Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng: Xu hướng liên kết kinh tế mới trong khu vực
TCCS - Được hình thành trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ cùng đồng minh và Trung Quốc với sự hợp tác của Nga, Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) đã thu hút sự tham gia của 14 quốc gia trong khu vực(1). IPEF là sáng kiến mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực.
Bối cảnh ra đời Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng
Trong 30 năm qua (1993 - 2023), chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc luôn có sự thay đổi: Trung Quốc được Mỹ định vị là “đối tác hợp tác chiến lược” dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993 - 2001), sang “đối thủ cạnh tranh chiến lược số 1” dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump (2017 - 2021) và “thách thức địa - chính trị lớn nhất” và là mối đe dọa đang ngày càng gia tăng đối với lợi ích cũng như giá trị của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden từ năm 2021 đến nay(2). Bởi vậy, nhằm khôi phục “vị thế lãnh đạo” của Mỹ và cấu trúc lại trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngày 11-2-2022(3), chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) phiên bản mới với hy vọng có thể kiềm chế Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế tại khu vực. IPS được hình thành dựa trên ý tưởng về sự răn đe tích hợp, theo đó, Mỹ sẽ “sử dụng mọi công cụ quân sự và phi quân sự trong chiến lược với đồng minh và đối tác”, nhằm: 1- Tăng cường khả năng tương tác lực lượng thông qua các thỏa thuận quân sự giữa các đồng minh thân cận và những đối tác được lựa chọn. Điều này có thể đạt được bằng việc các đồng minh và đối tác mua lại khí tài quân sự của Mỹ, trao đổi, bố trí nhân sự, vị trí căn cứ và huấn luyện chung; 2- Xây dựng sự gắn kết giữa các quan hệ đồng minh chủ chốt và các đối tác trong một mục tiêu(4) chiến lược chung nhất quán. Nỗ lực này tạo dựng một khuôn khổ chung, xây dựng năng lực tập thể nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Để đạt được mục đích này, Mỹ đã tái khởi động và củng cố cơ chế “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD)(5) để giải quyết các vấn đề quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ củng cố quan hệ đồng minh với Australia, thể hiện ở cam kết của hai bên để nâng mối quan hệ đồng minh lên một cấp độ mới, thiết lập Cơ chế hợp tác tăng cường an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS). Hiện nay, AUKUS và QUAD đều có chung nhận thức về mối đe dọa liên quan đến Trung Quốc.
Mặc dù trong Chiến lược An ninh quốc gia mới (NSS) được Mỹ công bố vào ngày 12-10-2022 có đề cập nhiều tới cuộc xung đột Nga - Ukraine (nhắc đến Nga hơn 70 lần, Ukraine hơn 50 lần), nhưng về cơ bản, Mỹ vẫn xác định Trung Quốc và Nga là hai đối thủ, trong đó đối thủ trước mắt là Nga và đối thủ lâu dài là Trung Quốc. Đây vẫn là định hướng chính sách, quan điểm xuyên suốt không chỉ của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden, mà còn từ các chính quyền Mỹ trước đó(6).
Chính vì vậy, từ khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, việc triển khai IPS của Mỹ bị ảnh hưởng nhất định. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì cam kết “xoay trục sang châu Á”, nhưng thực tế cho thấy, cuộc xung đột ở Ukraine đang là mối quan tâm trước mắt, thậm chí là mối quan tâm lớn nhất về đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden hiện nay(7). Điều này được cho là trùng hợp với nhận định của Tiến sĩ Satoru Nagao thuộc Viện Hudson ở Thủ đô Washington (Mỹ) khi cho rằng, kết quả của cuộc xung đột tại Ukraine sẽ quyết định đường hướng IPS của Mỹ. Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ S. Nagao, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Australia) khẳng định: “Nếu Mỹ giảm can dự ở bất cứ khu vực nào, sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực còn lại sẽ bị suy yếu”; “miễn là cuộc xung đột không lan ra ngoài Ukraine, cam kết của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không thay đổi”(8). Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp, Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau, có thể khiến Mỹ tăng cường can dự đồng thời ở cả châu Âu và châu Á. Do đó, Mỹ đang nỗ lực tận dụng cuộc xung đột ở Ukraine để củng cố mối quan hệ của Mỹ với châu Âu, đưa các quốc gia đồng minh châu Âu vào phạm trù IPS.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đề xuất lấy “cạnh tranh - hợp tác - chung sống hòa bình” để định vị mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như hóa giải chính sách thù địch của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Một là, củng cố năng lực để chống lại sự đe dọa của Mỹ, ngăn chặn Mỹ thực hiện chiến lược cực đoan uy hiếp và ép buộc Trung Quốc; đặc biệt, xây dựng sức mạnh quân đội phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao về bảo vệ an ninh quốc gia; hai là, đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao năng lực sớm vượt qua Mỹ trong lĩnh vực công nghệ lõi; ba là, nỗ lực ổn định khuôn khổ quan hệ Mỹ - Trung Quốc, dù là khuôn khổ cạnh tranh gay gắt hay đối đầu. Trung Quốc xác định cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ khó kết thúc trong thời gian ngắn, mà chỉ có thể thông qua ổn định cục diện, phá vỡ vòng vây trên cơ sở gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; bốn là, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển để phá thế bao vây của Mỹ và phương Tây.
Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao diễn ra ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 21-4-2022, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), kêu gọi các nước “đối thoại thay vì đối đầu, quan hệ đối tác thay vì quan hệ đồng minh và cùng thắng thay vì tổng bằng không”. GSI cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực mới, trong đó Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu một cách toàn diện hơn. Điều này đã và đang thách thức cấu trúc an ninh toàn cầu do Mỹ và các đồng minh thiết lập từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, IPEF ra đời nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các đối tác trong khu vực, đặc biệt là để đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những nội dung chính của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng
Các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao các khía cạnh chính của IPS; đồng thời nhận định, an ninh và thịnh vượng của khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Tuy nhiên, các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng nhận thấy, sự can dự của Mỹ vào khu vực trong lĩnh vực phi quân sự, đặc biệt là về kinh tế, vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhất là dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ D. Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) và chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden hiện vẫn chưa sẵn sàng để tham gia CPTPP.
Trong khi đó, để kết nối và gia tăng ảnh hưởng về kinh tế với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, Trung Quốc được đánh giá là đã gặt hái nhiều thành công với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), thúc đẩy ký kết và triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đặc biệt, tháng 9-2021, Trung Quốc đã đề xuất Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Tháng 4-2022, Trung Quốc tiếp tục công bố đề xuất Sáng kiến GSI với sự tham gia của hơn 50 quốc gia, trong đó đề cao nguyên tắc “an ninh không chia rẽ”, hướng đến mục tiêu xây dựng một kiến trúc an ninh cân bằng, ổn định và bền vững. Điều này cho thấy, định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo lộ trình từ kinh tế sang an ninh, đang đặt ra thách thức đối với Mỹ trong chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn cả quốc phòng - an ninh trong thời gian tới.
Ngược lại, Mỹ triển khai lộ trình tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc từ lĩnh vực quốc phòng - an ninh sang kinh tế với tuyên bố triển khai các sáng kiến về kinh tế, như Đối tác kết cấu hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) tại Cuộc họp lần thứ 48 của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), diễn ra ở lâu đài Elmau (Đức, tháng 6-2022). Theo đó, G-7 sẽ huy động khoảng 600 tỷ USD để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng tại các nước đang phát triển trong 5 năm tới (đến năm 2027)(9).
Bởi vậy, có thể nói, việc Mỹ định hình lại mối quan hệ kinh tế với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xem là một ưu tiên cao để Mỹ liên kết kinh tế với các nước trong khu vực nhằm kiềm chế và làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời là một yếu tố quan trọng trong chiến lược răn đe tích hợp của Mỹ tại khu vực. Đó chính là lý do thúc đẩy Tổng thống Mỹ G. Biden khởi động IPEF trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm QUAD diễn ra tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 24-5-2022, trong đó nêu rõ các định hướng kinh tế của Mỹ đối với khu vực. Vì vậy, IPEF được cho là cơ hội để Mỹ thúc đẩy vai trò lãnh đạo và làm sâu sắc hơn mối quan hệ của Mỹ với các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh địa - chính trị quan trọng này. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với Mỹ hiện nay là cần đạt được một thỏa thuận tiêu chuẩn cao, phù hợp với nền kinh tế trong nước, đồng thời có tính hấp dẫn để thu hút các đối tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, IPEF sẽ không đi theo hướng tạo ra khuôn khổ của hiệp định thương mại đa phương truyền thống cho khu vực, mà thay vào đó là một quá trình thiết lập các quy tắc bao trùm cho các hoạt động kinh tế và thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các quốc gia có thể lựa chọn những điều khoản đồng ý hoặc không đồng ý. Những vấn đề mà IPEF dự kiến, bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, tiêu chuẩn lao động, phát thải carbon, kết cấu hạ tầng và chuyển đổi năng lượng sạch.
Các nước liên quan đến IPEF (không kể Mỹ), bao gồm 13 đối tác: 1- Nhật Bản và Hàn Quốc trong khu vực Đông Á là các nước đồng minh, thuộc “phạm vi ảnh hưởng” quan trọng của Mỹ; 2- Ấn Độ - một cường quốc khu vực Nam Á có tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu và là đối tác lớn nhất mà Mỹ đang ra sức tranh thủ ở châu Á - sẽ là một trong những trụ cột quan trọng trong IPEF; 3-Australia và New Zealand là đồng minh truyền thống và quan trọng của Mỹ ở khu vực Nam Thái Bình Dương; 4- Thái độ và mức độ tham gia của bảy quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (không bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar) đối với IPEF sẽ quyết định Khuôn khổ này; 5- Fiji - một đại diện của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, đã được chào đón vào IPEF với việc Mỹ cam kết mở lại văn phòng Cơ quan phát triển quốc tế tại nước này.
Qua đây, Mỹ hy vọng có thể liên kết được nhiều đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, “hỗ trợ 3 triệu việc làm cho người dân Mỹ” và là “nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trị giá gần 900 tỷ USD vào Mỹ”, trong khi tổng số vốn FDI của Mỹ vào khu vực đạt khoảng 969 tỷ USD vào năm 2020, từ đó có thể kiềm chế hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Mỹ là thuyết phục các thành viên IPEF tách rời nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc, bởi lẽ, trừ Mỹ và Ấn Độ, tất cả các quốc gia tham gia IPEF đều đã tham gia RCEP. Đối với những nước này, RCEP là một cam kết vững chắc hơn nhiều so với IPEF. Hơn nữa, khi cố gắng thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc, IPEF sẽ tạo ra các nghĩa vụ, nhưng lại “thiếu đi lợi ích” mà nó mang lại cho các nước thành viên.
Sau 3 tháng chuẩn bị (từ tháng 5-2022), Hội nghị Bộ trưởng IPEF đã diễn ra trong hai ngày 8-9 và 9-9-2022, tại thành phố Los Angeles (Mỹ), để bàn về nội dung của IPEF với cách tiếp cận mới, mở, linh hoạt và bao trùm, bao gồm bốn trụ cột chính: 1- Thương mại; 2- Chuỗi cung ứng; 3- Kinh tế sạch (kinh tế phi các-bon); 4- Kinh tế công bằng. Đồng thời, Hội nghị ra tuyên bố chung về nội dung của bốn trụ cột như sau:
Trụ cột thứ nhất là thương mại, bao gồm các cấu phần liên quan đến lao động; môi trường; kinh tế số; nông nghiệp; minh bạch hóa và thực hành tốt các quy định, chính sách cạnh tranh, thuận lợi hóa thương mại, tính bao trùm, hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế.
Trụ cột thứ hai là chuỗi cung ứng, bao gồm các nội dung: Thiết lập các tiêu chí cho các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng; tăng sức chống chịu và tăng đầu tư vào các lĩnh vực; hàng hóa quan trọng; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và ứng phó đối với khủng hoảng; tăng cường hậu cần chuỗi cung ứng; nâng cao vai trò của người lao động; cải thiện tính minh bạch của chuỗi cung ứng.
Trụ cột thứ ba về kinh tế sạch (kinh tế phi các-bon) tập trung vào 5 cấu phần chính: an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng; giảm phát khí nhà kính trong một số ngành ưu tiên; các giải pháp phát triển bền vững cho đất, nước và đại dương; công nghệ tiên tiến cho giảm thiểu khí nhà kính; các biện pháp khuyến khích chuyển đổi năng lượng sạch.
Trụ cột thứ tư về kinh tế công bằng, bao gồm 4 vấn đề chính: Chống tham nhũng; thuế; xây dựng năng lực và đổi mới sáng tạo; hợp tác, phối hợp toàn diện và minh bạch hóa.
Có thể thấy, tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng IPEF đã thể hiện việc tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, trình độ phát triển của các nước tham gia, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và cùng có lợi. Những tuyên bố này là cơ sở để các nước thành viên IPEF tích cực đẩy nhanh việc tham vấn trong nước về từng vấn đề cụ thể, tích cực tham gia vào từng lĩnh vực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nước thành viên IPEF cũng tiếp tục duy trì cách tiếp cận linh hoạt và hiệu quả như thời gian qua; làm rõ kết quả và lợi ích cụ thể khi tham gia khuôn khổ này; hiện thực hóa các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cũng như làm rõ cơ chế linh hoạt cho các nước có trình độ phát triển khác nhau và bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng để tạo thuận lợi cho việc thảo luận về nội dung và lộ trình.
Tiếp đó, từ ngày 10-12 đến 15-12-2022, các nhà đàm phán thương mại đại diện cho 14 quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã khởi động vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên của IPEF ở thành phố Brisbane (Australia), nhằm thiết lập các quy định và tiêu chuẩn thương mại trong khu vực(10). Cuộc đàm phán tập trung bàn thảo về bốn trụ cột: thương mại công bằng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, kết cấu hạ tầng và năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng. Kết thúc vòng đàm phán, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) và Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung nêu chi tiết tiến độ đạt được trong đàm phán.
Mặc dù không có kết quả cụ thể nào được công bố, nhưng tuyên bố đã đề cập đến quá trình đàm phán các khái niệm chi tiết và dựa trên văn bản giữa các bên cho thấy, chuỗi cung ứng, nền kinh tế công bằng và các khía cạnh của trụ cột thương mại đang được đàm phán nhanh hơn trụ cột kinh tế sạch. Trong đó, trụ cột chuỗi cung ứng thu hút được nhiều sự quan tâm nhất. Điều này cho thấy, các thành viên IPEF sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong các chuỗi cung ứng này và dư luận hy vọng, IPEF sẽ mang lại một cơ chế chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng an toàn và bền vững hơn. Các bên tham gia đàm phán đạt được sự đồng thuận về việc thành lập một diễn đàn đầu tư bao gồm các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân và khu vực công nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng
Nhìn chung, IPEF là một cách biểu đạt của IPS trên lĩnh vực kinh tế, tìm cách thông qua hợp tác kinh tế để thiết lập sự kết nối và hợp tác đa dạng hơn với khu vực Tây Thái Bình Dương. Trong cấu trúc này, ASEAN phát huy vai trò hết sức quan trọng. Cụ thể, trong thời gian trước mắt, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành “đọ sức” xoay quanh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua việc thực thi IPEF và GDI(11). Tiếp đến, trong dài hạn, cuộc "đọ sức" này sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đối với Trung Quốc, ASEAN không chỉ gần Trung Quốc về mặt địa lý, mà còn là đối tác thương mại lớn nhất toàn cầu của Trung Quốc. Duy trì, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và quan hệ địa - chính trị ổn định giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, góp phần vào sự phát triển của ASEAN và Trung Quốc. Đó chính là lý do mà ngày 7-2-2023, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành vòng tham vấn đầu tiên trong khuôn khổ các cuộc đàm phán nâng cấp Hiệp định Khu vực thương mại tự do (FTA) ASEAN - Trung Quốc. Các cuộc đàm phán bao gồm các lĩnh vực, như thương mại, đầu tư, kỹ thuật số và kinh tế xanh, nhằm xây dựng một FTA ASEAN - Trung Quốc mang tính bao trùm, hiện đại, toàn diện hơn, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Như vậy có thể thấy, nội dung FTA ASEAN - Trung Quốc và GDI cũng gần tương tự nội dung của IPEF.
Trong khi đó, nếu Mỹ không có được sự ủng hộ của ASEAN thì cả IPS và IPEF đều xuất hiện một “lỗ hổng” lớn. Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, trong đó đối thủ cạnh tranh chiến lược lâu dài lớn nhất là Trung Quốc. Bởi vậy, các nước thành viên, nhất là 7 nước ASEAN tham gia đàm phán khẳng định IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế đã có, trong đó bao gồm cả FTA ASEAN - Trung Quốc sau khi đã được nâng cấp. Hiện 7 nước ASEAN vẫn đang tiến hành tham gia đàm phán IPEF, đồng thời cùng với Trung Quốc và 3 nước ASEAN còn lại bàn thảo nâng cấp FTA ASEAN - Trung Quốc cũng như đàm phán GDI trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc mình, mà không đặt ra nguyên tắc chọn bên.
Với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả, Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Với tinh thần coi trọng chủ nghĩa đa phương trong chính sách đối ngoại, Việt Nam từ lâu đã tìm cách hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả, nhất là việc tham gia các thể chế kinh tế quốc tế quan trọng, chẳng hạn như CPTPP và RCEP. Khi tham gia các khuôn khổ này, Việt Nam theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế ở nhiều cấp độ, qua đó phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Với tư cách thành viên tham gia đàm phán của IPEF, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự chính trị và kinh tế của IPEF, do sáng kiến kinh tế này sẽ được dẫn dắt bởi các cuộc đối thoại quan trọng giữa các đối tác chủ chốt có liên quan ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.
------------------------
(1) Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam
(2) Điều này được Mỹ công bố trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời (INSG) vào tháng 3-2021 và sau đó được khẳng định lại trong Chiến lược An ninh quốc gia mới (NSS) vào ngày 12-10-2022
(3) Theo giờ Mỹ, nghĩa là chỉ trước khi Nga bắt đầu triển khai “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine gần hai tuần
(4) Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc là những minh chứng rõ nét về điều này
(5) Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ
(6) NSS về cơ bản dựa trên INSG và đã được chuẩn bị từ cuối năm 2021, trước thời điểm Nga thực hiện “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quan hệ Mỹ với các nước châu Âu, nhất là với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được đánh giá là xuống thấp chưa từng có sau Chiến tranh lạnh, do vậy chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã phải điều chỉnh chiến lược. Các điều chỉnh, sửa đổi nhằm thể hiện sự gắn kết với châu Âu cũng như đưa ra các răn đe mạnh mẽ đối với nước Nga. Xem: Hoàng Vũ: “Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 14-10-2022, https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/my-cong-bo-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-moi-708097
(7) Chính vì vậy, sự quan tâm của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có phần giảm sút. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022: (1)- Mỹ đã giảm hiện diện quân sự tại khu vực Đông Nam Á, chỉ thực hiện 1 lần đi qua không gây hại (freedom of navigation operation - FONOP) và 1 lần điều tàu sân bay vào Biển Đông; trong khi đó, so với 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ đã 3 lần triển khai FONOP và 3 lần điều tàu sân bay vào Biển Đông; (2)- Mỹ tiến hành 31 cuộc tập trận tại khu vực, ít hơn so với 41 cuộc cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021
(8) Xem: Vũ Mạnh: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ liệu có trật bánh?”, Báo Thanh niên điện tử, ngày 9-4-2022, https://thanhnien.vn/chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-my-lieu-co-trat-banh-post1446712.html
(9) Nguồn tiền này phần lớn do các doanh nghiệp khu vực tư nhân cam kết đầu tư tới năm 2027, trong đó có 200 tỷ USD từ phía Mỹ và 400 tỷ USD từ các nền kinh tế còn lại. Đây không phải là một sáng kiến mới hoàn toàn mà được sửa đổi từ Sáng kiến xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (Build Back Better World - B3W) được công bố ở Hội nghị thượng đỉnh G-7 vào năm 2021. Mục tiêu của PGII là nhằm hạn chế sự ảnh hưởng địa - chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Xem: Linh Đan: “G7 chi 600 tỷ USD cho hạ tầng chiến lược toàn cầu”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 28-6-2022, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/g7-chi-600-ty-usd-cho-ha-tang-chien-luoc-toan-cau-i658447/
(10) Canada đang đề nghị được tham gia đàm phán IPEF và đây cũng là một trong những chủ đề được thảo luận trong vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên của IPEF
(11) GDI kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững và thúc đẩy phát triển toàn cầu xanh hơn, mạnh mẽ hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc - ASEAN, GDI cũng được đưa vào các văn kiện và tuyên bố chung của hai bên
Tiếp cận chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn  (17/12/2022)
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên lĩnh vực an ninh - chính trị và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam hiện nay  (10/05/2022)
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với Mỹ từ năm 2017 đến nay  (05/12/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên