Xuất khẩu sản phẩm rau quả: nhận diện đúng để phát triển bền vững
TCCSĐT - Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong những năm qua, năm 2017, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc và đã vươn lên nhóm 4 mặt hàng nông, lâm, thủy sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của nông nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả đạt 3,45 tỷ USD
Có thể nói năm 2017 là năm bứt phá của ngành hàng rau quả trong bức tranh tổng thể của nông nghiệp Việt Nam, khi xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra. Đây là mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay của ngành hàng rau quả.
Không chỉ đạt dấu ấn tăng trưởng cao kỷ lục, đây cũng là năm đầu tiên ngành rau quả đã xuất siêu gần 2 tỷ USD, góp phần làm tăng giá trị trong ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Với mức tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu rau quả hiện không những qua mặt mà còn vượt xa một số mặt hàng nông sản chủ lực khác như gạo, cao su, chè, hạt điều...
Nếu so sánh với nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô” (gồm những mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD/năm trở lên). Cụ thể, năm 2012, trong nông nghiệp có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên là thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, khi đó giá trị xuất khẩu rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 1,07 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt mức kim ngạch tỷ đô và lọt vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô. Tuy “đi sau”, nhưng từ đó rau quả đã nhanh chóng vượt qua những mặt hàng xuất khẩu khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị xuất khẩu; năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su; năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị xuất khẩu. Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD. Đồng thời, với giá trị xuất khẩu như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong Top những mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam.
Điều đó cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong xuất khẩu rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh giá trị xuất khẩu do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường.
Tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường xuất khẩu
Trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, Trung Quốc đứng vị trí đầu tiên khi chiếm tới 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, trong năm 2017, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2015 - là năm lần đầu xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).
Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2017, đó là Nhật Bản chiếm 3,7%, Mỹ 3%, Hàn Quốc 2,6%. Và nhìn chung phần lớn các thị trường xuất khẩu của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2016, trong đó các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (70,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (57,4%) và Trung Quốc (54,9%).
Một điểm đáng chú ý nữa là rau quả Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU… đang tăng trưởng tốt, dù thị phần tại những thị trường này còn khá nhỏ bé. Trái cây tươi từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 3% và vẫn kém cạnh tranh so với các nước ở khu vực châu Mỹ bởi các chi phí vận chuyển, bảo quản, xử lý chiếu xạ… còn cao. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ, là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Trong khi đó, ở thị trường EU, thị phần của rau quả Việt Nam cũng rất khiêm tốn, chỉ mới chiếm 0,4%. Tuy nhiên, nếu làm tốt về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, bảo quản…, rau quả nhiệt đới Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng thị phần tại Mỹ, EU.
Bên cạnh đó, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh…
Nhận diện đúng để phát triển bền vững
Kết quả đáng mừng trên cho thấy, sản phẩm rau quả của Việt Nam đang đi từng bước vững chắc trong hành trình xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nông sản chủ lực truyền thống liên tiếp gặp khó khăn, thị trường thu hẹp, bước tiến ngoạn mục của rau quả đã góp phần không nhỏ cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu rau, quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Muốn khắc phục, vấn đề nền tảng và quan trọng là ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực rau quả nói riêng cần thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất, đồng thời phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực dự báo thị trường xuất khẩu. Tiếp đến là phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở doanh nghiệp làm nòng cốt cùng với hợp tác xã, nông dân, tập trung yếu tố đầu vào áp dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống, tổ chức sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Và phải khắc phục được điểm yếu ở khâu chế biến rau quả, bởi hiện nay phần lớn rau quả vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thấp, vận chuyển khó khăn, tốn kém.
Xác định được khó khăn, thuận lợi sẽ là cơ sở quan trọng để ngành hàng rau quả phát triển bền vững, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực và hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020./.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu dự Chương trình “Xuân Doanh nhân với cộng đồng 2018”  (05/01/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam  (05/01/2018)
10 sự kiện nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong năm 2017  (05/01/2018)
Văn phòng Quốc hội phải đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu  (05/01/2018)
Thắt chặt tình đoàn kết và thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Indonesia  (05/01/2018)
89 tác phẩm vào chung khảo Giải báo chí về xây dựng Đảng lần thứ 2  (05/01/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên