Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và một số giải pháp ứng phó
TCCS - Đại dịch COVID-19 đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế đối với cung - cầu hàng hóa. Ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đầu vào nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt từ các nước châu Á. Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới trong và sau đại dịch COVID-19 là nhu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.
Tác động tới chuỗi cung ứng thương mại khu vực
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu và đang gây thiệt hại nặng nề, làm gián đoạn chuỗi cung ứng thương mại quốc tế do các chuỗi cung ứng từ nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, điện tử và thiết bị y tế của thế giới đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2018, Trung Quốc chiếm tới 28% sản lượng hàng hóa chế tạo toàn cầu. Hầu hết các chuỗi cung ứng quan trọng đều tập trung ở Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 làm nổi bật vai trò quan trọng và tác động của Trung Quốc đến mọi nền kinh tế khác, từ ngành sản xuất thiết bị kiểm tra thân nhiệt đến nguồn cung ứng thực phẩm. Đại dịch đã gây ra sự gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu. Các chuỗi cung ứng trong khu vực bị ảnh hưởng và các công ty không thể tiếp cận với nguyên liệu và sản phẩm. Mức tập trung cao khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhanh hơn, dẫn đến sụt giảm thương mại quốc tế trầm trọng.
Đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rõ những rủi ro khi chuỗi cung ứng các sản phẩm, thiết bị thiết yếu bị gián đoạn do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu, vấn đề lưu thông hàng hóa, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn như trước khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả, nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn của Trung Quốc. Mạng sản xuất toàn cầu bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy. Mức tập trung cao khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm thương mại quốc tế. Báo cáo của Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) cho thấy, năm 2020, GDP toàn cầu giảm 5,2% - mức suy thoái sâu nhất trong 8 thập niên (1940 - 2020). Trong số 14 đợt suy thoái toàn cầu, đợt suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra được đánh giá đứng thứ tư về độ sâu, khiến tỷ trọng thương mại hàng hóa năm 2020 giảm từ 13% - 32%.
Vai trò của Trung Quốc trong mạng lưới sản xuất và cung ứng toàn cầu là rất quan trọng bởi Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị chủ yếu cho ngành công nghiệp ô tô và điện tử toàn cầu, hầu hết điện thoại di động và máy tính thế giới đều được sản xuất tại Trung Quốc. Do đó, khi sản xuất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc biệt ở các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á đều không tránh khỏi các tác động.
Các ngành sản xuất ở Đông Nam Á chủ yếu là sản xuất điện thoại di động, dệt may và hàng tiêu dùng. Khi doanh nghiệp Trung Quốc dừng sản xuất, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến năng lực sản xuất gia công, chế tạo của các nước ASEAN, buộc ASEAN phải ngừng hoặc giảm bớt sản xuất. Hơn 60% nguyên vật liệu của ngành dệt may và da giày Campuchia được nhập từ Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, với hơn 25% hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc có điểm đến là Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ Samsung (Hàn Quốc) phải đóng cửa một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh. Tập đoàn Huyndai phải dừng một số dây chuyển sản xuất xe ô tô tại Hàn Quốc. Trong khi đó, kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào hai tập đoàn Samsung và Hyundai (với tổng doanh thu chiếm tới 1/5 GDP của Hàn Quốc). Các ngành điện tử, ô tô, máy móc, dệt may của Hàn Quốc cũng chịu tác động lớn do sự hỗn loạn nguồn cung từ Trung Quốc. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, cứ 10 tỷ USD giá trị sản lượng công nghiệp của Trung Quốc suy giảm do gián đoạn sản xuất thì hàng hóa linh kiện xuất khẩu của Trung Quốc sang Hàn Quốc sẽ giảm gần 300 triệu USD.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, chiếm 22% tổng kim ngạch thương mại, cao hơn mức 15% với Mỹ (năm 2019) nên mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không hề nhỏ. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa, các biện pháp chống dịch của chính quyền Trung Quốc (như phong tỏa, hạn chế đi lại...) đã làm tê liệt hàng loạt chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 2-2020, số lượng hàng hóa, nguyên vật liệu Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm gần một nửa, đẩy các nhà sản xuất của Nhật Bản vào tình cảnh lao đao do “khát” nguyên liệu và cấu phần cần thiết để duy trì sản xuất. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của 54% doanh nghiệp Nhật Bản. Hãng sản xuất ô tô Nissan đã phải tuyên bố ngưng hoạt động sản xuất tại một nhà máy chính tại Nhật Bản. Tình trạng khan hiếm đã khiến doanh nghiệp Nhật Bản bắt buộc phải tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Năm 2021, số ca mắc virus COVID-19 tại Đông Nam Á (gồm Malaysia, Indonesia) gia tăng càng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản, kéo theo nguy cơ gián đoạn sản xuất trong khu vực ngày càng rõ rệt. Malaysia - nơi tập trung nhiều công ty của Nhật Bản, ban hành lệnh phong tỏa (tháng 6-2021) khiến các nhà máy thuộc Toyota và Honda phải đóng cửa. Công ty Mitsui Mining & Smelting Co. của Nhật Bản chuyên sản xuất vật liệu cho điện thoại thông minh cũng phải thông báo ngừng sản xuất (tháng 7-2021).
Tác động của đại dịch COVID-19 tới chuỗi cung ứng thương mại Việt Nam
Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc), song mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực còn hạn chế và thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD (năm 2018) thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng, xếp thứ 53 trong số 174 quốc gia, chưa bằng 1/4 của Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Theo Báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam hiện đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế” và cần cải thiện sự tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu để nâng cao năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng thương mại Việt Nam trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực dẫn đến sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam bị trì trệ.
Hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Việt Nam đều phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc nên khi đại dịch COVID-19 bùng nổ gây tê liệt nền kinh tế Trung Quốc đã trực tiếp làm suy yếu hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp điện - điện tử (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện) là ngành có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đại dịch gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ của ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận giảm. Các ngành sản xuất khác có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc như da giày, dệt may... cũng gặp khó khăn “kép”, cả về nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua của thị trường sụt giảm. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng giảm ở hầu hết các lĩnh vực, mức giảm mạnh nhất bao gồm các lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí (giảm 23%), lĩnh vực bán buôn, bán lẻ (giảm 11,8%), dịch vụ vận tải kho bãi (giảm 37,9%).
Trung Quốc dừng thông quan tại các cửa khẩu với Việt Nam và tăng cường quản lý các cửa khẩu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 khiến mọi hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông - lâm - thủy sản gặp nhiều khó khăn. Các ngành chịu tác động tiêu cực lớn nhất từ đại dịch COVID-19, bao gồm: may mặc, bán lẻ, thủy sản, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Đặc biệt, những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc chịu tác động mạnh nhất do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng do nguồn thay thế hạn chế. Do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc nên dù nhiều nhà máy Trung Quốc mở cửa hoạt động trở lại nhưng việc kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chặt chẽ hơn, khiến nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục bị thiếu hụt nguyên liệu. Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, khi sức mua của nền kinh tế Trung Quốc giảm, kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu tổn thương lớn hơn so với các nền kinh tế khác có quy mô tương đương trong khu vực.
Thứ hai, đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại dẫn đến hoạt động sản xuất của ngành chế biến, chế tạo giảm.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thị trường cung cấp nguyên liệu, sản xuất bị gián đoạn, tác động tới các chuỗi cung ứng trong ngành chế tạo và lan ra khắp khu vực bởi vai trò vượt trội của Trung Quốc là cơ sở sản xuất. Việc đóng cửa hàng nghìn nhà máy ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất sẽ bị gián đoạn ở các nước sử dụng linh kiện do Trung Quốc sản xuất. Thậm chí, ngay cả ở các công ty không liên hệ trực tiếp với Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất khi đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp thị trường xuất nhập khẩu, thị trường tiêu thụ nguyên vật liệu. Nhiều đối tác ở các nước ngừng giao dịch, thậm chí xin hủy đơn hàng đã ký trước. Bối cảnh đó buộc các doanh nghiệp phải chủ động sắp xếp lại tổ chức, dây chuyền sản xuất và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho xuất khẩu phải đối mặt với tình trạng các đơn hàng nước ngoài không ngừng sụt giảm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo và chế biến của Việt Nam đều sụt giảm.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều định hướng trong việc duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạm dừng kinh doanh có thời hạn là 4.225 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoàn tất thủ tục giải thể là 1.138 doanh nghiệp, tăng 29,8%.
Đứt gãy chuỗi cung ứng kéo theo những hạn chế của chuỗi cung ứng đường dài. Những chuỗi cung ứng đường dài này có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với tình cảnh hàng tồn kho chất chồng. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,3% (tháng 6-2021) so với cùng thời điểm năm 2020 (tăng 26,7%). Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao, như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; dệt; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất.
Thứ ba, đứt gãy nguồn “cung - cầu” lao động việc làm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Không chỉ có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, đại dịch COVID-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung - cầu về nguồn lao động trở nên hiện hữu. Tháng 4-2020, khoảng trên 30 triệu người lao động Việt Nam (tương đương khoảng 50% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng trong đợt giãn cách cao điểm. Theo Bộ Lao động và Thương binh xã hội, trong quý II-2020, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng 33%, thu nhập bình quân của người lao động tính theo mức trung bình giảm 5%. Tháng 6-2021, tỷ lệ lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,4% so với tháng 5-2021 và giảm 1% so với cùng thời điểm năm 2020.
Tháng 2-2021, sự bùng phát của đợt đại dịch COVID-19 lần thứ 4 khó kiểm soát hơn đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong quý II-2021 tăng mạnh. Trong đó, số người thất nghiệp lên tới gần 1,2 triệu người, số lượng người thiếu việc làm khoảng 1,1 triệu người, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi của khu vực thành thị tăng 2,8%, cao hơn so với khu vực nông thôn tăng khoảng 2,49%.
Quý II-2021, số lượng lao động đang làm việc giảm 65.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở độ tuổi lao động đều tăng. Lao động thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn do thiếu lao động. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tới 26,7% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều tăng, trong khi doanh nghiệp không tìm đủ số lao động. Điều đó cho thấy dấu hiệu của sự đứt gãy về “cung - cầu” lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, dẫn tới sự đứt gãy về nguồn cung sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ra thị trường.
Đại địch COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng vì tác động đến người lao động theo nhiều mức độ khác nhau. Lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập hơn nhiều so với lao động nông nghiệp và các ngành khác. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tại Mỹ và châu Âu, gần như 100% các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, và có thể sẽ tác động đến hơn ba phần tư số lao động trong các ngành dệt may và da giày, với hơn 3 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ liên quan.
Giải pháp ứng phó của Việt Nam
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giúp cân bằng cơ cấu thương mại. Tuy nhiên, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại quốc tế đã làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ dẫn tới xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro, những vấn đề này đã đặt ra cho Việt Nam những thách thức và cơ hội đan xen. Vì vậy, để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong và sau đại dịch COVID-19, Việt Nam tập trung thực hiện một số các giải pháp như:
Một là, tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững, linh hoạt để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Từng bước thúc đẩy cơ cấu lại các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ nhằm tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, vật liệu trong nước phục vụ cho phát triển bền vững công nghiệp. Ngành công nghiệp hỗ trợ được định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Số lượng và chất lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho nhiều công ty đa quốc gia. Năm 2018, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp lên 42 doanh nghiệp; số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp lên 170 doanh nghiệp và thêm ba doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota (tháng 4-2021).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, vì vậy Bộ Công Thương đã khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để dần đưa các sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Hai là, cơ cấu lại các mặt hàng xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, thị trường ngoài nước, tránh phụ thuộc vào một số thị trường cũ.
Chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu theo các nhóm ngành hàng Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết FTA. Tập trung nghiên cứu thị hiếu, dung lượng thị trường, khả năng sản xuất trong nước đối với mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và được ưu đãi nhiều về thuế. Triển khai hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tham gia sâu trong các chuỗi giá trị.
Tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại, đầu tư, đặc biệt hình thành chuỗi cung ứng mới. Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để trở thành nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối EU với Việt Nam. Bởi EU là một phần của các chuỗi giá trị toàn cầu trong nhiều lĩnh vực tạo ra sản phẩm, như thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối, tái chế, EU cũng là động lực cho chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu ở Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã có các FTA. Cùng với EVFTA, RCEP được kỳ vọng sẽ là cơ hội thuận lợi cho tất cả các nước tham gia cũng như doanh nghiệp của các nước trong Hiệp định cơ cấu, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sau trong tình hình mới. Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế mở sẽ khai thác tốt hơn nữa vị trí này để xây dựng vị thế trong bản đồ của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ba là, phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước.
Tiếp tục phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trên thị trường nội địa, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ; đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng, gắn với các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hình thành các chuỗi liên kết thuần Việt đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của thông lệ quốc tế. Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung - cầu trên thị trường trong nước. Triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Bốn là, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng tìm kiếm nguồn cung vật liệu và đầu ra cho sản phẩm.
Để khắc phục thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với 15 FTA hiện có cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhằm mở rộng tìm kiếm nguồn cung vật liệu mới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển hướng nhập khẩu nguyên vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Brazil để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang gia tăng sản lượng nhập khẩu trái cây của Việt Nam (như nhãn, vải, mãng cầu, thanh long). Hiệp định thương mại EVFTA được thông qua ngày 12-2-2020 là cơ hội để Việt Nam mở rộng kinh tế, tăng cường trao đổi mậu dịch với EU, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Với vai trò chất xúc tác cho những thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 giúp thúc đẩy chuyển đổi mạng lưới cung ứng và sản xuất tới quốc gia gần hơn trong khu vực, số hóa sâu rộng hơn với phương thức sản xuất bền vững hơn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, tối ưu hóa sản xuất và chi phí, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro đang hiện diện mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng phải thay đổi để phát triển. Các doanh nghiệp cần đổi mới hơn nữa để có thể hoạt động phát triển lâu dài. Việt Nam cần tận dụng cơ hội nằm trong nhóm khu vực để tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng, bảo đảm chất lượng kết cấu hạ tầng (cảng và đường sá) để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cũng như bảo đảm chuỗi cung ứng xanh và bền vững./.
Xác định đúng động lực cơ bản cho Quảng Ninh phát triển  (27/05/2022)
Phát triển kinh tế số: động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (27/05/2022)
Những động lực chính để phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay  (27/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay