Kỳ họp thứ 7 Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20-5-2019
21:56, ngày 16-04-2019
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, sáng 16-4-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm sẽ là nội dung giám sát chuyên đề
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 của Tổng Thư ký Quốc hội. Các ý kiến thống nhất việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật. Nội dung giám sát không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Tổng Thư ký Quốc hội nêu năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó. Vì vậy, để tập trung cho các nội dung và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đề nghị Quốc hội xem xét giám sát 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 01 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9).
Về nội dung chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ba nội dung chuyên đề để nghiên cứu, lựa chọn: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA); Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lựa chọn chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, tuy nhiên không mở rộng như phương án đề xuất. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, vừa rồi đã giám sát về bảo vệ quyền trẻ em, tuy nhiên hiện nay nổi lên là vấn đề bạo lực học đường, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, những vấn đề liên quan tới đạo đức xã hội... là những nội dung xã hội rất bức xúc. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị lựa chọn lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhưng liên quan tới hoạt động tư pháp.
Nhấn mạnh năm 2020 có “rất nhiều công việc”, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội chỉ giám sát một chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát một chuyên đề. Đi vào nội dung chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu quan điểm chọn chuyên đề 1 ở góc độ tư pháp, liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em. “Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này. Tôi cho là việc này được đa số đại biểu Quốc hội thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá. Đồng quan điểm lựa chọn chuyên đề 1, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị phạm vi “khoanh hẹp hơn” và đổi tên thành giám sát “tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em”.
Lựa chọn chuyên đề thứ 2, theo Chủ tịch Quốc hội nên đi sâu vào việc thực hiện Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký để xem việc nội lực hóa thực hiện những cam kết như thế nào? Qua đó chúng ta được những gì? Cái gì khai thác tốt, cái gì chưa tận dụng được các ưu đãi, từ đó rút ra được vấn đề. Cùng suy nghĩ này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng giám sát nội dung này rất tốt cho việc xây dựng các văn kiện của Đảng và qua giám sát cũng là dịp để tìm hiểu, nêu rõ những quan điểm, lập trường và cung cách làm ăn trong thời kỳ mới.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Trên cơ sở tình hình đặc điểm năm 2020 là năm có nhiều hoạt động chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm 2020, ngoài việc xem xét các báo cáo của Quốc hội, Quốc hội giám sát tối cao một chuyên đề tại kỳ thứ 9, Ủy ban Thường vụ giám sát một chuyên đề. Đặc biệt tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó. Đây là nội dung rất quan trọng, có tính đánh giá tổng kết cao, do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị các nội dung này.
Về nội dung giám sát chuyên đề, các ý kiến thống nhất cơ bản lựa chọn chuyên đề 1 và 2; chuyên đề 1 sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội làm việc cũng các cơ quan liên quan để chỉnh sửa câu chữ trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 2 nội dung trên, Quốc hội sẽ chọn giám sát tối cao một nội dung và nội dung còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát. Ngoài việc giám sát chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tích cực hoạt động giải trình những nội dung vấn đề bức xúc nổi lên; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để tổ chức các phiên họp giải trình. Năm 2020 sẽ giảm các chuyên đề giám sát nhưng chú trọng hoạt động giải trình- Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh và đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức tiến hành hoạt động giám sát, nghiên cứu lịch làm việc để tránh trùng lắp, đỡ phiền hà địa phương.
Các đại biểu đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
Các đại biểu đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
Về việc cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là 19 ngày, khai mạc vào ngày 20-5 và bế mạc vào ngày 13-6. Đáng chú ý, Quốc hội dự kiến dành 7 ngày để thực hiện việc giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp có sự điều chỉnh. Cụ thể, đề nghị bổ sung vào chương trình 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó 3 dự án luật được đề nghị rút khỏi chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện. “Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội nhưng vẫn còn tình trạng đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sau thời gian ngắn được Quốc hội thông qua chương trình. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi để Chính phủ lưu ý khắc phục tại các kỳ họp sau”- Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Nói về tình hình chuẩn bị cho kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực phối hợp, chủ động nghiên cứu để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa nghiêm túc. Đến thời điểm hiện nay, các dự án, dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có dự án luật được trình hai lần; có 2 dự án luật được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Đối với 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, đã có 2 dự án trình tại phiên họp tháng 3-2019; còn 6 dự án và các nội dung về giám sát chuyên đề, Chương trình giám sát của Quốc hội được trình tại phiên họp này.
Tại phiên họp tháng 5-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số vấn đề quan trọng khác chuẩn bị cho kỳ họp...
Thảo luận về việc chất vấn, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, vừa rồi giữa nhiệm kỳ, Quốc hội đã hỏi tất cả các lĩnh vực, tất cả các bộ trưởng đều phải đăng đàn. Điều đó rất cần thiết, rất hay, nhưng nếu bây giờ tiếp tục làm như thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội không thật cần thiết. Tôi nghĩ nên quay trở lại việc gợi ý một số chuyên đề để một số bộ trưởng trả lời; thời gian chất vấn nên rút ngắn ít nhất nửa ngày, gói gọn trong hai ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị chất vấn lần này quay trở lại cách làm như bình thường. Lần trước chúng ta làm rất hay, nhưng nhiều bộ trưởng cũng tâm tư nói nếu cứ tiếp tục làm thế này, lần trước chúng tôi bị chất vấn, lần này lại tiếp tục để kiểm tra việc thực hiện lần trước. Vậy có những bộ trưởng chưa chất vấn thì hầu như không phải trả lời - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Kết luận phiên thảo luận, cơ bản thống nhất với dự kiến chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện chương trình kỳ họp thứ 7.
Về chương trình, nội dung xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Công đoàn; đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các dự án luật cần phải sửa khi Việt Nam tham gia CPTPP. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chuẩn bị tất cả các nội dung trình Quốc hội lần này; các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong chuẩn bị các báo cáo, dự án trình ra Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội cho áp dụng một số chương trình phần mền có thể phục vụ cho đại biểu Quốc hội ngay tại kỳ họp này; đồng ý thăm dò ý kiến bằng bảng điện tử nhưng phần mềm phải có sự thay đổi hợp lý./.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến các nhà lãnh đạo Romania  (16/04/2019)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Phó Tổng thống Cộng hòa Seychelles  (16/04/2019)
Tuyên bố chung Việt Nam - Romania  (16/04/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 08 đến ngày 14-4-2019)  (16/04/2019)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Diễn đàn về hợp tác xã nông nghiệp và làm việc với tỉnh Đồng Tháp  (16/04/2019)
Sáu mươi năm lịch sử hào hùng xẻ dọc Trường Sơn cứu nước  (16/04/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên