TCCS - Những năm qua, huyện Sóc Sơn đẩy mạnh thu hút đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ - du lịch sinh thái, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Sóc Sơn là huyện cửa ngõ phía bắc của Thủ đô Hà Nội. Đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa cách mạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của Thủ đô. Huyện Sóc Sơn có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển với hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy. Đặc biệt là có Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, giúp giao thương hàng hóa với khu vực nội thành và các tỉnh phía Bắc cũng như cả nước hết sức thuận lợi.
Trong những năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa kinh tế - xã hội huyện liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn (2015 - 2020) tăng 9,64%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Sóc Sơn vẫn đạt 4,96% (cao hơn 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với thành phố Hà Nội).
Đặc biệt, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đến nay, 25/25 xã đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Cuối năm 2021, huyện Sóc Sơn đã không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.
Gắn kết công nghiệp - dịch vụ - du lịch sinh thái trong phát triển kinh tế
Sóc Sơn là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc với Thủ đô. Trên địa bàn huyện có cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 18 Hà Nội - Quảng Ninh, đường Võ Nguyên Giáp và nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh khác.
Ngoài ra, huyện còn có tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, hệ thống giao thông thủy với cảng đường thủy nội địa ở xã Trung Giã,… đặc biệt là sân bay quốc tế Nội Bài - cảng hàng không lớn nhất miền Bắc.
Sóc Sơn có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn, nằm xen kẽ nhau tạo thành cảnh quan thiên nhiên phong phú và hệ thống các di tích văn hóa, thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch - dịch vụ.
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, Sóc Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2025 - 2030, huyện chú trọng phát triển không gian văn hóa du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Xác định trọng điểm trong thu hút đầu tư
Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sóc Sơn được định hướng cùng với Đông Anh, Mê Linh trở thành thành phố phía bắc của Thủ đô. Định hướng này đang được cụ thể hóa lộ trình thực hiện tại các đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065.
Trong đó, huyện Sóc Sơn được quy hoạch thành trung tâm kết nối vùng, liên vùng và quốc tế của Thủ đô, là động lực phía bắc thúc đẩy phát triển Thủ đô. Xây dựng đô thị Sóc Sơn trở thành đô thị phát triển về dịch vụ, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hướng tới mục tiêu thu hút dân cư, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, bảo đảm sự cân đối, hài hòa vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.
Để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu theo quy hoạch, bên cạnh huy động nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư. Từ nay đến năm 2030, huyện sẽ tập trung phát triển và khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ đào tạo, y tế,…
Cụ thể, phát triển các khu, cụm công nghiệp (khu công nghiệp sạch Tân Dân - Minh Trí, các cụm công nghiệp CN2, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn), các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sân golf Phù Linh, khu nghỉ ngơi cuối tuần, các trung tâm điều dưỡng người cao tuổi),.... Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; triển khai Dự án mở rộng quốc lộ 3 theo quy hoạch.
Ngoài ra, tiếp tục đề xuất, chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng đường nối quốc lộ 3 - Trường đua ngựa - Đức Hòa (đường biên phía đông Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn); Dự án Xây dựng đường nối quốc lộ 3 đến đường vành đai phía đông Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn; Xây dựng tuyến đường liên vùng nối Đại Lải đi sân bay Nội Bài;…
Trước mắt, hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn; tiếp tục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp Lai Sơn 1, Lai Sơn 2, Cụm công nghiệp Thanh Xuân - Tân Dân, trung tâm mua sắm outlet, trung tâm logistics, các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, bệnh viện Lão khoa,…
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ kinh tế hộ với doanh nghiệp, thị trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,...
Kết quả bước đầu và những nhiệm vụ trọng tâm
Trong năm 2023, kinh tế của huyện phát triển theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 22.035 tỷ đồng, tăng 8,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,46%; dịch vụ tăng 12,75%...
Về lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện gieo trồng 23.054ha, bằng 99,98% kế hoạch năm, tăng 0,07% so cùng kỳ. Trong năm 2023, huyện tiếp tục duy trì, hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Phát triển mô hình 5ha cây dược liệu tại các xã: Xuân Giang, Bắc Sơn, Xuân Thu; 4ha sim ở xã Bắc Sơn; 7 vùng sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, rau hữu cơ với diện tích hàng nghìn héc ta...
Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp dần được phục hồi và tăng trưởng khá. Năm 2023, trên địa bàn huyện có 2.741 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 7.870 tỷ đồng, tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước.
Trên địa bàn huyện hiện có 2.741 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong đó có 47 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 16.558 lao động; 2.694 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thu hút và tạo việc làm cho trên 31.756 lao động. Các ngành hoạt động chủ yếu gồm: Thương mại (1.578 doanh nghiệp, chiếm 58,57%); dịch vụ (152 doanh nghiệp, chiếm 5,64%); nông nghiệp (135 doanh nghiệp, chiếm 5,01%); công nghiệp (593 doanh nghiệp, chiếm 22,02%), xây dựng (236 doanh nghiệp, chiếm 8,76%). Năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 57,4% so với năm 2022.
Ngoài ra, huyện Sóc Sơn ưu tiên nguồn lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng sản xuất; sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 11 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu thành phố và Đảng bộ huyện giao... Năm 2023, huyện phát triển được 36 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện lên 125 sản phẩm...
Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, quy mô sản xuất nông nghiệp của huyện Sóc Sơn nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Tiến độ triển khai các dự án và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào dự án cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện nay còn tương đối chậm, gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Việc quản lý, phát triển hạ tầng chợ nông thôn còn gặp nhiều khó khăn…
Năm 2024, huyện tập trung triển khai hiệu quả chương trình OCOP, đặc biệt chú ý lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương gắn với tăng cường xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch thương mại điện tử… Huyện đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt từ 9 - 9,5%.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Sóc Sơn đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch các ngành kinh tế. Huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Tháo gỡ, xử lý dứt điểm những tồn tại ở chợ Phù Lỗ là nhiệm vụ được huyện chú trọng trong năm 2024. Tập trung giải quyết thủ tục pháp lý mời gọi nhà đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Mai Đình; thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động tại Cụm công nghiệp CN3.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn sẽ chủ động rà soát, hoàn thiện một số nội dung quản lý công trình thuỷ lợi. Tập trung quản lý, bảo vệ hồ, ao đầm ngoài khu dân cư. Sớm hoàn thành lập phương án quản lý đất bờ, bãi sông. Đồng thời, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2024, phấn đấu năm 2025 huyện sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã để năm 2026 hoàn thiện hồ sơ huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận.
Trên cơ sở kế hoạch phát triển chung, huyện yêu cầu mỗi ngành, lĩnh vực xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai, với tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Mỗi đơn vị lựa chọn 5 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu./.
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ  (02/11/2024)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh truyền thông y tế trong tình hình mới  (01/11/2024)
Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm tra, giám sát  (20/10/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển