Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19
Từ đầu năm 2020, với sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành nghề trên đất nước ta. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, về “Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19””, nghị quyết đã mở ra một con đường mới cho các ngành nghề nói chung và cho ngành du lịch nói riêng để vực dậy sau những hậu quả nặng nề mà đại dịch để lại.
Ngành du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau bốn lần bùng phát của đại dịch COVID-19. Theo kết quả điều tra chọn mẫu doanh nghiệp trên toàn quốc vào quý 4-2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình quân 94% doanh nghiệp trong cả nước cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhưng đối với các doanh nghiệp du lịch (trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống) tỷ lệ này lên tới 98,36%. Con số này cho thấy mức độ ảnh hưởng đối với doanh nghiệp du lịch rất nặng nề. Bên cạnh đó, mức thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi đại dịch chưa cao, đơn cử như chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có tác dụng nhiều với ngành du lịch vì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều ngừng hoạt động, không có doanh thu trong hơn hai năm vừa qua.
Quãng thời gian đại dịch COVID-19 xảy ra, lệnh cấm và hạn chế đi lại đã được áp dụng cho tất cả các điểm du lịch. Các hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và giao thông hầu hết bị hoãn lại do lệnh đóng cửa trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt các chuyến bay nội địa và quốc tế đến và đi từ Việt Nam đều bị hủy. Lượng khách quốc tế giảm mạnh khi các luật lệ khắt khe chỉ đón tiếp các chuyên gia, những người đến làm việc và lao động quay trở lại Việt Nam, chứ không đón tiếp khách nước ngoài. Trong nước, với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, lượng bao phủ tiêm chủng vaccine còn thấp và việc Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội đã làm lượng du khách nội địa cũng giảm mạnh. Các doanh nghiệp du lịch chỉ có thể thực hiện những biện pháp tạm dừng kinh doanh hoặc cắt giảm nhân lực nhằm duy trì công ty qua giai đoạn khó khăn này. Đáng nói đến là lực lượng hướng dẫn viên, những người trực tiếp dẫn đoàn là đối tượng có cuộc sống bất bệnh nhất. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người. Trong đó có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 năm 2020 giảm mạnh chỉ đạt gần 450.000 lượt khách, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2. Tổng lượt khách của cả quý I năm 2020 đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm hơn 18% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong kỳ ước đạt 126.200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước, giảm 9,6% so với quý I năm 2019; doanh thu du lịch lữ hành quý I năm 2020 ước đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8%.
Do tác động của dịch COVID-19, thiệt hại của ngành du lịch trong năm 2020 ước tính là hơn 20 tỷ USD, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động.
Nhằm khắc phục những khó khăn mà dịch bệnh đem lại, sau làn sóng COVID-19 lần thứ nhất, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và sẽ mở cửa du lịch quốc tế khi bảo đảm được những điều kiện cho phép. Theo đó, ngày 18-9-2020, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đã ký văn bản số 3455/BVHTTDL-TCDL về việc kích cầu du lịch nội địa. Nhờ thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ngành du lịch đã đạt được những kết quả nổi bật. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có”, cam kết chất lượng bảo đảm để thu hút khách nội địa. Hình thành các mối liên kết giữa hàng không, đơn vị lữ hành, nhà hàng khách sạn, điểm đến đã tạo chương trình kích cầu nội có mức giảm giá sâu hơn, nhiều điểm hấp dẫn thu hút được khách du lịch nội địa.
Tuy nhiên sau đó, vào tháng 7, ngành du lịch Việt Nam lại tiếp tục đối mặt khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng tại một số địa phương trên cả nước. Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã nhanh chóng khiến tình hình du lịch trong nước có những chuyển biến tiêu cực. Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần thứ 1 thì lại phải hứng chịu đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 khiến doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Các gói kích cầu du lịch gần như bị đóng băng do số lượng khách huỷ tour tăng đột ngột, trong khi đó ngành du lịch đang trong bối cảnh đã đi qua mùa du lịch cao điểm nội địa.
Để sớm phục hồi sau đợt dịch COVID-19 lần thứ hai, ngành du lịch tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 theo hướng đề cao yếu tố an toàn và hấp dẫn. Tổng cục Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch và cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL trong bối cảnh mới, tập trung vào các nội dung chính như sau: Một là, các hoạt động kích cầu du lịch hướng theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến. Hai là, đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Ba là, phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE … Bốn là, xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của khách du lịch. Năm là, nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn về việc phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch phải bảo đảm an toàn. Khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan. Sáu là, tập trung đẩy mạnh truyền thông về du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông trung ương, địa phương và doanh nghiệp, góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp du lịch cũng đã tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống chuẩn bị cho đón đầu xu hướng du lịch mới; đồng thời tích cực liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh. Các địa phương cùng với doanh nghiệp rà soát lại tình hình du lịch thời gian qua để có hướng đi đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự chuyển hướng này đã bước đầu đem đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11-2020 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Du lịch dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 3,3% so với tháng trước; Doanh thu du lịch lữ hành tăng 3,5%.
Vận tải hành khách tháng 11-2022 ước tính đạt 294,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,3% so với tháng trước tăng 4,5%.
Theo các chuyên gia, mặc dù là ngành chịu ảnh hượng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 song du lịch cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trên thế giới, hoạt động du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại, du lịch nội địa đang phục hồi dần và giữ vai trò duy trì sự ổn định của toàn ngành. Nếu nắm bắt được xu hướng du lịch mới, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, do vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ngay sau khi dịch qua đi, thị trường du lịch khởi sắc, sẽ có những sản phẩm phù hợp phục vụ du khách.
Mặc dù những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến ngành du lịch năm 2020 là rất nặng nề. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng gợi mở nhiều cơ hội để ngành du lịch vượt qua những thách thức trước mắt. Trải qua hai đợt dịch nặng nề đã thay đổi hành vi dẫn đến nhiều thay đổi nhu cầu của khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài. Việt Nam cần nắm bắt được một số xu hướng du lịch trên thế giới, qua đó có những phân tích, định hướng và xây dựng những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng và thị trường du lịch.
Về sản phẩm du lịch, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên trong năm 2022 và những năm tiếp theo do các triệu chứng hậu COVID-19. Theo Global Data, đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này cùng với khi mở cửa du lịch quốc tế như Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Về hành vi tiêu dùng của khách du lịch, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt tăng lên sau đại dịch. Xu hướng đi du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn ưu tiên của nhiều khách du lịch trong năm 2022. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), 80% khách du lịch đặt phòng và dịch vụ du lịch trong vòng 2 tuần trước chuyến đi, ngắn hơn nhiều so với trung bình 36 ngày ở thời điểm năm 2019. Xu hướng "staycation" được ưa chuộng trong năm 2021 và sẽ tiếp tục phổ biến trong trong năm 2022. Đối với các chuyến đi đến các điểm đến xa, khách có xu hướng lựa chọn ít điểm hơn trong một chuyến đi và thời gian lưu trú cũng dài hơn trong một điểm đến.
Về ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và quản lý du lịch: Thời gian qua, nhiều ứng dụng đã được sử dụng để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch. Trong bối cảnh COVID-19, các công nghệ này càng được các doanh nghiệp du lịch sử dụng nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu và bán sản phẩm trực tuyến. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, các dịch vụ không chạm cũng được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý du lịch cũng đang tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn, về hộ chiếu vaccine điện tử...
Những yêu cầu đối với phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam
Trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới, Tổng cục Du lịch xác định một số yêu cầu đối với việc phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam. Đầu tiên việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và trong khu vực đang diễn ra gay gắt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại. Đồng thời, phải thích ứng với các nhu cầu và xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Mặt khác, trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa đòi hỏi bảo đảm an toàn vừa phải bảo đảm hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Đồng thời, không ngừng tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.
Với việc mở cửa du lịch hoàn toàn, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cần có những định hướng về thị trường, sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… một cách cụ thể, như sau:
Thứ nhất, cần khôi phục chính sách visa như trước đại dịch
Về thị trường, trước mắt, du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài. Một số thị trường cụ thể tại Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép; thị trường Nga, các thị trường Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương; thị trường Australia, Newzealand và thị trường Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Bắc Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ cũng là các thị trường đã hầu như mở hoàn toàn đối với du lịch quốc tế. Tuy nhiên, việc kết nối đường bay cần thời gian để phục hồi và phát triển.
Thứ hai, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch về chăm sóc sức khỏe
Ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh chung sống cùng dịch bệnh COVID-19 thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động E-marketing
Đối với định hướng về xúc tiến, quảng bá du lịch, các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý điểm đến tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch. Ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cần tiếp tục tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, bảo đảm sự chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng phục vụ của người lao động.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch, đặc biệt ở các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cần nhiều lao động. Có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành để họ yên tâm công tác, đặc biệt là lao động chất lượng cao, đảm nhiệm các công việc đặc thù trong ngành./.
Kết nối và phát huy các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh  (27/05/2022)
Dịch bệnh COVID-19 và chính sách tài khóa của Việt Nam  (27/05/2022)
Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và một số giải pháp ứng phó  (27/05/2022)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm