Những bước phát triển mới của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) và triển vọng của cuộc cách mạng Bolivar
TCCS - Các lực lượng của Khối Yêu nước vĩ đại (GPP) do Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) dẫn đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela diễn ra vào tháng 12-2020. Kết quả này là thông điệp mạnh mẽ của người dân Venezuela thể hiện sự tín nhiệm vai trò lãnh đạo của PSUV, hướng tới tương lai thắng lợi của một dân tộc quyết giữ độc lập, chủ quyền và tự do trước những thách thức của chủ nghĩa đế quốc và lực lượng đối lập.
PSUV là chính đảng cánh tả theo học thuyết “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez và tư tưởng Simon Bolivar để hợp nhất các đảng cánh tả thành một đảng tham gia cầm quyền, lãnh đạo phong trào Chavista và Cách mạng Bolivar. PSUV chính thức ra đời ngày 14-3-2008, tiếp tục đường lối của phong trào Chavista, trở thành đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Venezuela. PSUV đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc lãnh đạo quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Với vai trò thủ lĩnh và uy tín của Tổng thống Hugo Chávez, PSUV là hạt nhân đoàn kết các lực lượng chính trị, các tầng lớp nhân dân Venezuela trong công cuộc phát triển theo đường lối mang nhiều giá trị xã hội chủ nghĩa.
Ghi nhận những thành tựu to lớn
Kể từ khi giành được chính quyền, phong trào cách mạng Bolivar đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Chính phủ cánh tả do PSUV lãnh đạo đã xây dựng những chính sách cải thiện các vấn đề thiết yếu đối với đời sống của người dân lao động. Chính phủ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống và chất lượng sống, bảo đảm an sinh, công bằng xã hội và dân chủ, bảo vệ môi trường. Venezuela cũng xây dựng được sự tự chủ chính sách, chấm dứt thời kỳ áp đặt của các nước tư bản bên ngoài, phát triển kinh tế bền vững và bảo đảm công bằng xã hội. Bên cạnh đó, Venezuela thúc đẩy sự gắn kết và hợp tác giữa Venezuela và các nước trong khu vực trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức và cấp độ hợp tác, vừa liên kết, bổ sung, vừa tăng cường vai trò, ảnh hưởng của mình. Những kết quả được ghi nhận, đó là:
Thứ nhất, về chính trị, PSUV xây dựng được một chính đảng cách mạng theo đường lối xã hội chủ nghĩa, có nền tảng sâu rộng trong hệ thống chính trị Venezuela và có ảnh hưởng lớn ở Mỹ Latin.
Trong 23 năm qua, dưới sự lãnh đạo của PSUV, Chính phủ cánh tả Venezuela cơ bản giành được sự ủng hộ của đại đa số người dân, đập tan nhiều âm mưu bạo loạn, đảo chính, lật đổ chính quyền của phe đối lập với sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài. Venezuela đã giương cao ngọn cờ chống đế quốc, chống chủ nghĩa tự do mới, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, tài nguyên đất nước và quyền lợi của người dân.
Cuộc cách mạng Bolivar do PSUV lãnh đạo tại Venezuela cho thấy cách mạng là chủ động sáng tạo và là sự nghiệp của quần chúng. Chính phủ cánh tả Venezuela giành được chính quyền không phải bằng con đường đấu tranh vũ trang mà thông qua tranh cử nghị trường hòa bình. Sau khi giành được chính quyền, Chính phủ do PSUV lãnh đạo đã tiến hành hàng loạt cuộc cải cách mạnh mẽ, đặc biệt về thể chế, xây dựng Hiến pháp mới, bầu Quốc hội lập hiến và thực hiện nhiều chính sách tiến bộ cho người dân lao động. Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Venezuela đã triển khai sửa đổi Luật Đất đai theo hướng có lợi cho người dân nghèo. Người nông dân từ chỗ không có tài sản, phải đi làm thuê cho địa chủ, nay đã có ruộng đất để sản xuất.
Về nội trị, Chính phủ Venezuela đã đấu tranh mạnh mẽ với phe đối lập theo đường lối tư bản vốn có thế lực và truyền thống lâu đời tại nước này. Với uy tín của Tổng thống Hugo Chavez, PSUV đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lực lượng, đảng phái, tổ chức chính trị ở Venezuela. Bất chấp sự chống phá quyết liệt của phe đối lập với sự hỗ trợ của các thế lực cực hữu khu vực, PSUV đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Chiến thắng của liên minh do PSUV đứng đầu trong các cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống và thống đốc địa phương đã giúp củng cố vị thế ngày càng lớn mạnh của chính quyền cánh tả.
Bên cạnh đó, PSUV cũng chú trọng phát triển lý luận, kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, xác định các hình thức đấu tranh và tập hợp lực lượng mới. Việc đoàn kết xung quanh một chính đảng cách mạng dưới sự lãnh đạo của PSUV cũng giúp loại bỏ những bất đồng, mâu thuẫn nội bộ để hợp nhất các lực lượng thành một khối thống nhất nhằm tập trung sức mạnh, đủ sức trấn áp các lực lượng phản cách mạng để hoàn thành cuộc Cách mạng Bolivar với mục tiêu nhân đạo, quyền con người và các giá trị nhân văn. Với sức mạnh đó, PSUV đã lãnh đạo công cuộc thực hiện xây dựng chính quyền nhân dân, thực hiện dân chủ cách mạng, xây dựng nhà nước pháp quyền. Venezuela cũng hướng tới xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, thành lập chính quyền nhân dân ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương.
Ngày nay, PSUV ngày càng khẳng định vị thế một đảng lãnh đạo có uy tín, chiếm thế thượng phong trên chính trường, đủ sức vượt qua những thách thức, sự chống phá của phe đối lập và các thế lực thù địch bên ngoài nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của PSUV và Tổng thống Nicolás Maduro. PSUV cũng ngày càng vững mạnh trong công cuộc lãnh đạo Venezuela hướng tới “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” với mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng, hòa bình. Đó cũng là một xã hội, nơi mọi người dân đều được quan tâm, không còn đói nghèo, tôn trọng nhân phẩm và được bảo đảm chất lượng sống.
Thứ hai, về kinh tế, PSUV đã xây dựng được nền tảng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với mô hình đặc thù dần được hoàn thiện và đổi mới.
Chính phủ Venezuela đã giải quyết thành công mục tiêu “kép” là khắc phục bất bình đẳng xã hội, bảo đảm cho mọi người dân có điều kiện làm việc, có công ăn, việc làm, không bị thất nghiệp, không bị chủ tư bản bóc lột bất công; đồng thời, xây dựng cơ sở vật chất cho một chế độ xã hội mới, nơi mọi người dân được giải phóng khỏi áp bức bất công, được mưu cầu hạnh phúc và có cuộc sống ấm no. Chính phủ đã xây dựng được những cơ chế để tạo động lực cống hiến cho xã hội và người dân được thụ hưởng xứng đáng thành quả lao động của mình.
PSUV đã lãnh đạo việc xây dựng mô hình kinh tế mới đa dạng và bền vững, bảo đảm sự phân phối công bằng, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và xã hội. Venezuela đang từng bước thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và hợp tác xã nắm vai trò chủ đạo; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển và đóng góp theo định hướng chung. Nền kinh tế được hoạch định trên cơ sở chú trọng phát triển đa dạng và bền vững, hiệu quả và phân phối công bằng; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ Venezuela đã đề xuất Quốc hội ban hành đạo luật quốc hữu hóa mới và coi đây là một trong năm động lực của Cách mạng Bolivar, bên cạnh việc tăng cường, mở rộng sự kiểm soát của chính phủ cánh tả đối với lĩnh vực ngân hàng để xây dựng và phát triển hệ thống tài chính mới.
Từ năm 2014 đến nay, PSUV đã lãnh đạo Chính phủ và nhân dân Venezuela kiên cường vượt qua cuộc “chiến tranh kinh tế” do các thế lực thù địch phát động đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện tại Venezuela. Trong sáu năm qua, các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đã cắt đứt nguồn tài chính khiến Venezuela mất tới 99% thu nhập ngoại hối. Kể từ năm 2015, mỗi năm, Venezuela mất khoảng 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu là dầu thô. Ngân sách nhà nước cạn kiệt dẫn tới tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, siêu lạm phát, đồng tiền mất giá, mức lương thấp, xuống cấp dịch vụ công (như mất điện, nước, thiếu khí đốt, xăng dầu...).
Trước tình trạng đó, Venezuela tăng cường đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm thiết yếu, từ việc tự sản xuất nội địa và nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran..., đến sử dụng nhiều biện pháp chống lạm phát, áp dụng các chính sách kinh tế cởi mở hơn, chấp nhận sử dụng đồng đô la Mỹ trong các giao dịch dân sự; ngăn chặn tham nhũng; ngăn chặn những vụ phá hoại của các phần tử chống đối. Bên cạnh đó, mạng lưới chợ lương thực - thực phẩm (MERCAL) và gói hỗ trợ CLAP của Chính phủ Venezuela đã phân phối hàng trăm nghìn tấn lương thực mỗi tháng để bảo đảm phần nào nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, nhất là người nghèo.
Thứ ba, về văn hóa - xã hội, PSUV đã xây dựng vững chắc nền tảng xã hội xã hội chủ nghĩa, thực hiện công bằng xã hội và bảo đảm quyền lợi của mọi người dân.
Venezuela hướng tới xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, chủ trương phân phối công bằng của cải xã hội, giải quyết vấn đề bất bình đẳng và phân hóa xã hội, quan tâm đến người nghèo. PSUV đã lãnh đạo Chính phủ thực hiện nhiều tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của cách mạng Bolivar. Chính phủ Venezuela đề ra các chính sách cải cách xã hội, đổi mới giáo dục, xây dựng trường học đến tận các khu phố lao động. Đặc biệt, người nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế miễn phí. Người dân bản địa được tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Kết cấu hạ tầng cải thiện... Những đòi hỏi thực tế, thiết thực của đại đa số người dân được quan tâm, giải quyết. Nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhà ở được Chính phủ bảo đảm. Điện, nước và giao thông công cộng bao cấp. Người dân được tự do đi lại, học tập, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, chăm lo sức khỏe.
PSUV đã phát huy được truyền thống giá trị nhân đạo và giải phóng, một tư tưởng tiến bộ thừa hưởng từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Venezuela trong việc đồng hành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Venezuela từng bước tiến hành cải cách sâu rộng về kinh tế - xã hội, chuyển từ mô hình kinh tế tự do mới sang mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước đi đôi với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh chống tham nhũng. Tiến hành cải cách ruộng đất, xóa đói, giảm nghèo, xóa nạn mù chữ. Tạo công ăn việc làm, cung cấp vốn, tín dụng cho người có thu nhập thấp. Xây dựng nhà ở cho người nghèo, cải thiện các lĩnh vực y tế, văn hóa cộng đồng. Đấu tranh chống phân biệt chủng tộc; điều chỉnh luật pháp theo hướng coi trọng lợi ích quốc gia và có lợi cho người lao động…
Venezuela cũng đẩy mạnh cải cách giáo dục, bảo hiểm xã hội công bằng, tăng chi trả xã hội và đặc biệt là quan tâm đến phân phối thu nhập và bảo đảm cuộc sống cho người nghèo. Theo đó, tăng cường bảo trợ toàn bộ hệ thống an sinh xã hội thông qua thẻ Tổ quốc, tái phân phối lại nguồn thu nhập quốc dân dồi dào trong thời điểm giá dầu cao thông qua các “Sứ mệnh vĩ đại”, Ủy ban cung ứng và sản xuất địa phương (CLAP), các chương trình thanh niên, phân phối hàng hóa cho người nghèo...
Với nhiều nỗ lực, Venezuela đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tính đến ngày 5-12-2020, Venezuela đã xây dựng được 3.300.000 ngôi nhà cho người nghèo trong chương trình “Đại dự án nhà ở” trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, sự phong tỏa của các thế lực thù địch và đại dịch COVID-19.
Về an ninh, trật tự, Chính phủ Venezuela đã tăng cường trấn áp, sử dụng các lực lượng bán quân sự, dân quân tham gia bảo vệ trị an, làm giảm đáng kể tỷ lệ các vụ phạm tội nghiêm trọng, bắt cóc tống tiền... Trong năm 2020, đối phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ Venezuela khẩn trương và kiên quyết thực hiện việc giãn cách xã hội triệt để ngay từ những ngày đầu dịch bệnh, huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống và dập dịch. Bên cạnh đó, Venezuela cũng huy động được sự hỗ trợ vật tư y tế của các nước bạn như Cuba, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Việt Nam...
Thứ tư, về đối ngoại, PSUV củng cố quan hệ với các đảng cánh tả, phong trào cách mạng và các nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa và tiến bộ trên thế giới.
Với đường lối cách mạng Bolivar và dưới sự lãnh đạo của PSUV, hoạt động ngoại giao của Venezuela kể từ thời kỳ của Tổng thống Hugo Chavez đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Venezuela triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chống đế quốc, chống chủ nghĩa tự do mới. Thúc đẩy tăng cường liên kết, hợp tác và đoàn kết khu vực là một hướng ưu tiên, thể hiện rõ nét chủ nghĩa quốc tế của “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Venezuela cũng giương cao ngọn cờ ủng hộ cách mạng Cuba, ủng hộ việc dân chủ hóa và cải cách Liên hợp quốc.
Đặc biệt, Venezuela tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết với phong trào cánh tả Mỹ Latin. Sự đoàn kết, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực của Venezuela đã góp phần giúp các nước cánh tả trong khu vực ổn định kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước tư bản Tây Âu, Bắc Mỹ. Hợp tác, liên kết khu vực được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trên cơ sở tôn trọng độc lập dân tộc và chủ quyền của các quốc gia.
Venezuela chủ trương liên kết các quốc gia Mỹ Latin thành một khối với chính sách đối ngoại chung, tăng cường đoàn kết sức mạnh chính trị và xã hội của cuộc cách mạng Bolivar trong khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, Venezuela đã có nhiều sáng kiến và biện pháp để thúc đẩy hội nhập tại Mỹ Latin thông qua các tổ chức khu vực như Liên minh Bolivar cho các Dân tộc Nam Mỹ (ALBA), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), Hiệp định thương mại ALBA (ALBA - TCP) với mục tiêu phản đối sự can thiệp của Mỹ, hỗ trợ các nước trong khu vực với nhiều thỏa thuận song phương và tiểu vùng về năng lượng như Dầu khí Caribe (Petrocaribe), Dầu khí khu vực Andean (Petroandino) và Dầu khí Nam Mỹ (Petrosur). Bên cạnh đó, PSUV cũng tích cực hoạt động và phát huy vai trò trên các diễn đàn cánh tả khu vực và trên thế giới.
Thứ năm, về quốc phòng, an ninh, PSUV đã bảo đảm độc lập, tự chủ thực sự của đất nước, xây dựng được lực lượng vũ trang và liên minh quân dân trung thành với lợi ích của đất nước và đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đường lối cách mạng đã hình thành một học thuyết quân sự mới của Venezuela, dựa trên học thuyết chiến tranh nhân dân, đề cao vai trò liên minh quân dân và các lực lượng dân sự có vũ trang. Venezuela cũng tăng cường hiện đại hóa quân đội, nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh chống khủng bố, chống lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây; tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu, bao gồm sáu thành phần gồm lục quân, hải quân, không quân, Vệ binh quốc gia, Lực lượng dự bị và Lực lượng bảo vệ lãnh thổ.
Cuộc cách mạng Bolivar của Venezuela do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng, được PSUV kế tục lãnh đạo đã đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Venezuela đã vững vàng trước sự chống phá quyết liệt trên mọi phương diện của các thế lực thù địch nhằm gây bất ổn và xóa bỏ sự lãnh đạo của PSUV đối với Venezuela. Với sự ủng hộ của người dân, Chính phủ của Tổng thống N. Maduro đã từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái những thành quả cách mạng Bolivar, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết của dân tộc và bảo vệ con đường tiến lên “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” với đặc sắc riêng của Venezuela và Mỹ Latin.
Những thách thức phía trước
Mặc dù đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực, song những khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp cách mạng Bolivar và PSUV vẫn còn rất lớn.
Một là, về chính trị, PSUV cần xác định rõ đường lối cách mạng và mô hình xã hội mà Venezuela hướng tới. Bên cạnh đó, liên minh cầm quyền do PSUV lãnh đạo chưa thật sự thống nhất và bền vững do có nhiều lực lượng theo các khuynh hướng chính trị và lợi ích khác nhau. Hình thái dân chủ tham gia mới hoàn chỉnh về mặt hình thức, trong khi nội dung và cách thực hiện vẫn còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn.
Mặc dù chiến thắng áp đảo nhưng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6-12-2020 chỉ đạt khoảng 30%, cho thấy PSUV cần tiếp tục củng cố cơ sở chính trị - xã hội của cách mạng Venezuela để làm chỗ dựa vững chắc cho công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, “chủ nghĩa thủ lĩnh” ở các nước Mỹ Latin nói chung và ở Venezuela nói riêng còn sâu sắc và có ảnh hưởng rất lớn. Đây cũng là thách thức khi kinh tế - xã hội đất nước đang trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Ngoài ra, phe đối lập Venezuela vẫn còn tiềm lực mạnh về kinh tế, được Mỹ và các nước cánh hữu khu vực ủng hộ, có khả năng khống chế nguồn vốn đầu tư và tác động đến một bộ phận người dân.
Hai là, nền kinh tế Venezuela chưa thực sự phát triển bền vững, chưa đa dạng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu kinh tế vẫn phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ. Hầu hết các sản phẩm tiêu dùng đều phải nhập khẩu và càng trở nên khan hiếm khi Venezuela chịu các lệnh cấm giao dịch của Mỹ và các nước phương Tây. Venezuela cũng cần khắc phục những bất cập trong xây dựng, triển khai các cải cách về kinh tế - xã hội. Việc cơ cấu vốn tài trợ quá lớn cho các chương trình xã hội trong nước và viện trợ cho các nước khu vực dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, chính sách bao cấp chi phí điện, nước sinh hoạt, khí đốt, xăng dầu và tình trạng thất thoát lãng phí... đã khiến Venezuela lâm vào cảnh nợ nước ngoài, cạn kiệt ngân sách, phải chật vật xoay sở để có thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men cho người dân. Cùng với đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa, Venezuela cũng cần thực sự đa dạng hóa nền kinh tế và các thành phần kinh tế, siết chặt chi tiêu công, tăng nguồn lực đầu tư phát triển.
Ba là, về văn hóa, xã hội, công tác giáo dục và y tế mới phát triển theo chiều rộng, mang tính phong trào nên chất lượng không cao. Việc bao cấp các chi phí khám, chữa bệnh và giáo dục cũng khiến ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Việc làm của người dân tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, việc làm không chính thức và thời vụ vẫn là chủ yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao. Chất lượng việc làm thấp nên thu nhập của đa số người dân chưa được cải thiện.
Bốn là, về đối ngoại, an ninh - quốc phòng, việc triển khai thực hiện chính sách đối ngoại của Venezuela còn bộc lộ những bất cập, mang tính chủ quan, duy ý chí. Vấn đề an ninh chưa được giải quyết triệt để, nhất là tại các khu lao động, tội phạm giảm nhưng còn phổ biến. Việc đấu tranh không triệt để trong trấn áp bạo lực và các hành động chống phá của phe đối lập cánh hữu có nguy cơ phá hủy những thành quả cách mạng đã đạt được, mất an ninh xã hội và niềm tin của người dân. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng phần nào ảnh hưởng đến lực lượng vũ trang và việc tăng cường trang thiết bị hiện đại trong bối cảnh thường trực nảy sinh các mối đe dọa đối với chủ quyền đất nước.
***
Trong suốt quá trình tiến hành cuộc cách mạng Bolivar, đất nước Venezuela đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố. Tiến trình hiện thực hóa mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” tại Venezuela đến nay kéo dài chưa lâu, nhưng đã đạt được những thành quả to lớn. Mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” tại Venezuela là nét đặc sắc của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latin nói riêng và trên thế giới nói chung. Không chỉ kế thừa, áp dụng, phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong bối cảnh văn hóa chính trị Venezuela và Mỹ Latin, mô hình này còn kết hợp nhuần nhuyễn với các đặc điểm dân tộc dân chủ, tính chất bản địa và thực tiễn của tư tưởng tiến bộ Bolivar. Mặc dù còn giới hạn trong khuôn khổ dân chủ tư sản và chủ nghĩa dân túy, cuộc cách mạng Bolivar đã phát huy được động lực quan trọng của cách mạng với quá trình dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội, các chương trình cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh sâu rộng với quyết tâm từng bước xóa bỏ tàn dư của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, khắc phục những hậu quả của chủ nghĩa tự do mới, đã từng bước đưa Venezuela tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa vì hạnh phúc của toàn dân.
Vượt qua những ý kiến hoài nghi về tương lai của cuộc cách mạng do những biến động về lãnh đạo; vượt qua khủng hoảng chính trị - xã hội, sự chống phá quyết liệt của các thế lực theo đường lối tư bản chủ nghĩa, sự bao vây phong tỏa của Mỹ, của các nước phương Tây và các nước cánh hữu khu vực trong “cuộc chiến kinh tế” nhằm cô lập và xóa bỏ chính quyền cánh tả tại Venezuela; cách mạng Bolivar vẫn tiếp tục trụ vững, củng cố vai trò, vị thế trong nước và tiếp tục đạt những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. PSUV và cuộc cách mạng Bolivar vẫn là mô hình và biểu tượng về sự mạnh mẽ, tích cực, mang tính dân tộc, đa dạng, phù hợp với thực tiễn đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các quốc gia Mỹ Latin và trên thế giới.
Với những nỗ lực không ngừng, cho đến nay, Tổng thống Nicolas Maduro và Chính phủ Venezuela đã thành công trong việc ổn định tình hình nội trị, nắm vững chính quyền và kiểm soát thành công đại dịch COVID-19. Kết quả đó được ghi nhận thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, nhất là chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ổn định tại Venezuela, là cơ sở để Venezuela đưa cách mạng Bolivar tiến về phía trước, biến lý tưởng về một mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI với những đặc trưng của Venezuela và Mỹ Latin sớm trở thành hiện thực./.
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên