, ngày 12-5-2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/12/u-s-fact-sheet-the-2nd-global-covid-%E2%81%A019-summit/
(15) Tiến Dũng: “Mỹ khẳng định cam kết với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 11-11-2023, https://nhandan.vn/my-khang-dinh-cam-ket-voi-an-do-duong-thai-binh-duong-post782054.html
(16) Xem: “Indopacific Strategy of The United States” (Tạm dịch: Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Dương của Hoa Kỳ), The White House, tháng 2-2022, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf
(17) Xem: “The United States’ Enduring Commitment to the Indo-Pacific: Marking Two Years Since the Release of the Administration’s Indo-Pacific Strategy” (Tạm dịch: Cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Đánh dấu hai năm kể từ khi công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền), United States Department of State, ngày 9-2-2024, https://www.state.gov/the-united-states-enduring-commitment-to-the-indo-pacific-marking-two-years-since-the-release-of-the-administrations-indo-pacific-strategy/
(18) Nathan Layne: “Trump vows to kill Asia trade deal being pursued by Biden if elected” (Trump sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại châu Á mà Biden theo đuổi nếu đắc cử), Reuters, ngày 19-10-2023, https://www.reuters.com/world/us/trump-vows-kill-asia-trade-deal-being-pursued-by-biden-if-elected-2023-11-19/
(19) Edward Helmore: “Trump Says He Would Encourage Russia to Attack Nato Allies Who Pay Too Little” (Tạm dịch: Trump nói ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các đồng minh NATO nếu đóng góp quá ít), The Guardian, ngày 11-2-2024, https://www.theguardian.com/us-news/2024/feb/11/donald-trump-says-he-would-encourage-russia-to-attack-nato-countries-who-dont-pay-bills
(20) Anna Jackson: “State of the Union 2024: Where Americans Stand on the Economy, Immigration and Other Key Issues” (Tạm dịch: Tình hình Liên bang năm 2024: Quan điểm của người Mỹ về kinh tế, nhập cư và các vấn đề quan trọng khác), Pew Research Center, ngày 7-3-2024, https://www.pewresearch.org/short-reads/2024/03/07/state-of-the-union-2024-where-americans-stand-on-the-economy-immigration-and-other-key-issues/
Xu hướng chính sách của các quốc gia ở khu vực Nam Á đối với cạnh tranh Trung Quốc - Ấn Độ và một số hàm ý đối với Việt Nam  (31/10/2023)
Cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với các nước ASEAN  (30/07/2023)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - công nghệ và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam hiện nay  (15/06/2023)
Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng: Xu hướng liên kết kinh tế mới trong khu vực  (12/04/2023)
Tiếp cận chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn  (17/12/2022)
Xu hướng tự chủ chiến lược trong quan hệ quốc tế hiện nay  (23/10/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên