Sáu mươi năm lịch sử hào hùng xẻ dọc Trường Sơn cứu nước
TCCSĐT - Con đường Hồ Chí Minh lịch sử xuyên qua dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nối liền Bắc - Nam, là con đường của sức mạnh đoàn kết của nhân dân cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, với chiều dài của những năm tháng chiến tranh, chiều dài của những ki-lô-mét khói lửa, con đường ghi dấu tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chiến đấu ngoan cường của Bộ đội Trường Sơn anh dũng.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ (1945 - 1954) mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.
Năm 1954, Hiệp định Genever về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, là một nước trực tiếp giúp Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và là một thành viên của Hội nghị Genever, nhưng Tổng thống Mỹ D. Eisenhower tuyên bố: “Mỹ không bị hiệp định này ràng buộc”. Từ đó, Mỹ ráo riết tìm cách hất cẳng Pháp, thống trị miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới, chia cắt lâu dài nước ta.
Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỹ không những là kẻ thù chính của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào. Người chủ trương: “Tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ”(1). Từ đây mở ra một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc: thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Con đường thầm lặng
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, Mỹ - Ngụy vứt bỏ mặt nạ “thực thi dân chủ”, thẳng tay dùng chính sách phát xít, khủng bố nhằm duy trì chế độ thống trị của chúng. Thực tiễn ở miền Nam đặt ra yêu cầu bức bách, đòi hỏi Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tìm ra con đường đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Tháng 01-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì ra Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm - tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. Tháng 02-1959, Tổng Quân ủy họp bàn nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Nam, phát huy vai trò của miền Bắc đối với miền Nam.
Chấp hành Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương, việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy trên miền Bắc, việc chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho miền Nam được xúc tiến. Tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển được triển khai. Theo đó, thiết lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.
Ra đời tháng 5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mang phiên hiệu Đoàn 559. Ngày 19-5 - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn được xác định là Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Tháng 6-1959, Hội nghị ở Hồ Xá, Vĩnh Linh được tổ chức nhằm bàn cụ thể việc mở đường vào miền Nam trên cơ sở tuyệt đối bí mật. Từ thực tiễn tình hình chiến trường, thời gian đầu tuyến vận tải quân sự chiến lược được mở dựa vào tuyến giao liên Thống Nhất. Nguyên tắc hoạt động lúc này là vừa mở đường, vừa giữ được cơ sở cách mạng những nơi tuyến đường đi qua. Sau Hội nghị, Đoàn 559 ngay lập tức thành lập đội khảo sát mở tuyến. Theo sơ đồ khảo sát, tuyến đường bắt đầu từ Khe Hó phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông suối và hệ thống đồn, bốt của địch, địa hình Trường Sơn có giá trị lớn về mặt chiến lược, che đậy kín đáo những hoạt động quân sự, hoạt động vận chuyển của ta trên mặt đất, giành lợi thế trong chiến tranh ngăn chặn hiện đại. Chính vì vậy, dẫu biết mọi con đường cách mạng đều xuất phát từ lòng dân, dựa chặt vào dân, song do yêu cầu bảo đảm hết sức bí mật trong buổi đầu mở tuyến, ta không chỉ chủ trương tránh địch mà tạm thời phải bí mật với dân. Khẩu hiệu mang tính chất mệnh lệnh lúc này là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Đồng thời với việc thăm dò tìm đường, việc tổ chức lực lượng và chuẩn bị nguồn hàng đưa vào chiến trường cũng được khẩn trương tiến hành. Cuối tháng 5-1959, Đoàn đã tuyển 440 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức hoàn chỉnh Tiểu đoàn 301, biên chế thành 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ). Đây là những cán bộ, chiến sĩ được học tập chính trị, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đầu tháng 7-1959, việc rải quân trên tuyến được triển khai xong. Lực lượng trinh sát được bố trí trên tuyến, tích cực nắm địch, thông báo kịp thời cho từng trạm và chỉ huy tiểu đoàn. Lửa thử vàng, gian lao tôi luyện, ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn với quyết tâm giành thắng lợi trận đầu, cán bộ, chiến sĩ các cung, trạm đã không quản núi cao, suối sâu, đêm tối quyết tâm đưa hàng tới đích. Chuyến hàng đầu tiên đã được Tiểu đoàn 301 chuyển tới Tà Riệp sau 8 ngày, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bí mật.
Cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được thiết lập. Tuy mới nửa năm thành lập, vừa tổ chức, vừa xây dựng lực lượng, vừa soi đường mở lối, vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu, dù số lượng vận chuyển còn ít ỏi, song có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới - cao trào “Đồng Khởi”.
Không chỉ có vậy, trong khi tuyến giao liên vận tải quân sự từ miền Bắc dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam thì ở Trung Bộ, các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ. Thiết lập tuyến hành lang giao liên từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ. Trải qua 18 tháng, Đoàn 559 đã tiến được những bước đầu quan trọng trên con đường chiến lược Bắc - Nam. Từ những bước lặng lẽ soi đường mở lối đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã mở được hàng trăm ki-lô-mét đường trong điều kiện địa hình bị chia cắt, kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hành quân vào được các chiến trường.
Những bước tiến dài, vươn rộng
Mùa thu năm 1960, miền Bắc cơ bản hoàn thành kế hoạch khôi phục và cải tạo kinh tế, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, Mỹ - Ngụy chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị lên kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Tình hình mới đòi hỏi Đảng ta kịp thời đề ra chiến lược cách mạng cho phù hợp.
Từ cuối năm 1960, ở miền Nam, hình thức thống trị thực dân mới thông qua chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại. Ngay khi nhậm chức (tháng 01-1961), Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã chọn miền Nam Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Do đó, trên cơ sở thế và lực đã có, Đảng ta chủ trương chuyển cách mạng miền Nam lên giai đoạn mới, phát triển các cuộc khởi nghĩa từng phần thành chiến tranh cách mạng trên toàn miền Nam. Ngày 31-01-1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961 - 1965). Theo đó, nhiệm vụ quan trọng của cách mạng miền Nam lúc này chú trọng mở rộng các căn cứ địa, mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc - Nam cả đường bộ và đường biển.
Từ thắng lợi trong các chiến dịch đầu xuân 1961 trên địa bàn Tây Trường Sơn, vùng giải phóng ở Trung Lào được mở ra từ Cánh Đồng Chum - Xieng Khouang xuống Khammouan, Savannakhet, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và miền Nam Việt Nam. Sau khi được hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào chấp thuận, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn. Cuối tháng 6-1961, đường mới mở nối liền đường số 12 ở Lằng Khằng tới Pác Pha Năng; đến tháng 12-1961, thông tới đường số 9 ở Mường Phìn. Đây là một bước phát triển quan trọng của tuyến chiến lược 559.
Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP phát triển Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn. Tháng 10-1961, Đoàn 559 được bổ sung thêm 800 tân binh và 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc đối tượng quân tình nguyện. Từ một trung đoàn phát triển thành một sư đoàn, hai sư đoàn,… Đây là bước nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng.
Tháng 7-1962, Hiệp định Genever về Lào được ký kết. Song, đế quốc Mỹ vẫn rắp tâm nuôi lực lượng phản động, phá hoại cách mạng Lào. Trước tình hình mới, Đoàn 559 thực hiện tăng nhanh số lượng hàng giao cho miền Nam nhằm nhanh chóng kết thúc vận chuyển ở tuyến đường cũ, kịp thời triển khai chuyển hướng mở đường mới.
Cuối năm 1962, chương trình “Bình định miền Nam trong vòng 18 tháng” của Mỹ - Diệm cơ bản bị đánh bại. Tuy nhiên, với viện trợ kinh tế, quân sự được đưa vào miền Nam ngày càng nhiều, đế quốc Mỹ đã tạo ra chỗ dựa cho chính quyền, quân đội Sài Gòn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh. Cục diện chiến trường ta và địch ở thế giằng co quyết liệt. Trên cả tuyến hành lang Đông và Tây Trường Sơn lúc này, tình hình vô cùng khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu của chiến trường ngày càng tăng cả về khối lượng, quy mô, chủng loại vũ khí, trang thiết bị quân sự.
Nhằm nhanh chóng tìm cách tháo gỡ khó khăn, đưa hoạt động vận chuyển, bảo đảm hành quân trở lại bình thường, ngày 30-6-1963, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 559 quyết định tạm đưa Trung đoàn 71 sang mở thêm một trục đường từ Bắc sông Bến Hải sang biên giới Việt Nam - Lào, đến Cù Bai, qua Alây Nhây, Alây Nòi, Bản Keng, Bản Đông giao hàng cho Trung đoàn 70 tại Mường Noòng. Để bảo đảm đủ hàng cho Đoàn 559 tại khu vực đường số 9, giai đoạn 1963 - 1964, Tổng cục Hậu cần quyết định tăng cường lực lượng cơ giới chuyển hàng trên đường số 129. Đoàn xe 245 được điều động vào Trường Sơn. Quyết định đưa một đơn vị cơ giới vào Trường Sơn đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quá trình tổ chức vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược.
Tiếp tục chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, tháng 3-1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson thông qua kế hoạch Johnson - McNamara, thực chất là tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của đế quốc Mỹ, tăng viện trợ hậu cần, kỹ thuật cho quân đội Sài Gòn, dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam và Lào nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế và làm nao núng quyết tâm giải phóng miền Nam, buộc miền Bắc phải ngừng chi viện cho miền Nam.
Chủ động, kịp thời đối phó với chiến tranh ngăn chặn địch, trên tuyến chiến lược 559, từ sau Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3-1964), Trung ương Đảng chủ trương hậu phương phải tăng cường dồn sức cho miền Nam, chuẩn bị phát triển phương thức vận tải cơ giới. Trung đoàn công binh 98 (Cục Công binh) được lệnh tăng cường cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường cơ giới.
Ngày 05-8-1964, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên miền Bắc và đánh phá một số vị trí trên tuyến hành lang Trường Sơn. Nhiệm vụ ngày càng lớn và khẩn trương, Đoàn 559 đứng trước khó khăn mới. Đoàn 559 tập trung sức bảo đảm cầu đường trên các cung vận tải cơ giới từ Mường Noòng vào Bạc và các trục đường ngang B45, B46. Bên cạnh đó, tháng 10-1964, Trung đoàn ô tô vận tải 256 được điều vào tăng cường cho Đoàn 559. Việc xuất hiện cả trung đoàn ô tô vận tải hàng trăm chiếc vượt rừng thọc sâu vào Bạc nhập tuyến thắng lợi, tăng thêm sức mạnh và động viên kịp thời đối với Bộ đội Trường Sơn.
Những năm 1965 - 1966, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân trên hai miền Nam - Bắc có những chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại, Ngụy quyền khủng hoảng nghiêm trọng, cách mạng miền Nam đứng trước thời cơ mới. Để cứu vãn, đế quốc Mỹ buộc thay đổi chiến lược. Tháng 02-1965, đế quốc Mỹ liên tiếp dùng không quân tăng cường đánh phá các tỉnh nam Quân khu 4, các đường dẫn vào tuyến chi viện 559, giao thông vận tải trở thành mặt trận chiến đấu quyết liệt. Nhu cầu chiến đấu ở chiến trường đòi hỏi thay đổi phương thức hoạt động. Ngày 03-4-1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư lệnh đoàn 559, đánh dấu bước phát triển mới của Đoàn 559, từ vận chuyển thô sơ chuyển sang vận chuyển cơ giới, từ quy mô các cấp sư đoàn lên quy mô một quân đoàn với những nhiệm vụ chiến lược vô cùng khó khăn, phức tạp trên một địa bàn sâu và rộng.
Theo phương thức hoạt động mới, Đoàn 559 tổ chức thành ba tuyến, bao gồm các lực lượng ô tô vận tải, lực lượng công binh mở đường, lực lượng thanh niên xung phong gùi thồ, lực lượng bộ binh, giao liên, lực lượng cao xạ, cả đường dọc và đường ngang. Phát hiện sự phát triển mới của tuyến chi viện chiến lược, lực lượng không quân Mỹ càng ráo riết hoạt động ngăn chặn. Trước đòi hỏi của tình hình mới, Bộ Tư lệnh 559 gấp rút tập hợp, tổ chức lực lượng. Qua bảy tháng thực hiện đưa cơ giới vào vận chuyển trên tuyến Trường Sơn nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 vượt qua thử thách, tổ chức bảo đảm hành quân, đánh địch bảo vệ an toàn hành lang, bước đầu hình thành tổ chức làm nhiệm vụ chi viện chiến lược bằng vận chuyển cơ giới.
Tháng 6-1966, đế quốc Mỹ đã leo nấc thang mới rất nghiêm trọng, ném bom một số mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng ở Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng. Trước những hành động đó của đế quốc Mỹ, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quân và dân cả nước: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”(3). Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.
Mùa khô 1967 - 1968, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ thị tuyến 559 vừa thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, vừa vận chuyển chiến dịch, khi cần thì làm cả nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến đấu. Thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tích cực, chủ động đề ra nhiều biện pháp tổ chức thực hiện. Do đánh giá đúng tình hình, chủ động chuẩn bị thế trận và kế hoạch đối phó, trên toàn tuyến, các binh chủng hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, bảo vệ an toàn các đội hình xe vượt trọng điểm.
Những cung đường khói lửa
Sau thất bại bởi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta trong tết Mậu Thân năm 1968, ngày 01-11-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp thuận họp Hội nghị bốn bên tại Paris để đàm phán về vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh bằng chiến lược mới với tên gọi “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng thời mở rộng chiến tranh xâm lược Lào và Campuchia nhằm cô lập miền Nam Việt Nam. Nhằm chặn đứng bằng được hoạt động tiếp tế trên đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ huy động lực lượng không quân tập trung đánh phá tuyến 559 ác liệt. Mặc dù địch đánh phá mạnh với âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt và những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhưng chúng không thể ngăn được quyết tâm sắt đá, tinh thần dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn trong giữ vững tuyến chi viện chiến lược, liên tục giành thắng lợi to lớn trong nhiệm vụ vận chuyển, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân của Sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ” của đế quốc Mỹ ra vùng căn cứ Trị - Thiên, tham gia Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị).
Ngày 18-3-1970, đế quốc Mỹ tiếp tay cho tập đoàn phản động Lon Nol - Sirik Matak đảo chính lật đổ chính phủ, xóa bỏ chế độ trung lập của Campuchia. Tiếp tế đường biển của ta bị cắt đứt, các cơ sở hậu cần của chiến trường miền Đông Nam Bộ hoạt động trên đất Campuchia phải rút vào bí mật, tuyến 559 ở hướng này gặp khó khăn lớn. Ý thức sâu sắc trách nhiệm to lớn, các lực lượng tuyến 559 nỗ lực cao độ, vượt qua bom đạn, vận chuyển giao cho chiến trường vượt khối lượng Bộ giao.
Để thống nhất thành một chiến trường, nhằm đối phó với mọi âm mưu của địch ngăn chặn từ trên không và mặt đất, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược, củng cố và mở rộng vùng giải phóng của bạn, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế một cách toàn diện, ngày 29-7-1970, Quân ủy Trung ương quyết định sáp nhập Đoàn 968 quân tình nguyện và Đoàn chuyên gia quân sự 565 ở Trung Hạ Lào vào Đoàn 559, đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ đội Trường Sơn đã phối hợp với quân, dân bạn mở các chiến dịch giải phóng một vùng rộng lớn ở Trung Hạ Lào, từ Savannakhet đến Saravane, Attapeu, Boloven. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, quân ngụy Sài Gòn - lực lượng nòng cốt thực hiện “Học thuyết Nixon” ở Đông Dương bị tiêu diệt.
Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước Đông Dương trong xuân hè năm 1971 đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trong cục diện chiến tranh. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ bị thất bại một bước nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, Mỹ - Ngụy ra sức đánh phá vùng giải phóng và hành lang chi viện chiến lược của ta bằng không quân và biệt kích nhằm hạn chế tới mức tối đa sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.
Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1971) chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên bàn đàm phán trong thế thua.
Trước đòn tiến công chiến lược mùa Xuân 1972 của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn cuộc đàm phán ở Paris, đồng thời huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân với khối lượng bom đạn gấp hai lần so với trước, mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, hòng cứu nguy cho quân đội Sài Gòn. Âm mưu của đế quốc Mỹ là triệt ngay từ gốc nguồn chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, làm giảm sức tiến công của ta trên chiến trường, buộc ta phải chấp nhận những giải pháp mà đế quốc Mỹ đưa ra tại Hội nghị Paris.
Trước âm mưu và hành động mới của địch, Trung ương Đảng quyết định: Tiếp tục tiến công chiến lược ở miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc, chống địch phong tỏa, tập trung sức thực hiện nhiệm vụ đột xuất là giao thông vận tải chi viện chiến trường.
Ngày 27-01-1973, Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn của quân và dân ta tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam và là thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ. Cũng trong tháng 01-1973, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp đề ra nhiệm vụ mới của các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó tập trung xây dựng căn cứ địa vùng giải phóng vững mạnh ở miền Nam, sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi âm mưu phá hoại hiệp định gây lại chiến tranh của địch, tích cực xây dựng quân đội.
Quán triệt Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, chủ yếu là vận chuyển chiến lược kết hợp với nhiệm vụ vận chuyển chiến dịch. Vừa chở bộ đội và bảo đảm hành quân cho các binh chủng, vừa vận chuyển hàng quân sự và hàng dân sinh cho vùng giải phóng miền Nam, cho các căn cứ cách mạng Lào và Campuchia. Trong xây dựng hệ thống đường chiến lược, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tập trung xây dựng một cách cơ bản đường phía Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ - Nghệ An đến Chơn Thành - Bình Phước thành con đường quốc lộ xuyên Bắc - Nam.
Tháng 10-1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn chủ trương chiến lược hai năm 1974 - 1975. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ đội Trường Sơn bước vào thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở một thế trận chi viện chiến lược đã triển khai khá toàn diện, vững chắc, ngày 25-11-1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát lệnh mở màn chiến dịch vận tải, với quyết tâm: Cả Trường Sơn vào trận. Khẩu hiệu thi đua “Tất cả cho chiến trường đánh to, thắng lớn”, “Hàng nào cũng chở, tuyến đường nào cũng đi, đã đi là thắng lợi”. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, bằng những giải pháp khoa học, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển một khối lượng lớn lực lượng, vũ khí, trang bị, xăng dầu, vật chất đáp ứng yêu cầu của chiến trường mở các chiến dịch lớn.
Ngày 06-01-1975, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, khẳng định bộ đội chủ lực của ta đã trưởng thành vượt bậc, có đủ khả năng chiến đấu tiêu diệt hoàn toàn quân chủ lực của địch. Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 08-01-1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, xác định và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược, gấp rút, chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976.
Trong khi toàn tuyến đang ráo riết chuẩn bị triển khai kế hoạch đã định, ngày 15-01-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh tham gia Chiến dịch Tây Nguyên với nội dung bảo đảm làm đường chiến dịch, bảo đảm lương thực, xăng dầu và tham gia tác chiến chiến dịch. Ngày 25-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp nhận định: Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi.
Trong thời điểm “Cả nước cùng ra trận”, ngày 07-4-1975, Bộ Tư lệnh tiền phương nhận điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”(4). Cả Trường Sơn được huy động vào trận, sục sôi quyết tâm giành thắng lợi. Ngày 30-4-1975, con đường Trường Sơn với nhiệm vụ thiêng liêng thực hiện chi viện chiến lược của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, thần tốc tiến về cùng quân và dân giải phóng Sài Gòn. Miền Nam được giải phóng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của Bộ đội Đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Đây là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chiến đấu ngoan cường của toàn thể cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân chủng, binh chủng của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh./.
-----------------
(1) Xem thêm: Trường Sơn: Đường khát vọng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009
(2) Các dữ kiện lịch sử sử dụng trong bài viết do Bộ Tư lệnh Binh đoàn 2, Bộ Quốc phòng cung cấp trong Tài liệu tuyên truyền 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2019), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2019
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 131
(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1306
Tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính  (16/04/2019)
Tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính  (16/04/2019)
Thủ tướng Romania Viorica Dancila đón và hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  (15/04/2019)
Đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII làm việc tại Khánh Hòa  (15/04/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên