Cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Venezuela dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống Joe Biden
TCCS - Sự thất bại trong chiến lược “gây sức ép tối đa” nhằm thay đổi chế độ cánh tả tại Venezuela sau cuộc bầu cử Quốc hội thành công của nước này đã buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đánh giá lại chính sách trong quan hệ với Venezuela. Mặc dù đang trong quá trình định hình về chính sách đối ngoại, song Mỹ hướng tới cách tiếp cận mới đối với quốc gia này. Giới chuyên gia nhận định, đây là một trong những nỗ lực nhằm giành lại ảnh hưởng, uy tín, vai trò và lợi ích của Mỹ tại Mỹ La-tinh - khu vực sân sau của Mỹ - vốn đang bị các cường quốc cạnh tranh gay gắt.
Từ chính sách đối ngoại mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden cùng nỗ lực tái khẳng định ảnh hưởng ở khu vực Mỹ La-tinh…
Chính quyền của Tổng thống J. Biden đã kỷ niệm 100 ngày đầu tiên cầm quyền vào tháng 4-2021 với cách tiếp cận mới về đối ngoại đang bắt đầu hình thành. Trong bối cảnh toàn cầu đã thay đổi, chính quyền mới của Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ của mình với nhiều thách thức ngay từ những ngày đầu tiên. Thế giới và nước Mỹ bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, cùng những hậu quả nặng nề làm chao đảo nền kinh tế, bất bình đẳng thu nhập, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các điểm nóng xung đột đang đặt ra những thách thức đối với vai trò thống trị của Mỹ. Theo đó, Mỹ đang phải thúc đẩy một loạt ưu tiên thông qua các công cụ chính sách đa phương, bao gồm các thể chế, luật pháp quốc tế và ngoại giao đa phương sau một thời gian vắng bóng, rút khỏi các cam kết quốc tế dưới thời kỳ của Tổng thống Donald Trump, làm suy giảm đòn bẩy ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Trong khi đó, một Trung Quốc trỗi dậy đã trở nên hiệu quả và quyết đoán hơn trong việc định hình các chuẩn mực quốc tế và thiết lập chương trình nghị sự của các thể chế quốc tế. Ngay cả khi Đảng Dân chủ có sự kiểm soát thống nhất với hệ thống chính trị Mỹ, các lựa chọn chính sách của chính quyền mới vẫn bị hạn chế nghiêm trọng do sự chia rẽ nhận thức sâu sắc về vai trò của Mỹ trên thế giới và giá trị của trật tự quốc tế. Bối cảnh mới đòi hỏi Mỹ phải có sự nhìn nhận lại trong phối hợp với các đối tác, cạnh tranh với các đối thủ và thúc đẩy các lợi ích của mình bằng các biện pháp đa phương, với mục tiêu đáp ứng các nhu cầu chính trị trong nước(1).
Ở cấp chiến lược toàn cầu, trật tự đa phương hiện được xác định bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc, nhất là với Trung Quốc. Chính quyền Mỹ áp dụng cách tiếp cận đa phương trong xây dựng liên minh với các quốc gia có chung các giá trị và cam kết. Mỹ cũng xem xét việc áp dụng chiến lược đa dạng, như các quy trình không chính thức, liên kết theo nhóm và các cam kết không ràng buộc. Ở cấp độ khu vực, Mỹ tăng cường áp dụng các biện pháp đa phương, phát huy vai trò của các tổ chức khu vực. Với chính trị nội bộ, Mỹ xác định các mục tiêu đối ngoại đa phương phù hợp với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Những hành động ban đầu của chính quyền Tổng thống J. Biden cho thấy hơi hướng giải pháp của chính quyền Tổng thống B. Obama thời kỳ đầu, nhưng nhấn mạnh hơn đến sự kết nối giữa chính sách đối ngoại và chính trị đối nội của Mỹ.
Các định hướng chính sách đó phần nào được thể hiện trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời (tháng 3-2021) mang những đường nét cho một “học thuyết Biden” mới với những định hướng chủ yếu, như đề cao việc sử dụng chính sách đối ngoại và các hoạt động ngoại giao, nâng cao nội lực của Mỹ, bên cạnh mong muốn phục hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các thể chế quốc tế, cùng các đồng minh và đối tác tăng cường các giá trị chung trên toàn thế giới và cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghệ. Các định hướng đó nhằm nâng cao vai trò của Tổng thống J. Biden ở trong nước, thông qua việc sử dụng chính sách đối ngoại để mang lại sự thịnh vượng cho người dân Mỹ. Việc giành được niềm tin và sự ủng hộ trên trường quốc tế về chính sách đối với đồng minh, cũng như ngay tại nước Mỹ với khái niệm “chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu” là những nhân tố quan trọng đối với thành công trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống J. Biden.
Như vậy có thể thấy, một đặc trưng của các chính quyền Đảng Dân chủ Mỹ là ưu tiên các vấn đề dân chủ, nhân quyền và chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ thúc đẩy việc tập hợp các nước đồng minh và củng cố các giá trị dân chủ kiểu Mỹ. Mặc dù có thể còn nhiều điều chỉnh, song cách tiếp cận và các giải pháp đa phương sẽ là định hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới. Chính vì vậy, tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ đối với các khu vực nói chung, với Mỹ La-tinh nói riêng sẽ có những điều chỉnh nhất định. Trong đó, Tổng thống J. Biden tuyên bố nhất quán rằng, ngoại giao và hợp tác đa phương sẽ là những động lực chủ yếu hiện nay trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Mỹ La-tinh. Điều này cho thấy, Mỹ sẽ chú ý ưu tiên nâng cao hiệu quả và tăng cường vai trò của các thể chế đa phương tại khu vực trong các vấn đề liên quan đến Mỹ, xây dựng vai trò lãnh đạo bền vững và can dự đa phương một cách kiên định với khu vực. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi tiến trình hướng tới hợp tác khu vực đòi hỏi một cách tiếp cận rộng rãi và phối hợp chặt chẽ hơn của Mỹ để đối phó với những thách thức thường trực của đại dịch COVID-19 về y tế, sức khỏe cũng như sự tàn phá về kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh khu vực Mỹ La-tinh mặc dù chỉ chiếm 8% dân số thế giới nhưng đã phải chịu gần 35% số lượng ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Song theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa chính là để ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh khi mà nước này đang ngày càng thâm nhập sâu vào khu vực. Nếu như dưới thời kỳ của Tổng thống B. Obama, Trung Quốc được xem như là thách thức hàng đầu đối với bá quyền của Mỹ trên bình diện quốc tế, thì đến thời kỳ của Tổng thống D. Trump, Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Và hiện nay, Trung Quốc được nhận định vẫn luôn là vấn đề của cả hai đảng tại Mỹ. Do vậy, Tổng thống J. Biden cho rằng cần phải có một chiến lược đối với khu vực với việc xây dựng một liên minh và một mặt trận thống nhất với các đồng minh của Mỹ để kìm hãm thế mạnh của Trung Quốc. Điều đó cần phải được bắt đầu từ khu vực Mỹ La-tinh, thành lập mặt trận chung với các nước Mỹ La-tinh nhằm ngăn chặn Trung Quốc trên các bình diện thương mại, tài chính và công nghệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, với khu vực Mỹ La-tinh, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống J. Biden vẫn còn mờ nhạt. Mỹ vẫn chưa xác định một trọng tâm rõ ràng và chương trình nghị sự tích cực trong can dự với khu vực. Mặc dù xác định Mỹ La-tinh là sân sau có tầm quan trọng đặc biệt với Mỹ, nhưng ưu tiên của chính quyền mới trong khu vực phần lớn bị chi phối bởi các yếu tố chính trị nội bộ. Trước tiên có thể thấy, chính quyền của Tổng thống J. Biden bắt đầu thể hiện thiện chí phối hợp một cách nghiêm túc với khu vực Mỹ La-tinh trong việc giải quyết đại dịch COVID-19 thông qua cam kết gửi vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 đến một số quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bước đi khiêm tốn hướng tới sự hỗ trợ và hợp tác cần thiết trong khu vực. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ trong việc cung cấp vaccine cho khu vực này, lấp đầy khoảng trống khi Mỹ tỏ ra vẫn còn “chật vật” trước việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ngay tại trong nước. Điều đó tạo ra sự hoài nghi về mức độ quan tâm và cam kết của Mỹ với khu vực.
Đối với việc kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ngay tại khu vực sân sau của mình, Mỹ mới chỉ dừng ở mức cảnh báo các nước về “nguy cơ” từ Trung Quốc mà chưa có bước đi cụ thể trong việc đáp ứng các nhu cầu thực tế của khu vực, như tăng cường thương mại hay đầu tư hỗ trợ các nền kinh tế yếu kém. Trên một khía cạnh khác, đội ngũ hoạch định chính sách Mỹ La-tinh của chính quyền Tổng thống J. Biden vẫn đang loay hoay tìm phương cách hóa giải cuộc khủng hoảng di cư từ các nước Trung Mỹ. Vấn đề đó cũng có thể dẫn tới hình thành một chính sách hạn chế sự can dự của Mỹ với khu vực. Do vậy, một chương trình nghị sự chỉ tập trung vào chính trị nội bộ được cho là sẽ tạo ra sự quan ngại về việc liệu Mỹ có phải là đồng minh đáng tin cậy và sẽ cản trở những nỗ lực đổi mới quan hệ vốn đã rạn nứt trong những năm gần đây của Mỹ với khu vực. Việc cân bằng các lợi ích khác nhau sẽ là bài toán khó cho chính quyền của Tổng thống J. Biden khi xác định một chiến lược mới rõ nét cho những thách thức cấp bách tại Mỹ La-tinh hiện nay.
…đến “bài toán Venezuela” trong chiến lược của Mỹ
Sự lúng túng trong việc hoạch định chính sách với các nước ở khu vực “sân sau” của Mỹ cũng thể hiện trong chính sách của chính quyền Tổng thống J. Biden với Venezuela, đặc biệt trong bối cảnh Venezuela là quốc gia tiếp nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc nhiều nhất. Đồng thời cùng với đó là chiến thắng của Liên minh các phong trào chính trị cánh tả do Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12-2020 được coi là bước khởi đầu mới giúp nước này tìm ra được giải pháp hòa bình cho những bất ổn và bất đồng trong nước. Chính vì vậy, để củng cố vị thế, uy tín tại khu vực, chính quyền của Tổng thống J. Biden cần tính tới bài toán Venezuela. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ hướng đi mới, chính quyền của Tổng thống J. Biden tiếp tục duy trì một số chính sách đối với nước này của chính quyền tiền nhiệm trên cơ sở cách tiếp cận mới.
Một là, định hình cách tiếp cận mới
Việc áp dụng những chính sách cứng rắn dưới thời kỳ của Tổng thống D. Trump đối với Venezuela thời gian qua dường như không mang lại kết quả như mong muốn, do vậy, chính quyền của Tổng thống J. Biden muốn chuyển sang cách tiếp cận đa phương, các biện pháp ngoại giao từ bên ngoài và củng cố lại phe đối lập ở Venezuela. Về phía Venezuela, chính quyền của Tổng thống N. Maduro đã có những động thái thể hiện thiện chí đàm phán với Mỹ. Ngày 4-5-2021, Quốc hội Venezuela đã tiến hành bỏ phiếu bầu ra ban lãnh đạo mới của Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE), cơ quan có nhiệm vụ điều hành và tổ chức các cuộc bầu cử trong giai đoạn 2021 - 2028 với 2/5 thành viên ban lãnh đạo là từ phe đối lập. Ngày 19-4-2021, Venezuela đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vốn có sự hậu thuẫn của Mỹ sau một thời gian dài trì hoãn, cho phép WFP thiết lập văn phòng đại diện tại Venezuela để hỗ trợ bảo đảm lương thực cho 185.000 học sinh tiểu học vào cuối năm 2021 và 1,5 triệu học sinh vào cuối năm học 2022 - 2023 với ngân sách hằng năm là 190 triệu USD(2). Các quan chức và nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đánh giá cao thiện chí của Chính phủ Venezuela với thỏa thuận hợp tác này. Venezuela cũng chuyển từ giam giữ sang quản thúc tại gia với các cựu giám đốc chi nhánh dầu lửa CITGO, một chi nhánh của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) mang quốc tịch Venezuela và Mỹ.
Kết quả là, ngày 6-5-2021, Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ ủng hộ một giải pháp “toàn diện và được đàm phán” cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Mỹ cũng tuyên bố việc Hội đồng Bầu cử quốc gia mới có đóng góp vào mục tiêu này hay không phụ thuộc vào quyết định của người dân Venezuela. Việc không đề cập đến những đòi hỏi phi lý trước đây của chính quyền Tổng thống D. Trump như yêu cầu Tổng thống N. Maduro từ chức, thành lập một chính phủ song song hoặc đe dọa can thiệp, đồng thời chấp nhận việc đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các bên đối lập cho thấy cách tiếp cận mới mềm mỏng hơn của chính quyền Tổng thống J. Biden và là sự thay đổi đáng kể quan điểm của Mỹ đối với Venezuela.
Những bước đi này nằm trong chiến lược tiếp cận mới trong bối cảnh uy tín của phe đối lập Venezuela suy giảm mạnh do đường lối chống phá đi ngược lại sự phát triển của đất nước, bên cạnh việc chia rẽ và phân hóa sâu sắc trong nội bộ. Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống N. Maduro tiếp tục nắm chắc quyền kiểm soát đất nước và củng cố các cơ sở quyền lực nền tảng. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Venezuela có những cử chỉ và nhượng bộ lớn trong thời gian gần đây đã gửi đi tín hiệu tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại cũng cho thấy chính quyền của Tổng thống J. Biden đã nhận thức được rằng, các chính sách trừng phạt và không công nhận chính quyền của Tổng thống N. Maduro không thể làm suy yếu Chính phủ Venezuela. Tuy chưa có cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa hai nước, nhưng một số quan chức thân cận với Tổng thống J. Biden như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks, cựu Thống đốc New Mexico Bill Richardson và Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới David Beasley đang duy trì các kênh liên lạc với các quan chức cấp cao trong Chính phủ Venezuela. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Gregory Meeks còn cho rằng, Tổng thống N. Maduro đã đưa ra nhiều dấu hiệu cởi mở trong việc khôi phục lại quan hệ với Mỹ. Mặc dù cho rằng những động thái như vậy được đánh giá là chưa đủ, nhưng một số chuyên gia chính sách đã thúc giục chính quyền Mỹ đưa ra biện pháp giảm nhẹ trừng phạt để đổi lấy các hành động cụ thể của Chính phủ Venezuela.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động ngoại giao đa phương trong quan hệ với Venezuela, phối hợp lập trường với Liên minh châu Âu (EU) để ủng hộ một giải pháp thương lượng cho cuộc khủng hoảng Venezuela. Mỹ cũng sẽ tìm các điểm tương đồng chính sách với các nước ủng hộ Venezuela, như Trung Quốc, Nga để gia tăng áp lực đa phương cho tiến trình đàm phán giữa các phe nhóm chính trị tại Venezuela.
Hai là, dần nới lỏng các lệnh cấm khắc nghiệt
Trong bốn năm qua, các lệnh cấm của Mỹ đã khiến ngân sách của chính phủ Venezuela giảm tới 99%, từ 56,6 tỷ USD năm 2013 xuống còn 477 triệu USD vào năm 2020. Venezuela ước tính tổng thiệt hại lên tới 194 tỷ USD(3). Các công ty và tổ chức tài chính nước ngoài đã ngừng kinh doanh với Venezuela vì quan ngại bị trừng phạt. Bên cạnh đó, hàng tỷ USD các quỹ của Venezuela bị đóng băng ở nước ngoài, bao gồm 34 tấn vàng do Ngân hàng Trung ương Anh nắm giữ(4). Với chủ trương sử dụng các biện pháp ngoại giao mềm mỏng hơn, chính quyền của Tổng thống J. Biden đang cân nhắc ảnh hưởng của chính sách này với uy tín quốc tế của mình. Sự kiên cường của Venezuela trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia đã đặt Mỹ vào tình thế khó xử khi phải biện minh cho các hành động trừng phạt và gây hấn phi lý, đặc biệt khi chiến lược này đã thất bại trong việc phong tỏa kinh tế và tài chính với Venezuela. Ngoài tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế - xã hội Venezuela, các lệnh cấm của Mỹ còn gây thiệt hại hàng tỷ USD cho lợi ích của chính các công ty dầu khí của Mỹ khi phải đóng băng hoạt động tại Venezuela.
Do vậy, trong những bước đi tìm kiếm cách tiếp cận mới trong vấn đề Venezuela, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ tiến hành xem xét lại chính sách trừng phạt đối với Venezuela để bảo đảm phù hợp với mục tiêu của Mỹ và tính đến các động thái cụ thể từ chính phủ của Tổng thống N. Maduro. Mỹ đã bày tỏ việc ủng hộ nỗ lực đối thoại giữa Chính phủ Venezuela và các chính trị gia đối lập như Henrique Capriles Radonski và Juan Guaido để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Thống đốc bang và các hội đồng địa phương vào ngày 21-11-2021. Do vậy, chiến lược “thay đổi tất cả hoặc không được gì” mà Mỹ và phe đối lập Venezuela duy trì trong thời gian qua nhằm chống lại Tổng thống N. Maduro sẽ có sự điều chỉnh trong thời gian tới.
Ba là, tiếp tục duy trì gây sức ép
Mặc dù đã có những động thái tiếp cận mới đối với Venezuela, nhất là trong bối cảnh thất bại về mục tiêu thay đổi chế độ tại nước này, song chính quyền của Tổng thống J. Biden tuyên bố không vội nới lỏng các lệnh cấm trong chính sách “gây sức ép tối đa” của chính quyền tiền nhiệm với chính quyền của Tổng thống N. Maduro, bao gồm hơn 150 lệnh cấm và trừng phạt đơn phương đối với nhiều cá nhân, công ty dầu khí nhà nước và đối tác, vốn gây kiệt quệ nền kinh tế và đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng sâu sắc với nhiều hệ lụy và càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ngày 19-5-2021, trả lời tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ứng viên Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Tây Bán cầu của Mỹ Brian Nichols, cho rằng Mỹ sẽ duy trì áp lực kinh tế với Chính phủ Venezuela để đàm phán nhằm bảo đảm các cuộc bầu cử “tự do và công bằng”, đòi trả tự do cho các “tù nhân chính trị”, “chuyển đổi dân chủ” và “tự do báo chí”.
Ông B. Nichols cũng cho biết, việc duy trì quan hệ với Venezuela “đang được xem xét” và Mỹ có lợi thế trong vấn đề này với một liên minh đa phương gồm nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy liên minh này gây sức ép với Venezuela. Mặc dù vậy, Mỹ cũng phải thừa nhận sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp chính phủ của Tổng thống N. Maduro chống lại các lệnh trừng phạt và phong tỏa của Mỹ. Trong khi đó, các nhân tố quyết định các vấn đề chính trị tại Venezuela lại chính là người dân nước này. Bên cạnh đó, các chính sách trừng phạt đơn phương của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela, đồng thời gây chia rẽ trong liên minh các nước từng ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
Bốn là, tập trung vào vấn đề người di cư
Với trọng tâm tập trung vào các vấn đề dân chủ và nhân quyền, Mỹ cũng sử dụng vấn đề người di cư để gây ảnh hưởng với Venezuela. Từ chỗ là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở Nam Mỹ với trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, do tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ, kinh tế Venezuela đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nền kinh tế suy giảm hơn 75% kể từ năm 2014. Thâm hụt ngân sách ở mức trung bình 20% đi kèm siêu lạm phát triền miên. Việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cần thiết đã giảm gần 95% kể từ năm 2013(5). Đại dịch COVID-19 bùng phát càng làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế mà Chính phủ Venezuela phải đối mặt. Việc giãn cách xã hội đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế. Cuộc khủng hoảng này kéo theo các hệ lụy sâu sắc trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội Venezuela.
Tình trạng đó đã khiến hàng triệu người dân Venezuela phải rời khỏi đất nước. Tận dụng tình hình đó, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ tập trung vào các hoạt động “hỗ trợ nhân đạo”, chủ yếu là cho những người Venezuela di cư sang các nước láng giềng Mỹ La-tinh. Với nội bộ nước Mỹ, ngày 8-3-2021, chính quyền của Tổng thống J. Biden đã cấp Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) cho khoảng 320.000 người Venezuela ở Mỹ với thời hạn 18 tháng và có thể được gia hạn với lý do nhằm giúp các di dân này “thoát khỏi chế độ” tại Venezuela(6) khi Mỹ cũng đồng thời tuyên bố gia hạn Sắc lệnh Hành pháp khẳng định Venezuela là mối đe dọa “đặc biệt và bất thường” với an ninh quốc gia của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường tài trợ cho các quốc gia đang tiếp nhận di dân người Venezuela. Trong năm 2020, Mỹ đã cấp hơn 528 triệu USD cho các nước láng giềng của Venezuela tiếp nhận người di cư. Trong đó, Colombia đã nhận được hơn 950 triệu USD từ Mỹ, EU, Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhật Bản(7). Colombia cũng đã cấp Quy chế bảo vệ tạm thời có thời hạn trong 10 năm cho người di cư Venezuela ở Colombia từ ngày 8-2-2021. Việc thể chế hóa các biện pháp “nhân đạo” của Mỹ được đánh giá, một mặt thể hiện việc Mỹ “quan tâm” giải quyết khủng hoảng Venezuela; song mặt khác, nhằm thu hút sự chú ý của khu vực và quốc tế đối với vấn đề “người Venezuela tị nạn”, gia tăng sức ép đối với Venezuela.
Nói tóm lại, với cách tiếp cận đa phương, chính quyền mới của Mỹ đã thể hiện sẵn sàng làm việc cùng các đối tác có ý thức hệ khác nhau trong khu vực. Đây là sự tiến bộ so với những chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Việc chính quyền của Tổng thống J. Biden đang xem xét chính sách với Venezuela đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm đến Venezuela với hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ được nới lỏng và nền kinh tế sẽ được cải thiện(8). Tuy nhiên, giải pháp cho quan hệ với Venezuela tiếp tục là một thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới. Chính phủ của Tổng thống N. Maduro tiếp tục nắm chắc quyền kiểm soát và bảo vệ các lợi ích của đất nước, trong khi phe đối lập do Juan Guaidó cầm đầu và được Mỹ hậu thuẫn ngày càng suy giảm uy tín với những chính sách chống phá và bị chia rẽ, phân hóa nghiêm trọng. Các lãnh đạo đối lập đang dần tách khỏi liên minh này và tập trung vào việc tham gia bầu cử địa phương và khu vực vào tháng 11-2021.
Với xu hướng hiện nay, Venezuela sẽ dần tiến tới ổn định chính trị và kinh tế, giành lại uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong khi đó, Mỹ cũng phải chịu áp lực về thời gian để bảo đảm có thể xây dựng được những chỉ dấu chắc chắn về chính sách của mình trong quan hệ với Mỹ La-tinh và Caribe nói chung và trong quan hệ với Venezuela nói riêng trước khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 vào năm 2022. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần có kế hoạch giải quyết những thách thức lâu dài trong khu vực, như nạn buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức, biến đổi khí hậu, kinh tế trì trệ, bất bình đẳng và bất ổn chính trị gia tăng... Với những thách thức phải đối mặt cả trong nước, khu vực và quốc tế, chính quyền mới của Mỹ sẽ không có những sáng kiến táo bạo và tham vọng tại Mỹ La-tinh trong bối cảnh khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nằm trong tổng thể chính sách đối ngoại chung và cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, trong thời gian tới, chính quyền của Tổng thống J. Biden sẽ có những bước đi mới trong quan hệ với khu vực Mỹ Latinh nói chung, với Venezuela nói riêng, sử dụng các biện pháp ngoại giao đa phương, tập trung vào sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, sự ổn định kinh tế và chính trị nhằm khôi phục lại vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực./.
-----------------------------
(1) William Burke-White: “A strategic roadmap for reentry 2021 and beyond”, https://www.brookings.edu/research/a-strategic-roadmap-for-reentry-2021-and-beyond/
(2) World Food Programme: “Venezuela reach deal to supply food to 185,000 children”, https://www.reuters.com/world/americas/un-agency-says-it-will-supply-food-venezuelan-schools-2021-04-19/
(3) Leonardo Flores: “The Capitol Raid and Pandemic Can Help Us Empathize with Venezuelans”, Venezuelan Analysis, https://venezuelanalysis.com/analysis/15165
(4) Corina Pons, Mayela Armas: “Exclusive: Venezuela asks Bank of England to sell its gold to U.N. for coronavirus relief - sources”, https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-venezuela-gold-exc-idUSKBN22B30X
(5), (7) American Congressional Research Service: “Venezuela: Background and U.S. Relations Updated April 28, 2021”, https://fas.org/sgp/crs/row/R44841.pdf
(6) The Dialogue: “Biden’s First 100 Days and Latin America Policy”, https://www.thedialogue.org/blogs/2021/04/bidens-first-100-days-and-latin-america-policy/
(8) Mayela Armas Corina Pons: “Private equity funds eye Venezuela acquisitions on hopes Biden could ease sanctions”, https://www.reuters.com/business/finance/private-equity-funds-eye-venezuela-acquisitions-hopes-biden-could-ease-sanctions-2021-05-07/
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên