Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Tạ Đình Tuyên
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao
21:52, ngày 14-01-2025

TCCS - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu: “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án”. Việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án tạo hành lang pháp lý cho cơ chế mới nhằm giải quyết tranh chấp, khiếu kiện thay thế xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần nghị quyết của Đảng.

Hòa giải, đối thoại tại tòa án - giải pháp thay thế xét xử có nhiều ưu điểm

Tại Việt Nam, hòa giải, đối thoại đã được quy định trong các đạo luật và triển khai trên thực tế(1). Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại tòa án; thể chế hóa quan điểm của Đảng(2) về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự định đoạt trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện(3); đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, ngày 16-6-2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV_Ảnh: TTXVN

Hòa giải, đối thoại tại tòa án với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế xét xử có ý nghĩa lớn đối với các bên tranh chấp, với tòa án và toàn xã hội.

Thứ nhất, đối với các bên tranh chấp: Hòa giải, đối thoại tại tòa án phát huy tối đa tự do ý chí và khả năng tự định đoạt của các chủ thể tham gia với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các hòa giải viên, giúp các bên trao đổi, đàm phán với nhau, gợi ý về các giải pháp phù hợp để giải quyết bất đồng. Nói cách khác, chính các bên tìm ra phương án giải quyết tranh chấp với tinh thần “hai bên cùng thắng”. Phương thức hòa giải, đối thoại đáp ứng được mong muốn của các bên tranh chấp, đó là: thời gian giải quyết nhanh chóng, đặc biệt là bất đồng được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin, tiêu chí mà phương thức giải quyết bằng tố tụng tại tòa án không thể có được. Thông qua hòa giải, đối thoại, các bên tìm được sự thiện chí, thống nhất để hài hòa lợi ích đôi bên, không bị rơi vào tâm lý thắng thua như khi giải quyết tranh chấp thông qua tố tụng tại tòa án. Nhờ thế, mối quan hệ hợp tác giữa các bên được duy trì tốt hơn. Hay nói cách khác, hòa giải, đối thoại giúp các bên “giải tỏa được tâm lý đối kháng, trong nhiều trường hợp sẽ tiếp tục hợp tác với nhau, tránh một bản án có tính chất quyền lực”(4).

Thứ hai, đối với tòa án: Hòa giải, đối thoại thành các tranh chấp, khiếu kiện thì tranh chấp, khiếu kiện sẽ không cần phải thông qua con đường tố tụng tại tòa án, giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của tòa án; hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp hòa giải, đối thoại tuy không thành, nhưng quá trình tòa án tiến hành hòa giải sẽ giúp cho thẩm phán nắm rõ tình tiết của vụ, việc; mấu chốt của vấn đề tranh chấp; tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của các bên để từ đó có phương hướng giải quyết đúng đắn khi đưa vụ, việc ra xét xử(5).

Thứ ba, đối với xã hội: Hòa giải, đối thoại thành góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tinh thần đoàn kết nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế của thời đại, thúc đẩy giao lưu dân sự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 
Qua hơn 3 năm triển khai thi hành, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án ngày càng khẳng định là mô hình nhân văn, với phương thức thân thiện, cảm thông, chia sẻ, giúp giải quyết triệt để nhiều tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, góp phần thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các chú xử hay là rất tốt, nhưng nếu không phải hay xử còn tốt hơn”(6).

Một số khó khăn, vướng mắc trong quy định về những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án

Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án nếu thuộc một trong 7 trường hợp(7). Đánh giá thực trạng quy định của pháp luật về 7 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án cho thấy một số khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, về trường hợp yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước

Về lý luận, vụ án yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước chỉ có thể được giải quyết bằng phán quyết của tòa án thông qua phiên tòa xét xử. Pháp luật không thừa nhận thỏa thuận giữa các bên vì tính chất của loại tài sản này thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, do đó một cá nhân không thể theo ý chí chủ quan của mình để thỏa thuận việc bồi thường. Quy định này nhằm phòng ngừa trường hợp lợi dụng việc hòa giải để thỏa thuận, thương lượng gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước(8). Tuy nhiên, việc Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sử dụng thuật ngữ “tài sản của Nhà nước” là không đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2022). Trên thực tế, thuật ngữ “tài sản của Nhà nước” xuất phát từ thuật ngữ “tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước” theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Dân sự năm 2005, đến Bộ luật Dân sự năm 2015, nội hàm tài sản của Nhà nước được xác định là “tài sản công” quy định tại Điều 197.

Mặt khác, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án chưa làm rõ nội hàm “yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước”, hay nói cách khác, những trường hợp nào được xác định là gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; trường hợp tài sản của Nhà nước nhưng được Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà doanh nghiệp đó được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản thì khi xảy ra tranh chấp các bên có được hòa giải hay không.

Thứ hai, về trường hợp vụ, việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu(9). Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập(10). Do vậy, trong tố tụng dân sự, khi giải quyết các vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội thì tòa án không tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của họ trong giao dịch này(11). “Bởi nếu tiến hành hòa giải là đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để các bên tiếp tục thực hiện giao dịch”(12). Tuy nhiên, trong vụ án mà các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì tòa án vẫn tiến hành thủ tục hòa giải theo thủ tục chung(13). Đối với hòa giải tại tòa án, vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội thì cũng không được hòa giải. Có thể thấy cách tiếp cận của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án tương tự như cách tiếp cận của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án về trường hợp này đang có hai khó khăn, vướng mắc như sau:

Một là, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án chưa có quy định các vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm quy định của luật, văn bản dưới luật thì có được hòa giải hay không, chưa giải quyết được bất cập của thực tiễn.

Giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật có lẽ là một trong những loại vô hiệu tuyệt đối mang tính chất thông lệ nhất của pháp luật tư (áp dụng để bảo vệ lợi ích công, vô hiệu một cách mặc nhiên, tòa án tuyên bố vô hiệu mà không phụ thuộc vào ý chí của các bên trong giao dịch). Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề “nhạy cảm”, “định tính”, dễ có những cách hiểu khác nhau hoặc lạm dụng trong giải thích pháp luật hoặc thi hành pháp luật(14). Theo quy định tại Điều 123 BLDS năm 2015, điều cấm của luật được hiểu “là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”. Có thể thấy nhiều luật hiện nay quy định về hành vi “bị nghiêm cấm”, chẳng hạn Điều 11 Luật Đất đai năm 2024, Điều 3 Luật Nhà ở năm 2023, Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 7 Luật Công chứng năm 2014, Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020… Tuy nhiên, một số luật không quy định hành vi bị cấm hay bị nghiêm cấm, chẳng hạn Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2022), Luật Đầu tư năm 2020… 

Vấn đề đặt ra là, nếu mục đích, nội dung của giao dịch không vi phạm các trường hợp bị cấm theo các luật chuyên ngành nêu trên, nhưng lại vi phạm các quy định khác của của luật này hoặc văn bản hướng dẫn thi hành thì giao dịch này có bị vô hiệu hay không? Nếu các giao dịch nêu trên vô hiệu thì trong quá trình giải quyết tranh chấp các bên không được hòa giải và ngược lại. Vấn đề này Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Bộ luật Dân sự năm 2015 đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, đường lối xử của của tòa án nhân dân đang theo hướng giao dịch vi phạm quy định của luật (thậm chí là vi phạm quy định của văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ) cũng thuộc trường hợp giao dịch vi phạm điều cấm của luật, nên vô hiệu và không được hòa giải khi giải quyết tranh chấp(15). Theo đường lối này thì các vụ việc thuộc trường hợp không hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ rộng hơn so với quy định hiện nay của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Hai là, khó khăn trong việc thực hiện quy định vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm trái đạo đức xã hội thì không được hòa giải. Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015, “đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có văn bản hay hướng dẫn về “những chuẩn mực ứng xử chung” được hiểu là đạo đức xã hội như trên. Trong khi đó, đạo đức xã hội có sự vận động, biến đổi, “đạo đức, lối sống là những vấn đề cốt lõi trong đời sống văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Sự ổn định hay không ổn định, phát triển hay suy thoái của các quốc gia thường có quan hệ trực tiếp với vấn đề đạo đức xã hội. Để hình thành những chuẩn mực đạo đức và lối sống tốt đẹp, đòi hỏi một thời gian khá dài, có khi phải vài ba thế hệ…”(16). Cách thức nhìn nhận, quan điểm đánh giá giữa pháp luật và đạo đức cũng có thể thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế và đòi hỏi bức thiết của xã hội(17).

Vì vậy, trên thực tế rất khó xác định vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự có mục đích, nội dung trái đạo đức xã hội thì không được hòa giải vì giao dịch đó bị vô hiệu. Điều này đòi hỏi cần phải có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn. 

Các hòa giải viên thuộc Trung tâm hòa giải, đối thoại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nghiên cứu hồ sơ của người dân_Nguồn: baodanang.vn

Định hướng, giải pháp hoàn thiện quy định về những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” khẳng định: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, các hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bổ trợ tư pháp và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án(18); Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn” mới đưa ra định hướng “Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, đồng thời phải “ Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội”.

Để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng nêu trên và để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án, trong thời gian tới cần lưu ý một số nội dung sau:

Một là, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án theo hướng thay thế cụm từ “tài sản của Nhà nước” bằng cụm từ “tài sản công”, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2022). 

Hai là, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án về các nội dung còn khó khăn, vướng mắc của luật, trong đó có yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; về vụ, việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội thì không được hòa giải, đối thoại, bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Trong đó, tập trung hướng dẫn về yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước tương tự như Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, ngày 3-12-2012, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (Nghị quyết này đã hết hiệu lực). Trong đó, nếu tài sản của Nhà nước được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà doanh nghiệp đó được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì các bên được hòa giải. Cần có hướng dẫn các vụ, việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm quy định của pháp luật thì vẫn được hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và quy định, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích hòa giải, đối thoại thay thế cho xét xử.../.

----------------------

(1) Nguyễn Hòa Bình: “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 24-7-2018, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/51654/doi-moi%2C-tang-cuong-hoa-giai%2C-doi-thoai-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su%2C-khieu-kien-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap.aspx
(2) Xem thêm: Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005, của Bộ Chính trị, về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị, về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(3) Nguyễn Văn Du: “Kết quả triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án - Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 17/2022, tr. 8
(4) Trần Anh Tuấn: Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr. 27
(5) Nguyễn Hòa Bình: “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 24-7-2018, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/51654/doi-moi%2C-tang-cuong-hoa-giai%2C-doi-thoai-trong-qua-trinh-giai-quyet-cac-tranh-chap-dan-su%2C-khieu-kien-hanh-chinh-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap.aspx
(6) Nguyễn Hòa Bình: “Một số nội dung cải cách tư pháp trong thời gian tới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 8-3-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-noi-dung-cai-cach-tu-phap-trong-thoi-gian-toi
(7) Gồm: (1) Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; (2) Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; (3) Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng; (4) Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; (5) Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; (6) Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; (7) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(8) Phạm Minh Tuyên: “Quy định của BLTTDS 2015 về phiên hòa giải”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 16-3-2018,  https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-cua-blttds-2015-ve-phien-hoa-giai
(9) Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015
(10) Khoản 1 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015
(11) Khoản 2 Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội” thì không được hòa giải
(12) Phạm Minh Tuyên: “Quy định của BLTTDS 2015 về phiên hòa giải”, Tlđd
(13) Khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP
(14) Bùi Thị Huyền, Nguyễn Thị Hương: Tham luận “Thực tiễn hòa giải vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân - Vướng mắc và kiến nghị”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hòa giải các tranh chấp dân sự - Thực trạng và giải pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, tháng 10-2023, tr. 97
(15) Ví dụ: Hướng dẫn tại khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012; Quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/DS-GĐT, ngày 25-5-2019, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Quyết định giám đốc thẩm số 64/2023/DS-GĐT, ngày 28-12-2023, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao…
(16) Trần Văn Bính: “Biến đổi trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta trước tác động của nền kinh tế thị trường”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 14-1-2014, https://tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/25427/bien-doi-trong-he-chuan-muc-dao-duc-xa-hoi-o-nuoc-ta-truoc-tac-dong-cua-nen-kinh-te-thi-truong.aspx#
(17) Nguyễn Vinh Hưng: “Những vụ việc dân sự không tiến hành hòa giải tại tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”, Tạp chí Tòa án nhân dân, 19/2021, tr. 15
(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 149 - 150