Kinh nghiệm của tỉnh Hà Tĩnh phục hồi và phát triển trở lại sau đại dịch COVID-19
Tỉnh Hà Tĩnh nằm trong vùng đất chịu nhiều thiên tai, bão lũ hằng năm, là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, khẩn trương của các cấp lãnh đạo, sự quyết tâm đồng lòng của toàn dân, tỉnh Hà Tĩnh đã vững vàng đứng lên sau đại dịch.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tuy vậy, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, diễn biến dịch bệnh, thời tiết bất thường, đặc biệt đại dịch COVID-19 và mưa lũ xảy ra từ tháng 10 đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng đạt 0,53%; trong đó: nông nghiệp tăng 3,76%, công nghiệp và xây dựng tăng 0,48%, khu vực dịch vụ giảm 0,43%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng, tương đương 2.700 USD. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 15,82%, công nghiệp - xây dựng 41,95%, khu vực dịch vụ 42,23%. Mặc dù có giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng thu ngân sách cả năm ước đạt 12.210 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán, bằng 90,6% so với năm 2019. Trong đó: Thu nội địa đạt 7.500 tỷ đồng (bằng 104,2% dự toán, bằng 103,7% so với năm 2019, đây là năm đầu tiên kể từ năm 2016 thu ngân sách nội địa vượt kế hoạch Bộ Tài chính giao); thu xuất nhập khẩu 4.710 tỷ đồng (bằng 69,3% dự toán, giảm 28,2% so với năm 2019).
Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phòng của địa phương. Năm 2020, Hà Tĩnh thành lập mới 950 doanh nghiệp (giảm 8,4% so với năm 2019); 2.617 hộ kinh doanh (tăng 9,68%) và 38 hợp tác xã (tăng 15,15%). Chấp thuận chủ trương 62 dự án, trong đó 61 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.500 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD; ngoài ra, điều chỉnh vốn đầu tư 1 dự án FDI từ 1,2 triệu USD lên 32 triệu USD. Mặc dù tổng số dự án chấp thuận chủ trương đầu tư giảm mạnh so với năm 2019 nhưng số vốn đăng ký tăng cao hơn; vốn đầu tư trong nước tăng 2,7%, vốn đầu tư FDI tăng gấp 2,6 lần.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 26.393 tỷ đồng, đạt 72,13% kế hoạch; trong đó: vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 108,3% kế hoạch; vốn ngoài nhà nước đạt 85,7% kế hoạch; vốn FDI chỉ đạt 30,5% kế hoạch. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh trên địa bàn ước đạt 1.352 triệu USD, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 440,54 triệu USD (giảm 9,26% so với cùng kỳ); xuất khẩu mặt hàng thép từ Formosa ước đạt 388,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 88,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhập khẩu ước đạt 765,9 triệu USD (giảm 35,82% so với cùng kỳ).
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30-11-2020 đạt 6.606 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 71,4% kế hoạch).
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn khi kết quả thực hiện còn 6/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất kể từ năm 2016. Thu xuất, nhập khẩu giảm mạnh, tổng thu ngân sách không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2019. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, đặc biệt là huy động vốn FDI chỉ 30,5% kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu quan trọng khác.
Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh COVID-19 khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Cải cách hành chính một số mặt, lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.
Đến năm 2021, Hà Tĩnh đã có những khởi sắc nhất định. Đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; năm tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh... Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những biến động lớn, nhất là đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát; giá chi phí đầu vào tăng trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiếu ổn định; một số hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội bị ngưng trệ; một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề; ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi ở một số vùng, địa phương, nhất là dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch tả lợn châu phi đã gây thiệt hại không nhỏ đến sản lượng và việc tái đàn, tăng đàn.
Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị đã tập trung phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh; các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội… Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả khá tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống người dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được bảo đảm.
Tốc độ tăng trưởng GDRP năm 2021 của Hà Tĩnh ước tăng 5,02% so với năm 2020, xếp thứ 4 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 67,03 triệu đồng/người/năm (tăng 4,91 triệu đồng/người/năm so với năm 2020). Mặc dù tăng trưởng chưa đạt so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, kết quả đạt được cũng đã khẳng định sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tổ chức doanh nghiệp và người dân trong thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cơ cấu kinh tế: 2021 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,52%, giảm 0,79 điểm % so với năm 2020; khu vực công nghiêp - xây dựng chiếm 43,95% tăng 3,47 điểm %; khu vực dịch vụ chiếm 31,76%, giảm 2,82 điểm %; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,77% tăng 0,16 điểm %.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa đông xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay ở mức 58,95 tạ/ha; hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, cùng với đó là dịch viêm da, nổi cục xuất hiện đã gây khó khăn cho tái đàn, tăng đàn; sản lượng gỗ khai thác tăng so với cùng kỳ; sản xuất thủy sản đang nỗ lực ổn định trong trạng thái bình thường mới và tuân thủ các biện pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Cây trồng hằng năm sơ bộ đạt 104.923 ha, tăng 1.028 ha so với năm trước; năng suất lúa ước tính đạt 55,33 tạ/ha, tăng 3,92 tạ/ha, sản lượng lúa ước tính đạt 580.512 tấn, tăng 46.446 tấn; sản lượng ngô cả năm sơ bộ đạt 52.828 tấn, bằng 114,02% (tăng 6.497 tấn) so với năm trước; sản lượng khoai lang cả năm sơ bộ đạt 25.943 tấn, bằng 106,32% (tăng 1.542 tấn) so với năm trước; sản lượng lạc cả năm sơ bộ đạt 29.130 tấn, bằng 105,18% ( tăng 1.435 tấn) so với năm trước; sản lượng rau cả năm sơ bộ đạt 95.395 tấn, bằng 105,88% (tăng 5.302 tấn) so với năm trước.
Sơ bộ tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 31.510 ha, bằng 100,2% (tăng 61 ha) so với năm 2020, trong đó diện tích cây ăn quả là 19.103 ha, bằng 103,7% (tăng 672 ha), chiếm 60,6% tổng diện tích cây lâu năm, (diện tích cây cam sơ bộ đạt 7.476 ha, (tăng 263 ha); diện tích cam cho sản phẩm 6.061 ha, (tăng 602 ha); diện tích cây bưởi sơ bộ đạt 3.949 ha, (tăng 274 ha); diện tích bưởi cho sản phẩm 2.860 ha, (tăng 398 ha). Sản lượng cây ăn quả sơ bộ đạt 152.067 tấn, bằng 112,2% (tăng 16.519 tấn) so với năm 2020, trong đó: sản lượng cam sơ bộ đạt 58.026 tấn, (tăng 10.361 tấn); sản lượng bưởi sơ bộ đạt 31.629 tấn, (tăng 5.827 tấn) so với năm 2020.
Tổng đàn trâu có 67.150 con, bằng 99,87% (giảm 89 con) so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò có 168.550 con, bằng 99,74% (giảm 437 con), đàn lợn có 408.721 con, bằng 100,82% (tăng 3.308 con); tổng số gia cầm có 10,1 triệu con tăng 0,15%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 ước đạt 67.916 tấn, bằng 100,04% (tăng 26 tấn) so với năm 2020. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 9.815 tấn, bằng 97,37% (giảm 265 tấn) so với năm 2020. Sản lượng thịt trâu hơi đạt 3.564 tấn giảm 2,62%; sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 25.038 tấn, bằng 105,53% (tăng 1.312 tấn) so với năm 2020. Sản lượng trứng năm 2021 ước đạt 351.502 ngàn quả, bằng 103,57% (tăng 12.116 ngàn quả) so với năm 2020.
Năm 2021, diện tích rừng trồng mới sơ bộ toàn tỉnh ước tính đạt 8.857 ha, tăng 3,75% so với năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 3.001 nghìn cây, giảm 8,87%; sản lượng gỗ khai thác đạt 471.089 m3, tăng 18,33%; sản lượng củi khai thác đạt 471.868 ste, giảm 1,66%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 13,8 ha, giảm 83,80% so với năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1,23 ha, giảm 97,91%; diện tích rừng bị chặt phá là 12,57 ha, giảm 52,38%.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 sơ bộ đạt 54.485 tấn, giảm 1,78% so với năm trước, bao gồm: Cá đạt 32.737 tấn, giảm 1,11%; tôm đạt 6.420 tấn, tăng 1,39%; thủy sản khác đạt 15.328 tấn, giảm 4,4%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm nay sơ bộ đạt 15.797 tấn, giảm 1,15% so với năm trước, bao gồm cá đạt 7.137 tấn, giảm 1,45%; tôm đạt 5.334 tấn, tăng 1,93%; thủy sản khác đạt 3.326 tấn, giảm 5,13%.
Sản lượng thủy sản khai thác năm 2021 sơ bộ đạt 38.688 tấn, giảm 2,03% so với năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 25.600 tấn, giảm 1,02%; tôm đạt 1.086 tấn, giảm 1,18%; thủy sản khác đạt 12.002 tấn giảm 4,19%.
Sản xuất công nghiệp diễn ra trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đã linh hoạt triển khai các giải pháp, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép để tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn giữ vững vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hà Tĩnh. Ước tính năm 2021, Formosa Hà Tĩnh sản xuất đạt 5,4 triệu tấn thép tăng 23,21% so với năm 2020. Việc Formosa đi vào hoạt động sản xuất ổn định, hiệu quả đã tác động lớn tới hoạt động công nghiệp toàn tỉnh.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm tăng 15,6% so với cùng kỳ; số vốn đăng ký tăng 80% là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Tính đến ngày 15-12-2021, toàn tỉnh thành lập mới 1.086 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 13.259 tỷ đồng (tăng 15,6% về số lượng và 80% về số vốn đăng ký). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 là 7,8 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký lớn như CTCP Tập đoàn D&N (2.600 tỷ đồng), CTCP Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh (1.800 tỷ đồng); Công ty TNHH T&T Land Thạch Bình (900 tỷ đồng).
Song song với số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong năm do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, toàn tỉnh có 417 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020), 136 doanh nghiệp giải thể (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020); doanh nghiệp có phát sinh thuế chỉ chiếm 47%.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh và cả nước vào những ngày cuối tháng 4-2021 đến nay, nên hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 46.778,58 tỷ đồng, giảm 0,42% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020; mức tăng chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thép (xuất khẩu thép từ Formosa ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa (gần 2,9 tỷ USD).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15-12-2021 đạt 15.302,89 tỷ đồng, bằng 151,12% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó thu nội địa ước đạt 7.881,28 tỷ đồng tăng 11,49% so với năm 2020, tập trung chủ yếu vào các nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, thuế ngoài quốc doanh ước đạt 2.732,68 tỷ đổng giảm 20,64% so với năm 2020; các khoản thu về nhà đất ước đạt 3.043,80 tỉ đổng tăng 59,60%; thu phí,lệ phí ước đạt 735,47 tỷ đồng tăng 55,41% .... Bên cạnh các khoản thu nội địa thì thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.668,98 tỷ đồng, tăng 218,71% so với năm trước.
Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15-12-2021 đạt 19.975,13 tỷ đồng bằng 105,59% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 9.662,41 tỷ đồng chiếm 48,37% tổng chi, tăng 15,25% so với năm trước; chi thường xuyên đạt 10.296,48 tỷ đồng chiếm 51,55% tổng chi, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động ngân hàng mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt hoạt động. Trong năm 2021, nguồn vốn huy động tăng trưởng tốt ước đến cuối năm 2021 đạt 87.699 tỷ đồng, tăng 25,3%, so với cuối năm 2020. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 11.402 tỷ đồng, tăng (tăng 28,56% so với cuối năm 2020). Dư nợ cho vay đến 30-12-2021 ước đạt 70.465 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cuối năm 2020, đạt 96,3% so với kế hoạch đề ra.
Hoạt động đầu tư năm 2021, trên địa bàn ước đạt 27.314 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch giao, tăng 5,06% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 31% GRDP, trong đó: Nguồn vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.039 tỷ đồng, tăng 10,87% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước tăng (51,05%), trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia gấp 4,67 lần so với năm 2020; nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước ước đạt 17.898 tỷ đồng, tăng 18,02% so với cùng kỳ.
Hoạt động ngành xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm năm 2021 ước tính giảm -3,63% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các yếu tố về khó khăn chung của nền kinh tế như tình hình dịch bệnh COVID- 19, giá vật liệu xây dựng tăng cao thì nguyên nhân chủ yếu là do gặp một số khó khăn, vướng mắc thủ tục ở các bộ ngành làm chậm tiến độ khởi công các dự án như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy điện gió HBRE, Khu đô thị Nam Cầu Phủ...
Chỉ số giá tiêu dùng trên thị trường năm 2021 có sự biến động lớn. Một số nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá tăng cao so với năm trước như: Nhóm hàng đồ uống, may mặc, vật liệu xây dựng, giáo dục, giao thông; tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến một số dịch vụ giải trí tiếp tục phải tạm ngừng hoạt động. Xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn, ảnh hưởng đến cung cầu tiêu dùng trong tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tỉnh đã hướng tới những mục tiêu sau:
Một là, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 nhằm làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục cho giai đoạn tới, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Hai là, hướng đến mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người thuộc các tỉnh dẫn đầu Bắc Trung Bộ. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, định hướng phát triển là xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã hội tiến bộ và công bằng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người thuộc các tỉnh dẫn đầu Bắc Trung Bộ, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm 2021 - 2025 đạt trên 10%/năm (theo phương pháp tính mới thống nhất cả nước). Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp dưới 9%, công nghiệp - xây dựng trên 55% (trong đó công nghiệp chiếm trên 47%); dịch vụ trên 36%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 26 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 16 nghìn tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng tối thiểu 27% tổng chi ngân sách trên địa bàn. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5% (theo tiêu chí giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%.
Ba là, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực, vùng có lợi thế trên cơ sở tập trung nguồn lực. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Chuyển dần từ tăng chủ yếu dựa vào đầu tư, lao động phổ thông sang tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đổi mới quản lý; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, du lịch; tiếp tục cơ cấu lại nội ngành các lĩnh vực kinh tế; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; thúc đẩy phát triển kinh tế số; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Bốn là, xây dựng khu kinh tế Vũng Áng thành cực tăng trưởng chính. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành một cực tăng trưởng chính thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững với 3 trụ cột: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo; trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển; phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại; trong đó dự án Khu liên hiệp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh đóng vai trò hạt nhân. Phát triển các thành phần kinh tế; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, nhất là những lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển. Tập trung các giải pháp tăng thu ngân sách, thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là phát triển các đô thị động lực, hạ tầng nông thôn kết nối đô thị, hình thành các trục phát triển, hạ tầng số, nước sạch, vệ sinh môi trường; thu hút và đẩy nhanh các dự án trọng điểm, phát triển. Phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng đô thị. Tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình phát triển nhà ở; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Năm là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ kỹ thuật cao. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh và sức mạnh toàn dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáu là, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực viễn thông và internet, an ninh mạng và an toàn thông tin. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, triển khai ứng dụng thành công nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung, đồng bộ các hệ thống thông tin trong phạm vi toàn tỉnh. Tin học hóa tất cả các quy trình nghiệp vụ trong hoạt động cơ quan nhà nước, bảo đảm 100% các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 4, hướng tới mọi công dân đều được tiếp cận các dịch vụ hành chính công, một cửa điện tử giao tiếp với các cơ quan nhà nước. Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn tỉnh. Triển khai tốt hoạt động bưu chính công ích. Phát triển và nâng cao chất lượng báo chí, truyền thông. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp và tinh gọn bộ máy; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19  (27/05/2022)
Kết nối và phát huy các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh  (27/05/2022)
Dịch bệnh COVID-19 và chính sách tài khóa của Việt Nam  (27/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay