Những điểm tương đồng và khác biệt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm
TCCS - Ngày 20-1-2021, ông Joe Biden chính thức trở thành vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Kế thừa một nước Mỹ với bộn bề thách thức và cơ hội đan xen trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, việc hoạch định cũng như triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden được cho là bao hàm cả những điểm tương đồng và khác biệt đối với chính quyền của người tiền nhiệm.
Những điểm tương đồng…
Thứ nhất, có thể thấy điểm tương đồng đầu tiên trong chính sách đối ngoại dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống Mỹ J. Biden và người tiền nhiệm đó là mục tiêu tối thượng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nếu như chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cụm từ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “Nước Mỹ trên hết”, thì chính quyền của Tổng thống J. Biden dùng thuật ngữ “Nước Mỹ trở lại” và “Xây dựng lại tốt hơn” để diễn giải cho mục tiêu đối ngoại của Mỹ.
“Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “Nước Mỹ trên hết” là khẩu hiệu xuyên suốt trong chiến lược phát triển quốc gia dưới thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump. Chính vì vậy, “nhất cử nhất động” trong suốt quá trình hoạch định và triển khai sách lược đối ngoại của chính quyền cựu Tổng thống D. Trump đều không tách rời mục tiêu này. Trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào ngày 21-1-2017, ông D. Trump đã tuyên bố, từ nay về sau sẽ chỉ có “nước Mỹ trước tiên”, lợi ích nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Mọi quyết định về vấn đề thương mại, thuế, xuất - nhập cảnh và đối ngoại đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và các hộ gia đình Mỹ. Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ dẫn đến sự thịnh vượng và sức mạnh...(1).
Trong khi đó, ông J. Biden đề ra phương châm hành động “Nước Mỹ trở lại” và “Xây dựng lại tốt hơn”. Từ bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ (ngày 4-2-2021), cuộc gặp trực tuyến các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7, ngày 14-2-2021), cho tới Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm “Bộ tứ” (ngày 12-3-2021), Tổng thống J. Biden liên tục đưa ra thông điệp về “sự trở lại của nước Mỹ” khi ông không ít lần đề cập đến cụm từ “Nước Mỹ trở lại” và “Xây dựng lại tốt hơn”. Ngày 28-4-2021, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ - sự kiện đánh dấu kỷ niệm 100 ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức - Tổng thống J. Biden tiếp tục nhấn mạnh: “Giờ đây, sau 100 ngày, tôi có thể nói với các bạn rằng nước Mỹ đang trên đà phát triển trở lại. Biến nguy cơ thành tiềm năng, khủng hoảng thành cơ hội, thất bại thành sức mạnh”(2). Ngoài ra, thông điệp “Nước Mỹ trở lại” còn được nêu rõ trong tài liệu “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào ngày 3-3-2021, để truyền tải tầm nhìn của Tổng thống J. Biden về cách thức nước Mỹ sẽ can dự với thế giới, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các bộ, ngành, cơ quan của Mỹ thống nhất trong hành động.
Thứ hai, cả chính quyền của Tổng thống J. Biden và cựu Tổng thống D. Trump đều đẩy mạnh gia tăng ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng năm 2018 của Mỹ chính thức coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian địa - chiến lược mới và điểm tựa mới cho chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á. Trong tháng 5-2018, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 7-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” với khuôn khổ đầu tư chiến lược cho khu vực này là 113 triệu USD. Tháng 8-2018, Mỹ công bố dành khoản ngân sách 290 triệu USD để hỗ trợ bảo đảm an ninh xuyên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(3). Đặc biệt là, ngày 1-6-2019, Mỹ tiếp tục công bố “Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ: Tăng cường quân bị, quan hệ đối tác và thúc đẩy kết nối khu vực”. Như vậy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ một khái niệm đã nhanh chóng được chuyển thành một chiến lược mới của Mỹ với một số bước triển khai ban đầu.
Sau bốn năm kể từ tuyên bố của cựu Tổng thống D. Trump tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam, năm 2017) về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, một phiên bản mới của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dần được định hình. Theo tài liệu “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” của Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Mỹ xếp vị trí ưu tiên số 1 (trên cả châu Âu) trong các khu vực có sự hiện diện lớn nhất của Mỹ. Điều này được khẳng định rõ hơn trong Dự luật cạnh tranh chiến lược năm 2021 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 20-4-2021, khi thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được đề cập đến hơn 100 lần bên cạnh đề xuất tăng cường sự hiện diện về ngoại giao và quân sự đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo chiều hướng thúc đẩy, đề cao vai trò của nhóm “Bộ tứ”; vận động các đồng minh ngoài khu vực gia tăng can dự, kết nối khu vực và tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) thông qua các cam kết đầu tư của Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC); coi trọng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tăng cường sự can dự vào khu vực này… Nói cách khác, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục được kế thừa, triển khai, nâng cấp theo chiều hướng thay đổi thành tố “tự do” và “rộng mở” bằng một thành tố mới thể hiện được tâm thế “quay trở lại” và thực thi “sức mạnh thông minh” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thứ ba, củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh. Dưới thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump, đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cả Tổng thống D. Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis, đều khẳng định tiếp tục tôn trọng các cam kết của Mỹ đối với NATO; đồng thời nhấn mạnh, NATO luôn là đồng minh chiến lược giúp Mỹ giải quyết những vấn đề toàn cầu. Ở khu vực Đông Á, năm 2017, Phó Tổng thống M. Pence, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson lần lượt thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh vững mạnh với các nước này. Trong khi đó, Tổng thống D. Trump chọn khu vực Trung Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Tại Saudi Arabia, bên cạnh bài phát biểu được cho là làm lay động thế giới Hồi giáo của ông D. Trump, hai bên ký kết hàng loạt hợp đồng, bao gồm hợp đồng mua bán thiết bị quân sự hiện đại trị giá 110 tỷ USD. Tiếp đó, ông D. Trump thăm Israel và Palestine với mục tiêu mở ra một trang mới, một bước ngoặt lịch sử trên con đường tiến tới hòa bình ở khu vực Trung Đông, mà thực chất là hòa giải mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine đã tồn tại hàng chục năm qua.
Có phần tương đồng với người tiền nhiệm, ngày 4-2-2021, trong bài phát biểu lần đầu tiên về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống J. Biden khẳng định sẽ khôi phục quan hệ với các đồng minh, tiếp tục kề vai sát cánh với các đồng minh và đối tác chủ yếu của Mỹ(4). Để hiện thực hóa điều đó, một mặt, Tổng thống J. Biden nhấn mạnh tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng “sân sau” (Canada, Mexico); tái khẳng định quan hệ đặc biệt với Anh; “cài đặt lại” quan hệ với các nước đồng minh truyền thống ở châu Âu; khẳng định quan hệ liên minh với NATO dựa trên nền tảng hệ giá trị và an ninh tập thể; mong muốn tái thiết liên minh xuyên Đại Tây Dương. Mặt khác, Tổng thống J. Biden cũng có những hành động cụ thể, như thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Anh (tháng 6-2021) nhằm xem xét lại “mối quan hệ đặc biệt” sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit); tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7; hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU); gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Genèva (Thụy Sĩ). Trước đó, ông J. Biden cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên (kể từ năm 2001) tham gia cuộc họp Hội đồng EU (tháng 3-2021) bằng hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Ngoại trưởng Tony Blinken tham gia cuộc họp của Hội đồng đối ngoại EU ở Thủ đô Brussels (Bỉ, tháng 2-2021); tham gia hai cuộc họp cấp bộ trưởng của NATO, cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm G-7 được tổ chức tại Thủ đô London (Anh) và có những hoạt động song phương, khu vực ở quy mô nhỏ hơn với các quốc gia châu Âu riêng lẻ.
Thứ tư, “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh” với Trung Quốc và Nga. Trong thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump, Mỹ thực thi những chính sách cứng rắn hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017, Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, là “thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất” đối với an ninh và lợi ích sống còn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong thực tế, Mỹ tăng cường bảo hộ, hạn chế nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm, hạn chế nguồn vốn của Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc, khuyến khích doanh nghiệp Mỹ rút vốn khỏi Trung Quốc để đầu tư về Mỹ; tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc mua lại doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn của Mỹ, hạn chế doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, vận động đồng minh và đối tác không sử dụng sản phẩm công nghệ 5G của Trung Quốc… (5). Có thể nói, cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là một trong những minh chứng rõ nét nhất về sự cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc.
Không chỉ cứng rắn đối với Trung Quốc, chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump cũng chuyển dần từ “giữ khoảng cách” sang coi nước Nga là “đối thủ” khi phế truất Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn chỉ sau ba tuần nhậm chức(6); trục xuất một số nhà ngoại giao Nga tại Mỹ. Trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng năm 2018, Mỹ cũng coi Nga là “cường quốc đối thủ”, là mối đe dọa an ninh của Mỹ(7).
Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống J. Biden, Mỹ tiếp tục thi hành chính sách cứng rắn, song cũng thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý mối quan hệ đối với Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống J. Biden xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”, là “thử thách địa - chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI”, bởi “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới với sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ có thể thách thức nghiêm trọng tới hệ thống quốc tế rộng mở và ổn định”(8). Do đó, phương châm hành động của Mỹ là “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc”(9). Mỹ quyết liệt và cứng rắn trong mối quan hệ với Trung Quốc, song sẽ ôn hòa trong cách thức, giảm bớt tính chất căng thẳng, như khẳng định của Tổng thống J. Biden trước Quốc hội Mỹ vào ngày 29-4-2021: “Mỹ sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc song không tìm kiếm xung đột. Bảo vệ lợi ích của Mỹ trên mọi lĩnh vực”(10).
Đối với Nga, chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng tiếp tục xem Nga là “đối thủ hàng đầu” của Mỹ, sau Trung Quốc. Một mặt, kế thừa truyền thống của Đảng Dân chủ, Tổng thống J. Biden sẽ thực thi chính sách cứng rắn đối với Nga; mặt khác, để giảm leo thang căng thẳng và quản lý xung đột, chính quyền của Tổng thống J. Biden cũng tìm kiếm sự hợp tác với Nga trong quản lý vũ khí hạt nhân, vũ trụ và giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy, Mỹ muốn duy trì sự ổn định trạng thái “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh”, nhằm từng bước kiềm chế sự phát triển của Nga, đồng thời ngăn cản sự hình thành liên minh Nga - Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ.
… Đan xen những điểm khác biệt
Bên cạnh những điểm tương đồng, việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden và người tiền nhiệm D. Trump cũng có không ít điểm khác biệt.
Một là, chính quyền của Tổng thống J. Biden và người tiền nhiệm có sự lựa chọn phương thức thực hiện khác nhau, với sự lựa chọn tương ứng là “sức mạnh cứng” và “sức mạnh thông minh” trong triển khai chính sách đối ngoại. Dưới thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump, “sức mạnh cứng” được xem là phương thức thực thi quyền lực của Mỹ trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Điều này được thể hiện rõ nét trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức, khi Tổng thống D. Trump nhấn mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết” là cách tiếp cận cơ bản nhất trong chính quyền của ông về các quyết sách đối nội và đối ngoại, trong đó lợi ích và an ninh của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Việc lựa chọn nhân sự cấp cao trong nội các cũng thể hiện khá rõ thiên hướng cứng rắn của cựu Tổng thống D. Trump. Trong số hơn 240 nhân vật được lựa chọn vào vị trí chủ chốt của nội các Mỹ, hầu hết đều xuất thân và mang đậm dấu ấn quân đội, thương nhân và cực hữu. Sự hiện diện của Bộ trưởng Ngoại giao R. Tillerson (sau đó là Mike Pompeo); Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis (sau đó là Mark Esper và Patrick Shanahan); Cố vấn An ninh quốc gia H. R. Mc Master (sau này là John Bolton); Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus (sau đó là John Kelly), cùng với những nhân sự giữ vị trí then chốt ở nước ngoài, như Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman..., tất cả đều trái ngược với chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, song tiến gần hơn đến quan điểm đối ngoại truyền thống của Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, khi “sức mạnh cứng” ngự trị ở vị trí thượng tôn, tiếp tục khẳng định xu thế thực dụng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và lợi ích kinh tế của nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu cho mọi quyết sách đối ngoại của chính quyền cựu Tổng thống D. Trump.
Trên bình diện quân sự, cựu Tổng thống D. Trump liên tục đề xuất tăng ngân sách quốc phòng. Nếu như năm tài khóa 2017 - 2018, ngân sách quốc phòng của Mỹ là 700 tỷ USD thì sang năm tài khóa 2018 - 2019, con số này đã tăng lên 716 tỷ USD(11). Năm 2020, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), mức chi ngân sách quốc phòng của Mỹ là 732 tỷ USD, chiếm 38% chi tiêu quân sự của thế giới(12). Bên cạnh đó, ông D. Trump cũng yêu cầu các quốc gia đồng minh trong khối NATO gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, đóng góp tài chính lớn hơn, thực hiện thỏa thuận chi tiêu chung của NATO.
Không chỉ thể hiện “sức mạnh cứng” trong các cuộc hội họp, Tổng thống D. Trump còn ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria (ngày 6-4-2017), ném bom xuống Afghanistan(13); điều động tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên vào giữa tháng 4, đầu tháng 5-2017; phô trương sức mạnh quân sự và thể hiện sự cứng rắn của Mỹ trong việc giải quyết những “điểm nóng” trên thế giới. Ngoài ra, theo thống kê của Kênh truyền hình cáp CNN (Mỹ), kể từ khi Tổng thống D. Trump lên cầm quyền, tần suất không kích của Mỹ ở Iraq và Syria đều tăng lên(14). Bên cạnh việc thực thi sức mạnh quân sự, chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump còn đánh thuế và thực hiện các biện pháp bảo hộ khác nhằm mở cửa thị trường các nước. Nói cách khác, chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump cho rằng, Mỹ cần đạt được những thỏa thuận thương mại “công bằng” và “có đi có lại” với các nước để thay thế các thỏa thuận thương mại “chưa thích hợp trước đây”(15).
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống J. Biden cho rằng, thực thi “sức mạnh thông minh” là sự lựa chọn tối ưu trong giai đoạn hiện tại. Sự lựa chọn nhân sự cấp cao cho bộ máy chính quyền mới của Tổng thống J. Biden phần nào thể hiện thiên hướng đó. Ngay trong những ngày đầu của quá trình chuyển giao, đội ngũ cố vấn chiến dịch tranh cử của ông J. Biden đã nhanh chóng tiếp cận và xây dựng danh sách ứng cử viên cho những vị trí quan trọng tại các bộ, ngành. Nhờ đó, bộ máy nhân sự chủ chốt về an ninh, đối ngoại của chính quyền mới đã sớm được hoàn thiện. Điểm sáng về đội ngũ nhân sự của chính quyền Tổng thống J. Biden là ưu tiên lựa chọn các chuyên gia, cựu quan chức dưới thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống B. Obama, những người có quan điểm và cách tiếp cận “dòng chính”, với kinh nghiệm dày dạn và chuyên môn sâu rộng về các vấn đề chiến lược và an ninh, đối ngoại. Ngoài ra, để tăng tính chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với những biến động không ngừng của tình hình mới, chính quyền của Tổng thống J. Biden đã sớm có bước đi sáng tạo, bổ sung một số vị trí, chức danh mới phụ trách các vấn đề đối ngoại ưu tiên hay thành lập mới cơ chế Nhóm đặc trách về một vấn đề cụ thể tại các bộ, ngành(16).
Cùng với những minh chứng về lựa chọn nhân sự cấp cao cho bộ máy an ninh - đối ngoại, bối cảnh thế giới và nội bộ nước Mỹ cũng chính là chất xúc tác lớn để Tổng thống J. Biden và những cộng sự của ông lựa chọn thực thi “sức mạnh thông minh” trong chính sách đối ngoại, trong đó, dịch bệnh COVID-19 và sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc được xem hai vấn đề lớn nhất. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho đến nay, Mỹ vẫn là một trong những quốc gia có số lượng ca nhiễm và tử vong nhiều nhất trên thế giới. Trong khi đó, kể từ khi Trung Quốc hoàn thiện quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm đến nay, nhất là sau Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017) với mục tiêu “thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”(17), Trung Quốc liên tục công bố và triển khai nhiều đại chiến lược trên các bình diện kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ và văn hóa, trong đó lớn nhất là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) nhằm thiết lập, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực và thế giới. Những động thái đó của Trung Quốc được Mỹ đánh giá không chỉ mang tính chất cạnh tranh, mà còn đe dọa nghiêm trọng vị trí siêu cường số 1 đã được Mỹ thiết lập và duy trì kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Do đó, lựa chọn thực thi “sức mạnh thông minh” trong chính sách đối ngoại nói chung, ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc nói riêng, có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất đối với chính quyền của Tổng thống J. Biden trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, đối với các thể chế quốc tế và khu vực. Nếu như ông D. Trump liên tục ra tuyên bố rút Mỹ khỏi các tổ chức thế giới và khu vực, thì ông J. Biden đang nỗ lực hàn gắn “vết thương” giữa Mỹ với các tổ chức song phương, đa phương mà người tiền nhiệm để lại. Một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên sau khi nhậm chức của cựu Tổng thống D. Trump là rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), tiếp đến là các cam kết quốc tế khác, như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế của Liên hợp quốc (UNATT)...; thay vào đó, thúc đẩy đàm phán các hiệp định song phương được cho là mang lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ.
Ngược lại, chính quyền của Tổng thống J. Biden tái lập và thúc đẩy vai trò dẫn dắt của Mỹ theo hướng tái can dự mạnh hơn vào các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương. Theo đó, một mặt, chính quyền của Tổng thống J. Biden tiếp tục duy trì các sáng kiến của người tiền nhiệm, như IPS, Mạng lưới điểm xanh (BDN), Sáng kiến kết cấu hạ tầng châu Á chất lượng cao; mặt khác, từng bước đưa “nước Mỹ trở lại” một số tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP)…, hàn gắn lại mối quan hệ với EU và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); để ngỏ việc xem xét gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện hành(18) hoặc khởi động đàm phán các FTA song phương và đa phương mới.
Ba là, đối với những vấn đề toàn cầu. Nếu chính quyền của cựu Tổng thống D. Trump không mấy mặn mà trong hợp tác giải quyết các thách thức, mối đe dọa toàn cầu, thì chính quyền của Tổng thống J. Biden đặt ưu tiên cao trong xử lý các thách thức và mối đe dọa toàn cầu, như chống biến đổi khí hậu; phòng, chống sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh COVID-19; giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị của phương Tây về tự do, dân chủ, nhân quyền…
Trong các vấn đề cần giải quyết trước mắt, vấn đề chống biến đổi khí hậu được chính quyền của Tổng thống J. Biden đặt ưu tiên cao nhất. Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu diễn ra đúng vào Ngày Trái đất (ngày 22-4-2021), Mỹ cam kết giảm 50% - 52% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2005; chủ động phối hợp với các nước châu Âu trong quyết tâm hướng tới xây dựng nền kinh tế bền vững, năng lượng sạch, giảm thiểu khí thải vào năm 2050; tăng cường tài trợ cho các nước khác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Về phòng, chống sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh COVID-19, chính quyền của Tổng thống J. Biden bước đầu rút lại quyết định từ bỏ tư cách thành viên WHO của Mỹ dưới thời kỳ của chính quyền tiền nhiệm, tham gia tích cực và cam kết đóng góp 4 tỷ USD cho “Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu” (COVAX), từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng, ngừa dịch bệnh COVID-19... Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-7 được tổ chức tại Anh, Tổng thống J. Biden cũng cam kết tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp.
Có thể thấy, còn quá sớm để đánh giá chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống J. Biden, song với những tuyên bố và động thái cũng như bề dày kinh nghiệm chính trường của cá nhân ông J. Biden cùng bộ máy nhân sự chủ chốt và đội ngũ cố vấn chính sách là các cựu quan chức, chuyên gia có thâm niên, có thể phác họa phần nào bức tranh đối ngoại của Mỹ hiện tại với những nét đậm - nhạt khác nhau. Đồng thời, từ một góc nhìn so sánh với người tiền nhiệm, cũng có thể nhận thấy rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ thời gian qua. Sự khác biệt và tương đồng đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả tính cách của các Tổng thống Mỹ, các chính đảng cầm quyền, bối cảnh quốc tế và khu vực, sự trỗi dậy của các siêu cường.../.
----------------------------
(1) Politico Staff: “Full text: 2017 Donald Trump inauguration speech transcript”, ngày 20-1-2017, https://www.politico.com/story/2017/01/full-text-donald-trump-inauguration-speech-transcript-233907
(2) Hoài Hà: “Sự kiện 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Joe Biden”, ngày 29-4-2021, https://dangcongsan.vn/thoi-su/su-kien-100-ngay-dau-tien-cua-tong-thong-joe-biden-579510.html
(3) Lê Đình Tĩnh: Chính sách đối ngoại Mỹ - Tiếp cận từ thuyết hiện thực mới và trường hợp Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 124 - 125
(4) The White House: “Remarks by President Biden on America’s Place in the World”, ngày 4-2-2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/04/remarks-by-president-biden-on-americas-place-in-the-world/
(5) Mỹ Châu: “Tác động của phân tách Mỹ - Trung đến cục diện thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 124, tháng 3-2021
(6) Trước sức ép từ dư luận Mỹ khi cho rằng ông Michael Flynn che giấu mối quan hệ với Nga
(7) The White House: “National Security Strategy of the United States of America”, ngày 28-7-2021, https://trumpwhitehouse.archives.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf
(8) Antony J. Blinken: “A Foreign Policy for the American People”, ngày 3-3-2021, https://il.usembassy.gov/a-foreign-policy-for-the-american-people/
(9) Antony J. Blinken: “A Foreign Policy for the American People”, Tlđd
(10) Thông tấn xã Việt Nam: “Bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden trước Quốc hội Mỹ ngày 29-4-2021”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, số 109, ngày 4-5-2021
(11) Tô Anh Tuấn: Tác động của các nhân tố nội bộ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 66
(12) DW Recommends: “Crises are fueling the global arms trade: SIPRI report”, https://www.dw.com/en/crises-are-fueling-the-global-arms-trade-sipri-report/a-52688298, ngày 20-5-2021
(13) Tô Anh Tuấn: Tác động của các nhân tố nội bộ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump, Sđd, tr. 177
(14) Minh Quân: “Những điều đáng chú ý về 100 ngày của Tổng thống Trump”, http://baoquocte.vn/nhung-dieu-dang-chu-y-ve-100-ngay-cua-tong-thong-trump-48401.html, truy cập ngày 28-7-2021
(15) Tô Anh Tuấn: “Tác động của các nhân tố nội bộ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump”, Sđd, tr. 67
(16) Trần Huyền Trang: “Định hướng chính sách đối ngoại đưa “nước Mỹ trở lại” của chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn”, Tạp chí Cộng sản, số 965, tháng 5-2021, tr. 107
(17) Tổng tập Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 10
(18) Như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên