Phòng, chống HIV/AIDS - Nỗ lực và thách thức

PGS, TS. Chung Á
16:01, ngày 29-12-2017

TCCSĐT - Hằng năm, Liên hợp quốc lấy ngày 01-12 là ngày toàn thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Năm nay, với chủ đề: “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường hơn một phần tư thế kỷ đầy cam go và khốc liệt đã qua, để thấy bằng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đã ngăn chặn sự lan nhiễm nhanh chóng của dịch bệnh nguy hiểm này ra cộng đồng.

Còn nhớ vào năm 1993, các nhà dịch tễ học quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã dự báo rằng, với việc đáp ứng đối với đại dịch HIV/AIDS và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta thời bấy giờ, đến năm 1998 Việt Nam sẽ có 570.000 ca nhiễm HIV/AIDS. Với dự báo như trên, Việt Nam đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hình thành hệ thống luật pháp phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, tăng cường bộ máy phòng, chống AIDS, đầu tư thích đáng cho công cuộc phòng, chống AIDS, và đặc biệt quan trọng là đã huy động mọi tầng lớp nhân dân, những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vào công cuộc phòng, chống AIDS.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống AIDS Việt Nam, tính đến tháng 5-2017, sau khi đã rà soát 8.772 người trùng lặp hoặc không tìm thấy, cả nước có 209.754 người nhiễm HIV đang còn sống. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, có 1.959 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS. Tính đến nay đã có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Như vậy, từ tháng 12-1990, kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Thành phố Hồ chí Minh, đến nay chúng ta đã phát hiện được 300.636 người nhiễm HIV/AIDS. Trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo, tỉ lệ nữ chiếm 24,7%, tỉ lệ nam chiếm 75,3%; khoảng 80% người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi từ 20 - 49 tuổi, độ tuổi trụ cột trong sinh sản và lao động làm ra của cải vật chất cho xã hội. Dịch HIV/AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm nhanh trong thời gian vừa qua, từ khoảng 9.000 ca nhiễm mỗi năm vào năm 2011, đến nay còn khoảng 3.500 - 4.000 ca mỗi năm, tuy nhiên nhóm lây truyền qua đường tình dục giảm chậm hơn từ khoảng 8.000 ca năm 2011 xuống 6.000 - 6.500 ca vào năm 2016, tỉ lệ nhóm lây truyền qua đường tình dục chiếm 57,8%, tỉ lệ nhóm lây truyền qua đường máu chiếm 31,9%, tỉ lệ nhóm mẹ truyền sang con chiếm 1,9%, không rõ chiếm 8,4%. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV ở Việt Nam tuy thu được những kết quả bước đầu, nhưng nếu không coi trọng việc phòng, chống đúng mức, dịch bệnh HIV/AIDS có chiều hướng lây lan ra cộng đồng dân cư bình thường, không còn tập trung chủ yếu trong nhóm nghiện chích hê-rô-in như những năm trước đây và vì vậy ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đáng chú ý là hiện nay, có 20 tỉnh phát hiện số người nhiễm HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ… Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những nơi được đầu tư nhiều nhất và được coi là những thành phố có công tác phòng, chống HIV/AIDS được tiến hành sớm nhất, có nhiều kinh nghiệm tốt nhất, thế nhưng hiện nay có số người nhiễm HIV mới được phát hiện chiếm tới 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước. Đặc biệt, một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu,… khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện thì số mới nhiễm HIV được phát hiện vẫn gia tăng. Một vấn đề khác nữa là trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây (tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016).

Mặc dù sự lan nhiễm HIV/AIDS trong vài năm trở lại đây có chiều hướng giảm dần ở cả ba tiêu chí là số người nhiễm HIV được phát hiện mới, số người chuyển qua giai đoạn AIDS và số tử vong do AIDS, nhưng kết quả ấy chưa có tính bền vững và vẫn còn những nhân tố nguy hiểm làm gia tăng HIV/AIDS trong thời gian sắp tới. Điều đó được nhận biết bởi các số liệu giám sát đến nay cho thấy, dịch HIV/AIDS đã xuất hiện và tồn tại ở 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 98% số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và trên 78% số xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đã có báo cáo về người nhiễm HIV/AIDS. Ở nước ta, từ trước cho tới nay không có dịch bệnh nào có mức độ lây nhiễm rộng khắp trên bình diện cả nước và kéo dài, chưa thể dập tắt dịch như dịch HIV/AIDS.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta phải kể đến những nỗ lực bước đầu trong việc điều trị liệu pháp điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là ARV) cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ sự hỗ trợ của quốc tế, như Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa kỳ (PEPFAR), Quỹ Toàn cầu, các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam - VAAC - US.CDC (Hoa Kỳ ), Cục Phát triển triển quốc tế - DFID (Vương Quốc Anh),… việc điều trị ARV đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành phố với 401 phòng khám điều trị ngoại trú ARV. Đáng chú ý là sự nỗ lực của Chương trình phòng, chống AIDS là mở rộng điều trị bằng ARV tại các trạm y tế xã/phường tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân dễ dàng tiếp cận điều trị. Đến nay đã có 7.844 bệnh nhân nhận thuốc ARV tại 562 trạm y tế xã/phường và trong trại giam. Tính đến hết tháng 6-2017 chúng ta đã điều trị cho 119.575 bệnh nhân HIV/AIDS, tăng gần 4.000 bệnh nhân so với năm 2016.

Trước tình hình viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống AIDS đang kết thúc dần ở Việt Nam, Chính phủ đã quyết định cho triển khai chuyển giao và kiện toàn các cơ sở điều trị ARV trên toàn quốc, tiến tới kê đơn điều trị ARV bằng thuốc bảo hiểm y tế từ tháng 01-2018. Đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm duy trì việc điều trị ARV suốt đời cho bệnh nhân, vừa có ý nghĩa nhân văn cao cả, vừa có ý nghĩa dự phòng lan nhiễm tích cực. Tính đến nay đã có 271 phòng khám điều trị ngoại trú ARV (chiếm 67,5%) đã ký hợp đồng bảo hiểm y tế, trong đó 151 phòng khám điều trị ngoại trú đã tiến hành thanh toán các phí dịch vụ, thuốc liên quan điều trị ARV cho bệnh nhân. Hiện tại còn 130 phòng khám ngoại trú chưa ký hợp đồng bảo hiểm y tế, trong đó 43 phòng khám tại tuyến huyện 1 chức năng, 20 phòng khám ngoại trú tại trung tâm phòng, chống AIDS cấp tỉnh, 25 phòng khám tại trung tâm y tế huyện 2 chức năng, 17 phòng khám ngoại trú tại bệnh viện huyện, 19 phòng khám điều trị ARV tại bệnh viện tỉnh. Điều đáng mừng là tỷ lệ bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế có xu hướng gia tăng ở phần lớn các tỉnh, và có tới 64% bệnh nhân HIV/AIDS đang tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các tỉnh, thành cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân để bảo đảm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không tham gia bảo hiểm y tế vì sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử do lộ danh tính, ngại chờ đợi khi phải khám bảo hiểm. Một số bệnh nhân khác do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Một số người do thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt nên có tiền cũng không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt trong năm qua nhiều tỉnh, thành đã cân đối ngân sách của địa phương để mua bảo hiểm y tế cấp cho người nhiễm HIV.

Hiện nay, Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS quốc gia cũng đang rà soát nhu cầu bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ những đối tượng này trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực để mua bảo hiểm y tế. Song song với việc điều trị ARV, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chưa đạt được số lượng người tham gia điều trị Methadone như chỉ tiêu do Chính phủ đề ra mặc dù chương trình điều trị Methadone được triển khai mở rộng tại 63 tỉnh thành phố. Đến nay cả nước đã thiết lập được 294 cơ sở điều trị Methadone và đến hết tháng 7-2017 đã điều trị được cho 52.034 bệnh nhân, đạt 65% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1008/QĐ-TTG.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, chúng ta tiếp tục mở rộng cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã ở 23 tỉnh có điều kiện đi lại khó khăn, chiếm 23% số bệnh nhân đang điều trị Methadone, một số tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,… có đến 40% - 50%. Nếu như những năm trước đây phải đi 50 đến 60km để uống thuốc hằng ngày thì nay được uống thuốc tại các trạm y tế xã. Trong số 294 cơ sở điều trị Methadone có 25 cơ sở điều trị Methadone do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý tại 16 tỉnh, thành phố. Năm 2015, chúng ta đã triển khai thí điểm điều trị Methadone cho 29 bệnh nhân trong trại giam Phú Xuân tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó 15 bệnh nhân đã ra trại. Chủ trương điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho phạm nhân trong các trại giam đã được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng, nhưng ở nước ta dù đã có quyết định của Chính phủ, đã tiến hành thí điểm trong một số tạm giam nhưng do một số trở ngại về quan điểm, về cách thức tiến hành nên đến nay vẫn chưa mở rộng được. Người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị Methadone bỏ trị có xu hướng gia tăng. Nhất là tại các tỉnh miền núi do sống xa cơ sở điều trị, bệnh nhân đi lại khó khăn nên không duy trì việc đến nhận thuốc hằng ngày. Nhiều địa phương có hiện tượng xung đột giữa chỉ tiêu cai nghiện, hoặc phạm tội trong quá trình điều trị Methadone nên nhiều người nghiện đang điều trị Methadone bị bắt đi cai nghiện tập trung hay đi tù. Mặc dù việc điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone cho kết quả tốt nhưng do vị trí địa lý ở nhiều địa phương đi lại xa xôi, ảnh hưởng đến việc làm ăn, sinh hoạt và điều trị nên trong thời gian tới, Bộ Y tế dự kiến sẽ thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenophine. Đây là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Liều thấp được sử dụng để điều trị đau cấp và mạn tính; liều cao được sử dụng để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp. Thời gian bán hủy kéo dài (từ 20 - 73 giờ), nên kéo dài thời gian tác dụng của thuốc, do đó bệnh nhân chỉ cần uống thuốc 3 - 4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho một tuần và hầu như không gây tăng dung nạp.

Theo báo cáo của nhiều nước trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, ngành y tế phấn đấu triển khai điều trị Buprenorphine cho khoảng 500 bệnh nhân tại một số tỉnh miền núi (Điện Biên, Nghệ An, Sơn La) trong năm 2017. Năm 2018 tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân (Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu); tổ chức điều trị Buprenorphine lồng ghép vào hệ thống Methadone sẵn có.

Trong năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PREP) cho nhóm có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM). Đây là hoạt động thí điểm để xác định nhu cầu và cách thức triển khai mở rộng trên toàn quốc trong tương lai. Chương trình phòng, chống AIDS quốc gia cũng đang tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đặc biệt ở 15 tỉnh, thành phố có tình hình dịch cao. Triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng. Đồng thời, mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh, thành phố trọng điểm (Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai). Điều này sẽ giảm thời gian chờ đợi trả kết quả xét nghiệm khẳng định cho bệnh nhân cũng như không phải vận chuyển mẫu máu đi xa.

Một trong những khó khăn của Chương trình Phòng, chống AIDS của nước ta hiện nay là sự thiếu hụt về kinh phí. Trong những năm trước đây, phòng, chống AIDS là một chương trình mục tiêu quốc gia riêng biệt nên kinh phí được cung cấp khá đầy đủ và kịp thời. Nhưng hiện nay ngân sách quốc gia phân bổ cho phòng, chống AIDS thông qua Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số cấp đợt 1 năm 2016 là 120 tỷ được triển khai từ đầu năm 2017, trong đó 60 tỷ mua thuốc Methadone, Buprenophine, ARV; 60 tỷ còn lại cấp cho các địa phương và trung ương để triển khai các hoạt động phòng, chống AIDS. Tuy nhiên, đến nay kinh phí đợt 2 năm 2016 và kinh phí năm 2017 chưa được cấp phát nên việc triển khai các hoạt động chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến tháng 9-2017 mới có 54 tỉnh phê duyệt ngân sách địa phương thực hiện đề án bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống AIDS.

Về kinh phí hỗ trợ quốc tế cho phòng, chống AIDS đang giảm rất nhanh. Kinh phí do Chương trình PEPFAR (Hoa Kỳ) hỗ trợ giảm 40% so với 2016, và năm 2018 sẽ cắt kinh phí hỗ trợ trực tiếp gồm thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, các hỗ trợ về nhân lực. Kinh phí Quỹ Toàn cầu sẽ kết thúc giai đoạn vào cuối năm 2017 và đang chờ đàm phán. Sự cắt giảm nguồn lực tài chính của các dự án hỗ trợ quốc tế và nguồn ngân sách quốc gia bao gồm cả nguồn ngân sách trung ương và địa phương đã làm cho mức độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống AIDS vẫn còn hạn chế. Tất cả các lĩnh vực dự phòng, can thiệp giảm tác hại, giám sát và xét nghiệm, điều trị ARV và điều trị thay thế đều chưa đạt được các chỉ tiêu do Chính phủ đề ra do đó rất khó khống chế được dịch bệnh HIV/AIDS.

Nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trong suốt một thập kỷ qua chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế. Kể cả nguồn tài chính quốc tế và quốc gia trong 10 năm (từ 2007 đến 2017) đã đầu tư bình quân khoảng trên 1 USD/ đầu người trong đó gần 80% do viện trợ quốc tế, nay đang bị cắt giảm mạnh làm cho ngân sách đầu tư thực tế cho công tác phòng, chồng HIV/AIDS ở nước ta giảm nhanh chóng.

Việc chuyển giao dịch vụ HIV/AIDS từ nhà tài trợ sang cho quốc gia từ cơ sở dự phòng sang cơ sở điều trị ít nhiều thay đổi quy trình, thủ tục hành chính đã ảnh hưởng đến việc duy trì điều trị ARV của bệnh nhân HIV/AIDS, nhiều nhân viên y tế trong hệ thống điều trị y tế được chuyển giao chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc, điều trị ARV, nên ảnh hưởng đến chất lượng điều trị ARV. Việc chi trả lương hoặc phụ cấp cho những người tham gia cung cấp dịch vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong nhiều năm qua do kinh phí của các dự án quốc tế chi trả, nay bị cắt giảm do đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực. Nhân lực thay thế chưa được đào taọ về chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức cần thiết liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều cán bộ ở các trung tâm phòng, chống AIDS tuyến tỉnh chưa an tâm công tác trước chủ trương sát nhập các trung tâm phòng, chống AIDS vào các trung tâm kiểm soát dịch bệnh…

HIV/AIDS hiện nay vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số lũy tích HIV dương tính tiếp tục tăng cao, đến nay có trên 200.000 người HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm có trên 10.000 nhiễm HIV mới được phát hiện và có đến 2.000 - 3.000 tử vong do AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Đặc biệt do những hạn chế về nguồn lực, việc truyền thông thay đổi hành vi không được duy trì và thực hiện như những năm trước đây nên nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Với chủ đề năm nay là “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”, Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới hưởng ứng mục tiêu 90-90-90. Thực hiện mục tiêu này là “đầy thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm thực hiện bằng được vì không chỉ phục vụ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định, phát triển đất nước”. Mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới năm 2020 bao gồm 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược cần đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030./.