Các kỳ Hội nghị cấp cao ASEAN
2. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 2 được họp tại Cua-la-lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) từ ngày 4 đến ngày 5-8-1977. Hội nghị đã ra thông cáo chung nhấn mạnh việc tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế với Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Khối Thị trường chung châu Âu nhưng sẽ dành cho Nhật Bản “một vị trí đặc biệt”. Hội nghị cũng đạt được hai kết quả quan trọng là chính thức hình thành cơ chế đối thoại giữa ASEAN với các nước công nghiệp phát triển nhằm nâng cao vai trò của ASEAN trong cộng đồng quốc tế và cơ cấu lại Ủy ban hợp tác ASEAN để chuẩn bị cho việc mở rộng hợp tác ASEAN ra mọi lĩnh vực.
3. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 3 họp tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) từ ngày 14 đến ngày 15-12-1987. Hội nghị đã thông qua nhiều văn bản quan trọng như Tuyên bố Ma-ni-la năm 1987, bày tỏ quyết tâm của các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy và củng cố đoàn kết và hợp tác khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào hợp tác ASEAN; Nghị định thư Ma-ni-la, sửa đổi Điều 14 và Điều 18 của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á để các nước ngoài khu vực có thể tham gia; cũng như thông Hiệp ước Khuyến khích vào bảm đảm đầu tư ASEAN và Nghị định thư về mở rộng danh mục thuế ưu đãi theo Thỏa thuận ưu đãi thương mại ASEAN (PTA). Ngoài ra, Hội nghị quyết định thành lập cơ chế Hội nghị liên Bộ trưởng (JMM) bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế và Thể chế hóa các cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) và cuộc họp các quan chức cao cấp về kinh tế (SEOM).
4. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Xin-ga-po từ ngày 27 đến ngày 28-1-1992. Hội nghị đã thông qua những văn kiện và quyết định quan trọng: Tuyên bố Xin-ga-po năm 1992, khẳng định quyết tâm của ASEAN đưa sự hợp tác chính trị và kinh tế lên tầm cao hơn và mở rộng hợp tác sang lĩnh vực hợp tác an ninh; Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN, trong đó nổi bật là ba nguyên tắc: hướng ra bên ngoài; cùng có lợi và linh hoạt đối với sự tham gia vào các dự án, chương trình của các nước thành viên; xác định 5 lĩnh vực hợp tác cụ thể là thương mại, công nghiệp - năng lượng - khoáng sản, nông - lâm - ngư - nghiệp, tài chính - ngân hàng, vận tải - liên lạc và du lịch; cũng như thông qua Hiệp định về Chương trình ữu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) quy định cụ thể các biện pháp và các giai đoạn giảm thuế nhập khẩu tiến tới thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do Thương mại ASEAN (AFTA). Ngoài ra, Hội nghị còn quyết định Hội nghị Cấp cao sẽ họp 3 năm một lần, đồng thời quyết định thành lập Hội đồng AFTA, giao cho SEOM giám sát các hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN, nâng cấp Tổng thư ký ASEAN lên hàm Bộ trưởng.
5. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5 được tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) từ ngày 14 đến ngày 15-12-1995. Hội nghị đã thông qua: Tuyên bố Băng Cốc năm 1995, khẳng định rõ ý chí về một Đông Nam Á hợp tác, thống nhất và phát triển đa dạng trong khuôn khổ Hiệp hội, mong muốn hợp tác trên các lĩnh vực giao lưu quốc tế và hợp tác chuyên ngành cũng như Hiệp ước về một khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Hiệp ước này được coi là một văn kiện quan trọng tiến tới xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình ổn định. Bên cạnh đó, Hội nghị đã thống nhất nâng cao hợp tác chuyên ngành lên tầm cao mới, ngang với hợp tác chính trị - an ninh - kinh tế nhằm thông qua phát triển con người, đoàn kết xã hội để đạt sự thịnh vượng chung cho cả khu vực cũng như rút ngắn thời gian thực hiện AFTA từ 15 năm xuống còn 10 năm, thậm chí có thể hoàn thành trước thời hạn 2003 và mở rộng hợp tác ASEAN sang lĩnh vực mới như dịch vụ, sở hữu trí tuệ, lập khu vực đầu tư ASEAN...
6. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 họp tại Hà Nội (Việt Nam) từ ngày 16 đến ngày 17-12-1998. Với chủ đề “Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều”, Hội nghị đã thông qua: Tuyên bố Hà Nội, thông qua Chương trình Hành động Hà Nội và Tuyên bố về các biện pháp mạnh mẽ (nhằm cải thiện môi trường đầu tư ASEAN). Hội nghị cũng đã ký 4 Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, đồng thời Hội nghị cũng ra quyết định kết nạp Cam-pu-chia làm thành viên thứ 10 của ASEAN và giao cho các Ngoại trưởng ASEAN tiến hành lễ kết nạp đặc biệt tại Hà Nội.
7. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 7 họp tại Ban-đa Xê-ri Bê-gao-an (Bru-nây) từ ngày 5 đến ngày 6-11-2001. Với chủ đề “Đẩy nhanh liên kết ASEAN và tương lai phát triển của ASEAN”. Hội nghị khẳng định lại Chương trình hành động Hà Nội vẫn là định hướng quan trọng để thực hiện Tầm nhìn ASEAN; đẩy mạnh liên kết ASEAN, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; tập trung trao đổi vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển, giúp các thành viên mới. Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố chung chống khủng bố và đưa ra quyết định, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ được tổ chức thường niên.
8. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 được tổ chức tại Phnôm-pênh (Cam-pu-chia) từ ngày 4 đến ngày 5-11-2002 với chủ đề chính là “Hướng tới một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á”. Hội nghị đã thông qua: Tuyên bố chung về chống khủng bố và Hiệp định Du lịch ASEAN (T-ASEAN). Nhân dịp này, cuộc họp Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên được tổ chức và các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cuộc họp này sẽ được tổ chức hằng năm. Cũng trong dịp này, hai bên đa ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ, trong đó có lộ trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ (FTA) và Chương trình Thu hoạch sớm. Ấn Độ cũng chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
9. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 họp tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) từ ngày 7 đến ngày 8-10-2003. Với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng kinh tế và an ninh ASEAN”, Hội nghị đã ra Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Ba-li II) nhằm đưa ra những định hướng chiến lược lớn của ASEAN với mục tiêu thành lập một cộng đồng ASEAN liên kết mạnh, tự cường vào năm 2020 với ba trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng An ninh ASEAN -ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC) và hợp tác xã hội - văn hóa (Cộng đồng xã hội - văn hóa ASEAN - ASCC). Tại Hội nghị, Trung Quốc chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) của ASEAN. Nhật Bản cũng ký với ASEAN Khuôn khổ Đối tác Kinh tế toàn diện (CEP), cụ thể hóa các bước đi xây dựng CEP, trong đó có Khu kinh tế Tự do ASEAN - Nhật Bản.
10. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Viêng Chăn (Lào) từ ngày 28 đến ngày 30-11-2004. Hội nghị đã thông qua: Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP) nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; thông qua Kế hoạch Hành động xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (AEC). Ngoài ra, Hội nghị đã nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ I (EAS-1) vào năm 2005 tại Ma-lai-xi-a. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ X, lần đầu tiên đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối ngoại. Các vị lãnh đạo các bên đã ký Tuyên bố chung của các Lãnh đạo nhân dịp Cấp cao kỷ niệm ASEAN với Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân” cũng như đề ra các phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ đối ngoại trong thời gian tới. Tại Hội nghị lần này, Hàn Quốc và Nga cũng chính thức tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).
11. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11 họp tại Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) từ ngày 11 đến ngày 14-12-2005 với chủ đề “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. Hội nghị lần này đã thông qua Tuyên bố Cua-la Lăm-pơ về Xây dựng Hiến chương ASEAN, đề ra phương hướng và nguyên tắc chỉ đạo cho quá trình xây dựng Hiến chương. Theo đó, thành lập và giao nhiệm vụ cho Nhóm các nhân vật nổi tiếng (EPG) nghiên cứu và đề xuất những khuyến nghị thực tiễn cho việc xây dựng Hiến chương và sau này sẽ lập Nhóm soạn thảo Hiến chương. Nhân dịp này, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần I (EAS-1) được tổ chức và là bước tiến phát triển mới có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy xu thế đối thoại, hợp tác vì phát triển ở khu vực, thể hiện tính năng động và vai trò quan trọng của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo 16 nước tham dự EAS-1 (gồm 10 nước thành viên ASEAN, Ốt-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Di-lân) đã ký Tuyên bố về EAS để xác định phương hướng và khuôn khổ cho EAS, xác định EAS là diễn đàn để đối thoại và hợp tác về các vấn đề lớn cùng quan tâm như chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, coi đây là tiến trình mở với ASEAN đóng vai trò chủ đạo, bổ sung và hỗ trợ cho các diễn đàn khu vực hiện có, họp hằng năm do ASEAN chủ trì nhân dịp Cấp cao ASEAN, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét để hoàn thiện một số vấn đề cụ thể liên quan. Cấp cao ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã ký Tuyên bố chung khẳng định lại tầm quan trọng của tiến trình ASEAN+3, coi đây là công cụ chính cho việc xây dựng Cộng đồng Đông Á (EAC).
12. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 họp tại Xê-bu (Phi-líp-pin) từ ngày 12 đến ngày 15-1-2007 với chủ đề “Một cộng đồng đùm bọc và chia sẻ”. Hội nghị đã ký kết và thông qua các văn kiện như Công ước ASEAN về Chống khủng bố, Tuyên bố Xê-bu về Đề cương xây dựng Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động nhập cư, Tuyên bố Xê-bu về Hướng tới một Cộng đồng đùm bọc và chia sẻ, Tuyên bố Xê-bu về Đẩy nhanh thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Tuyên bố của Phiên họp đặc biệt Cấp cao ASEAN-12 về HIV/AIDS, Tuyên bố về WTO. Tại Hội nghị Cấp cao, ASEAN+3, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình hợp tác ASEAN+3, nhất trí với Tuyên bố chung lần 2 về Hợp tác Đông Nam Á với nội dung đề ra những định hướng toàn diện cho tiến trình ASEAN+3 và hợp tác Đông Á. Trong dịp này, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần 2 đã tập trung thảo luận về hợp tác an ninh năng lượng và trao đổi ý kiến về phương hướng triển khai các hoạt động trong khuôn khổ EAS.
13. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 họp tại Xin-ga-po từ ngày 19 đến ngày 22-11-2007 với chủ đề “Một ASEAN trong trái tim châu Á năng động”. Hội nghị đã thông qua Hiến chương ASEAN, tạo cơ sở pháp lý và thể chế cho Hiệp hội gia tăng liên kết khu vực, trước hết là hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; thông qua Đề cương Cộng đồng Kinh tế và nhất trí sớm hoàn tất Đề cương Cộng đồng chính trị - an ninh và văn hóa - xã hội để thông qua tại Cấp cao ASEAN - 14; thông qua Tuyên bố ASEAN về môi trường bền vững; Tuyên bố ASEAN về Hội nghị lần thứ 13 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Tại Cấp cao ASEAN+3, lãnh đạo các nước ASEAN+3 đã ký Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á lần 2 và Kế hoạch hành động về tiến trình ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần 3, lãnh đạo các nước tham gia đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên 5 lĩnh vực ưu tiên: năng lượng, tài chính, giáo dục, thiên tai và dịch bệnh, thúc đẩy liên kết kinh tế, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các nước cũng ký Tuyên bố Xin-ga-po về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.
14. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 sẽ được tổ chức tại Cha Am - Hua Hin, (Thái Lan) từ ngày 28-2 đến ngày 1-3-2009, với chủ đề "Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN". Hội nghị tập trung bàn phương hướng và biện pháp để triển khai Hiến chương ASEAN; tăng cường liên kết ASEAN và quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài; bàn phương hướng và biện pháp xử lý những thách thức đang nổi lên, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, an ninh lương thực, năng lượng và quản lý thiên tai; trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN ký, thông qua nhiều Tuyên bố, Hiệp định và Báo cáo quan trọng. Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 lần này diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn góp phần tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, bảo đảm vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; thúc đẩy hơn nữa liên kết nội khối ASEAN, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương ASEAN; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN./.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội  (01/03/2009)
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội  (01/03/2009)
Vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, chia sẻ  (28/02/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị ASEAN 14  (28/02/2009)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 796 (2-2009)  (28/02/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên